Tương tự như tất cả các thuốc chống trầm cảm khác, thuốc trazodone HCL sẽ làm tăng nồng độ serotonin trong não. Bệnh nhân khi được chỉ định sử dụng thuốc trazodone HCL cần phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra.
1. Thuốc trazodone HCL là thuốc gì?
Thuốc trazodone HCL có tác dụng gì? Thuốc trazodone HCL là thuốc được sử dụng để điều trị trầm cảm. Thuốc giúp cải thiện tâm trạng, sự thèm ăn và mức năng lượng, giúp giảm lo lắng và giảm thiểu tình trạng mất ngủ liên quan đến trầm cảm.
Thuốc trazodone hoạt động thông qua cơ chế khôi phục sự cân bằng của serotonin - đây là một chất hóa học quan trọng có trong não bộ con người.
2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Trazodone HCL
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi bắt đầu dùng thuốc trazodone, nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bệnh nhân hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Đường dùng của thuốc Trazodone HCL là đường uống, thông thường thuốc được chỉ định uống 1 hoặc 2 lần mỗi ngày, uống thuốc sau bữa ăn hoặc uống theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu bệnh nhân được chỉ định sử dụng 1 liều thuốc mỗi ngày nhưng gặp phải tác dụng phụ buồn ngủ, tốt nhất người bệnh nên dùng thuốc trước khi đi ngủ. Trường hợp cần dùng 2 liều mỗi ngày, bệnh nhân có thể dùng 1 trong 2 liều vào buổi tối trước khi đi ngủ và uống theo hướng dẫn của bác sĩ.
Liều dùng của thuốc dựa trên tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng điều trị của từng người bệnh khác nhau. Để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc phải các tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ thường cho bệnh nhân bắt đầu điều trị thuốc với liều thấp và tăng dần liều.
Lưu ý, người bệnh cần dùng thuốc đúng theo chỉ định, không được tự ý tăng liều thuốc mỗi ngày hoặc sử dụng thuốc thường xuyên hơn so với liều lượng được bác sĩ hướng dẫn, bởi tình trạng bệnh sẽ không cải thiện nhanh hơn khi tăng liều, tuy nhiên nguy cơ người bệnh gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc lại có thể tăng lên.
Người bệnh thường mất từ 2 đến 4 tuần để nhận thấy tác dụng đầy đủ của thuốc. Tiếp tục sử dụng thuốc Trazodone HCL theo chỉ định của bác sĩ ngay cả khi tình trạng bệnh đã cải thiện.
Để đảm bảo việc tuân thủ điều trị, người bệnh nên dùng thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày, không tự ý ngừng dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì có thể xảy ra tình trạng lo âu, kích động và khó ngủ nếu bệnh nhân ngừng thuốc đột ngột.
3. Tác dụng phụ của thuốc thuốc trazodone HCL
Nếu bệnh nhân gặp phải bất kỳ tác dụng nào sau đây kéo dài hoặc ngày càng trầm trọng hơn, bệnh nhân hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ ngay lập tức:
- Buồn nôn, nôn;
- Tiêu chảy;
- Buồn ngủ;
- Chóng mặt, mệt mỏi, mờ mắt;
- Thay đổi cân nặng;
- Nhức đầu;
- Đau cơ;
- Khô miệng;
- Có mùi vị khó chịu trong miệng;
- Nghẹt mũi;
- Táo bón;
- Thay đổi sở thích/khả năng tình dục.
Các tác dụng phụ nghiêm trọng cần báo cho bác sĩ điều trị bao gồm:
- Run;
- Gặp ác mộng;
- Ù tai;
- Đi tiểu khó, tiểu ra máu;
- Dấu hiệu nhiễm trùng (sốt, đau họng);
- Khó thở;
- Đau bụng.
Tác dụng phụ rất nghiêm trọng cần thông báo ngay cho bác sĩ, bao gồm:
- Đau ngực/hàm/cánh tay trái;
- Ngất xỉu;
- Nhịp tim nhanh/đập không đều;
- Co giật;
- Đau mắt, sưng mắt, đỏ mắt, giãn đồng tử, thay đổi thị lực (nhìn thấy cầu vồng xung quanh đèn vào ban đêm).
Thuốc trazodone HCL có thể làm tăng serotonin nhưng hiếm khi gây ra hội chứng serotonin (tình trạng rất nghiêm trọng). Tuy nhiên, nguy cơ này sẽ tăng lên nếu bệnh nhân dùng thuốc trazodone HCL đồng thời với các loại thuốc làm tăng serotonin khác, vì vậy hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết tất cả các loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng.
Lưu ý, người bệnh cần được trợ giúp y tế ngay khi xuất hiện các triệu chứng như: nhịp tim nhanh, nhìn thấy ảo giác, mất phối hợp, chóng mặt nghiêm trọng, buồn nôn/nôn, tiêu chảy nặng, lên cơn co giật cơ, sốt không rõ nguyên nhân, tâm trạng kích động/bồn chồn bất thường.
Đối với nam giới, có rất ít trường hợp gặp phải tình trạng cương dương kéo dài 4 hoặc nhiều giờ, nếu hiện tượng này xảy ra bệnh nhân nên ngừng sử dụng thuốc và tìm đến sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng hiếm khi xảy ra, tuy nhiên bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế ngay nếu nhận thấy triệu chứng dị ứng nghiêm trọng như: phát ban, ngứa, sưng (có thể sưng ở mặt/lưỡi/cổ họng), chóng mặt, khó thở...
4. Các biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc trazodone HCL
Các biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ khi sử dụng thuốc trazodone HCL
- Để giảm khô miệng, người bệnh có thể ngậm kẹo cứng (không đường) hoặc đá bào, nhai kẹo cao su (không đường), uống nước...
- Để giảm nguy cơ chóng mặt và choáng váng, người bệnh hãy đứng dậy từ từ khi thay đổi từ tư thế ngồi hoặc nằm.
- Trước khi dùng trazodone, bệnh nhân cần cho bác sĩ biết về tiền sử dị ứng với thuốc trazodone HCL hoặc với nefazodone, tiền sử bệnh tật, đặc biệt là tiền sử của cá nhân hoặc gia đình nếu có rối loạn lưỡng cực, đã từng cố gắng tự tử, đang hoặc từng mắc bệnh tim (nhịp tim không đều, đau tim), bệnh gan, bệnh thận, vấn đề về huyết áp, tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị bệnh tăng nhãn áp.
- Thuốc trazodone HCL có thể gây chóng mặt, buồn ngủ hoặc làm mờ tầm nhìn. Rượu có thể khiến cơn chóng mặt hoặc buồn ngủ nặng nề hơn. Vì vậy người bệnh không nên lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm bất cứ điều gì đòi hỏi sự tỉnh táo hoặc tầm nhìn rõ ràng khi đang dùng thuốc, cần hạn chế sử dụng đồ uống có cồn.
- Trazodone có thể ảnh hưởng đến nhịp tim (kéo dài QT). Nguy cơ kéo dài QT có thể tăng lên nếu bệnh nhân mắc thêm một số bệnh lý nhất định hoặc đang dùng các loại thuốc khác có thể gây kéo dài QT.
- Mức độ giảm kali hoặc magiê trong máu người bệnh cũng có thể làm tăng nguy cơ kéo dài QT. Nguy cơ này sẽ tăng lên nếu người bệnh sử dụng một số loại thuốc (như thuốc lợi tiểu) hoặc khi đổ mồ hôi nhiều, tiêu chảy hoặc nôn mửa.
- Người lớn tuổi thường nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là tác dụng phụ buồn ngủ, chóng mặt và kéo dài QT.
- Trong thời kỳ mang thai, thuốc chỉ nên được sử dụng khi thật sự cần thiết và sau khi đã được bác sĩ cân nhắc những rủi ro và lợi ích. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng cho phụ nữ đang cho con bú.
- Các vấn đề về tâm thần không được điều trị (như trầm cảm) có thể trở nên nghiêm trọng, vì vậy người bệnh không nên tự ý ngưng thuốc, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
5. Tương tác thuốc trazodone HCL
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng. Một sản phẩm có thể gây tương tác với thuốc trazodone HCL là digoxin (thuốc điều trị bệnh tim).
Bên cạnh đó, dùng thuốc ức chế MAO đồng thời với thuốc trazodone HCL có thể gây ra tương tác thuốc nghiêm trọng (có thể dẫn đến tử vong). Vì vậy tránh dùng thuốc ức chế MAO (isocarboxazid, moclobemide, phenelzine, procarbazine, rasagiline, safinamide, selegiline, tranylcypromine) trong khi điều trị bằng thuốc trazodone HCL. Hầu hết các chất ức chế MAO cũng không nên dùng trong hai tuần trước và sau khi điều trị bằng thuốc trazodone HCL.
Các loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến việc thải trừ trazodone ra khỏi cơ thể, gây ảnh hưởng đến tác dụng điều trị của trazodone bao gồm: thuốc chống nấm nhóm azol (itraconazole, ketoconazole), thuốc ức chế protease HIV (ritonavir, indinavir), kháng sinh thuộc nhóm macrolid (erythromycin), các thuốc điều trị co giật (như phenytoin)...
Nguy cơ mắc hội chứng serotonin tăng lên nếu bệnh nhân dùng các loại thuốc khác làm tăng serotonin bao gồm: một số loại thuốc chống trầm cảm (nhóm SSRIs như fluoxetine/paroxetine, nhóm SNRIs như duloxetine/venlafaxine).
Cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu người bệnh đang dùng các sản phẩm gây buồn ngủ bao gồm: rượu, thuốc kháng histamin (cetirizine, diphenhydramine), thuốc ngủ (alprazolam, diazepam, zolpidem), thuốc giãn cơ và các thuốc giảm đau opioid (codein).
6. Quá liều thuốc trazodone HCL
Nếu người bệnh sử dụng quá liều và bắt đầu có các triệu chứng nghiêm trọng như ngất đi hoặc khó thở, thân nhân hãy gọi cấp cứu ngay. Các triệu chứng của quá liều thường là: cương cứng đau đớn kéo dài (đối với nam giới), nhịp tim chậm/nhanh/không đều, buồn ngủ bất thường, chóng mặt, nôn mửa nhiều, khó thở, co giật.
Nếu người bệnh bỏ lỡ một liều, hãy dùng nó ngay khi nhớ ra, nếu đã gần đến thời gian uống của liều tiếp theo, người bện hãy bỏ qua liều đã quên, không được tự ý gấp đôi liều để bù đắp.
Bảo quản thuốc trong điều kiện nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng và hơi ẩm, không lưu trữ thuốc trong phòng tắm và phải giữ tất cả các loại thuốc tránh xa tầm với của trẻ em và vật nuôi.
Không xả thuốc xuống bồn cầu hoặc đổ vào cống trừ khi được hướng dẫn, vứt bỏ sản phẩm đúng cách khi đã hết hạn hoặc khi không còn cần thiết.
Thuốc trazodone HCL được bác sĩ chỉ định để điều trị trầm cảm, giúp cải thiện tâm trạng, sự thèm ăn và mức năng lượng, đồng thời làm giảm lo lắng và mất ngủ liên quan đến trầm cảm. Để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất, người bệnh cần thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com