Thuốc Zoralon có thành phần hoạt chất chính là Palonosetron thường được sử dụng trong ngăn ngừa buồn nôn do hóa trị liệu. Bệnh nhân sử dụng Zoralon thường gặp một số tác dụng không mong muốn như nhức đầu, đau bụng, táo bón, ...
1. Zoralon là thuốc gì?
Zoralon là thuốc gì? Thuốc Zoralon được phân loại vào nhóm thuốc đường tiêu hóa, được sản xuất bởi Công ty Cipla Ltd., Ấn Độ. Zoralon có thành phần hoạt chất chính là Palonosetron (dưới dạng Palonosetron hydroclorid).
- Dạng bào chế: dung dịch tiêm, hàm lượng 250mcg Palonosetron/5ml
- Quy cách đóng gói: Lọ 5ml, mỗi hộp gồm 1 lọ và tờ hướng dẫn sử dụng.
2. Thuốc Zoralon có tác dụng gì?
Dược lực học: Thuốc chống nôn Zoralon có tính chọn lọc cao với thụ thể Serotonin 5HT-3, ít tác dụng trên các thụ thể Serotonin khác. Zoralon có tác dụng ngăn chặn serotonin ở ngoại vi trên các đầu dây thần kinh phế vị và tập trung ở vùng kích thích thụ thể hoạt động. Trong các thử nghiệm phi lâm sàng, Zoralon có khả năng chặn các kênh ion liên quan đến sự khử, tái phân cực tâm thất và kéo dài thời gian điện thế hoạt động.
Dược động học:
- Hấp thu: Zoralon được hấp thu tốt qua đường uống với sinh khả dụng đạt 97%. Chế độ ăn giàu chất béo không ảnh hưởng đến nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương. Do đó, có thể dùng thuốc Zoralon độc lập với bữa ăn.
- Phân bố: Zoralon phân bố rộng trong cơ thể, tỉ lệ liên kết với protein huyết tương là 62%. Chưa biết được rằng thuốc có đi qua sữa mẹ hay không.
- Chuyển hóa: Zoralon được chuyển hóa chủ yếu bởi hệ thống CYP2D6 thành hai chất chuyển hóa chính.
- Thải trừ: thuốc Zoralon được thải trừ qua nước tiểu dưới dạng không đổi khoảng 40%. Thời gian bán hủy dao động từ 20 – 30 giờ sau khi dùng liều 20mcg/kg. Suy gan, suy thận nhẹ và trung bình không ảnh hưởng đến độ thanh thải của Zoralon trong cơ thể.
3. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Zoralon
Thuốc Zoralon thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Ngăn ngừa buồn nôn và nôn cấp tính hay nôn muộn do hóa trị liệu ung thư gây nôn mức độ vừa đến trầm trọng.
Những ai không nên dùng thuốc Zoralon?
- Không sử dụng Zoralon cho người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc
4. Liều lượng và cách dùng thuốc Zoralon
Để thuốc Zoralon phát huy tốt hiệu quả điều trị và giảm các rủi ro trong quá trình dùng thuốc, bạn cần tuân thủ theo lời dặn của bác sĩ về thời gian dùng thuốc, đường dùng và liều lượng. Không nên tự ý thay đổi liệu trình dùng thuốc, dùng chung thuốc Zoralon với người khác hoặc chia sẻ với người khác khi họ có tình trạng giống bạn.
- Liều lượng: 250mcg/lần.
- Cách dùng: tiêm tĩnh mạch một liều duy nhất trong 30 giây. Tiêm khoảng 30 phút trước khi bắt đầu hóa trị.
Chú ý: làm sạch đường truyền trước và sau khi dùng thuốc Zoralon bằng nước muối sinh lý.
Cần làm gì khi quá liều thuốc Zoralon?
Trong các thử nghiệm lâm sàng, nhóm dùng liều cao nhất đến 6mg có tần suất tác dụng bất lợi tương tự với nhóm dùng các liều thấp hơn. Không tìm ra được mối liên hệ giữa liều lượng và đáp ứng. Khi nghi ngờ quá liều thuốc Zoralon, cần điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân.
5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Zoralon
Ngoài hiệu quả điều trị là giảm nôn, thuốc Zoralon có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn khác trong quá trình sử dụng như:
- Thường gặp: táo bón, đau đầu, ...
- Ít gặp: rối loạn giấc ngủ, lo lắng, kích động, dị cảm, sưng mắt, block nhĩ thất, khó thở, buồn nôn, táo bón, đau cơ, tăng men gan thoáng qua, tăng bilirubin máu, ...
- Hiếm gặp: quá mẫn, phản ứng tại chỗ tiêm như bỏng rát, đau, chai cứng, khó chịu, ...
Đây không phải là tất cả các tác dụng không mong muốn của Zoralon, bạn có thể gặp phải những triệu chứng khác chưa được liệt kê hoặc nghiên cứu. Vì vậy, hãy thông báo với bác sĩ ngay khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào để được xử trí nhanh chóng.
6. Tương tác thuốc
Việc điều trị với nhiều loại thuốc có thể gây nên tương tác giữa các thuốc, kết quả có thể làm giảm tác dụng, thậm chí gia tăng độc tính của thuốc. Để đảm bảo an toàn, bạn cần thông báo với bác sĩ về tất cả các thuốc đang sử dụng hoặc mới ngừng sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn, vitamin và khoáng chất, các sản phẩm thảo dược, thực phẩm chức năng. Một số thuốc có tương tác với Zoralon như L-Tryptophan, Amphetamine, Phentermine, Ziprasidone, Cabergoline, Morphine, Valproic Acid, Zolmitriptan, Codeine, Hydromorphone, ...
7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Zoralon
- Dùng thuốc Zoralon trong thai kỳ: chưa thấy các tác động có hại đến quá trình mang thai và sinh con, phát triển của bào thai sau khi sinh trên động vật thí nghiệm. Không có đầy đủ bằng chứng về tính an toàn của việc sử dụng thuốc Zoralon trong thai kỳ. Do đó, không nên sử dụng Zoralon trong thai kỳ, trừ khi thật sự cần thiết và phải có chỉ định của bác sĩ.
- Dùng thuốc Zoralon trong thời kỳ cho con bú: chưa biết liệu rằng Zoralon có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Do đó, không nên sử dụng Zoralon trong thời kỳ cho con bú.
- Thuốc Zoralon có thể gây chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi, vì vậy cần thận trọng khi dùng thuốc ở bệnh nhân lái xe, vận hành máy móc hoặc làm các công việc trên cao.
- Thuốc Zoralon có thể làm giảm nhu động ruột, nên thận trọng ở những bệnh nhân có tiền sử táo bón hoặc có dấu hiệu bán tắc ruột sau khi dùng thuốc.
Thận trọng khi sử dụng Zoralon với những trường hợp sau:
- Có tiền sử khoảng QT kéo dài
- Bất thường điện giải
- Suy tim sung huyết
- Loạn nhịp tim
- Rối loạn dẫn truyền
- Đang dùng thuốc chống loạn nhịp
- Hạ Kali máu
8. Bảo quản thuốc
- Để thuốc Zoralon ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp.
- Để Zoralon tránh xa tầm tay trẻ em cũng như thú nuôi.
Thuốc Zoralon có thành phần hoạt chất chính là Palonosetron thường được sử dụng trong ngăn ngừa buồn nôn do hóa trị liệu. Bệnh nhân sử dụng Zoralon thường gặp một số tác dụng không mong muốn như nhức đầu, đau bụng, táo bón. Vì vậy, trong quá trình sử dụng, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và các nhân viên y tế thực hiện tiêm truyền.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.