Thuốc Atihepam được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là L-Ornithin L-Aspartat. Thuốc được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý ở gan.
1. Atihepam 500 là thuốc gì?
Thuốc Atihepam 500mg là thuốc gì? Mỗi viên thuốc Atihepam 500mg có chứa L-Ornithin L-Aspartat 500mg. L-Ornithin L-Aspartat khi đi vào cơ thể được chuyển hóa thành 2 acid amin là L- Ornithin và L-Aspartat. Thành phần này kích thích quá trình khử độc amoniac bằng cách làm tăng tổng hợp ure trong chu trình ure và loại trừ amoniac ngoài gan từ các mô, giúp giải độc và bảo vệ tế bào gan. Ngoài ra, L-Ornithin L-Aspartat còn tạo ra năng lượng dưới dạng ATP, giúp cải thiện cân bằng năng lượng ở gan bị bệnh.
Chỉ định sử dụng thuốc Atihepam:
- Điều trị rối loạn khởi phát của bệnh tiền hôn mê gan, hôn mê gan;
- Hỗ trợ điều trị các vấn đề ở gan: Viêm gan mạn tính, viêm gan do rượu;
- Điều trị tăng nồng độ amoniac máu ở các bệnh gan như: Bệnh não gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan cấp hoặc mãn tính.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Atihepam:
- Người bệnh quá mẫn với L-Ornithin L-Aspartat hoặc thành phần khác của thuốc;
- Bệnh nhân nhiễm acid lactic, nhiễm độc Methanol, không dung nạp Fructose-sorbitol, thiếu enzyme Fructose 1,6-diphosphate;
- Bệnh nhân suy thận nặng.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Atihepam
Cách dùng: Đường uống. Người bệnh nên uống nguyên viên thuốc với 1 cốc nước, có thể dùng cùng hoặc không cùng bữa ăn đều được. Thời gian dùng thuốc nên kéo dài 1 - 4 tháng để đảm bảo hiệu quả trị bệnh tốt nhất.
Liều dùng:
- Người lớn: Dùng liều 1 - 2 viên/lần x 3 lần/ngày;
- Trẻ em trên 6 tuổi: Dùng liều 1 viên/lần x 2 - 3 lần/ngày;
- Trẻ em dưới 6 tuổi: Chưa có nghiên cứu về hiệu quả và độ an toàn ở đối tượng này nên không được sử dụng thuốc.
Quên liều: Uống thuốc ngay khi nhớ ra. Trường hợp nếu thời điểm nhớ ra cách lần dùng thuốc tiếp theo khoảng 1 - 2 tiếng thì bệnh nhân nên bỏ qua liều đã quên, tiếp tục lịch trình dùng thuốc như kế hoạch ban đầu.
Quá liều: Hiện chưa có báo cáo về trường hợp quá liều khi dùng thuốc Atihepam. Nếu lỡ dùng thuốc quá số viên quy định mà xuất hiện các tác dụng phụ thì người bệnh nên đến bệnh viện gần nhất để được điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng kịp thời.
3. Tác dụng phụ của thuốc Atihepam
Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Atihepam gồm:
- Đường tiêu hóa: Buồn nôn hoặc nôn ói;
- Phản ứng dị ứng: Phát ban, sưng môi, mặt, cổ họng,...
Nếu các tác dụng phụ của thuốc Atihepam kéo dài hoặc trở nên trầm trọng hơn, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Atihepam
Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Atihepam:
- Thuốc Atihepam chưa được chứng minh là an toàn đối với phụ nữ mang thai và cho con bú nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, chỉ dùng thuốc nếu lợi ích vượt trội hơn so với nguy cơ có thể xảy ra;
- Chưa có báo cáo về ảnh hưởng của thuốc Atihepam tới thần kinh trung ương nên cần thận trọng khi dùng thuốc ở người lái xe, vận hành máy móc;
- Khi dùng thuốc Atihepam với liều cao, nên thường xuyên theo dõi nồng độ thuốc trong máu và nước tiểu;
- Kiểm tra kỹ hạn sử dụng của thuốc, không dùng với thuốc đã hết hạn, đổi màu, chảy nước, mốc,...;
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Atihepam ở người già, người bệnh suy thận;
- Trong quá trình sử dụng thuốc Atihepam, chưa có báo cáo về tương tác thuốc xảy ra khi phối hợp thuốc với các loại dược phẩm, thực phẩm khác. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị, người bệnh vẫn nên báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang sử dụng và các bệnh khác đang mắc phải. Bệnh nhân không nên tự ý uống các thuốc cùng thời điểm với nhau mà chưa được bác sĩ cho phép vì có thể làm giảm sinh khả dụng của thuốc.
Khi sử dụng thuốc Atihepam, người bệnh nên làm theo mọi chỉ định của bác sĩ về cách dùng, liều dùng thuốc. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả điều trị của thuốc và giảm được nguy cơ phát sinh một số tác dụng phụ nguy hiểm đối với bệnh nhân.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.