Paclitaxel là một chất chống ung thư, bao gồm ung thư buồng trứng, ung thư vú hay ung thư phổi không tế bào nhỏ. Hoạt chất này có trong sản phẩm có tên thương mại là Hepargitol. Vậy việc sử dụng Hepargitol cần lưu ý những gì?
1. Hepargitol là thuốc gì?
Hepargitol là sản phẩm của Công ty Dược phẩm TW1, thành phần chính là Paclitaxel và bào chế dạng dung dịch pha tiêm truyền tĩnh mạch.
Hepargitol có các dạng hàm lượng như sau:
- Hepargitol 30mg/5ml;
- Hepargitol 100mg/16.7ml;
- Hepargitol 150mg/25ml;
- Hepargitol 300mg/50ml.
2. Chỉ định của thuốc Hepargitol
Chỉ định của thuốc Hepargitol trong những trường hợp sau đây:
- Hepargitol được sử dụng để điều trị ung thư buồng trứng di căn khi các liệu pháp điều trị bằng Anthracycline và Platin đã thất bại hoặc bị chống chỉ định;
- Hepargitol kết hợp với Doxorubicin là phác đồ được lựa chọn đầu tiên trong điều trị bổ trợ ung thư vú di căn. Ngoài ra, Hepargitol còn được chỉ định điều trị ung thư vú di căn khi thất bại với liệu pháp Anthracycline hoặc ung thư vú tái phát sau 6 điều trị bằng phác đồ bổ trợ;
- Hepargitol còn được chỉ định điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ và sarcom Kaposi liên quan đến AIDS.
3. Chống chỉ định của Hepargitol
Chống chỉ định của Hepargitol trong những trường hợp sau đây:
- Chống chỉ định sử dụng Hepargitol cho bệnh nhân mẫn cảm với Paclitaxel hay bất kỳ thành phần nào của chế phẩm, đặc biệt là dầu cremophor EL;
- Bệnh nhân có số lượng bạch cầu trung tính dưới 1500/mm3 hoặc có những triệu chứng rõ ràng của bệnh lý thần kinh vận động;
- Phụ nữ mang thai hay cho con bú không được dùng Hepargitol.
4. Liều dùng, cách dùng thuốc Hepargitol
Việc chỉ định và sử dụng thuốc Hepargitol phải được tiến hành bởi bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm về hóa trị liệu chống ung thư.
Một số liệu pháp cần tiến hành trước khi sử dụng Hepargitol:
- Dexamethason: Liều 20mg x 2 lần, có thể uống (trước 12 giờ và 6 giờ) hoặc tiêm tĩnh mạch (trước 14 giờ và 7 giờ);
- Diphenhydramin: Liều 50mg tiêm tĩnh mạch khoảng 30-60 phút trước khi dùng Hepargitol;
- Ngoài ra có thể chỉ định một số thuốc kháng Histamin H2 như Cimetidin, Famotidin hay Ranitidin.
Liều dùng thuốc Hepargitol trong điều trị ung thư buồng trứng:
- Phác đồ hàng đầu: Phối hợp Hepargitol với Cisplatin để điều trị khởi đầu ung thư buồng trứng tiến triển theo 2 phác đồ khác nhau được lựa chọn tùy theo khả năng đáp ứng của bệnh nhân:
- Phác đồ 1: Hepargitol 175 mg/m2 (diện tích cơ thể) truyền tĩnh mạch 3 giờ, sau đó truyền tĩnh mạch Cisplatin 75mg/m2, cách mỗi 3 tuần thực hiện một đợt điều trị;
- Phác đồ: Hepargitol liều 135mg/m2, truyền tĩnh mạch 24 giờ, sau đó Cisplatin liều 75mg/m2, cách 3 tuần thực hiện một đợt điều trị;
- Phác đồ hàng hai hoặc điều trị kế tiếp ung thư buồng trứng tiến triển: Bệnh nhân ung thư buồng trứng di căn không đáp ứng với pháp đồ hàng đầu hoặc hóa trị liệu kế tiếp được khuyến cáo dùng Hepargitol liều 135 hoặc 175 mg/m2 truyền tĩnh mạch trong 3 giờ, cách 3 tuần nhắc lại nếu dung nạp được.
Liều thuốc Hepargitol điều trị ung thư vú:
- Điều trị hỗ trợ ung thư vú có hạch: Hepargitol liều 175 mg/m2 truyền tĩnh mạch trong 3 giờ, cách 3 tuần một đợt với tổng cộng 4 đợt, sau khi hoàn tất thì tiếp tục dùng Doxorubicin trong phác đồ phối hợp;
- Pháp đồ hàng hai điều trị ung thư vú tiến triển: Ung thư vú di căn đã trơ với hóa trị liệu hoặc tái phát trong vòng 6 tháng sau khi điều trị hỗ trợ được khuyến cáo dùng Hepargitol 175 mg/m2, truyền tĩnh mạch trong 3 giờ, cách 3 tuần một lần.
Liều Hepargitol điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ:
- Bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ không có chỉ định phẫu thuật hoặc xạ trị được khuyến cáo sử dụng Hepargitol 135mg/m2 truyền tĩnh mạch trong 24 giờ, sau đó truyền tĩnh mạch Cisplatin liều 75mg/m2, cách 3 tuần một đợt. Hoặc phác đồ khác là Hepargitol liều 175mg/m2 truyền tĩnh mạch trong 3 giờ, sau đó truyền Cisplatin 80mg/m2, cách 3 tuần một đợt.
Liều Hepargitol điều trị sarcom Kaposi có liên quan đến AIDS:
- Bệnh nhân nhiễm HIV tiến triển chỉ được bắt đầu dùng Hepargitol nếu số lượng bạch cầu trung tính ít nhất 1000/mm3;
- Bệnh nhân Sarcom Kaposi liên quan đến AIDS không đáp ứng với phác đồ lựa chọn hàng đầu hoặc hóa trị liệu kế tiếp có thể áp dụng 2 phác đồ với Hepargitol, bao gồm:
- Phác đồ 1: Hepargitol liều 135mg/m2 truyền tĩnh mạch trong vòng 3 giờ, cách 3 tuần một lần;
- Phác đồ 2: Hepargitol liều 100mg/m2 truyền tĩnh mạch trong 3 giờ, cách 2 tuần một lần;
- Liều dùng Hepargitol có thể giảm nếu bệnh nhân bị suy gan.
Một số lưu ý về liều dùng thuốc Hepargitol:
- Bệnh nhân có số lượng bạch cầu hạt giảm nặng dưới 500/mm3 trong quá trình điều trị dài bằng Hepargitol nên giảm 20% liều dùng;
- Đợt điều trị nhắc lại của thuốc Hepargitol chỉ được thực hiện khi số lượng bạch cầu hạt trên 1500/mm3 và số lượng tiểu cầu ít nhất 100000/mm3;
- Bệnh nhân nhiễm HIV sử dụng Hepargitol theo chu kỳ chỉ được nhắc lại khi số lượng bạch cầu hạt đạt ít nhất 1000/mm3.
5.Tác dụng phụ của thuốc Hepargitol
Tác dụng ngoại ý thường gặp khi sử dụng Hepargitol bao gồm:
- Triệu chứng quá mẫn cảm (ở mức độ nghiêm trọng gặp ở khoảng 2% bệnh nhân), bao gồm sung huyết, ngoại ban, ăn uống kém hoặc phù ngoại vi;
- Bệnh thần kinh ngoại biên;
- Suy tủy xương, giảm nặng số lượng bạch cầu trung tính (dưới 500/mm3 gặp ở 14-75% bệnh nhân), giảm số lượng tiểu cầu (17-52%), thiếu máu với Hb dưới 8 g/dL (16 - 22%);
- Hạ huyết áp không biểu hiện triệu chứng (tỷ lệ 4-12%), nhịp tim chậm không triệu chứng (khoảng 3% bệnh nhân) và rối loạn trên điện tâm đồ (gặp khoảng 14-23%);
- Buồn nôn, nôn ói (52-88%), tiêu chảy (khoảng 38%), viêm niêm mạc (20%), táo bón (18%) hoặc tắc ruột (4%);
- Rụng tóc (trên 90% trường hợp);
- Kích ứng tại nơi truyền thuốc (13%);
- Tăng men gan hơn 5 lần so với bình thường (5%), tăng phosphatase kiềm hơn 5 lần (5%) và tăng mạnh bilirubin huyết thanh (1%);
- Đau cơ, đau khớp (60%), trong đó 12% trường hợp mức độ rất nặng;
- Nhiễm khuẩn (khoảng 12-30%).
Một số tác dụng không mong muốn ít gặp của thuốc Hepargitol:
- Phản ứng quá mẫn nặng như hạ huyết áp, phù mạch, khó thở, nổi mày đay toàn thân;
- Blốc nhĩ - thất;
- Ngất xỉu;
- Hạ huyết áp kèm hẹp động mạch vành.
6.Tương tác thuốc của Hepargitol
Hoạt chất Cisplatin (thường được dùng sau Hepargitol) nếu sử dụng trước sẽ làm giảm sự đào thải Hepargitol qua thận từ 20 đến 25% và làm tăng nguy cơ ức chế tủy xương.
Sử dụng Hepargitol với Doxorubicin có thể làm tăng nồng độ Doxorubicin trong máu, từ đó làm tăng hiệu quả điều trị ung thư và tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn trên tim.
Trên in vitro, các hoạt chất như Ketoconazole, Verapamil, Diazepam, Quinidin, Dexamethason, Cyclosporin, Teniposide, Etoposide và Vincristin hay các chất ức chế protease có thể cản trở quá trình chuyển hóa và thải trừ của Hepargitol.
Các thuốc cảm ứng cytochrome CYP450 hoặc CYP2C8, CYP2C9, CYP3A4 có thể làm giảm nồng độ Hepargitol trong máu, bao gồm thuốc chống co giật Phenobarbital hay Phenytoin.
7.Thận trọng khi sử dụng Hepargitol
Thận trọng khi sử dụng Hepargitol trong những trường hợp sau đây:
- Hepargitol không được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân có tăng transaminase gan gấp 10 lần giới hạn trên bình thường hoặc nồng độ bilirubin máu > 7.5 mg/100 ml hoặc trên 5 lần giới hạn bình thường.
- Sử dụng thận trọng Hepargitol ở người có bệnh lý tim mạch, tiền sử mắc bệnh thần kinh ngoại biên (do nguyên nhân hóa trị hoặc do bệnh đái tháo đường).
- Trong chế phẩm Hepargitol có chứa tá dược Cremophor EL, có nhiều khả năng gây ra các đáp ứng kiểu phản vệ do tăng giải phóng Histamin ở người quá mẫn với Cremophor EL. Do đó, bệnh nhân cần được dự phòng quá mẫn trước khi sử dụng Hepargitol và cần chuẩn bị các biện pháp điều trị phản vệ khi cần thiết.
- Khi sử dụng nhiều thuốc, các dẫn xuất của taxan (như paclitaxel, docetaxel) nên dùng trước các dẫn xuất của Platin để giảm nguy cơ suy tủy.
- Bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ cao mắc phải độc tính của Hepargitol, bao gồm bệnh thần kinh hoặc giảm số lượng bạch cầu hạt.
- Theo nguyên tắc chung, phụ nữ mang thai không được dùng các thuốc hóa trị liệu, đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ. Hepargitol có độc tính đối với phôi và bào thai hoặc làm giảm khả năng sinh sản khi nghiên cứu trên chuột cống.
- Bệnh nhân cần tránh sử dụng Hepargitol trong thời gian cho con bú hoặc phải ngừng nuôi con bằng sữa mẹ nếu việc dùng Hepargitol là không thể thay thế.
- Hepargitol có thể gây ra các phản ứng phụ như mệt mỏi (rất phổ biến) và chóng mặt (phổ biến). Do đó có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc của bệnh nhân.
Thuốc Hepargitol. có hoạt chất chính là Paclitaxel, đây là một chất chống ung thư bao gồm ung thư buồng trứng, ung thư vú hay ung thư phổi không tế bào nhỏ. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế có chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.