Iobenguane I-131 là một liệu pháp điều trị ung thư do khả năng tập trung tại mô đích là tuyến thượng thận. Hoạt chất phóng xạ này có trong thuốc Azedra. Vậy việc sử dụng Azedra cần tuân thủ và lưu ý những vấn đề gì?
1. Azedra thuốc biệt dược là gì?
Thuốc Azedra chứa hoạt chất Iobenguane I-131 có tác dụng tương tự chất dẫn truyền thần kinh norepinephrine (NE). Cũng như NE, Iobenguane I-131 tích tụ tại một số mô của tuyến thượng thận. Khi dùng thuốc Azedra, Iobenguane I-131 tập trung tại các tế bào ung thư ở mô thượng thận và các hạt bức xạ trong Azedra sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư này.
2. Cách sử dụng thuốc Azedra
Thuốc Azedra sử dụng bằng đường truyền tĩnh mạch. Phụ nữ nên thử thai trước khi nhận thuốc Azedra. Do đặc tính phóng xạ của nó, những người chăm sóc bệnh nhân dùng chế phẩm này nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa phóng xạ. Đội ngũ bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân về cách thực hành an toàn bức xạ cụ thể để bảo vệ bản thân, gia đình và những người tiếp xúc gần.
Người bệnh nên uống 2 lít chất lỏng một ngày trước và trong 7 ngày sau thời điểm truyền thuốc Azedra.
Bệnh nhân sẽ nhận được bổ sung iod vô cơ từ khoảng ít nhất 24 giờ trước đó và duy trì trong 10 ngày sau mỗi liều Iobenguane I-131.
Azedra có thể tương tác với một số loại thuốc khác. Người bệnh không nên dùng những thuốc sau đây ít nhất 7 ngày sau khi điều trị bằng Azedra, bao gồm Phentermine, Tramadol, Reserpine, Labetalol, Pseudoephedrine, Amitriptyline, Bupropion, Mirtazapine, Venlafaxine, Phenelzine, Linezolid, các thuốc chống trầm cảm.
3. Tác dụng phụ của thuốc Azedra
Có một số biện pháp bệnh nhân có thể thực hiện để kiểm soát các tác dụng phụ của Iobenguane I-131. Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về những khuyến nghị và tìm ra biện pháp phù hợp nhất. Một số tác dụng phụ phổ biến của Azedra:
3.1. Giảm số lượng bạch cầu
Tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng để chống lại tác nhân nhiễm khuẩn. Trong khi được điều trị bằng Azedra, số lượng bạch cầu của bệnh nhân có thể giảm xuống, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng. Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu có các biểu hiện nhiễm trùng như sốt cao, đau họng hoặc cảm lạnh, khó thở, ho, tiểu nóng rát hoặc loét không/chậm lành.
Một số khuyến cáo giúp ngăn ngừa nhiễm trùng khi dùng thuốc Azedra:
- Rửa tay thường xuyên, cho cả bệnh nhân và người tiếp xúc là biện pháp hạn chế lây lan tác nhân nhiễm trùng tốt;
- Hạn chế tập trung đông người hoặc tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh dễ lây nhiễm;
- Mặc quần áo bảo hộ khi làm việc ngoài trời;
- Không trực tiếp xử lý chất thải thú nuôi;
- Giữ vết thương hoặc vết xước sạch sẽ;
- Tắm rửa, vệ sinh cá nhân và chăm sóc miệng thường xuyên;
- Không cắt khóe hay móng tay mọc ngược;
- Tham khảo ý kiến bác sĩ ung thư trước khi thực hiện thủ thuật nha khoa;
- Trao đổi với bác sĩ ung thư trước khi bệnh nhân hoặc người sống cùng chuẩn bị tiêm ngừa.
3.2. Giảm số lượng tiểu cầu
Tiểu cầu là một thành phần của quá trình đông máu, do đó khi số lượng tiểu cầu thấp sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu. Người bệnh dùng thuốc Azedra hãy thông báo cho bác sĩ nếu xuất hiện vết bầm tím hoặc chảy máu bất thường, bao gồm chảy máu mũi, chảy máu chân răng hoặc tiêu tiểu ra máu. Người bệnh có số lượng tiểu cầu quá thấp khi dùng Azedra có thể phải được truyền tiểu cầu.
Một số biện pháp giảm nguy cơ chảy máu bất thường khi dùng Azedra thuốc biệt dược:
- Không dùng dao cạo râu;
- Không tham gia các môn thể thao đối kháng hay hoạt động có thể gây thương tích hoặc chảy máu;
- Không sử dụng Aspirin, Corticosteroid và các NSAID do làm tăng nguy cơ chảy máu. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các thuốc trên và bất kỳ loại thuốc hay sản phẩm bổ sung không kê đơn khác trong quá trình điều trị bằng Azedra;
- Không sử dụng chỉ nha khoa hay tăm xỉa răng. Người bệnh nên đánh răng bằng bàn chải lông mềm để hạn chế tổn thương nướu.
3.3. Giảm số lượng hồng cầu gây thiếu máu
Hồng cầu mang oxy đến các mô trong cơ thể, do đó khi số lượng giảm thấp sẽ khiến người bệnh mệt mỏi hoặc yếu sức. Bệnh nhân nên cho bác sĩ ung thư biết nếu thở nhanh nông, khó thở hoặc đau ngực... trong thời gian dùng Azedra. Trường hợp số lượng hồng cầu quá thấp có thể cần phải truyền máu.
3.4. Buồn nôn, nôn ói
Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về khả năng sử dụng các thuốc kiểm soát buồn nôn và nôn ói do thuốc Azedra. Ngoài ra, người bệnh có thể thử thay đổi chế độ ăn uống, hạn chế các yếu tố tăng nôn ói (như ăn nhiều thực phẩm nhiều dầu mỡ/chất béo, gia vị hoặc có tính axit).
