Bệnh loãng xương ở nam giới là tình trạng xương trở nên yếu và giòn, làm tăng nguy cơ gãy xương ngay cả khi chỉ chịu tác động nhẹ. Mặc dù ít gặp hơn so với phụ nữ, loãng xương vẫn có thể xảy ra ở nam giới, đặc biệt khi tuổi tác tăng cao. Việc nhận biết sớm các yếu tố nguy cơ là rất quan trọng, giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe xương khớp hiệu quả.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Tiến có nhiều năm kinh nghiệm về nội cơ xương khớp.
1. Bệnh loãng xương ở nam giới là gì?
Loãng xương là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa của bộ xương, khiến xương yếu đi và làm tăng nguy cơ gãy xương. Thậm chí, chỉ với những tác động nhẹ như cúi xuống, ho hay ngã, xương cũng có thể gãy. Thông thường, vùng hông, cột sống và cổ tay là nơi tình trạng loãng xương thường xuất hiện nhiều nhất.
Xương là một loại mô sống, liên tục bị phá vỡ và thay thế. Khi tốc độ tạo ra xương mới không đủ nhanh để bù đắp cho sự mất đi của xương cũ, tình trạng loãng xương sẽ phát sinh. Ngoài ra, sức mạnh của xương còn được xác định bởi cả khối lượng và chất lượng của xương.
1.1 Khối lượng xương được thể hiện cụ thể như sau:
- Khối lượng xương (Bone Mass Content – BMC).
- Mật độ khoáng chất của xương (Bone Mineral Density – BMD).
1.2 Chất lượng xương phụ thuộc vào các yếu tố, bao gồm:
- Vi cấu trúc của xương, gồm thành phần chất nền của xương và thành phần chất khoáng của xương.
- Thể tích xương.
1.3 Chu chuyển xương, nói lên tình hình sửa chữa và tình trạng tổn thương vi cấu trúc của xương.
Bệnh loãng xương ở nam giới thường không phổ biến và có nhiều nguyên nhân gây khó khăn cho các bác sĩ trong việc chẩn đoán chính xác bệnh. Do đó, việc xác định yếu tố nguy cơ gây loãng xương là rất quan trọng để có thể phòng tránh và điều trị triệt để căn bệnh này. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong của nam giới do gãy xương ở các vùng như cột sống, hông và các xương lớn khác cũng cao hơn.

2. Nguyên nhân loãng xương ở nam giới
So với nữ giới, nam giới thường có mật độ xương cao hơn và tỷ lệ mất xương thấp hơn, dẫn đến việc gãy xương do loãng xương ở nam giới thường xảy ra ở độ tuổi từ 70 trở lên. Thêm vào đó, hậu quả của gãy xương ở nam giới cũng nghiêm trọng hơn so với nữ giới. Theo số liệu thống kê, khoảng 30% nam giới tử vong trong vòng một năm sau khi bị gãy xương vùng hông, trong khi tỷ lệ này ở nữ giới chỉ là 12%.
Xương có khả năng tự làm mới và phá vỡ các phần xương đã cũ trong một chu trình tự nhiên. Trong độ tuổi đang phát triển, cơ thể tạo ra xương mới với tốc độ nhanh hơn so với việc phá vỡ xương cũ, vì vậy khối lượng xương sẽ gia tăng. Đa số mọi người sẽ đạt đến mức khối lượng xương cao nhất vào độ tuổi 20. Khi tuổi tác tăng lên, quá trình mất xương diễn ra nhanh hơn quá trình hình thành xương mới.
Ngoài ra, khối lượng xương có được từ khi còn trẻ sẽ ảnh hưởng một phần đến tình trạng loãng xương sau này. Điều này có nghĩa là, nếu xương tích lũy được nhiều khối lượng đỉnh trong giai đoạn trưởng thành thì nguy cơ bị loãng xương khi bước vào tuổi trung niên sẽ giảm đi.
Theo số liệu thống kê, ngoài yếu tố tuổi tác cao, khoảng 50% bệnh loãng xương ở nam giới xảy ra không rõ nguyên nhân. Khi tuổi cao, các tế bào tạo xương bắt đầu bị lão hóa, lượng hormon sinh dục giảm đi, đồng thời khả năng hấp thụ canxi và vitamin D (hai yếu tố chính xây dựng xương) dẫn đến bệnh loãng xương. Do đó, nếu khối lượng xương không đạt đỉnh ở trưởng thành, bệnh loãng xương ở nam giới sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

