Thuốc Rogyllaf có thành phần hoạt chất chính là Acetyl Spiramycin với hàm lượng 100mg và Metronidazol với hàm lượng 125mg. Đây là loại thuốc kháng sinh có tác dụng điều trị các bệnh nguyên nhân do ký sinh trùng, kháng nấm, chống nhiễm khuẩn và kháng virus.
1. Thuốc Rogyllaf là thuốc gì?
Thuốc Rogyllaf là thuốc gì? Thuốc Rogyllaf có thành phần hoạt chất chính là Acetyl Spiramycin với hàm lượng 100mg và Metronidazol với hàm lượng 125mg. Đây là loại thuốc kháng sinh có tác dụng điều trị các bệnh nguyên nhân do ký sinh trùng, kháng nấm, chống nhiễm khuẩn và kháng virus.
Thuốc Rogyllaf được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, phù hợp sử dụng theo đường uống trực tiếp. Quy cách đóng gói là hộp thuốc gồm 2 vỉ thuốc và mỗi vỉ chứa 10 viên nén.
Tác dụng của các thành phần có trong thuốc Rogyllaf:
- Hoạt chất Acetyl Spiramycin: là dẫn xuất monoacetat của Spiramycin. Spiramycin là kháng sinh thuộc nhóm Macrolid có phổ kháng khuẩn tương tự phổ kháng khuẩn của kháng sinh Erythromycin và Clindamycin. Loại kháng sinh này có tác dụng kìm khuẩn đối với vi khuẩn trong giai đoạn đang phân chia tế bào. Ở các nồng độ trong huyết thanh, Acetyl Spiramycin có tác dụng kìm khuẩn nhưng khi đạt nồng độ ở mô thuốc có thể diệt khuẩn. Cơ chế tác dụng của hoạt chất này là tác dụng trên các tiểu đơn vị 50S của ribosom vi khuẩn và ngăn cản vi khuẩn tổng hợp protein.
- Hoạt chất Metronidazol: Là một dẫn chất 5-nitro-imidazol, có phổ hoạt tính rộng trên động vật nguyên sinh như Amip, Giardia và trên vi khuẩn kị khí. Kháng sinh Metronidazol có tác dụng tốt đối với cả amip ở trong và ngoài ruột, cả thể cấp và thể mạn tính. Với lỵ amip mạn ở ruột, thuốc có công dụng yếu hơn do ít xâm nhập vào đại tràng. Thuốc còn có tác dụng tốt với Trichomonas vaginalis, Giardia, các vi khuẩn kỵ khí gram âm bao gồm cả Bacteroid, Clostridium, Helicobacter nhưng không có tác dụng trên vi khuẩn ưa khí.
2. Thuốc Rogyllaf chữa bệnh gì?
Thuốc Rogyllaf là thuốc kê đơn bởi bác sĩ điều trị được sử dụng trong:
- Điều trị các bệnh về răng miệng cấp tính, mãn tính hoặc tái phát, đặc biệt là viêm nướu, áp-xe răng viêm tấy quanh xương hàm, viêm môn, viêm quanh chân răng, viêm lợi, viêm miệng...
- Điều trị dự phòng nguy cơ bị nhiễm khuẩn răng miệng sau phẫu thuật.
3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Rogyllaf
3.1. Cách dùng thuốc Rogyllaf
Thuốc Rogyllaf được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, phù hợp dùng qua đường uống. Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng khuyến cáo của bác sĩ, không được tự ý thay đổi liều dùng để tránh những ảnh hưởng không mong muốn đến sức khỏe.
3.2. Liều điều trị của thuốc Rogyllaf
Liều dùng thuốc của thuốc cụ thể như sau:
- Đối với người lớn: Uống 4-6 viên/ ngày, chia 2-3 lần, uống trong bữa ăn.
- Trường hợp có thể dùng liều tấn công 8 viên/ ngày.
- Đối với trẻ em từ 10 đến 15 tuổi: Uống 3 viên/ngày.
- Đối với trẻ em từ 6 đến 10 tuổi: Uống 2 viên/ngày.
Cần lưu ý: Liều dùng như trình bày ở trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chỉ định của bác sĩ điều trị bệnh. Để có liều dùng cụ thể và phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị bệnh.
4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Rogyllaf
4.1. Tác dụng không mong muốn đối với hoạt chất Acetylspiramycin
Hiếm khi gặp các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng thuốc. Tác dụng không mong muốn thường gặp đối với hệ tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa, ỉa chảy, khó tiêu.
Tác dụng không mong muốn ít gặp:
- Cảm thấy mệt mỏi, chảy máu cam, đổ mồ hôi, tức ngực.
- Dị cảm trong thời gian ngắn mang tính chất tạm thời, loạn cảm, lảo đảo, đau, cứng cơ và khớp nối, cảm giác nóng rát.
- Viêm kết tràng cấp tính, xuất hiện ban da, ngoại ban, mày đay trên da.
Tác dụng không mong muốn hiếm gặp khác như: Phản ứng phản vệ, bội nhiễm nguyên nhân do sử dụng thuốc trong thời gian dài ngày.
4.2. Tác dụng không mong muốn của hoạt chất Metronidazol
Khi sử dụng thuốc với liều điều trị cao và trong thời gian lâu dài làm tăng tác dụng không mong muốn, cụ thể là rối loạn đường tiêu hóa mức độ nhẹ: buồn nôn, biếng ăn, miệng có vị kim loại, đau thượng vị, ói mửa, tiêu chảy.
Trong một số trường hợp ngoại lệ, có thể xuất hiện các tác dụng không mong muốn khác như:
- Những phản ứng ở da hay niêm mạc: nổi mề đay, cơn bừng vận mạch, ngứa, viêm lưỡi với cảm giác khô miệng;
- Những dấu hiệu thần kinh và tâm thần: đau nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, lẫn lộn, co giật;
- Viêm tụy, hồi phục khi ngưng điều trị với thuốc này.
- Giảm số lượng bạch cầu.
- Bệnh thần kinh cảm giác ngoại biên, các triệu chứng này giảm rồi hết hẳn khi ngưng điều trị.
Tác dụng không mong muốn khác hiếm nhưng vẫn có thể gặp như mất bạch cầu hạt, xuất hiện các cơn động kinh, bệnh đa dây thần kinh ngoại vi, phồng rộp da, ban da, ngứa ngáy.
Nước tiểu có thể nhuộm màu nâu đỏ nguyên nhân là do các sắc tố hình thành do chuyển hóa của thuốc Rogyllaf.
Ngoài những tác dụng phụ kể trên, nếu người bệnh gặp phải bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn nào khác khi sử dụng thuốc Rogyllaf thì cần thông báo ngay với bác sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.
5. Tương tác của thuốc Rogyllaf
Tương tác của thuốc Rogyllaf có thể xảy ả trong quá trình sử dụng như sau:
- Hoạt chất Metronidazol tăng tác dụng thuốc chống đông máu, đặc biệt Warfarin, vì vậy tránh sử dụng thuốc Rogyllaf cùng lúc với các thuốc chống đông.
- Hoạt chất Metronidazol có tác dụng kiểu disulfiram. Vì vậy không dùng đồng thời thuốc Rogyllaf với các thuốc này để tránh tác dụng độc tính đối với hệ thần kinh như loạn thần, lú lẫn.
- Sử dụng đồng thời thuốc Metronidazol và Phenobarbital làm tăng chuyển hóa Metronidazol nên Metronidazol thải trừ nhanh hơn.
6. Một số chú ý khi sử dụng thuốc Rogyllaf
Trong quá trình sử dụng thuốc Rogyllaf người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:
6.1. Chống chỉ định của thuốc Rogyllaf
Chống chỉ định sử dụng thuốc Rogyllaf trong các trường hợp sau đây:
- Chống chỉ định sử dụng thuốc với những người nhạy cảm hay cơ địa mẫn cảm với một trong các thành phần của thuốc.
- Không sử dụng thuốc với trẻ em dưới 6 tuổi.
- Không sử dụng thuốc Rogyllaf với phụ nữ có thai hay đang cho con bú.
- Hoạt chất Metronidazol có trong thành phần của thuốc được chống chỉ định sử dụng với những người bị động kinh hay những người bị rối loạn đông máu.
6.2. Thận trọng khi dùng thuốc Rogyllaf
Thận trọng khi dùng thuốc Rogyllaf trong những trường hợp sau đây:
- Hoạt chất Acetylspiramycin có trong thành phần của thuốc cần sử dụng cẩn trọng với những người có rối loạn chức năng gan. Nguyên nhân là do hoạt chất này có thể gây độc tính đối với gan.
- Hoạt chất Metronidazol: Metronidazol có tác dụng ức chế alcol dehydrogenase và các enzyme oxy hóa alcol khác.
- Thuốc Rogyllaf có gây ra phản ứng nhẹ kiểu disulfiram như nóng bừng mặt, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa nhiều, co cứng bụng và ra mồ hôi.
- Hoạt chất Metronidazol có thể gây ra bất động Treponema pallidum tạo nên phản ứng dương tính giả của nghiệm pháp Nelson.
- Sử dụng thuốc ở phụ nữ có thai và cho con bú: Không sử dụng được.
- Sử dụng thuốc lúc lái xe và xử lý máy móc: Thuốc Rogyllaf không gây buồn ngủ, không ảnh hưởng đến hoạt động của người khi lái xe hoặc đang vận hành máy móc. Vì vậy, bạn có thể sử dụng thuốc để điều trị bệnh mà không gây ảnh hưởng đến công việc.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Rogyllaf, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Rogyllaf để điều trị bệnh tại nhà, vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn đến sức khỏe.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.