Vinroxamin thuộc nhóm thuốc cấp cứu và giải độc, thường được chỉ định trong các bệnh lý ngộ độc sắt do truyền máu thường xuyên, nhiễm sắc tố sắt, tình trạng tích lũy nhôm,... Vậy thuốc được sử dụng như thế nào và các lưu ý khi dùng thuốc là gì?
1. Vinroxamin là thuốc gì?
Vinroxamin có thành phần chính là Deferoxamine mesylate - là chất bổ trợ trong điều trị ngộ độc sắt cấp tính.
Ngộ độc sắt là tình trạng cơ thể hấp thụ một lượng thuốc lớn hoặc các loại vitamin chứa sắt gây ra các biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng như nôn ói, đau bụng, nồng độ sắt trong huyết thanh lớn hơn 350 mcg/dL (63 micromol/L), X-Quang ổ bụng nhìn thấy sắt trên tia X và các triệu chứng của toan chuyển hóa không giải thích được nguyên nhân. Ngộ độc sắt nếu không được xử lý cấp cứu kịp thời sẽ gây các biến chứng trầm trong cho cơ thể và có thể dẫn đến tử vong.
Cơ chế tác dụng của thuốc Vinroxamin là tạo phức với ion sắt III trong cơ thể bằng cách gắn vào nó, tạo thành phức hợp bền vững là ferrioxamin. Phức hợp này dễ tan trong nước, do đó đào thải dễ dàng qua nước tiểu. Thuốc có thể tạo phức với sắt từ ferritin, hemosiderin và mạnh nhất từ các phân tử transferrin, nhưng không tạo phức với các ion sắt ở cytochrom hay hemoglobin.
Ngoài ra, Vinroxamin cũng tạo phức với Nhôm trong các trường hợp ngộ độc và làm tăng thải Nhôm qua nước tiểu hoặc qua thẩm tách.
Vinroxamin hấp thu kém qua đường tiêu hóa, thường được dùng chủ yếu ở đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Sau khi vào hệ tuần hoàn, thuốc phân bố ở hầu hết các cơ quan và hệ cơ quan, có hiệu quả nhanh ngay sau khi tiêm.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Vinroxamin
Thuốc Vinroxamin công dụng trong các trường hợp sau:
- Ngộ độc sắt cấp tính (nồng độ sắt trong huyết thanh lớn hơn 450 - 500 mcg/dL);
- Bệnh lý thừa sắt mãn tính do phải truyền máu thường xuyên trong điều trị thiếu máu (bệnh thalassemia, thiếu máu bẩm sinh, bệnh máu ác tính,...);
- Hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh lý nhiễm sắc tố sắt;
- Tình trạng tích lũy Nhôm ở bệnh nhân suy thận có nồng độ Nhôm huyết thanh lớn hơn 60 microgam/lít.
Chống chỉ định của thuốc Vinroxamin:
- Bệnh nhân dị ứng với thành phần Deferoxamine hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
- Bệnh nhân đang điều trị vô niệu.
- Bệnh lý nhiễm sắc tố sắt tiên phát.
3. Tương tác thuốc của Vinroxamin
Một số tương tác có thể xảy ra khi phối hợp điều trị giữa Vinroxamin với các thuốc khác như sau:
- Vitamin C hay các chế phẩm có chứa vitamin C có thể gây rối loạn nhịp tim ở bệnh nhân đang dùng thuốc Vinroxamin.
- Phối hợp với proclorperazin có thể tăng nguy cơ loại sắt từ hệ thần kinh, từ đó gây mất ý thức.
- Phối hợp với các heparin làm thay đổi sinh khả dụng của cả 2, vì vậy tuyệt đối không dùng đồng thời.
- Ngoài dung môi là nước cất, không pha thuốc bằng bất kỳ dung dịch nào khác để tránh hiện tượng kết tủa.
- Một số tương tác khác của thuốc chưa được chứng minh đầy đủ, vì vậy trước khi sử dụng thuốc để điều trị ngộ độc sắt, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng gần đây.
4. Liều dùng và cách dùng
Cách dùng:
- Vinroxamin được bào chế dưới dạng bột đông khô để pha tiêm, hàm lượng 500mg/ lọ + dung dịch nước cất pha tiêm.
- Chỉ sử dụng để tiêm truyền (tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da), không dùng để uống hay bất cứ đường dùng nào khác.
- Nên sử dụng bằng đường tiêm bắp cho bệnh nhân không bị shock; tiêm tĩnh mạch chậm ở những bệnh nhân bị shock hay trụy tim mạch, tuy nhiên nếu điều kiện lâm sàng cho phép khuyến cáo nên tiêm thuốc bằng đường tiêm bắp. Không tiêm dưới da trong điều trị ngộ độc sắt cấp.
- Ở đường tiêm bắp và tiêm dưới da: Pha dung dịch tiêm bằng nước cất, để thuốc tan hoàn toàn trước khi lấy thuốc ra. Ở đường tiêm tĩnh mạch: Hòa tan thuốc hoàn toàn với dung dịch nước cất, sau đó pha dung dịch thuốc vào NaCl 0,9% hoặc Glucose 5% để được dung dịch nồng độ từ 10 - 25mg/ ml và tiêm với tốc độ nhỏ hơn 15 mg/kg/giờ.
