Biviminal là thuốc kháng sinh có chứa hoạt chất Ceftizoxim thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 3. Thuốc được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn hô hấp, tiết niệu-sinh dục, nhiễm khuẩn da và viêm màng não,...
1. Biviminal là thuốc gì?
Thuốc Biviminal 2g có chứa thành phần chính là Ceftizoxim (dưới dạng Ceftizoxim natri) 2000mg. Đây vốn là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 3 được biết đến với phổ kháng khuẩn rộng, bền với enzym thủy phân do vi khuẩn tiết ra.
Cơ chế hoạt động của Ceftizoxim tương tự như các cephalosporin khác, gây ức chế tổng hợp thành tế bào dẫn đến tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả. Nhiều tài liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng Ceftizoxim có tác dụng mạnh trong nhiễm khuẩn Gram âm, tiêu biểu là các vi khuẩn như Enterobacter spp., Haemophilus influenzae (bao gồm các chủng kháng ampicillin), Klebsiella pneumoniae, Escherichia coli, Proteus vulgaris, Pseudomonas aeruginosa, Morganella morganii, Proteus mirabilis, Neisseria gonorrhoeae,...
Ngoài ra, Ceftizoxim cũng có khả năng tác động trên một số chủng vi khuẩn Gram dương tiêu biểu gồm có Streptococcus pneumoniae, các Streptococcus khác (ngoại trừ enterococcus), Staphylococcus aureus. Đặc biệt, Ceftizoxim cũng có tác dụng trên một số ít trực khuẩn gram âm kỵ khí như Bacteroides spp, peptostreptococcus spp, Bacteroides fragilis và Peptococcus spp.
Do Ceftizoxim không hấp thu qua đường tiêu hóa nên thường được bào chế dưới dạng bột pha tiêm.
2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Biviminal
2.1. Chỉ định
Biviminal được chỉ định sử dụng trong những trường hợp sau:
- Các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi, nhiễm trùng phổi, viêm màng phổi mủ, viêm phế quản, giãn phế quản, nhiễm trùng thứ phát thường xuất hiện ở bệnh nhân bị bệnh phổi mạn tính.
- Các bệnh liên quan đến đường tiết niệu gồm viêm thận, viêm bàng quang, viêm niệu đạo.
- Các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như viêm đường mật, viêm phúc mạc, viêm túi mật.
- Các bệnh liên quan đến đường sinh dục như viêm tuyến tiền liệt, lậu, viêm nội mạc tử cung, viêm mô cận tử cung, bệnh nhân nhiễm trùng vùng chậu.
- Một số bệnh lý khác như nhiễm trùng máu, viêm màng não, viêm tủy xương, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm khớp nhiễm trùng, nhiễm trùng sau chấn thương, bỏng, viêm mô tế bào, viêm amidan, hậu phẫu, viêm phần phụ.
2.2. Chống chỉ định
Không sử dụng Biviminal cho người bệnh có tiền sử dị ứng với kháng sinh nhóm Penicilin và cephalosporin.
3. Liều dùng và cách dùng Biviminal
3.1. Liều dùng
Liều dùng Biviminal cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi:
- Bệnh nhân nhiễm trùng không biến chứng: Sử dụng Biviminal với liều lượng 2 lọ/ngày, chia đều từng liều tiêm cách nhau 12 giờ.
- Bệnh nhân nhiễm trùng trung bình đến nặng: Sử dụng Biviminal với liều lượng 3 – 6 lọ/ngày, chia đều từng liều tiêm với thời gian cách nhau 8 giờ.
- Bệnh nhân nhiễm trùng cần kháng sinh liều cao (nhiễm trùng máu): Sử dụng thuốc với liều dùng 6 – 8 lọ/ngày, chia đều từng liều tiêm cách nhau 6 – 8 giờ
- Bệnh nhân nhiễm trùng đe dọa tính mạng: Sử dụng thuốc với 12 lọ/ngày, chia đều từng liều tiêm cách nhau 4 giờ.
- Dùng thuốc để điều trị lậu: Sử dụng liều đơn tiêm bắp.
Liều dùng Biviminal cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 12 tuổi
- Tùy theo tình trạng nhiễm khuẩn mà dùng thuốc với liều từ 50 – 100 mg/kg/ngày, chia đều từng liều tiêm cách nhau 6 – 12 giờ.
- Một số trường hợp nhiễm trùng đe dọa tử vong, liều có thể tăng liều dùng lên đến 150 – 200 mg/kg/ngày.
Liều dùng Biviminal cho trẻ đẻ non không nên vượt quá 50 mg/kg/ngày.
Bệnh nhân suy thận cần giảm liều dùng nếu độ thanh thải của Creatinin dưới 5 ml/phút.
3.2. Cách dùng
- Tiêm bắp sâu: Không nên tiêm vào mạch máu sử dụng 2g thuốc hòa cùng 6ml nước cất pha tiêm, lắc đều.
- Tiêm tĩnh mạch: Hòa tan 2g Biviminal với 20ml nước cất pha tiêm, lắc đều sau đó tiêm trực tiếp hoặc tiêm chậm trong 3-5 phút.
- Tiêm truyễn tĩnh mạch liên tục hay gián đoạn: Hòa tan 2g Biviminal với 20ml nước cất pha tiêm, pha loãng tiếp với 50-100ml Natri clorid tiêm 0,9% hoặc dung dịch tiêm dextrose 5%.
4. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Biviminal
Thuốc Biviminal có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ sau:
- Ảnh hưởng đến huyết học như giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ái toan, và giảm bạch cầu, thiếu máu tán huyết
- Ảnh hưởng đến gan như làm tăng men gan và bilirubin thoáng qua.
- Ảnh hưởng đến thận gây suy giảm chức năng thận, viêm thận kẽ.
- Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa như gây buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, viêm đại tràng giả mạc.
- Ảnh hưởng đến hệ tim mạch gây loạn nhịp tim.
- Ảnh hưởng đến da gây viêm đau tại nơi tiêm, nổi mề đay, nổi mẩn ngứa.
5. Tương tác thuốc
Biviminal có thể tương tác với một số loại thuốc sau đây:
- Dùng đồng thời với kháng sinh polymyxin có thể sẽ gia tăng nguy cơ bị tổn thương thận.
- Dùng đồng thời với azlocilin có thể gây tổn thương về não và cơn động kinh cục bộ ở người suy thận.
- Độ thanh thải của cefotaxim sẽ giảm nếu dùng đồng thời Biviminal với azlocilin hay mezlocilin.
6. Thận trọng khi dùng Biviminal
- Thận trọng khi sử dụng Biviminal cho người dị ứng với penicilin do có nguy cơ gây dị ứng chéo giữa penicilin và Cefotaxim.
- Cần theo dõi chức năng thận khi sử dụng đồng thời Biviminal với các thuốc có khả năng gây độc đối với thận.
- Biviminal có thể gây dương tính giả với test Coombs, phương pháp xét nghiệm về đường niệu.
- Trong trường hợp dùng Biviminal phải theo dõi tế bào máu, khi thấy xuất hiện có giảm bạch cầu đa nhân trung tính phải ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về thuốc Biviminal, bạn đọc hãy tham khảo để biết cách sử dụng sao cho phù hợp. Nếu còn bất kỳ băn khoăn thắc mắc nào, hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.