Công dụng thuốc Capmatinib

Ung thư là bệnh lý nguy hiểm và đang có xu hướng gia tăng nhanh, trong đó có một số loại ung thư cần sử dụng thuốc Capmatinib để điều trị. Vậy Capmatinib là thuốc gì?

1. Capmatinib chữa bệnh gì?

Capmatinib chữa bệnh gì? Kinase là một loại enzyme thúc đẩy sự phát triển của tế bào, trong cơ thể chúng ta có nhiều loại kinase nhau giúp kiểm soát các giai đoạn phát triển khác nhau. Bằng cách ngăn chặn một loại enzyme cụ thể hoạt động, thuốc Capmatinib có thể làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư bằng cách ngăn chặn hoạt động của các protein được tạo ra bởi gen chuyển tiếp biểu mô trung mô (MET), từ đó làm giảm sự phát triển của tế bào ung thư.

Capmatinib được chỉ định để điều trị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể hoặc ung thư phổi không thể loại bỏ bằng phẫu thuật.

2. Cách dùng thuốc Capmatinib

Thuốc Capmatinib được bào chế dưới dạng viên nén, sử dụng theo đường uống, có thể có hoặc không có thức ăn. Viên thuốc Capmatinib phải được uống nguyên viên và không được nghiền nát, bẻ gãy hoặc nhai. Nếu bệnh nhân bỏ lỡ một liều thuốc Capmatinib hoặc bị nôn sau khi dùng thuốc cũng không nên dùng liều khác.

Nồng độ trong máu của thuốc Capmatinib có thể bị ảnh hưởng bởi một số loại thực phẩm và thuốc, vì vậy cần tránh dùng thuốc Capmatinib đồng thời với các thực phẩm và thuốc gồm: bưởi, nước ép bưởi, Carbamazepine, Rifampin, Ritonavir và St. John's wort...

3. Bảo quản thuốc Capmatinib như thế nào?

Bảo quản thuốc Capmatinib trong bao bì gốc, có dán nhãn, bảo quản ở nhiệt độ phòng và ở nơi khô ráo, không nên bảo quản trong hộp thuốc, để thuốc Capmatinib xa tầm tay trẻ em và vật nuôi. Bất kỳ loại thuốc nào không sử dụng nên được vứt bỏ trong vòng 6 tuần sau khi gói thuốc được mở.

Nếu người chăm sóc chuẩn bị liều thuốc Capmatinib cho bệnh nhân, họ nên cân nhắc đeo găng tay hoặc đổ thuốc trực tiếp từ hộp đựng vào nắp, cốc nhỏ hoặc trực tiếp vào tay bệnh nhân, tránh chạm vào viên thuốc. Luôn rửa tay trước và sau khi cho bệnh nhân dùng thuốc Capmatinib. Phụ nữ có thai hoặc cho con bú không nên chuẩn bị liều thuốc Capmatinib cho người bệnh. Không xả thuốc Capmatinib xuống bồn cầu hoặc vứt vào thùng rác.

4. Tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Capmatinib

Một số tác dụng phụ phổ biến hoặc quan trọng nhất của thuốc Capmatinib:

4.1. Độc tính trên gan

Sử dụng thuốc Capmatinib có thể gây nhiễm độc gan, do đó bác sĩ điều trị có thể giám sát thông qua các xét nghiệm chức năng gan thường xuyên 2 tuần một lần trong 3 tháng điều trị đầu tiên và sau đó hàng tháng hoặc theo yêu cầu riêng ở từng trường hợp cụ thể. Hãy thông báo cho bác sĩ nếu có các triệu chứng nhiễm độc gan trong quá trình dùng thuốc Capmatinib như vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, đau bụng hạ sườn phải...

4.2. Phù ngoại vi

Phù ngoại vi là hiện tượng sưng các chi do giữ nước: sưng bàn tay, cánh tay, chân, mắt cá chân và bàn chân vô cùng khó chịu, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ nếu đang gặp phải bất kỳ vết sưng mới hoặc tình trạng sưng cũ trở nặng hơn.

4.3. Buồn nôn, nôn mửa

Khi điều trị thuốc Capmatinib có thể sử dụng thêm các thuốc giúp kiểm soát buồn nôn và nôn cùng với việc thay đổi chế độ ăn uống, tránh những thứ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng nôn như thức ăn thức ăn quá đặc hoặc nhiều dầu mỡ/chất béo, gia vị hoặc axit (chanh, cà chua, cam).

