Gacoba thuộc nhóm thuốc kháng sinh đã có mặt trên thị trường Việt Nam nhiều năm qua. Thuốc Gacoba được chứng minh hiệu quả trong hỗ trợ điều trị bệnh lý đường tiết niệu. Bệnh nhân tìm hiểu cách dùng và liều dùng thuốc Gacoba trong bài viết dưới đây.
1. Gacoba là thuốc gì?
Gacoba là thuốc được chỉ định để điều trị triệu chứng của bướu lành tuyến tiền liệt. Thuốc Gacoba có thành phần chính là Alfuzosin HCl hàm lượng 2,5mg, bào chế dưới dạng viên nén bao phim. Gacoba được đóng gói khá đa dạng: Trong hộp loại 3 vỉ, loại 6 vỉ, loại 9 vỉ x 10 viên. Trong chai có loại 50 viên, loại 100 viên.
Chống chỉ định thuốc Gacoba với người mẫn cảm thành phần Alfuzosin HCl, bệnh nhân suy gan. Bảo quản thuốc Gacoba nơi thoáng, cao ráo, nhiệt độ dưới 30 oC, tránh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
2. Cách dùng – liều dùng thuốc Gacoba
Để công dụng thuốc Gacoba đạt hiệu quả cao trong hỗ trợ chữa trị bướu lành tuyến tiền liệt, bệnh nhân cần nắm rõ cách dùng và liều lượng dùng thuốc.
2.1. Cách dùng thuốc Gacoba
- Sử dụng Gacoba đường uống, nuốt cả viên, không nhai thuốc.
- Uống thuốc sau bữa ăn.
- Uống thuốc Gacoba với nhiều nước lọc. Tuyệt đối không uống thuốc với nước chè, cà phê, nước ngọt có gas, rượu, bia,...
2.2. Liều lượng dùng thuốc Gacoba
- Liều Gacoba thông thường: Viên nén 2.5 mg, ngày 2 lần, tương đương 5 mg/ ngày. Liều Gacoba đầu tiên uống buổi tối trước khi ngủ. Sau đó tăng liều lên viên nén 5 mg, ngày 2 lần sáng – tối, tương đương 10 mg/ ngày.
- Với bệnh nhân trên 65 tuổi mắc bệnh phì đại lành tính tiền liệt tuyến: Dùng viên nén 10 mg/ ngày, 1 lần/ ngày, uống đều đặn 3 – 4 ngày.
- Bệnh nhân cao tuổi hoặc bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống tăng huyết áp: Bắt đầu bằng viên nén 2.5 mg, 2 lần/ ngày. Sau đó tăng dần liều lượng theo đúng chỉ định bác sĩ.
Xử lý khi quên liều: Uống ngay viên Gacoba khi nhớ ra. Nếu liều Gacoba bị quên gần liều kế tiếp, bỏ qua liều quên. Khi uống liều Gacoba kế tiếp không tự ý tăng liều để bù liều quên.
Xử lý khi quá liều: Thông báo ngay cho bác sĩ/dược sĩ khi uống quá liều Gacoba. Nếu có bất cứ triệu chứng bất thường nào của cơ thể sau khi uống quá liều Gacoba, người nhà đưa bệnh nhân tới địa chỉ y tế chuyên khoa để bác sĩ xử lý kịp thời.
3. Tác dụng phụ của thuốc Gacoba
Đi kèm công dụng thuốc Gacoba là những tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình bệnh nhân sử dụng thuốc.
Tác dụng phụ thường gặp:
- Hệ tiêu hóa rối loạn: Người bệnh đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn.
- Tác dụng phụ lên hệ thần kinh: Người bệnh chóng mặt, hoa mắt, xỉu, nhức đầu, choáng váng,...
- Tác dụng phụ lên hệ sinh dục – tiết niệu: Bệnh nhân bất lực.
- Đối với hệ hô hấp: Người bệnh viêm phế quản, viêm mũi, viêm xoang, viêm đường hô hấp, viêm hầu họng,...
Tác dụng phụ ít gặp:
- Đối với hệ thần kinh: Bệnh nhân buồn ngủ, khô miệng, suy nhược thần kinh.
- Tác dụng phụ với tim mạch: Xuất hiện cơn đau thắt ngực, nhịp tim đập nhanh.
- Tác dụng phụ lên gan: Bệnh nhân vàng da, gan tổn thương.
- Đối với da: Người bệnh ngứa da.
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Bệnh nhân bị hạ huyết áp ở tư thế đứng.
- Đối với bệnh nhân tăng huyết áp sẽ xuất hiện triệu chứng: Đánh trống ngực, ngất xỉu, ngứa, phù,...
Lưu ý: Sau khi uống thuốc Gacoba gặp phải tác dụng phụ không mong muốn, bệnh nhân ngừng uống và thông báo cho bác sĩ/dược sĩ để xử lý kịp thời.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Gacoba
Bất kỳ loại thuốc nào cũng có những lưu ý đi kèm để hạn chế tác dụng phụ không mong muốn, thuốc Gacoba cũng không ngoại lệ.
4.1. Lưu ý chung của thuốc Gacoba
- Sử dụng Gacoba có thể khiến bệnh nhân hạ huyết áp thế đứng, cần đề phòng trường hợp bị ngã. Đặc biệt sau khi dùng liều Gacoba khởi đầu, bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp dẫn tới ngất xỉu. Lúc này, người sơ cứu cần đặt bệnh nhân nằm đầu thấp. Tình trạng hạ huyết áp tăng khi bệnh nhân uống rượu, hoạt động thể lực,...
- Triệu chứng bệnh ung thư và phì đại lành tính tiền liệt tuyến giống nhau. Vì vậy, trước khi uống Gacoba, bệnh nhân phải loại trừ khả năng mắc bệnh ung thư.
- Thận trọng và giảm liều lượng thuốc Gacoba ở bệnh nhân gan mức độ nhẹ và vừa, bệnh nhân mắc bệnh thận, người cao tuổi.
4.2. Lưu ý với phụ nữ có thai và cho con bú
Hai nhóm đối tượng này không nên tự ý uống thuốc Gacoba khi chưa có chỉ định kê đơn từ bác sĩ chuyên khoa.
4.3. Lưu ý với người lái xe, vận hành máy
Đối với dân lái xe, người vận hành máy móc khi sử dụng thuốc Gacoba có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: Hạ huyết áp khi đứng, chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi,... Vì vậy, hãy cân nhắc trước khi uống thuốc hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
4.4. Tương tác thuốc Gacoba
- Không kết hợp thuốc Gacoba với thuốc chống tăng huyết áp khác, cụ thể là thuốc terazosin, thuốc prazosin,... vì có thể dẫn tới hạ huyết áp khi đứng rất nặng.
- Không kết hợp thuốc Gacoba với thuốc chống tăng huyết áp khác vì nguy cơ hạ huyết áp quá mức ở bệnh nhân
- Các thuốc ức chế hoạt tính 50 loại enzymes thuộc nhóm monooxygenase như thuốc ritonavir, thuốc itraconazole, thuốc ketoconazol có thể làm tăng nồng độ alfuzosin trong máu
- Không kết hợp Gacoba với thuốc Atenolol vì làm tăng nồng độ trong huyết tương của hai thuốc
- Không kết hợp thuốc Gacoba với thuốc Diltiazem vì làm tăng nồng độ trong huyết tương của hai thuốc
- Sử dụng kết hợp thuốc Gacoba với thuốc Cimetidin làm tăng nồng độ huyết tương của Gacoba
Bài viết đã làm rõ công dụng thuốc Gacoba để bệnh nhân tham khảo. Gacoba là thuốc kê đơn từ bác sĩ, vì vậy, người bệnh tuyệt đối không tự ý tăng – giảm liều lượng trong quá trình sử dụng để hạn chế tác dụng phụ xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.