Sự xuất hiện của tình trạng bị đau khớp gối ở người trẻ có thể là biểu hiện của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Mặc dù bệnh thường gặp ở người cao tuổi, nhưng ngày nay, đau khớp gối dần phổ biến ở những người trẻ, thậm chí khi chỉ ở độ tuổi 20.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội cơ xương khớp tại khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Nguyên nhân bị đau khớp gối ở người trẻ
Vấn đề bị đau khớp gối ở người trẻ ở độ tuổi từ 20 thường có liên quan đến các chấn thương do hoạt động quá mức. Khi cơ bắp, dây chằng hoặc gân hoạt động quá sức, sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau, cứng cơ.
Bên cạnh đó, viêm gân và viêm bao hoạt dịch là một số chấn thương thường gặp khi hoạt động quá mức, đặc biệt là trong các hoạt động đòi hỏi nhiều sức lực. Tuy nhiên, chúng cũng có thể xảy ra ở những người ít hoạt động đột nhiên tăng cường hoạt động.
Mặc dù những chấn thương này phổ biến ở người trẻ, nhưng không hẳn lúc nào cũng là nguyên nhân duy nhất gây đau khớp gối. Có thể do những nguyên nhân sau đây:
1.1. Hội chứng Patellofemoral
Hội chứng Patellofemoral là một nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng bị đau khớp gối ở người trẻ. Hội chứng bắt nguồn từ việc các cơ hỗ trợ khớp gối, giúp khớp chuyển động bị mất cân bằng. Khi cơ đùi yếu hoặc cơ và gân xung quanh đầu gối căng quá mức, có thể ảnh hưởng đến cách khớp gối hoạt động, tạo áp lực và gây căng bên trong khớp.
Theo thời gian, những vùng này có thể bị kích thích và viêm, gây ra đau ở phía trước của đầu gối và xung quanh xương bánh chè. Người mắc hội chứng Patellofemoral có thể gặp khó khăn hoặc đau khi quỳ, ngồi xổm hoặc leo cầu thang.
1.2. Viêm xương khớp
Viêm khớp có thể ảnh hưởng đến đầu gối của người bệnh từ độ tuổi 20, đặc biệt là vận động viên hoặc người thừa cân béo phì. Viêm khớp có nguy cơ phát triển khi lớp sụn bảo vệ bên trong khớp gối bị mòn.
Người chơi thể thao, đặc biệt là những người phải thực hiện các hoạt động xoay người nhiều, nhảy mạnh hoặc thực hiện các hoạt động có tác động mạnh, dễ bị viêm khớp hơn do sự hao mòn dư thừa bên trong khớp. Các chấn thương lặp đi lặp lại ở đầu gối cũng có thể làm tổn thương sụn, tăng nguy cơ gây viêm khớp.
Ngoài ra, béo phì cũng ảnh hưởng đến đầu gối theo cách tương tự. Sự căng thẳng do việc gánh toàn bộ trọng lượng cơ thể có thể làm yếu sụn và gây hư khớp nhanh hơn.
Mặc khác, trẻ em và thanh thiếu niên cũng có thể gặp phải tình trạng đau đầu gối, đặc biệt khi tham gia các hoạt động thể thao hoặc tập luyện. Trong độ tuổi vị thành niên, đau đầu gối thường không phải do viêm khớp mà do hội chứng xương bánh chè gây ra.
Vấn đề bị đau khớp gối ở độ tuổi vị thành niên thường xuất phát từ việc hoạt động quá mức hoặc do thói quen tập luyện không tốt dẫn đến tình trạng khi chỉ có một nhóm cơ phát triển mạnh mẽ hơn nhóm còn lại.
Sự mất cân bằng này có thể kéo xương bánh chè ra khỏi vị trí, gây ra áp lực không đồng đều bên trong khớp. Ngoài đau đầu gối, người bệnh còn gặp các triệu chứng khác như: nghe thấy âm thanh hoặc có cảm giác nhức nhối bên trong đầu gối, đặc biệt là vào ban đêm.
2. Dấu hiệu cho thấy việc bị đau khớp gối ở người trẻ trở nên nghiêm trọng
Các dấu hiệu sau đây cho thấy việc đau đầu gối ở bệnh nhân đã trở nên nghiêm trọng:
- Cơn đau đầu gối không thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi.
- Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm.
- Đau đầu gối gây ra giảm cân nặng.
- Đau đầu gối gây ra các triệu chứng cơ học như kẹt hoặc khóa đầu gối.
- Đau đầu gối kèm với sưng tấy.
- Đau đầu gối làm hạn chế phạm vi chuyển động.
3. Làm thế nào để hết bị đau khớp gối ở người trẻ?
Thường thì, đau đầu gối ở những bệnh nhân trẻ có thể được điều trị bằng các phương pháp bảo tồn như sau:
- Nghỉ ngơi, tránh các hoạt động quá mức, nhất là ở vùng đầu gối.
- Chườm lạnh để làm giảm sưng ở đầu gối.
- Sử dụng thuốc giảm viêm không steroid.
- Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu và kéo căng để cân bằng lại đầu gối.
Tùy thuộc vào các triệu chứng và mức độ hoạt động, người bệnh có thể áp dụng những biện pháp giúp giảm triệu chứng đau khớp gối sau:
- Sử dụng giày được thiết kế phù hợp cho môn thể thao hoặc hoạt động cụ thể mà người bệnh tham gia.
- Khởi động thật kỹ trước bất kỳ hoạt động thể dục, thể thao nào.
- Thực hiện các bài tập thể dục chân thường xuyên để duy trì sức mạnh và sự linh hoạt của cơ đầu gối.
- Tránh các hoạt động gây đau đầu gối.
- Chú ý đến các dấu hiệu ban đầu của cơn đau đầu gối để tránh tình trạng quá tải.
Mặc dù tình trạng đau đầu gối ở thanh thiếu niên và thanh niên thường có thể được điều trị bảo tồn, nhưng vẫn cần phải được đánh giá y tế. Nếu trì hoãn việc điều trị có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm khớp và phát sinh thêm nhiều vấn đề nghiêm trọng khác trong tương lai.
4. Vấn đề bị đau khớp gối ở người trẻ có thể chữa bằng cách nào?
Phương pháp điều trị đau đầu gối phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:
- Trong trường hợp viêm xương khớp, phương pháp tốt nhất thường được áp dụng là: giảm cân, sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như bơi lội, yoga, pilates, hoặc đạp xe và đi bộ.
- Bên cạnh đó, các loại thuốc tiêm mới được phát triển hiện nay có tiềm năng trong việc kiểm soát tình trạng viêm xương khớp.
- Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để quyết định liệu có nên áp dụng các biện pháp bảo tồn hay không.
5. Khi nào cần phẫu thuật?
Để giải quyết bệnh viêm xương khớp, việc phẫu thuật trở thành bước cần thiết nếu bệnh nhân gặp hai trường hợp sau:
- Khi các biện pháp bảo tồn trên không mang lại kết quả.
- Khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Có một số phương pháp sau để điều trị đau đầu gối ở người trẻ:
- Phẫu thuật cắt xương.
- Phẫu thuật sửa chữa sụn bị hỏng.
- Cấy ghép sụn.
- Phẫu thuật cấy ghép xương.
- Tái tạo dây chằng.
6. Làm gì để khắc phục vấn đề bị đau khớp gối ở người trẻ?
- Đảm bảo rằng đầu gối không chịu áp lực quá nặng.
- Thực hiện một lối sống lành mạnh bằng việc tập thể dục đều đặn.
- Tránh chấn thương bằng cách luôn khởi động kĩ trước khi tập luyện.
- Khi cảm thấy mệt mỏi, bệnh nhân nên dành thời gian để nghỉ ngơi.
Thông qua bài viết cho thấy, các nguyên nhân gây đau khớp gối ở người trẻ tuổi có thể bao gồm chấn thương, bệnh lý tự miễn, nhiễm trùng hoặc vấn đề chuyển hóa. Khi gặp phải tình trạng đau khớp gối, bệnh nhân nên đi khám sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để tránh các biến chứng tiềm ẩn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.