3. Những yếu tố nguy cơ loãng xương ở nam giới
Nam giới có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh loãng xương nếu gặp phải các yếu tố sau đây:
- Tuổi tác: Loãng xương dễ xảy ra hơn khi tuổi tác tăng lên, đặc biệt từ tuổi trung niên trở đi.
- Dáng vóc: Những người đàn ông có thân hình gầy gò, nhỏ bé thường có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương hơn bởi vì thường ít tích trữ khối lượng xương cần thiết cho tuổi già.
- Tiền sử gia đình: Khi có cha mẹ hoặc anh chị em trong gia đình bị loãng xương, các thành viên còn lại cũng dễ mắc phải bệnh này, đặc biệt là những người đã từng bị gãy xương.
- Thiểu năng tuyến sinh dục nam và các tuyến nội tiết: Tuyến thượng thận, tuyến giáp...
- Lạm dụng rượu: Rượu là chất kích thích làm chậm quá trình hình thành xương và cản trở khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Ở nam giới trung niên, việc uống quá nhiều rượu là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh loãng xương ở nam giới.
- Tiền sử sử dụng thuốc: Nam giới có tiền sử sử dụng corticosteroid bao gồm cortisone, methylprednisolone, prednisone, prednisolone và dexamethasone trong thời gian dài sẽ có nguy cơ cao mắc loãng xương sau này.
- Hút thuốc lá: Tỷ lệ gãy đốt sống ở nam giới hút thuốc lá cao gấp hai lần so với những người không sử dụng thuốc lá.
- Rối loạn ăn uống: Các bệnh lý như ăn nhiều và chán ăn xuất phát từ nguyên nhân thần kinh đều là những yếu tố nguy cơ gây giảm tỷ trọng xương ở vùng thắt lưng cùng hông. Thêm vào đó, chế độ ăn không cung cấp đủ canxi cũng là yếu tố chính dẫn đến loãng xương ở nam giới. Theo khuyến cáo, nam giới dưới 65 tuổi cần bổ sung 1000mg canxi mỗi ngày, còn trên 65 tuổi cần tối thiểu 1500mg canxi mỗi ngày.
- Ít vận động: Một trong những yếu tố nguy hiểm chính dẫn đến loãng xương là lối sống ít vận động.
- Mắc các căn bệnh mãn tính: Đái tháo đường tuýp I (phụ thuộc insulin), bệnh Cushing, bệnh Crohn cùng với các bệnh mãn tính ở thận và phổi đều là những bệnh lý làm giảm khả năng hấp thụ canxi, dẫn đến ảnh hưởng xấu đến tỷ trọng xương.

4. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh loãng xương ở nam giới
Ở cả nam và nữ, bệnh loãng xương thường phát triển âm thầm qua thời gian. Bệnh thường được so sánh với hình ảnh của một "kẻ trộm" khi hàng ngày rút bớt lượng canxi từ kho dự trữ xương của cơ thể.
Khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện, điều đó cho thấy cơ thể bạn có thể đã mất khoảng 30% khối lượng xương và có nguy cơ gặp biến chứng. Các triệu chứng lâm sàng thường bao gồm:
- Ở cột sống và dọc theo các xương dài, đặc biệt tại xương cẳng chân xuất hiện cảm giác đau nhức mơ hồ kèm theo đau cơ, ớn lạnh và chuột rút liên tục.
- Cột sống bị đau rõ rệt, cơn đau lan tỏa theo khu vực khoanh liên sườn và đau khi ngồi lâu hoặc khi thay đổi tư thế. Sau các chấn thương như gãy xương cổ tay, gãy cổ xương đùi hay gãy lún đốt sống, người bệnh có thể gặp tình trạng đau cấp tính hoặc mãn tính.
- Nặng ngực, khó thở.
- Đầy bụng chậm tiêu.
- Giảm chiều cao, bị gù lưng.
Người bệnh nên đi khám bác sĩ khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào kể trên. Bác sĩ sẽ dựa trên cơ địa của từng người để chọn lựa phương án phù hợp nhất.

5. Phương pháp điều trị loãng xương ở nam giới
5.1 Chẩn đoán loãng xương ở nam giới
- Để đo mật độ xương, các kỹ thuật y tế sử dụng tia X cường độ thấp nhằm xác định tỷ trọng khoáng của xương.
- Người bệnh sẽ nằm trên một thiết bị và máy quét sẽ đi qua cơ thể trong quá trình xét nghiệm. Những đoạn xương thường được kiểm tra bao gồm cột sống, cổ tay và hông.
5.2 Sử dụng thuốc
- Nhóm Bisphosphonate: Bằng cách ức chế hủy xương, các loại thuốc này làm giảm tốc độ mất xương, đồng thời gia tăng tỷ trọng xương ở cột sống và hông.
- Calcitonin: Với công dụng giảm đau, ức chế quá trình hủy xương và thúc đẩy liền xương, Calcitonin còn có khả năng giảm nguy cơ gãy xương cột sống đến 40%. Thông thường, thuốc được dùng dưới dạng xịt qua mũi.
- Liệu pháp testosterone bổ sung: Đối với nam giới bị loãng xương vì nồng độ testosterone thấp, liệu pháp bổ sung testosterone mới đem lại hiệu quả. Ngược lại, nếu testosterone đã ở mức bình thường, phương pháp này sẽ không làm tăng tỷ trọng khối lượng xương.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

5.3 Thay đổi lối sống
Để điều trị bệnh loãng xương ở nam giới trung niên, thay đổi lối sống được coi là phương pháp tốt nhất. Các biện pháp điều trị bao gồm:
- Duy trì thói quen vận động.
- Bổ sung đủ lượng canxi và vitamin D.
- Hạn chế thuốc lá và rượu bia.
- Tránh sử dụng thuốc quá mức.
- Phòng ngừa té ngã và kiểm soát các bệnh lý đang mắc phải.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com