Thuốc Oramin được sử dụng theo đơn của bác sĩ/dược sĩ, giúp bổ sung các dưỡng chất cho những người bệnh có thể chất ốm yếu, người chán ăn, ăn không ngon, mệt mỏi, loạn dưỡng và trẻ em đang độ tuổi trưởng thành. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về dòng thuốc Oramin qua bài viết sau.
1. Thuốc Oramin là thuốc gì?
Thuốc Oramin thuộc nhóm thuốc khoáng chất và Vitamin, được bào chế dưới dạng viên nang mềm đóng theo hộp 10 vỉ x 3 viên.
Thuốc Oramin có các thành phần:
- Retinol palmitat hàm lượng 4000IU
- ErgocalcIferol hàm lượng 400IU
- Tocopherol acefat hàm lượng 15 mg
- Acid ascorbic hàm lượng 75 mg
- Thiamin nifrat hàm lượng 2mg
- Riboflavin hàm lượng 2 mg
- Pyridoxin hydroclorid hàm lượng 2mg
- Calci pantothenat hàm lượng 10 mg
- Nicotinamid hàm lượng 20 mg
- Cyanocobalamin
- Acid folic
- Các thành phần tá dược: Dầu đậu nành, lecithin, dầu cọ, sáp ong trắng, gelatin, glycerin đậm đặc, methyl paraben, propyl paraben, D-Sorbitol, Ethyl vanilin, titan dioxyd, màu đỏ số 40, màu vàng số 5, màu xanh số 1, nước tinh khiết.
2. Thuốc Oramin có tác dụng gì?
Thuốc Oramin được sử dụng bổ sung Vitamin và khoáng chất trong những trường hợp:
- Người có thể chất ốm yếu hay đau ốm.
- Người chán ăn, ăn không ngon, mệt mỏi, loạn dưỡng.
- Người đang mang thai hoặc cho con bú.
- Trẻ em trong giai đoạn tăng trưởng và người già.
3. Liều dùng thuốc Oramin
Thuốc Oramin được sử dụng sau khi ăn.
Liều thông thường cho người lớn: 1 viên nang Oramin/ngày.
4. Chống chỉ định dùng thuốc Oramin
Thuốc Oramin không được sử dụng trong các trường hợp sau:
- Không dùng cho người bệnh bị mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc Oramin.
- Bệnh lý ác tính.
- Chống chỉ định dùng Vitamin C liều cao cho người bị thiếu hụt glucose 6 phosphat dehydrogenase (G6PD) (nguy cơ thiếu máu huyet tán) người có tiền sử sỏi thận.
- Người bệnh mắc tăng oxalat niệu và loạn chuyển hóa oxalat (tăng nguy cơ sỏi thận)
- Người bệnh bị bệnh thalassemia (tăng nguy cơ hấp thu sắt).
- Người bệnh thừa Vitamin A.
- Bệnh gan nặng
- Loét dạ dày tiến triển.
- Xuất huyết động mạch.
- Hạ huyết áp.
- Nhiễm độc Vitamin D hoặc tăng calci máu.
5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Oramin
Thuốc Oramin được kê theo toa của bác sĩ, người bệnh cần tuân thủ dùng đúng liều lượng và cách sử dụng đã được chỉ dẫn.
Ở trẻ nhỏ cần phải dùng thuốc Oramin dưới sự theo dõi của người lớn. Vì lượng Vitamin A cần thiết cho cơ thể đã được cung cấp đủ trong thức ăn hàng ngày, do đó không nên dùng quá 8.000 đơn vị Vitamin A mỗi ngày.
Nếu buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, ngứa xảy ra do uống Oramin, người bệnh nên ngưng thuốc và tham vấn ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Dùng Oramin có thể gây ra chứng đa kinh và bệnh kinh nguyệt. Nếu tình trạng ra huyết kéo dài liên tục trong quá trình sử dụng thuốc Oramin cần phải hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Nếu thấy thuốc Oramin kém hiệu quả sau một tháng, hãy thảo luận vấn đề này với bác sĩ hoặc dược sĩ.
Phụ nữ có thai nếu dùng liều Vitamin A (Retinol) quá 8.000 đơn vị / ngày có thể gây ra những bất thường bẩm sinh cho thai nhi, vì vậy cần phải thận trọng.
Trong quá trình mang thai nếu người mẹ uống vitamin C liều cao (3g/ngày) sẽ dẫn đến nguy cơ bệnh Scorbut cho trẻ sơ sinh.
Phụ nữ có thai và cho con bú phải hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng thuốc Oramin.
6. Tác dụng phụ xảy ra khi dùng thuốc Oramin
Trong quá trình sử dụng thuốc Oramin, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như:
- Tăng oxalat - niệu
- Thiếu máu tan máu
- Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, buồn nôn/nôn, ợ nóng, co cứng cơ bụng
- Mệt mỏi, buốt hoặc đau nhói ở da, đỏ bừng, ngứa, cảm giác rát bỏng.
- Chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu, mất ngủ, dễ bị kích thích,...
Người bệnh hãy thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi dùng thuốc Oramin.
7. Tương tác thuốc Oramin
Không nên dùng chung thuốc Oramin với các thuốc có chứa Vitamin A, D trong thành phần.
Thuốc Oramin có tác dụng bổ sung các dưỡng chất cho những người đang ốm yếu. Trước khi dùng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để có kết quả điều trị tốt.