Đau đầu chùm là bệnh có diễn biến chu kỳ với triệu chứng đau đột ngột, dữ dội. Nguyên nhân sâu xa được cho là do ảnh hưởng của vùng dưới đồi. Ngoài ra, các loại thuốc và rượu bia cũng có thể góp phần làm tăng mức độ trầm trọng của cơn đau đầu chùm.
1. Tổng quan về đau đầu chùm
Đau đầu chùm được cho là cơn đau gây đau đớn nhất trong các loại đau đầu. Nó xảy ra theo từng giai đoạn, thường xuất hiện vào giữa đêm với tính chất dữ dội ở hoặc xung quanh một bên mắt hoặc một bên đầu.
Đau đầu chùm ở giai đoạn kịch phát có tính chất xuất hiện với tần suất cao và kéo dài dai dẳng từ vài tuần đến vài tháng. Theo sau đó là giai đoạn thuyên giảm, khi cơn đau đầu tạm thời chấm dứt. Thời gian thuyên giảm có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.
Đau đầu chùm rất hiếm khi xảy ra và không nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay, các phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào việc làm giảm thời gian đau, mức độ nghiêm trọng và tần suất xuất hiện cơn đau.
2. Triệu chứng đau đầu chùm
2.1. Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp
Đau đầu chùm xuất hiện đột ngột, thường không có dấu hiệu báo trước, mặc dù một số người vẫn xuất hiện buồn nôn và chóng mặt giống với dấu hiệu cảnh báo đau nửa đầu. Các dấu hiệu và triệu chứng đau đầu chùm thường gặp bao gồm:
- Cơn đau dữ dội thường nằm tại, phía trong hoặc xung quanh của một bên mắt, cơn đau có thể lan tới các khu vực khác trên khuôn mặt, đầu và cổ.
- Đau một bên đầu
- Bồn chồn không yên
- Chảy nước mắt nhiều
- Đỏ mắt ở bên đau
- Nghẹt hoặc chảy nước mũi ở bên đau
- Đổ mồ hôi ở trán hoặc trên mặt ở bên đau
- Da mặt nhợt nhạt hoặc đỏ ửng lên
- Quầng mắt ở bên đau
- Sụp mí mắt ở bên đau
Đau đầu chùm thường biểu hiện cơn đau dữ dội hơn chứng đau nửa đầu. Nó có thể khiến người bệnh ngồi ôm đầu khi cơn đau tăng đột ngột. Bên cạnh đó, hai loại đau đầu này cũng có vài điểm tương đồng như nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng.
2.2. Đặc điểm giai đoạn kịch phát trong đau đầu chùm
Giai đoạn kịch phát trong cơn đau đầu chùm thường kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, thậm chí là một năm. Đau đầu chùm thường xảy ra vào giai đoạn cụ thể trong năm, chẳng hạn như mỗi mùa xuân hoặc mỗi mùa thu.
Cơn đau có thể tạm thời chấm dứt lên tới một năm trước khi cơn đau đầu chùm khác xuất hiện. Đau đầu chùm mãn tính xảy ra khi cơn đau đầu kéo dài trên một năm hoặc thời gian giãn cách giữa các cơn đau chỉ vỏn vẹn dưới 1 tháng trước khi bắt đầu giai đoạn kịch phát mới.
Trong khoảng thời gian kịch phát, các triệu chứng đau đầu chùm sau thường xuất hiện:
- Cơn đau đầu thường xảy ra mỗi ngày, đôi khi vài lần một ngày
- Cơn đau đột ngột có thể kéo dài từ 15 phút đến 3 giờ
- Các cơn đau thường xảy ra vào cùng một thời điểm mỗi ngày
- Hầu hết các cơn đau xảy ra vào ban đêm, thường là 1 - 2 giờ sau khi đi ngủ
Cơn đau thường kết thúc đột ngột với cường độ giảm nhanh chóng. Sau cơn đau, hầu hết mọi người đều không còn cảm thấy đau nhưng kiệt sức.
2.3. Đau đầu chùm khi nào cần đi khám bác sĩ?
Bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn và chữa trị khi cơn đau đầu chùm đang ở giai đoạn đầu hoặc giai đoạn tiến triển nghiêm trọng. Điều trị ngay ở giai đoạn đầu sẽ đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời loại trừ các rối loạn bệnh lý tiềm ẩn. Điều trị ở giai đoạn nặng nhằm xác định có hay không các mối nguy cơ có khối u não hoặc phình động mạch não. Ngoài ra, bạn cũng cần đi khám nếu tính chất cơn đau thay đổi.
Nếu xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng dưới đây, bạn cần đi khám khẩn cấp:
- Cơn đau đầu có tính chất đột ngột, dữ dội, thường được mô tả như sét đánh
- Đau đầu kèm theo sốt, buồn nôn hoặc nôn, cứng cổ, rối loạn tâm thần, co giật, liệt hoặc khó nói, có thể là dấu hiệu của bệnh đột quỵ, viêm màng não, viêm não hoặc u não
- Đau đầu sau chấn thương đầu, ngay cả khi đó là một cú ngã hoặc va chạm nhẹ, đặc biệt là nếu cơn đau trầm trọng dần theo thời gian
- Đau đầu đột ngột, dữ dội hơn những cơn đau trước rất nhiều
- Đau đầu trở nên tồi tệ hơn trong nhiều ngày và thay đổi tính chất đau
3. Nguyên nhân đau đầu chùm
Nguyên nhân gây đau đầu chùm vẫn chưa được biết, nhưng các kiểu đau đầu chùm cho thấy nó có liên quan đến các bất thường trong đồng hồ sinh học của cơ thể được điều khiển bởi vùng dưới đồi.
Không giống với chứng đau nửa đầu và đau đầu do căng thẳng, đau đầu chùm thường không liên quan đến các yếu tố kích thích như thực phẩm, rối loạn nội tiết tố hoặc căng thẳng tâm lý.
Tuy nhiên, khi giai đoạn kịch phát bắt đầu, uống rượu có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của cơn đau. Do đó, những người bị đau đầu chùm nên tránh uống rượu trong khoảng thời gian xảy ra cơn đau đầu kịch phát.
Các tác nhân có thể khác bao gồm sử dụng các loại thuốc như nitroglycerin, một loại thuốc dùng để điều trị bệnh tim mạch.
4. Các yếu tố nguy cơ gây đau đầu chùm
Các yếu tố nguy cơ gây đau đầu chùm bao gồm:
- Giới tính: Đàn ông có nguy cơ bị đau đầu chùm cao hơn phụ nữ.
- Tuổi tác: Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu gặp ở độ tuổi từ 20 đến 50.
- Hút thuốc lá: Nhiều người bị đau đầu chùm là những người hút thuốc. Tuy nhiên, bỏ thuốc lá thường không có tác dụng làm giảm các cơn đau đầu.
- Sử dụng rượu: Nếu bạn bị đau đầu chùm, uống rượu trong thời gian đau kịch phát có thể làm tăng tần suất các cơn đau.
- Tiền sử gia đình: Bạn có nguy cơ bị đau đầu chùm nếu trong gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này.
Đau đầu chùm không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống mà còn tác động đến nhiều mặt sức khỏe của con người. Vì thế khi nhận thấy những triệu chứng của bệnh, bạn nên đến các trung tâm y tế, bệnh viện chuyên khoa thần kinh để thăm khám, tìm ra nguyên nhân để có hướng điều trị bệnh kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, webmd.com