3.5. Độc tính trên gan
Thuốc Azedra có thể gây nhiễm độc gan, bác sĩ điều trị có thể giám sát bằng cách sử dụng các xét nghiệm chức năng gan. Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ nếu có các biểu hiện bất thường như vàng da hoặc vàng mắt, nước tiểu sẫm màu hoặc đau hạ sườn phải... vì chúng có thể là dấu hiệu của nhiễm độc gan.
3.6. Khô miệng
Thuốc Azedra có thể dẫn đến tình trạng khô miệng trong quá trình sử dụng. Khô miệng khiến người bệnh gặp nhiều khó chịu và có thể ảnh hưởng đến khả năng nói, nuốt và sức khỏe răng miệng. Các biện pháp để kiểm soát tác dụng phụ này của Azedra bao gồm:
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên với kem đánh răng có chứa florua;
- Sử dụng chỉ nha khoa 1 lần/ngày nếu bác sĩ cho phép;
- Nhai kẹo cao su không đường hoặc ngậm kẹo không đường để kích thích tiết nước bọt;
- Súc miệng thường xuyên để giữ ẩm cho miệng;
- Nói chuyện với bác sĩ về việc sử dụng các loại gel và nước rửa không kê đơn thay thế nước bọt;
- Trao đổi với bác sĩ nếu khô miệng tiếp tục là một vấn đề với người bệnh.
3.7. Nhiễm trùng tuyến nước bọt
Azedra có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng tuyến nước bọt. Các triệu chứng có thể bao gồm đau, nhạy cảm, đỏ và sưng ở khu vực nhiễm trùng. Người bệnh hãy liên hệ với bác sĩ nếu gặp các triệu chứng nêu trên.
3.8. Giảm cảm giác thèm ăn hoặc thay đổi khẩu vị
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe. Việc sử dụng Azedra có thể ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn và một số người bệnh vì tác dụng phụ này mà gặp nhiều khó khăn khi ăn uống. Bệnh nhân hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các vấn đề dinh dưỡng để lựa chọn thực phẩm phù hợp.
3.9. Chóng mặt
Azedra có thể khiến người bệnh bị chóng mặt. Một lưu ý quan trọng là người bệnh cần phải thay đổi tư thế chậm rãi và liên hệ với bác sĩ khi chóng mặt ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hằng ngày.
3.10. Đau đầu
Bác sĩ có thể đề xuất các loại thuốc và các chiến lược khác để giúp giảm đau đầu do sử dụng Azedra.
3.11. Thay đổi huyết áp
Azedra có thể gây ra tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp khi sử dụng điều trị ung thư. Bệnh nhân nên được kiểm tra huyết áp thường xuyên trong thời gian điều trị bằng hoạt chất này và bất kỳ thay đổi huyết áp nào đều cần được xử trí thích hợp. Bệnh nhân hãy báo cáo bất kỳ biểu hiện nào của tình trạng thay đổi huyết áp cho bác sĩ, bao gồm đau đầu, thay đổi thị lực hoặc chóng mặt...
3.12. Một số tác dụng phụ ít phổ biến của Azedra
- Ung thư thứ phát: Vẫn có nguy cơ dù thấp về việc phát triển MDS, bệnh bạch cầu cấp hoặc một số ung thư khác do điều trị bằng thuốc Azedra, đặc biệt có thể xảy ra sau điều trị rất lâu. Bác sĩ sẽ cung cấp hướng dẫn người bệnh về cách theo dõi vấn đề này;
- Suy giáp: Azedra có thể gây khiến tuyến giáp hoạt động kém đi. Bác sĩ sẽ cho người bệnh thực hiện các xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng của tuyến giáp và điều trị tác dụng phụ này nếu có bất thường. Các triệu chứng của suy giáp bao gồm mệt mỏi, cảm thấy nóng hoặc lạnh, thay đổi giọng nói, tăng hoặc giảm cân, rụng tóc và chuột rút cơ;
- Các vấn đề về thận: Người bệnh sử dụng thuốc Azedra có nguy cơ phát sinh các vấn đề về thận, bao gồm tăng nồng độ creatinin, mà bác sĩ điều trị có thể phải theo dõi bằng các xét nghiệm máu. Bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ nếu nhận thấy lượng nước tiểu giảm, tiểu máu, phù mắt cá chân hoặc chán ăn;
- Viêm phổi: Bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ này khi điều trị ung thư bằng thuốc Azedra. Do đó hãy thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bệnh nhân mới xuất hiện các triệu chứng như thở nhanh, khó thở, ho hoặc sốt.
Mối quan tâm về khả năng ảnh hưởng đến khả năng tình dục và sinh sản của Azedra:
- Azedra có thể ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản của bệnh nhân, dẫn đến rối loạn chu kỳ kinh nguyệt hoặc giảm/ngưng sản xuất tinh trùng. Phụ nữ có thể bị mãn kinh sớm với các triệu chứng như bốc hỏa và khô âm đạom. Ngoài ra, ham muốn tình dục có thể giảm trong quá trình điều trị bằng Azedra;
- Việc cho thai nhi tiếp xúc với Azedra có thể dẫn đến các dị tật bẩm sinh, vì vậy bệnh nhân không nên mang thai hoặc làm cha khi đang điều trị ung thư bằng Azedra. Đồng thời việc ngừa thai an toàn là vô cùng cần thiết trong quá trình điều trị và ít nhất 7 tháng sau khi ngưng điều trị đối phụ nữ và 4 tháng đối với nam giới;
- Bệnh nhân không nên cho con bú trong thời gian dùng thuốc và ít nhất 80 ngày từ liều Azedra cuối cùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: oncolink.org