Công dụng thuốc Truxima

Thuốc Truxima được bào chế dưới dạng thuốc tiêm, có thành phần chính là rituximab. Thuốc được sử dụng trong điều trị u lympho không Hodgkin, bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính, viêm khớp dạng thấp,...

1. Thuốc Truxima là thuốc gì?

Thuốc Truxima có thành phần chính là rituximab. Đây là 1 kháng thể đơn dòng, gắn vào 1 loại protein được gọi là CD20 có trên bề mặt các tế bào lympho B. Khi rituximab gắn vào CD20, nó sẽ gây ra cái chết của các tế bào lympho B, giúp điều trị ung thư hạch và bệnh bạch cầu mãn tính dòng tế bào Lympho (trong đó, các tế bào lympho B đã trở thành ung thư) và viêm khớp dạng thấp (trong đó, các tế bào lympho B liên quan đến viêm khớp).

Trong bệnh u hạt với viêm đa mạch (GPA) và viêm đa mạch vi thể (MPA), cơ chế tiêu diệt các tế bào lympho B giúp làm giảm sản xuất các kháng thể đóng vai trò quan trọng trong tấn công mạch máu và gây viêm.

Chỉ định sử dụng thuốc Truxima: Dùng đơn độc hoặc kết hợp với các loại thuốc khác để điều trị các tình trạng sau ở người trưởng thành:

  • Ung thư hạch không Hodgkin: Sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các loại thuốc hóa trị khác;
  • Bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính (CLL): Sử dụng kết hợp với các thuốc hóa trị fludarabine và cyclophosphamide;
  • Viêm khớp dạng thấp (RA): Sử dụng kết hợp với 1 loại thuốc khác gọi là methotrexate để làm giảm các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp từ trung bình đến nặng, sau khi điều trị bằng biện pháp khác không hiệu quả;
  • Bệnh u hạt với viêm đa mạch (GPA) và viêm đa mạch vi thể (MPA): Dùng kết hợp với glucocorticoid.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Truxima:

  • Trẻ em.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Truxima

Cách dùng: Thuốc Truxima được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Đường dùng thuốc là truyền (nhỏ giọt) vào tĩnh mạch. Trước mỗi lần truyền dịch, người bệnh thường được chỉ định sử dụng thuốc kháng histamin để ngăn ngừa các phản ứng dị ứng và thuốc hạ sốt (để ngăn chặn sốt). Tùy tình trạng đang được điều trị, người bệnh cũng có thể sử dụng các thuốc khác.

Ngoài ra, thuốc Truxima nên được sử dụng dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ, ở nơi có đầy đủ các phương tiện hồi sức cho bệnh nhân.

Liều dùng: Thuốc Truxima không được sử dụng hằng ngày. Lịch trình dùng thuốc và liều dùng thuốc tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, theo chỉ định của bác sĩ.

Quá liều: Vì thuốc Truxima chỉ được sử dụng bởi nhân viên y tế nên rất hiếm khi xảy ra tình trạng quá liều.

Quên liều: Người bệnh nên liên hệ với bác sĩ nếu bỏ lỡ thời gian đến bệnh viện để tiêm truyền thuốc Truxima.

3. Tác dụng phụ của thuốc Truxima

Khi sử dụng thuốc Truxima, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Số lượng bạch cầu và hồng cầu thấp (ớn lạnh, sốt, đau nhức cơ thể, mệt mỏi bất thường, nhiễm trùng, da nhợt nhạt), buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, suy nhược, sưng bàn tay hoặc bàn chân, đi tiểu đau, co thắt cơ bắp, tâm trạng chán nản, các triệu chứng của bệnh cảm lạnh như nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng,...;
  • Gọi cấp cứu ngay nếu người bệnh xuất hiện các phản ứng dị ứng với thuốc Truxima như: Nổi mề đay, khó thở, sưng mặt/cổ họng; phản ứng da nghiêm trọng như sốt, đau da, đau họng, bỏng mắt, phát ban da đỏ hoặc tím, phồng rộp và bong tróc da;
  • Tác dụng phụ xảy ra trong khi tiêm hoặc trong vòng 24 giờ sau tiêm: Ngứa da, yếu, chóng mặt, choáng váng, khó thở, thở khò khè, đau ngực, ho đột ngột, tim đập thình thình hoặc rung rinh trong lồng ngực,...Khi gặp các triệu chứng này, người bệnh nên báo bác sĩ ngay;
  • Thuốc Truxima có thể gây nhiễm trùng não nghiêm trọng, dẫn đến tàn tật hoặc tử vong. Nên liên hệ với bác sĩ nếu bệnh nhân có các triệu chứng như: Nhầm lẫn, gặp vấn đề về trí nhớ, yếu 1 bên cơ thể, thay đổi tầm nhìn, gặp vấn đề về phát âm hoặc đi lại;
  • Bệnh nhân nên báo cho bác sĩ nếu có các tác dụng phụ sau đây kể cả khi chúng xuất hiện vài tháng sau khi dùng thuốc Truxima hoặc sau khi kết thúc điều trị:
    • Đau da, lở miệng, phát ban da nghiêm trọng với biểu hiện phồng rộp, bong tróc hoặc có mủ trên da;
    • Đỏ da, nóng da hoặc sưng da;
    • Đau bụng dữ dội, nôn mửa, táo bón, phân có máu hoặc có màu hắc ín;
    • Nhịp tim không đều, tức ngực, đau ngực, cơn đau lan tới hàm hoặc vai;
    • Mệt mỏi, vàng da, vàng mắt;
    • Dấu hiệu nhiễm trùng: Sốt, ớn lạnh, triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm, lở miệng, ho, đau họng, nhức đầu, đau tai, đau hoặc rát khi đi tiểu;
    • Dấu hiệu của sự phân hủy tế bào khối u như nhầm lẫn, chuột rút cơ, suy nhược, buồn nôn, nôn mửa, tiểu ít, nhịp tim nhanh hoặc chậm, ngứa ran ở bàn tay/bàn chân hoặc quanh miệng.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Truxima

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Truxima:

  • Nếu bệnh nhân từng bị viêm gan B, việc sử dụng thuốc Truxima có thể khiến virus này hoạt động hoặc bệnh tiến triển nặng hơn. Người bệnh có thể cần thực hiện xét nghiệm chức năng gan thường xuyên trong khi dùng thuốc và trong vài tháng sau khi ngưng dùng thuốc;
  • Nếu cần phẫu thuật, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ về việc mình đang sử dụng thuốc Truxima;
  • Thuốc Truxima có thể gây nhiễm trùng não nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tàn tật hoặc tử vong. Tình trạng nhiễm trùng này dễ xảy ra hơn nếu trước đây bệnh nhân đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã dùng thuốc này khi thực hiện cấy ghép tế bào gốc. Người bệnh nên gọi ngay cho bác sĩ nếu gặp vấn đề bất thường về lời nói, suy nghĩ, thị lực, các cử động cơ bắp,... Những triệu chứng này có thể xuất hiện từ từ và ngày càng trở nên tồi tệ hơn;
  • Các vấn đề nghiêm trọng về da có thể xảy ra trong quá trình điều trị bằng thuốc Truxima. Người bệnh nên liên hệ với bác sĩ nếu bị đau da, lở miệng, phát ban da nghiêm trọng kèm theo bong tróc, phồng rộp hoặc có mủ;
  • Người bệnh nên báo cho bác sĩ nếu bản thân mắc: Nhiễm trùng (gồm mụn rộp, thủy đậu, bệnh zona, cytomegalovirus, parvovirus, viêm gan B hoặc C), bệnh thận, bệnh phổi hoặc rối loạn hô hấp, suy yếu hệ miễn dịch (do bệnh tật hoặc sử dụng một số loại thuốc), bị đau thắt ngực, có bệnh tim hoặc rối loạn nhịp tim, từng sử dụng thuốc Truxima trước đây hoặc từng bị dị ứng nghiêm trọng với thuốc;
  • Người bệnh nên báo cho bác sĩ về các loại vắc-xin mình đã tiêm trong vòng 4 tuần trước khi sử dụng thuốc Truxima;
  • Không sử dụng thuốc Truxima ở bà mẹ đang mang thai. Thành phần rituximab trong thuốc có thể gây hại cho sức khỏe của thai nhi. Tốt nhất phụ nữ nên sử dụng biện pháp tránh thai trong khi dùng thuốc Truxima và trong ít nhất 12 tháng sau khi dùng liều thuốc cuối cùng;
  • Bà mẹ đang cho con bú không nên cho trẻ bú sữa mẹ khi đang dùng thuốc Truxima và trong ít nhất 6 tháng sau khi dùng liều thuốc cuối cùng.

5. Tương tác thuốc Truxima

Người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang sử dụng. Một số loại thuốc có thể tương tác với rituximab (thành phần chính của thuốc Truxima) bao gồm thuốc kê đơn/không kê đơn, thuốc đông y, vitamin,...

Bệnh nhân nên báo cho bác sĩ nếu đang dùng các thuốc sau: Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm loét đại tràng, bệnh Crohn hoặc bệnh vảy nến như adalimumab, etanercept, golimumab, certolizumab, infliximab, sulfasalazine, leflunomide, methotrexate, tocilizumab, tofacitinib và các loại khác.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Truxima, điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ, phối hợp với mọi hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân không được tự ý bắt đầu, ngừng thuốc hay thay đổi liều dùng của bất kỳ loại thuốc nào khi chưa được bác sĩ cho phép. Đồng thời, nếu gặp bất kỳ phản ứng bất lợi nào liên quan tới sử dụng thuốc, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ để được can thiệp xử lý sớm nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe