Zoloman thuộc nhóm thuốc hướng thần kinh chứa hoạt chất chính là Sertralin. Thuốc Zoloman công dụng trong điều trị bệnh lý liên quan đến rối loạn tâm thần với các biểu hiện như trầm cảm, lo âu. Các thông tin liên quan đến thành phần, công dụng, liều sử dụng và cách sử dụng của thuốc Zoloman sẽ giúp người bệnh điều trị hiệu quả, đồng thời có thể hạn chế những tác dụng ngoài ý muốn của thuốc.
1. Thuốc Zoloman là thuốc gì ?
Thuốc Zoloman được bào chế dưới dạng viên nén dài bao phim với 3 hàm lượng khác nhau 25mg, 50mg và 100mg với thành phần chính bao gồm:
- Hoạt chất: Sertralin (dạng Sertraline hydroclorid) hàm lượng 25 mg, 50 mg, 100 mg.
- Tá dược: Cellulose vi tinh thể, Dicalci phosphat khan, Magnesium stearate, Natri starch glycolate, Opadry II white và Green lake ở viên 25 mg, Opadry II blue ở viên 50 mg, Oxyd sắt vàng ở viên 100 mg.
Hoạt chất Sertralin là dẫn chất của Naphthylamine, có cơ chế chính là ức chế tái hấp thu Serotonin (5 – hydroxytryptamine, 5 – HT) có chọn lọc ở đầu các sợi thần kinh, từ đó có tác dụng chống trầm cảm.
2. Thuốc Zoloman có tác dụng gì ?
Zoloman có công dụng chính trong điều trị các trường hợp sau đây:
- Rối loạn tâm thần kinh dạng trầm cảm.
- Người bị rối loạn hoảng sợ, có hay không có hội chứng sợ khoảng rộng.
- Người mắc rối loạn chứng ám ảnh cưỡng chế (OCD).
- Stress nặng trong công việc, sinh hoạt hoặc sau chấn thương.
- Rối loạn lo âu trước kỳ kinh nguyệt.
- Nam giới bị xuất tinh sớm.
Chống chỉ định sử dụng Zoloman trong các trường hợp sau:
- Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc Zoloman.
- Tiền sử dị ứng quá mẫn với các thuốc chứa Sertralin.
- Người đang điều trị hoặc tiền sử sử dụng thuốc ức chế MAO ≤ 2 tuần.
3. Cách sử dụng và liều dùng Zoloman:
Zoloman được sử dụng vào buổi sáng hoặc chiều tối, trong hoặc ngoài bữa ăn. Với mỗi tình trạng người bệnh, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng khác nhau như:
Trầm cảm: Người ≥ 18 tuổi uống 50 mg/lần x 1 lần/ngày. Dùng một lần không quá 200 mg. Trong vào 1 tuần có thể thay đổi liều 50 – 200 mg/ngày.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế:
- Người ≥ 18 tuổi uống 50 mg/lần x 1 lần/ngày. Dùng một lần không quá 200 mg. Trong vào 1 tuần có thể thay đổi liều 50 – 200 mg/ngày.
- Người 13 - 17 tuổi uống 50 mg/lần x 1 lần/ngày.
- Người 6 - 12 tuổi uống 25 mg/lần x 1 lần/ngày.
- Người < 5 tuổi Không khuyến cáo dùng thuốc.
Rối loạn hoảng sợ, lo âu hay stress: Người ≥ 18 tuổi uống 25 mg/lần x 1 lần/ngày. Trong vào 1 tuần có thể tăng liều lên 50 mg, ngày 1 lần.
Rối loạn lo âu trước kỳ kinh nguyệt: Người ≥ 18 tuổi uống 50 mg/lần x 1 lần/ngày. Sử dụng vào thời điểm gần chu kỳ kinh hoặc vào những ngày sau khi rụng trứng.
Xuất tinh sớm: Người ≥ 18 tuổi uống 25 - 50 mg/lần x 1 lần/ngày.
Khuyến cáo:
- Không dùng thuốc ở người dưới 18 tuổi có dấu hiệu trầm cảm, rối loạn hoảng sợ, lo âu, stress, rối loạn lo âu trước kỳ kinh hay xuất tinh sớm.
- Ngưng điều trị thuốc ức chế Sertralin 2 tuần trước khi bắt đầu dùng thuốc ức chế MAO và ngược lại.
4. Tác dụng phụ của thuốc Zoloman
Thường gặp
- Các triệu chứng thần kinh: Nhức đầu, buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ.
- Các triệu chứng tiêu hóa: Rối loạn vị giác, chán ăn, buồn nôn, khô miệng, tiêu chảy hoặc táo bón, khó tiêu, đau bụng.