4.4. Cảm giác mệt mỏi không giảm kể cả khi nghỉ ngơi

Mệt mỏi là cảm giác rất phổ biến trong quá trình điều trị ung thư với Capmatinib, người dùng Capmatinib thường xuyên cảm thấy kiệt sức và không thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Do đó trong khi điều trị ung thư với Capmatinib và trong một thời gian sau đó, bệnh nhân cần điều chỉnh lịch sinh hoạt để kiểm soát tình trạng mệt mỏi, lập kế hoạch về thời gian để nghỉ ngơi để tiết kiệm năng lượng cho các hoạt động quan trọng hơn. Bên cạnh đó. việc tập thể dục hợp lý cũng có thể giúp bệnh nhân chống lại sự mệt mỏi.

4.5. Giảm cảm giác thèm ăn hoặc thay đổi khẩu vị

Bệnh nhân có thể cảm thấy vị kim loại hoặc cảm thấy thức ăn không có mùi vị gì, dù là thực phẩm mà bản thân đã từng rất thích trước khi điều trị với Capmatinib, điều này gây khó khăn cho việc ăn uống. Các triệu chứng này có thể kéo dài vài tháng hoặc lâu hơn kể sau khi điều trị kết thúc. Bệnh nhân nên:

  • Cố gắng ăn 5 hoặc 6 bữa ăn nhỏ hoặc nhẹ trong ngày, thay vì 3 bữa ăn chính;
  • Sử dụng thêm các chất bổ sung dinh dưỡng nếu cần;
  • Tránh bất kỳ thực phẩm nào mà bệnh nhân cho rằng có mùi khó chịu hoặc vị không ngon.
  • Nếu có vấn đề với thịt đỏ, bệnh nhân hãy ăn thịt gà, gà tây, trứng, các sản phẩm từ sữa và cá không có mùi nặng.
  • Có thể tăng thêm hương vị cho thịt hoặc cá bằng cách ướp với nước trái cây, nước sốt chua ngọt.... Sử dụng các loại gia vị như húng quế, rau mùi hoặc hương thảo để tăng thêm hương vị.

Ngoài ra, thịt xông khói, giăm bông và hành tây có thể giúp tăng thêm hương vị cho các món rau.

4.6. Các tác dụng phụ quan trọng nhưng ít phổ biến của Capmatinib

  • Các vấn đề về phổi: Bệnh nhân có thể phát triển bệnh phổi kẽ hoặc viêm phổi khi dùng thuốc Capmatinib với các triệu chứng mới hoặc trầm trọng hơn bao gồm khó thở, khó thở, ho hoặc sốt.
  • Nhạy cảm với ánh sáng: Da của bệnh nhân có thể nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, có thể bị cháy nắng nghiêm trọng hoặc phát ban có thể kéo dài ngay cả sau khi hóa trị Capmatinib xong. Tránh ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 đến 2 giờ tối, thoa kem chống nắng (ít nhất SPF 30 với khả năng bảo vệ khỏi tia UVA/UVB) mỗi ngày và thoa lại khi ra nắng trong thời gian dài, đeo kính râm có khả năng chống tia UVA/UVB, đội mũ và áo dài tay/quần dài để bảo vệ da...

5. Capmatinib ảnh hưởng đến sinh sản như thế nào?

  • Việc cho thai nhi tiếp xúc với thuốc Capmatinib có thể dẫn đến các dị tật bẩm sinh, vì vậy bệnh nhân không nên mang thai hoặc làm cha trong thời gian điều trị ung thư bằng thuốc Capmatinib.
  • Việc áp dụng các biện pháp ngừa thai hay kiểm soát sinh đẻ hiệu quả là vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong quá trình điều trị và ít nhất 1 tuần sau khi kết thúc liệu pháp Capmatinib. Ngay cả khi chu kỳ kinh nguyệt không còn hoặc bệnh nhân tin rằng bản thân không sản xuất tinh trùng thì khả năng thụ thai vẫn có thể xảy ra.
  • Lưu ý người bệnh không cho con bú trong khi thời gian thuốc Capmatinib và ít nhất 1 tuần sau khi kết thúc điều trị.

Capmatinib được chỉ định để điều trị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể hoặc ung thư phổi không thể loại bỏ bằng phẫu thuật. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: .oncolink.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe