Viêm, đau xương khớp là một tình trạng khá phổ biến hiện nay. Các thuốc thuộc nhóm NSAID như Philcotam 250 với thành phần chính Naproxen vì thế cũng được sử dụng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, ngoài công dụng điều trị các bệnh lý viêm, đau xương khớp, thuốc Philcotam còn được dùng trong một số tình trạng khác.
1. Philcotam là thuốc gì?
Thuốc Philcotam thuộc nhóm kháng viêm không steroid hay còn gọi là NSAID. Thuốc có chứa thành phần hoạt chất chính là Naproxen với hàm lượng 250mg. Ngoài ra, Philcotam còn chứa một số tá dược khác như: Gelatin, Dung dịch sorbitol sorbitan, Kali hydroxyd, Polyethylen glycol 60, Polyoxyd 40 hydrogenat castor oid,...
Viên thuốc Philcotam 250 được bào chế dưới dạng viên nang mềm hình thuôn, vỏ nang màu xanh nhạt trong suốt, chứa dịch thuốc bên trong không màu trong suốt.
2. Công dụng thuốc Philcotam 250
Naproxen trong thuốc Philcotam được sử dụng để giảm viêm, giảm đau, cứng khớp, hoạt động bằng cách ngăn chặn enzyme sản xuất prostaglandin – một chất đóng một vai trò thiết yếu trong chứng viêm. Cơ thể tạo ra chúng tại vị trí mô bị thương, và làm cho vị trí tổn thương sưng, đỏ, nóng và đau.
Philcotam 250 được sử dụng trong các trường hợp cụ thể sau:
- Viêm khớp dạng thấp;
- Viêm xương khớp;
- Viêm cột sống dính khớp;
- Viêm khớp thiếu niên tự phát;
- Viêm gân;
- Viêm bao hoạt dịch;
- Các triệu chứng của cơn gút cấp;
- Đau nhức cơ, căng cơ, bong gân;
- Đau bụng kinh;
- Đau đầu, đau nửa đầu;
- Đau răng;
- Đau sau phẫu thuật;
- Sốt.
3. Nên lưu ý gì khi sử dụng thuốc Philcotam?
3.1. Cách dùng và liều lượng thuốc Philcotam 250
Luôn sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy hỏi bác sĩ của bạn.
Uống thuốc Philcotam trong hoặc sau bữa ăn.
Liều lượng và số lần, thời gian dùng thuốc sẽ phụ thuộc vào: tuổi, tình trạng, mức độ bệnh, phản ứng với liều đầu tiên, các tình trạng y tế khác mà bạn đang có.
Liều khuyên dùng được khuyến cáo ở mức thấp nhất để hạn chế tối đa tác dụng phụ có thể gặp phải.
Ở trẻ em trên 5 tuổi dùng Philcotam 250 điều trị viêm khớp thiếu niên mỗi ngày dùng 10mg cho mỗi kilogam thể trọng, chia làm 2 lần uống cách nhau 12 giờ.
Ở người lớn, liều dành cho các tình trạng bệnh có khác biệt giữa các bệnh như sau:
- Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm xương khớp sử dụng từ 2-4 viên Philcotam 250 mỗi ngày chia làm 2 lần cách nhau 12 giờ.
- Gout: Ban đầu dùng 3 viên như liều đơn, sau đó cứ mỗi 8 giờ dùng 1 viên cho đến khi đỡ đau.
- Rối loạn cơ xương, đau bụng kinh: Bắt đầu với liều 2 viên thuốc Philcotam như liều đơn, sau đó nếu cần cứ mỗi 6-8 giờ dùng tiếp 1 viên. Mỗi ngày tối đa không quá 5 viên (tương đương 1250mg).
Ở người cao tuổi nên cân nhắc giảm liều thuốc Philcotam để tránh gây ra các tác dụng phụ.
3.2. Những lưu ý trước và trong quá trình sử dụng thuốc Philcotam
Thuốc Philcotam 250 không được sử dụng trong những trường hợp sau, hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang bị hoặc đã từng:
- Có bất kỳ phản ứng bất thường hoặc dị ứng nào với thuốc này hoặc nếu bạn đã từng lên cơn hen suyễn hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi dùng Aspirin hoặc NSAID;
- Suy gan nặng;
- Suy thận nặng với độ thanh thải Creatinin của thận thấp hơn 20ml/phút;
- Suy tim;
- Loét dạ dày-tá tràng;
- Xuất huyết đường tiêu hóa;
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và cuối của thai kỳ;
- Đang cho con bú.
Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc Philcotam cho trẻ dưới 12 tuổi.
Một số loại thuốc có thể gây ra tương tác với Philcotam 250 dẫn đến thay đổi cách hoạt động hoặc tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng:
- Một số sản phẩm có thể tương tác với thuốc này là: chất ức chế ACE (như Captopril,...), thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (như Losartan,... ), Cidofovir, Corticosteroid, Lithium, thuốc lợi tiểu Furosemide, Methotrexate,...;
- Thuốc Philcotam có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi dùng chung với các loại thuốc khác cũng có thể gây chảy máu như thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (Clopidogrel), thuốc làm loãng máu như Warfarin,...;
- Các thuốc giảm đau/hạ sốt (chẳng hạn như Aspirin ,các NSAID khác hoặc thuốc ức chế COX II). Những loại thuốc này tương tự như Naproxen và có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nếu dùng cùng nhau.
Không uống rượu trong thời gian sử dụng thuốc Philcotam.
Trong trường hợp quên một liều thuốc Philcotam hãy dùng ngay khi nhớ ra, và bỏ qua liều đã quên đó nếu đã gần với thời gian dùng liều kế tiếp, không cố dùng gấp đôi liều để bù lại.
Khi sử dụng quá liều thuốc Philcotam 250mg, bạn có thể gặp các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, đi cầu ra máu hoặc phân như bã cà phê, tiêu chảy, chóng mặt, ù tai, ợ nóng, lú lẫn,... hãy đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gặp ngay bác sĩ hoặc dược sĩ.
Bảo quản thuốc trong hộp kín ở nơi khô mát, tránh ánh sáng.
4. Tác dụng không mong muốn của Philcotam 250
Thuốc viên uống Philcotam có thể gây buồn ngủ vì vậy, không nên lái xe, vận hành máy móc hoặc làm các hoạt động khác đòi hỏi sự tỉnh táo cho đến khi bạn biết mình có thể hoạt động bình thường. Thuốc này cũng có thể gây ra các tác dụng phụ khác.
Các tác dụng phụ phổ biến hơn xảy ra với Philcotam 250mg bao gồm:
- Đau bụng;
- Táo bón;
- Tiêu chảy;
- Ợ nóng;
- Buồn nôn và ói mửa;
- Chóng mặt.
Các tác dụng phụ nhẹ có thể biến mất trong vài ngày hoặc vài tuần. Nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu chúng nghiêm trọng hơn hoặc không biến mất.
Nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng nào dưới đây khi sử dụng Philcotam, bạn cần sự trợ giúp y tế ngay lập tức:
- Tức ngực;
- Thở gấp hoặc khó thở;
- Yếu một phần hoặc một bên cơ thể;
- Khó nói;
- Sưng mặt hoặc cổ họng;
- Huyết áp cao;
- Chảy máu và loét trong dạ dày và ruột của bạn, với các triệu chứng như: đau bụng, nôn ra máu, có máu trong phân hoặc phân đen, lên cơn hen suyễn ở những người bị hen suyễn, giảm số lượng tế bào hồng cầu, mệt mỏi, suy nhược, vàng da hoặc vàng mắt, cân nặng tăng bất thường hoặc sưng tay, sưng chân, phát ban da hoặc mụn nước kèm sốt.
Bài viết trên đây không bao gồm danh sách đầy đủ các tác dụng phụ, tương tác thuốc của Philcotam. Nói cho bác sĩ về tất cả loại thuốc bạn đang sử dụng, kể cả thuốc kê đơn, không kê đơn, sản phẩm từ thảo dược.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.