Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phương Nam - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tiểu cầu là 1 loại tế bào trong máu của cơ thể người. Tiểu cầu giúp khởi động đông máu khi cơ thể có vết thương và ngăn cản sự chảy máu.

1. Bệnh Xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh gì?

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là tên gọi tắt của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là một loại bệnh lý miễn dịch. Do gây giảm tiểu cầu trong máu dẫn đến chảy máu nguy hiểm đến tính mạng.

Bình thường khi cơ thể bị vật lạ xâm nhập, ví dụ như vi trùng, virus, ký sinh trùng..., tế bào bạch cầu sẽ tạo ra một chất gọi là kháng thể để chống lại các vật lạ này.

Khi mắc bệnh tự miễn, cơ thể nhận diện lầm một cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể mình là vật lạ và tự sinh ra kháng thể để chống lại cơ quan, bộ phận đó. Trong trường hợp này cơ thể người bệnh tự sinh ra kháng thể chống lại tiểu cầu.

Các kháng thể này gắn vào tiểu cầu và làm tiểu cầu bị phá hủy ở lách, hậu quả là giảm số lượng tiểu cầu trong máu và cơ thể sẽ rất dễ bị chảy máu khi tiểu cầu giảm thấp.

2. Dấu hiệu để nhận biết bệnh Xuất huyết giảm tiểu cầu?

Người bệnh có thể chưa có dấu hiệu nào bất thường, chỉ tình cờ xét nghiệm máu phát hiện số lượng tiểu cầu giảm thấp.

Trong đa số trường hợp, người bệnh phát hiện các vấn đề: chấm xuất huyết ngoài da, bầm da, chảy máu nướu răng, chảy máu mũi, rong kinh, tiểu máu, ói máu, hay nặng nhất là hôn mê do xuất huyết não....


Các dấu hiệu hiệu xuất huyết da
Các dấu hiệu hiệu xuất huyết da

3. Các xét nghiệm gì để chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu?

Các xét nghiệm để chẩn đoán bao gồm: công thức máu, phết máu ngoại biêntủy đồ.

Xét nghiệm tủy đồ là một xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh: bác sĩ sẽ dung kim đâm xuyên vào xương chậu người bệnh để rút dịch tủy xương soi dưới kính hiển vi để quan sát tế bào máu.

Ngoài ra bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh như:

4. Bệnh điều trị như thế nào?

Bác sĩ bắt đầu điều trị khi: Số lượng tiểu cầu của người bệnh dưới 20 x 109/L trong máu hoặc khi số lượng tiểu cầu của người bệnh dưới 30 x 109/L kèm xuất huyết da niêm nhiều.

Thuốc lựa chọn điều trị hàng đầu là các thuốc nhóm Corticoid.

Khi sử dụng các thuốc này, các bác sĩ thường dùng liều cao và kéo dài để ức chế tình trạng miễn dịch với mục đích nâng số lượng tiểu cầu trong máu lên cao.

Thuốc nhóm Corticoid khi dùng kéo dài có thể gây ra một số tác dụng phụ: viêm dạ dày, tăng huyết áp, tăng đường huyết, giữ nước, loãng xương, đục thủy tinh thể. Do đó bệnh nhân phải tuân thủ điều trị và bác sĩ sẽ theo dõi sát và xử trí các biến chứng và tiến hành giảm liều thuốc Corticoid phù hợp với tình trạng bệnh.

Trong trường hợp cấp cứu: người bệnh bị xuất huyết đe dọa tính mạng: sẽ kết các thuốc: Gamma globulin truyền tĩnh mạch, anti D truyền tĩnh mạch, corticoid liều cao. Tuy nhiên những thuốc này chỉ có tác dụng nâng tiểu cầu trong thời gian ngắn, số lượng tiểu cầu sẽ có thể giảm thấp trở lại sau một thời gian.


Gamma globulin truyền tĩnh mạch trong điều trị cấp cứu giảm tiểu cầu
Gamma globulin truyền tĩnh mạch trong điều trị cấp cứu giảm tiểu cầu

5. Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu có nguy hiểm không? Có chữa khỏi không?

Bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Khi số lượng tiểu cầu quá thấp, cơ thể người bệnh sẽ có thể bị xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết khi va chạm rất nhẹ. Các trường hợp xuất huyết nặng bao gồm: xuất huyết tiêu hóa (ói ra máu), xuất huyết đường niệu (tiểu đỏ), xuất huyết não màng não (tai biến).... Tuy nhiên tỉ lệ xuất huyết não màng não rất thấp, chỉ khoảng 0.5-1% người bệnh.

Bệnh diễn tiến khác nhau giữa người lớn và trẻ em. 70% trẻ em sẽ hồi phục tự nhiên sau 3 tháng, 20% - 30% sẽ chuyển thành dạng mạn tính. Ngược lại ở người lớn, bệnh thường diễn tiến thành mạn tính và hay tái phát nhiều lần.

Ngoài nhóm thuốc Corticoid là thuốc lựa chọn ban đầu, điều trị bệnh lý xuất huyết giảm tiểu cầu còn có các phương án điều trị khác như:

  • Cắt lách: cắt lách nội soi tương đối an toàn, tỉ lệ đáp ứng tăng tiểu cầu là 70-80% và tỉ lệ giữ được đáp ứng lâu dài là 60-70%. Tuy nhiên sau khi cắt lách, hệ miễn dịch của người bệnh sẽ suy yếu, một khi nhiễm trùng thì có thể nhiễm trùng rất nặng. Chính vì vậy trước khi cắt lách người bệnh cần được chích ngừa và sau khi cắt lách người bệnh cần được uống kháng sinh phòng ngừa một thời gian dài ( ít nhất là 2 năm liên tục). Ở trẻ em, cắt lách được trì hoãn đến khi đứa trẻ lớn hơn 5 tuổi.
  • Rituximab: đây là một loại thuốc mới. Tỉ lệ đáp ứng điều trị 60% nhưng tỉ lệ giữ đáp ứng lâu dài khoảng 40%. Thuốc tương đối đắt tiền và thời gian để có đáp ứng tương đối dài. Thuốc này sẽ được bác sĩ lựa chọn nếu người bệnh không đáp ứng với nhóm Corticoid và không thể cắt lách.
  • Thuốc kích thích tăng tạo tiểu cầu (Eltrombopag): là một loại thuốc mới được chỉ định khi người bệnh kháng với các phương pháp nêu trên. Tuy nhiên thuốc rất đắt tiền và phải sử dụng lâu dài. Khi ngưng thuốc, đại đa số các trường hợp sẽ có số lượng tiểu cầu giảm thấp trở lại.
  • Các nhóm thuốc ức chế miễn dịch khác: Ngoài ra khi người bệnh không đáp ứng với tất cả các phương án điều trị kể trên, bác sĩ có thể chỉ định một loại thuốc ức chế miễn dịch khác để điều trị sau khi cân nhắc lợi ích điều trị lớn hơn tác dụng phụ của nó gây ra.

Định kì kiểm tra sức khỏe giúp mọi người phát hiện sớm bệnh lý xuất huyết giảm tiểu cầu
Định kì kiểm tra sức khỏe giúp mọi người phát hiện sớm bệnh lý xuất huyết giảm tiểu cầu

6. Một số lưu ý khác đối với người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

  • Hạn chế vận động mạnh: hạn chế chơi những môn thể thao có tính đối kháng và va chạm nhiều như : đá banh, bóng chuyền, bóng rổ....
  • Khi người bệnh cần nhổ răng, làm thủ thuật xâm lấn hoặc phải phẫu thuật cũng cần khai rõ tiền sử bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu của mình cho bác sĩ để có kế hoạch cho phẫu thuật an toàn
  • Theo dõi kinh nguyệt đối với trẻ em gái đến tuổi dậy thì, nếu lượng máu kinh nhiều nên báo với bác sĩ để có điều trị thích hợp
  • Phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ nếu tình trạng bệnh chưa ổn định thì nên tránh mang thai vì có thể không an toàn cho cả mẹ và thai nhi
  • Vì tính chất nguy hiểm và dễ tái phát của bệnh cũng như các tác dụng phụ thường gặp của thuốc do đó phải tuân thủ phác đồ điều trị

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe