Thuốc Fuxofen 20 được chỉ định trong điều trị trầm cảm nặng, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, chứng chán ăn... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Fuxofen 20 qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng của thuốc Fuxofen 20
“Thuốc Fuxofen 20 có tác dụng gì?”. Theo đó, thuốc Fuxofen 20 chứa hoạt chất Fluoxetin 20mg bào chế dưới dạng viên nén bao phim. Fuxofen được chỉ định trong những trường hợp sau:
Đối với người trưởng thành:
- Điều trị trầm cảm nặng: Thuốc Fuxofen 20 được chỉ định trong điều trị triệu chứng của bệnh trầm cảm có hoặc không kèm theo âu lo và không cần dùng thuốc an thần;
- Điều trị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế;
- Điều trị chứng cuồng ăn, ăn vô độ: Fuxofen 20 được chỉ định trong điều trị tâm lý nhằm giảm thiểu tình trạng ăn uống vô độ, thanh lọc cơ thể.
2. Cơ chế tác dụng của thuốc
Hoạt chất Fluoxetin thuộc nhóm thuốc chống trầm cảm thế hệ 2 tác dụng theo cơ chế ức chế hấp thu serotonin có chọn lọc. Hiện nay trên lâm sàng, fluoxetin được kê đơn nhằm kiểm soát trầm cảm cùng với nhiều bệnh lý như chứng OCD, chứng ăn vô độ, rối loạn hoảng sợ, rối loạn tiền kinh nguyệt.
Hiệu quả lâm sàng trong điều trị của Fluoxetin 20 như sau:
- Điều trị trầm cảm: Giảm 50% điểm trên thanh đánh giá trầm cảm Hamilton;
- Đáp ứng liều thuốc: Nghiên cứu trên lâm sàng cho thấy việc tăng liều thuốc không làm tăng hiệu quả khi sử dụng ở người bệnh trầm cảm nặng;
- Điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Fluoxetin được chứng minh có hiệu quả hơn so với giả dược;
- Điều trị chứng cuồng ăn: Fluoxetin được chứng minh có hiệu quả hơn so với giả dược trong việc giảm nôn, buồn nôn.
3. Liều dùng của thuốc Fuxofen 20
Fuxofen 20 thuộc nhóm thuốc kê đơn, vì vậy liều thuốc sử dụng cần được chỉ định bởi bác sĩ dựa vào tình trạng người bệnh.
Một số khuyến cáo về liều thuốc Fuxofen 20 như sau:
Đối với người trưởng thành:
- Điều trị trầm cảm: Liều thuốc khuyến cáo là 20mg/ngày. Liều thuốc cần được xem xét và hiệu chỉnh trong trường hợp cần thiết (việc hiệu chỉnh liều cần tiến hành trong vòng 3 – 4 tuần sau khi bắt đầu điều trị). Một số người bệnh không đáp ứng đủ với liều thuốc 20mg có thể tăng liều lên tối đa 60mg/ngày. Liệu trình điều trị cần ít nhất 6 tháng để đảm bảo rằng người bệnh không còn các triệu chứng của bệnh;
- Điều trị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Liều thuốc khuyến cáo là 20mg/ngày. Liều thuốc có thể được tăng lên 60mg/ngày nếu người bệnh không đáp ứng;
- Điều trị chứng cuồng ăn: Liều thuốc khuyến cáo là 60mg/ngày.
Người bệnh cao tuổi: Thận trọng khi tăng liều thuốc, liều hàng ngày nói chung không quá 40mg. Liều thuốc khuyến cáo tối đa là 60mg/ngày.
4. Tác dụng phụ của thuốc Fuxofen 20
Thuốc Fuxofen 20 có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
- Thường gặp: Chóng mặt, mệt mỏi, ra mồ hôi, giảm tình dục, liệt dương, không có khả năng xuất tinh, tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn, ngứa và phát ban da, run, mất ngủ, lo sợ;
- Ít gặp: Nôn, khô miệng, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, co thắt phế quản phản ứng giống hen, bí tiểu tiện;
- Hiếm gặp: Mạch nhanh, loạn nhịp tim, viêm mạch, phản ứng ngoại tháp, hội chứng Parkinson, động kinh, dị cảm, hội chứng Serotonin, tăng prolactin huyết, giảm hoặc tăng năng tuyến giáp, chứng vú to ở đàn ông, chứng mụn mủ, dát sần, phát ban, lupus ban đỏ, vàng da ứ mật, viêm gan, xơ hóa phổi, giảm natri huyết.
Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng không mong muốn trong thời gian điều trị bằng thuốc Fuxofen 20.
5. Chống chỉ định
Chống chỉ định sử dụng thuốc Fuxofen 20 trong những trường hợp sau:
- Người bệnh mẫn cảm với Fluoxetin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc;
- Người bệnh bị suy thận nặng;
- Người đang điều trị bằng thuốc ức chế men MAO;
- Người có tiền sử động kinh;
- Phụ nữ đang cho con bú.
6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Fuxofen 20
Tránh sử dụng Fuxofen 20 đồng thời với chất ức chế men MAO. Lưu ý chỉ sử dụng thuốc ức chế men MAO khi Fluoxetin đã được thải trừ hoàn toàn (ít nhất 5 tuần).
Thận trọng khi sử dụng thuốc Fuxofen 20 ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên dưới 18 tuổi vì thuốc có liên quan đến hành vi tự tử.
Fuxofen 20 có thể gây nhức đầu hoặc chóng mặt, người bệnh không nên đứng dậy đột ngột khi đang ở tư thế nằm hoặc ngồi.
Thuốc Fluoxetin có thể gây hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường.
Chảy máu bất thường: Fluoxetin làm tăng nguy cơ chảy máu bao gồm chảy máu đường tiêu hóa. Vì vậy cần thận trọng khi điều trị ở người bệnh dùng đồng thời Fluoxetin với thuốc chống đông máu, thuốc có ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu (Như Aspirin, NSAID) và người bệnh dễ bị chảy máu cam.
Hạ Natri máu nghiêm trọng đã được báo cáo ở người bệnh điều trị bằng Fluoxetin, đặc biệt là người bệnh cao tuổi, người bệnh đang điều trị bằng thuốc lợi tiểu hoặc người bị suy kiệt thể tích máu. Tình trạng hạ Natri máu chấm dứt khi ngưng dùng thuốc Fuxofen 20.
Đối với phụ nữ đang mang thai và phụ nữ đang cho con bú: Khuyến cáo không sử dụng thuốc Fuxofen 20 ở phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú.
Người lái xe, vận hành máy móc: Fluoxetin có thể gây buồn ngủ, giảm khả năng suy nghĩ, phán đoán hoặc khả năng vận động. Vì vậy người bệnh cần thận trọng khi lái xe hoặc thực hiện những công việc cần độ tỉnh táo.
7. Tương tác thuốc
Thuốc ức chế men MAO: Không sử dụng Fuxofen 20 cùng với thuốc ức chế men MAO như Selegilin, Procarbazin, Furazolidon vì nguy cơ gây lú lẫn, kích động và các triệu chứng tại đường tiêu hóa như sốt cao, cơn tăng huyết áp hoặc co giật nặng.
Thuốc được chuyển hóa bởi enzym P4502D6: Fluoxetin gây ức chế mạnh enzyme P4502D6, vì vậy nếu điều trị đồng thời fluoxetin với các thuốc được chuyển hóa bởi enzym này (ví dụ như Encainid, Flecainid, Carbamazepin) thì cần bắt đầu hoặc hiệu chỉnh các thuốc này ở phạm vi liều thấp.
Thuốc kích thích giải phóng serotonin nếu sử dụng cùng với Fluoxetin có thể gây ra hội chứng cường Serotonin như ảo giác, kích động, tăng thân nhiệt, hôn mê, nôn, buồn nôn, tiêu chảy.
Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của thuốc Fuxofen 20, vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Fuxofen 20.