Bệnh gút (Gout) là một bệnh lý viêm khớp phổ biến, thường xuất hiện đột ngột trong giai đoạn đầu và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng trên xương khớp. Tìm hiểu các triệu chứng khi mới bị bệnh gút sẽ giúp phát hiện sớm, từ đó đưa ra những phương pháp điều trị kịp thời và hiệu quả.
1. Bệnh gút là bệnh gì?
Gút hay Gout là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa Purine trong cơ thể, từ đó gây tăng Acid Uric huyết thanh và làm lắng đọng các tinh thể Urate ở một số mô, đặc biệt là ở màng hoạt dịch của khớp, thường gặp ở ngón chân cái (50%), các ngón chân khác, mắt cá chân, cổ tay, bàn tay...
Trên 90% các trường hợp bệnh gút thường gặp ở nam giới ở độ tuổi trung niên từ 35- 50 tuổi, 40 % trường hợp bệnh nhân là người trên 40 tuổi và 75% bệnh nhân trong độ tuổi lao động. Phụ nữ thường ít bị bệnh gút hơn nam giới, tuy nhiên một số phụ nữ vẫn có thể bị bệnh gút, đặc biệt là sau giai đoạn mãn kinh.
2. Triệu chứng khi mới bị gút
Giai đoạn không triệu chứng:
Trong giai đoạn đầu, nồng độ Acid uric huyết thanh của bệnh nhân thường ở mức bình thường hoặc tăng nhẹ, một số trường hợp có thể tăng mở mức trung bình tuy nhiên đặc điểm chung là bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, không bị viêm khớp, không có hạt Tophi... Tình trạng tăng Acid uric huyết thanh có thể kéo dài từ vài năm đến vài chục năm, một số bệnh nhân sau đó sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh gút, tỷ lệ này sẽ tăng ở một số bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ của bệnh. Việc dự phòng tốt bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt, kiểm soát cân nặng... có thể ngăn bệnh tiến triển nặng.
Giai đoạn gút cấp:
Các triệu chứng của bệnh gút sẽ bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn này. Các biểu hiện của gút cấp thường xuất hiện sau bữa ăn nhiều Protid, uống rượu bia nhiều, bệnh nhân gắng sức, căng thẳng, nhiễm lạnh, chấn thương hoặc sau phẫu thuật.
- Vùng khớp ở ngón chân, đặc biệt là ngón cái, mắt cá chân, cổ tay, bàn tay... bị đau nhức đột ngột và khó chịu. Các triệu chứng đau nhức khớp thường xuất hiện vào ban đêm làm bệnh nhân thức giấc. Triệu chứng đau thường biểu hiện ở mức nghiêm trọng trong 4 – 12 giờ đầu, sau đó có thể giảm dần nhưng vẫn có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Giai đoạn đầu, triệu chứng đau chỉ xuất hiện ở một khớp hiếm gặp viêm đa khớp cấp, sau đó có thể ảnh hưởng trên nhiều khớp hơn,
- Vùng khớp bị viêm sưng tấy, nóng và đỏ có thể xuất hiện kèm hoặc sau triệu chứng đau. Vùng da xung quanh khớp có thể căng lên, sáng bóng hoặc bong tróc.
- Xuất hiện các hạt Tophi tại khớp: Các hạt Tophi thường có biểu hiện u sần, mật độ cứng, sưng ở quanh khớp do các tinh thể Urate bị lắng đọng và tích tụ xung quanh khớp. Hạt Tophi này thường không đau, nhưng một số trường hợp bị vỡ ra và tiết chất lỏng giống mủ, gây nhiễm trùng. Về sau các nốt Tophi có thể gây biến dạng khớp vĩnh viễn nếu không được điều trị đúng cách.
- Sốt, lạnh run, mệt mỏi.
- Bệnh nhân bị hạn chế hoặc khó khăn khi vận động các khớp vì cứng hoặc đau nhức.
Giai đoạn muộn của bệnh gút
- Giai đoạn giữa các cơn gút cấp : Ở giai đoạn này, bệnh nhân thường không có triệu chứng. Khoảng cách giữa các cơn gút cấp có thể từ vài tháng đến vài năm. Xu hướng càng về sau khoảng cách càng ngắn lại, thời gian của một cơn gút cấp có thể kéo dài hơn, số khớp bị ảnh hưởng thường tăng lên.
- Giai đoạn bệnh gút mạn tính : Giai đoạn viêm trên nhiều khớp, có thể đối xứng, biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp, các khớp đau liên tục, không hình thành một cơn điển hình như trong giai đầu của bệnh. Có thể xuất hiện các hạt hoặc cục Tophi lớn ở cạnh khớp, sụn vành tai và những nơi khác. Biến chứng vỡ, loét, nhiễm trùng Tophi, thiếu máu mạn, sỏi thận, suy thận mạn...
Cận lâm sàng
- Tăng nhẹ bạch cầu, tốc độ máu lắng tăng, CRP tăng.
- Xét nghiệm Acid uric huyết thanh tăng.
- Soi dịch khớp có thể thấy số lượng tế bào tăng và chủ yếu là bạch cầu trung tính, tìm thấy tinh thể Urate trong dịch khớp.
- X-quang xương khớp : Thấy sưng nề phần mềm quanh khớp, giai đoạn muộn có thể thấy hình ảnh khuyết xương, biến dạng khớp...
- Siêu âm khớp : Giúp đánh giá sự lắng đọng của tinh thể Urate trong khớp.
3. Điều trị bệnh gout
3.1. Nội khoa
- Điều trị cơn gút cấp : Sử dụng các thuốc như thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs), Corticoid, Colchicine.
- Điều trị giảm Acid uric huyết thanh bằng thuốc ức chế men Xanthine Oxidase (XOI) : Allopurinol hay Febuxostat. Thuốc tăng thải Acid uric ở thận như Probenecid. Thuốc tăng phân hủy Acid uric như Pegloticase.
- Dự phòng cơn gút cấp : Dùng Colchicine liều thấp trong 3 – 6 tháng kèm với thuốc giảm Acid uric huyết thanh. Bệnh nhân bị suy thận có thể phải dùng Corticosteroid kéo dài.
3.2. Ngoại khoa
Những hạt Tophi lớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, vận động và sinh hoạt của bệnh nhân hoặc có nguy cơ vỡ có thể được xem xét chỉ định phẫu thuật cắt bỏ.
4. Dự phòng
Giai đoạn đầu của bệnh gút có thể không có các triệu chứng trên lâm sàng. Bệnh nhân khi tình cờ phát hiện tăng nồng độ Acid uric huyết thanh, hoặc ngay cả khi chưa có bất kỳ các bất thường nào cũng nên dự phòng bệnh lý này.
- Giảm cân và giữ cân nặng ở mức thích hợp
- Hoạt động thể lực đúng cách, luyện tập thể dục thường xuyên.
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể, bổ sung sữa.
- Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá.
- Giảm hoặc không sử dụng các thực phẩm như nội tạng động vật, thịt đỏ, hải sản... Bổ sung thêm các thực phẩm chứa Vitamin C.
Gút là một bệnh lý ở khớp thường gặp trên lâm sàng ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh gút ngay ở giai đoạn đầu của bệnh, đồng thời dự phòng và điều trị đúng các có thể hạn chế được việc bệnh tiến triển đến giai đoạn mãn tính và gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.