Hadomin Ginseng là một sản phẩm thuốc có thành phần gồm nhiều loại vitamin và khoáng chất cùng với cao nhân sâm. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang mềm, sử dụng Hadomin Ginseng hàng ngày sau bữa ăn sáng để mang lại hiệu quả điều trị tối ưu.
1. Thuốc Hadomin Ginseng là gì?
Hadomin Ginseng là một sản phẩm thuốc công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây được bào chế dưới dạng viên nang mềm, hình thuôn dài màu nâu, bể mặt viên nhãn bóng, sờ vào không bị dính tay, bên trong viên thuốc có chứa hỗn dịch màu nâu. Thành phần của thuốc Hadomin Ginseng bao gồm:
- Cao nhân sâm (Panax ginseng extract): 40mg;
- Vitamin A (Retinyl palmitate): 2500 IU;
- Vitamin D2 (Ergocalciferol): 300 IU;
- Vitamin B1 (Thiamin nitrat): 2mg;
- Vitamin B2 (Riboflavin): 2mg;
- Vitamin B6 (Pyridoxine.HCl): 2mg;
- Vitamin PP (Nicotinamid): 18mg;
- Vitamin C (Acid ascorbic): 30mg;
- Vitamin B5 (Calcium pantothenate): 15mg;
- Vitamin E (œ Tocopheryl acetat): 40IU;
- Calci (Calcium hydrophosphate): 45mg;
- Sắt (Sắt sulfat): 5,6mg;
- Magnesi (Magnesi Oxyd): 19,8mg;
- Kẽm (Kẽm oxyd): 4,02mg;
- Đồng (Đồng sulfat): 1,78mg;
- Mangan (Mangan sulfat): 0,98mg;
- Kali (Kali sulfat): 8,08mg.
2. Hadomin Ginseng có tác dụng gì?
Hadomin Ginseng được sử dụng để cung cấp vitamin và muối khoáng cho cơ thể, giúp người bệnh phục hồi sức khoẻ sau khi ốm dậy. Thuốc được sử dụng cho người bị bệnh mãn tính, bệnh nhân sau phẫu thuật và các trường hợp cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, suy nhược do lao động học tập, chơi thể thao gắng sức, phụ nữ đang cho con bú bị thiếu hụt vitamin và khoáng chất.
3. Liều lượng của Hadomin Ginseng
Uống Hadomin Ginseng theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc với liều lượng thường là l viên/ngày, nên uống Hadomin Ginseng sau bữa ăn sáng.
4. Chống chỉ định của Hadomin Ginseng
- Chống chỉ định sử dụng thuốc trong trường hợp quá mẫn với một trong các thành phần của thuốc Hadomin Ginseng;
- Phụ nữ đang có thai;
- Vitamin A: Chống chỉ định người bệnh thừa vitamin A;
- Vitamin D2: Chống chỉ định tăng calci máu hoặc nhiễm độc vitamin D;
- Vitamin PP: Chống chỉ định bệnh gan nặng, loét dạ dày tiến triển, xuất huyết động mạch, hạ huyết áp nặng;
- Vitamin C: Chống chỉ định dùng liều cao vitamin C cho người bị thiếu hụt glucose - 6 - phosphate dehydrogenase (G6PD), người sỏi thận (dùng liều cao 1g/ngày).
5. Tác dụng không mong muốn của Hadomin Ginseng
Nhân sâm: Uống nhân sâm dài ngày (trong 2 năm) hoặc sử dụng nhân sâm với liều lượng lớn có thể dẫn đến tình trạng tăng huyết áp, thần kinh quá mẫn, gây mất ngủ, nổi ban da, tiêu chảy... tất cả hội chứng này được gọi là hội chứng lạm dụng nhân sâm (ginseng abuse syndrome).
Uống vitamin A liều cao kéo dài có thể dẫn đến ngộ độc vitamin A với các triệu chứng đặc trưng là: Mệt mỏi, dễ bị kích động, chán ăn, sụt cân, nôn, rối loạn tiêu hoá, sốt, gan - lách to, da bị biến đổi màu, rụng tóc, môi nứt nẻ và chảy máu, thiếu máu, đau đầu, calci huyết cao, phù nề dưới da, đau xương khớp. Trẻ em các triệu chứng ngộ độc mãn tính vitamin A bao gồm cả tăng áp lực nội sọ (thóp căng), phù gai mắt, ù tai, rối loạn thị giác, sưng đau dọc theo xương dài, tuy nhiên hầu hết các triệu chứng sẽ mất dần khi ngừng sử dụng thuốc. Uống vitamin A liều cao có thể dẫn đến ngộ độc cấp với các dấu hiệu ngộ độc bao gồm: buồn ngủ, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, nôn, dễ bị kích động, nhức đầu, mê sảng, co giật, tiêu chảy... xuất hiện sau khi uống thuốc từ 6 - 24 giờ. Đối với phụ nữ mang thai, sử dụng liều Vitamin A trên 8.000IU mỗi ngày có thể gây ngộ độc cho thai nhi trong bụng mẹ.
Uống Vitamin D: có thể gây tác dụng không mong muốn là quá liều thuốc, ngộ độc vitamin D. Các triệu chứng ban đầu của ngộ độc vitamin D là dấu hiệu tăng calci máu. Tăng calci huyết và tình trạng nhiễm độc vitamin D có một số tác dụng phụ thường gặp như: yếu, mệt mỏi, ngủ gà, đau đầu, chán ăn, khô miệng, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, các biểu hiện ù tai, mất điều hoà, giảm trương lực cơ, đau cơ, đau xương và dễ bị kích thích. Tác dụng phụ ít gặp hoặc hiếm gặp hơn kiên quan đến vitamin D gồm: Nhiễm calci thận, rối loạn chức năng thận, loãng xương, giảm phát triển ở trẻ em, sụt cân, tăng huyết áp, loạn nhịp,rối loạn chuyển hoá...
Vitamin B1: Rất hiếm xảy ra và thường theo kiểu dị ứng, chỉ xảy ra chủ yếu khi tiêm.
Vitamin B5: có thể gây phản ứng dị ứng tuy nhiên khá hiếm gặp.
Vitamin B2: nước tiểu có thể có màu vàng vì có chứa Vitamin B2 và gây sai lệch ột số xét nghiệm nước tiểu, khi ngừng thuốc sẽ hết.
Vitamin B6: Dùng liều 200mg/ngày và dài ngày (trên 2 tháng) có thể gây bệnh thần kinh ngoại vi với biểu hiện dáng đi không vững, tê cóng bàn chân, tê cóng và vụng về bàn tay có hồi phục khi ngừng thuốc, mặc dù vẫn để lại di chứng.
Vitamin E: Liều cao vitamin E có thể gây tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hoá, mệt mỏi, yếu.
Vitamin C: Liều dùng cao 1g vitamin C/ngày có thể gây ra rối loạn đường niệu, rối loạn huyết ở người thiếu G6PD gây ra chứng tan máu, buồn nôn, nôn, ợ nóng, co cứng cơ bụng, mệt mỏi.
Vitamin PP: Liều nhỏ thường không gây độc tuy nhiên khi dùng liều cao có thể xảy ra một số tác dụng phụ thường gặp là: buồn nôn, đỏ bừng mặt và cổ, ngứa, cảm giác rát bỏng, buốt hoặc đau nhói ở da, ít gặp hơn là loét dạ dày tiến triển, nôn, chán ăn, đau khi đói, đầy hơi, tiêu chảy, khô da....
6. Tương tác của thuốc của Hadomin Ginseng
Vitamin B6 có trong Hadomin Ginseng sẽ ức chế tác dụng của Levodopa (do thích dopadecarboxylase ngoại vi). Không nên dùng thuốc Hadomin Ginseng với Neomycin, Cholestyramin, Parafin lỏng vì các thuốc này sẽ làm giảm hấp thu của vitamin A. Các thuốc tránh thai có thể làm tăng nồng độ vitamin A trong huyết tương và có tác dụng không thuận lợi cho sự thụ thai. Dùng thuốc đồng thời Hadomin Ginseng với Isotretinoin có thể dẫn đến tình trạng tương tự như dùng vitamin A quá liều vì vậy cần tránh dùng đồng thời hai thuốc này.
Không nên dùng thuốc Hadomin Ginseng đồng thời với Cholestyramin hoặc Colestipol hydroclorid, vì có thể dẫn đến giảm hấp thu vitamin D ở ruột. Điều trị đồng thời với thuốc lợi tiểu thiazid cho những người thiểu năng cận giáp có thể dẫn đến tăng calci huyết trong trường hợp này cần phải ngừng sử dụng thuốc tạm thời. Không dùng thuốc với Phenobarbital và/hoặc Phenytoin vì những thuốc này có thể làm giảm nồng độ 25-hydroxy ergocalciferol và 25-hydroxy-cholecalciferol trong huyết tương và tăng chuyển hóa vitamin D thành những chất không có hoạt tính. Không nên dùng thuốc Hadomin Ginseng với corticosteroid vì corticosteroid lam cản trở tác dụng của vitamin D. Không dùng thuốc Hadomin Ginseng với các glycosid trợ tim vì độc tính của glycosid trợ tim tăng do tăng calci huyết, dẫn đến loạn nhịp tim.
7. Những dấu hiệu cảnh báo dùng thuốc Hadomin Ginseng quá liều?
Vitamin E (Dùng quá 3000U1/ngày) có thể gây rối loạn tiêu hoá (Buồn nôn, nôn, đầy hơi, đi lỏng, viêm ruột hoại tử).
Vitamin A (Dùng 100.000U1/ngày x 10-15 ngày liên, hoặc phụ nữ có thai dùng quá 8000UI/ngày) gây ngứa khô tóc, chán ăn buồn nôn.
Dùng liều cao vitamin C (Quá 1g/ngày) gây sỏi thận.
Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Hadomin Ginseng. Việc dùng đúng lượng và đủ liều theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp việc dùng thuốc trong điều trị đạt được kết quả tốt nhất cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.