Liều dùng điều trị ngộ độc sắt cấp:
- Người lớn: Liều ban đầu 1g/ lần, tiêm bắp. Sau đó cứ cách 4h có thể tiêm bắp thêm 0,5g/ lần. Liều tối đa tiêm bắp 6g/ ngày. hoặc tiêm tĩnh mạch 15mg/kg/giờ.
- Trẻ em: Liều ban đầu 50mg/kg/lần, tiêm bắp. Sau đó cứ cách 6 giờ có thể tiêm lại. Liều tối đa tiêm bắp 6g/ngày hoặc tiêm tĩnh mạch 15 mg/kg/giờ.
Điều trị thừa sắt mãn tính:
- Người lớn: Liều khởi đầu tiêm bắp 1 - 2 lọ (0,5 - 1g)/ngày; hoặc tiêm truyền liều chậm ở dưới da 1 - 2 g/ngày bằng dụng cụ chuyên dụng.
- Trẻ em: Liều khởi đầu tiêm tĩnh mạch 15 mg/kg/giờ, cách 12 giờ có thể tiêm nhắc lại hoặctiêm truyền liều chậm dưới da 20 - 50 mg/kg/ngày bằng dụng cụ chuyên dụng.
- Bệnh nhân bệnh lý thalassemia: Trước khi truyền máu, truyền tĩnh mạch chậm 4 lọ (2g) Vinroxamin/ đơn vị máu; Liều tối đa không quá 15 mg/kg/giờ; Không sử dụng cùng một đường truyền với đường truyền máu.
Điều trị bệnh lý xương do thừa Nhôm:
- Liều khởi đầu 20 - 40 mg/kg trước mỗi kỳ chạy thận nhân tạo. Ở bệnh nhân suy thận độ lọc cầu thận dưới 10 ml/phút, giảm 50% liều so với người có chức năng thận bình thường.
Nếu tỷ số sắt niệu/ creatinin niệu vẫn trên 12,5 sau khi tiêm tĩnh mạch Vinroxamin liều 15mg/kg/giờ thì cần tiếp tục điều trị. Ngưng điều trị ngộ độc sắt khi màu nước tiểu trở lại bình thường, nồng độ sắt huyết thanh dưới 100 mcg/dL.
5. Tác dụng phụ của thuốc Vinroxamin
Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng thuốc Vinroxamin:
Tác dụng phụ thường gặp:
- Phản ứng quá mẫn tại da làm nổi ban đỏ, ngứa, nổi mẩn.
- Kích ứng tại vị trí tim, đau, sưng, ngứa.
- Sốt, rét run, mệt mỏi.
Tác dụng phụ ít gặp hơn:
- Hạ huyết áp, chóng mặt.
- Xuất hiện cơn động kinh.
- Nặng nề tình trạng loạn thần kinh ở bệnh nhân có bệnh lý não do ngộ độc Nhôm.
- Rối loạn chức năng hệ tiêu hóa, nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.
- Rối loạn chức năng thị giác, nhìn mờ, quáng gà, mù màu, bệnh lý võng mạch, viêm dây thần kinh thị giác, tổn thương giác mạc, tổn thương thủy tinh thể.
- Ù tai.
- Phản ứng sốc phản vệ, phù mạch.
6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Vinroxamin
- Trong quá trình điều trị thừa sắt bằng Vinroxamin không sử dụng các thuốc nhóm steroid, các thuốc kháng viêm không steroid kể cả Aspirin.
- Theo dõi chức năng thận trước và trong suốt quá trình điều trị thuốc ở những bệnh nhân suy thận, đặc biệt là những bệnh nhân đang sử dụng thuốc lợi tiểu vì tăng nguy cơ giữ nước, tăng áp lực cho thận. Xem xét hiệu chỉnh liều Vinroxamin ở những bệnh nhân này.
- Chưa đảm bảo tính an toàn cho thai nhi và trẻ bú mẹ khi phụ nữ có thai hay đang cho con bú dùng thuốc. Vì vậy, cân nhắc lợi ích trước khi dùng thuốc trên đối tượng này. Trường hợp bệnh nhân thiếu máu thalassemia khi mang thai có thể truyền dưới da liên tục 2g/ lần/ 12 giờ trong suốt 16 tuần đầu của thai kỳ.
- Khi tiêm tĩnh mạch nhanh Vinroxamin có thể gây các kích ứng như đỏ bừng da, hạ huyết áp, nổi mày đay hay sốc ở một số bệnh nhân. Do đó, trong điều kiện lâm sàng cho phép và không có chống chỉ định thì nên dùng thuốc ở đường tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch chậm hay tiêm dưới da chậm.
- Sử dụng thuốc kéo dài có thể gây nhiều biến chứng trên chức năng thị giác, đặc biệt là gây đục thủy tinh thể. Kiểm tra mắt định kỳ 3 tháng/ lần nếu dùng Vinroxamin liều cao, kéo dài.
Tóm lại, Vinroxamin là một loại thuốc tiêm được sử dụng để điều trị ngộ độc sắt hay bệnh lý thừa sắt thứ phát trong cơ thể. Thuốc phải được sử dụng tại cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị dưới chỉ định của bác sĩ.