- Các triệu chứng ở da: Toát mồ hôi, ban da, đỏ bừng
- Các dấu hiệu trong xét nghiệm sinh hóa máu: Giảm nhẹ Acid uric máu, tăng Cholesterol toàn phần và Triglyceride máu.
- Các triệu chứng liên quan đến tim mạch: Đánh trống ngực, đau ngực.
- Dấu hiệu khác: Đau cơ, đau lưng, rối loạn chức năng nhìn, ù tai.
Ít gặp
- Các triệu chứng tiêu hóa: Khó nuốt, viêm thực quản, viêm dạ dày ruột, sâu răng.
- Các triệu chứng liên quan đến tim mạch: Nhịp nhanh, giãn mạch, hạ huyết áp hoặc tăng huyết áp, co thắt mạch ngoại vi.
- Các triệu chứng cơ xương khớp: Viêm cơ, viêm khớp, yếu cơ.
- Dấu hiệu khác: Viêm kết mạc, đau mắt, đau tai, khát, sụt cân.
Hiếm gặp
- Các triệu chứng thần kinh: Co giật, suy nhược, mệt mỏi, loạn động, hội chứng nghiện thuốc.
- Dấu hiệu trên tim mạch: Nhồi máu cơ tim.
- Các triệu chứng tiêu hóa: Viêm miệng, viêm lưỡi, viêm dạ dày, chảy máu dạ dày – ruột, chảy máu trực tràng, viêm túi thừa, viêm đại tràng.
- Dấu hiệu trên da: Viêm da tiếp xúc, phản ứng quá mẫn
- Các triệu chứng khác: Mất nước, hạ đường huyết, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, chảy máu bất thường. Rối loạn chức năng nghe và giảm thị lực.
Khi thấy xuất hiện các tác dụng phụ trên, nên ngừng dùng Zoloman ngay, đồng thời liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.
5. Lưu ý sử dụng Zoloman ở các đối tượng
- Cần giám sát chặt chẽ và khởi đầu với liều thấp ở những người có triệu chứng trầm cảm nặng, có ý tưởng hoặc có hành vi tự sát trong giai đoạn sớm.
- Thận trọng khi dùng thuốc ở những trường hợp: Người cao tuổi, người nghiện rượu, người có bệnh động kinh, hưng cảm. Suy giảm chức năng gan, thận, suy tuyến giáp. Người có rối loạn đông máu, hạ natri huyết, chán ăn, giảm cân.
- Hiện nay chưa có các dữ liệu chắc chắn về sự an toàn của thuốc Zoloman khi dùng điều trị cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Vì thế, không được khuyến cáo sử dụng thuốc trên các đối tượng này, trừ trường hợp bắt buộc điều trị dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc việc điều trị mang lại lợi ích nhiều hơn rủi ro có thể xảy ra.
- Thận trọng với người làm nghề lái tàu xe hoặc vận hành máy móc vì các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc.
6. Tương tác giữa thuốc Zoloman với các thuốc khác
- Không dùng kết hợp Sertraline với các thuốc ức chế men Monoamine Oxidase (MAO).
- Không dùng chung Zoloman với thuốc chứa Sumatriptan vì có thể làm tăng tỉ lệ xuất hiện đau nửa đầu, mệt mỏi, giảm phản xạ và mất khả năng điều phối cơ thể.
- Thận trọng khi dùng Zoloman đồng thời với các thuốc chuyển hóa bởi CYP2D6 vì hoạt chất Sertralin trong thuốc Zoloman bị chuyển hóa bởi enzyme cytochrome P450 CYP2D6, đồng thời ức chế hoạt tính của enzyme này.
- Thuốc chứa Phenothiazin như Thioridazin hoặc một số thuốc chống loạn nhịp tim nhóm 1C như Propafenone hay Flecainide, không nên dùng chung với thuốc Zoloman, vì có thể gây tăng tác dụng không mong muốn và độc tính của cả hai nhóm thuốc.
- Sertralin trong Zoloman các tác dụng ức chế CYP3A4, nên khi phối hợp với Carbamazin cần theo dõi nồng độ Carbamazin trong máu.
- Vì hoạt chất Sertralin trong thuốc Zoloman có khả năng gắn nhiều với protein máu, nên cần thận trọng khi dùng cùng với các thuốc cũng gắn nhiều với protein máu như các thuốc chống đông máu, Digoxin, Digitoxin,...vì có thể làm tăng độc tính.
- Lưu ý khi dùng Zoloman cùng với các thuốc như: Benzodiazepine, Lithium, Cimetidine, thuốc hạ glucose huyết hay rượu vì có thể làm tăng tác dụng không mong muốn của thuốc.
Đọc kỹ tờ hướng dẫn của thuốc Zoloman trên bao bì trước khi sử dụng và tham khảo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh để có được kết quả điều trị tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.