Thuốc Amiritboston là thuốc thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 thuộc nhóm sulfonylurea. Thuốc có tác dụng làm giảm đường trong máu bằng cách kích thích tuyến tụy tăng sản sinh insulin. Tham khảo thêm nội dung thông tin về những công dụng thuốc Amiritboston trong bài viết dưới đây.
1. Công dụng thuốc Amiritboston 2 và Amiritboston 4 là gì?
Thuốc Amiritboston được kê đơn chỉ định cho những bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 không phụ thuộc vào Insulin kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục hiệu quả nhằm kiểm soát được chỉ số đường huyết.
Chống chỉ định thuốc trong các trường hợp sau:
- Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính Glimepiride, các sulfonylurea, các sulfamid hay bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc Amiritboston.
- Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 phụ thuộc insulin, như đái tháo đường có tiền sử bị nhiễm keto-acid.
- Bệnh nhân có biểu hiện tiền hôn mê hay hôn mê do đái tháo đường.
- Bệnh nhân suy gan, suy thận nặng, phụ nữ có thai hoặc dự định sẽ mang thai nên chuyển sang insulin.
- Cho con bú: Nên ngưng cho con bú hoặc chuyển sang dùng insulin.
2. Cách sử dụng của Amiritboston 2 và Amiritboston 4
2.1. Cách dùng thuốc Amiritboston
Thuốc Amiritboston dùng đường uống, và khi uống thuốc cần tuân theo nguyên tắc chung dưới đây:
- Bắt đầu dùng với liều thấp nhất để đạt được mức đường huyết mong muốn.
- Trị liệu được sự theo dõi bởi bác sĩ có chuyên môn.
- Bệnh nhân phải uống thuốc đúng liều và đúng thời gian theo đơn của bác sĩ. Nên uống thuốc vào buổi sáng và bắt buộc phải ăn sáng sau khi uống thuốc.
2.2. Liều dùng của thuốc Amiritboston 2 và Amiritboston 4
Liều khởi đầu:
- Ở những bệnh nhân chưa được điều trị trước đó: 1 – 2 mg một ngày.
- Bệnh nhân là người cao tuổi, suy nhược, suy dinh dưỡng: 1 mg một ngày
- Bệnh nhân đã từng được điều trị bằng một loại thuốc trị đái tháo đường khác: 1 – 2 mg một ngày, tối đa 2 mg một ngày.
Liều duy trì:
- 1 – 4 mg một ngày (ở những bệnh nhân đã từng dùng glimepiride 1 mg một ngày, tăng đến 2 mg một ngày nếu vẫn không đạt mức đường huyết mong muốn sau 1 đến 2 tuần điều trị. Sau khi dùng đến liều 2 mg, thì việc chỉnh liều sau đó tùy thuộc mức đáp ứng thuốc và dung nạp của cơ thể);
- Nên tăng liều từ từ, mỗi lần tăng không quá 2 mg một ngày, cách quãng 1 đến 2 tuần; tối đa 8 mg một ngày.
2.3. Xử lý khi quên liều/ quá liều
Khi quên uống 1 liều Amiritboston, không được uống bù bằng 1 liều cao hơn. Tuyệt đối không được bỏ qua bữa ăn sau khi đã uống thuốc. Luôn mang theo người ít nhất 20g đường đề phòng trường hợp bị hạ đường huyết. Đồng thời, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn kiêng vẫn áp dụng.
Quá liều Amiritboston có thể dẫn đến hạ đường huyết nặng, đôi khi đe dọa sinh mạng, nên cần nhập viện điều trị. Các cơn hạ đường huyết nhẹ thường được điều trị bằng carbohydrate dùng đường uống. Có thể sẽ cần phải điều chỉnh liều lượng Amdiaryl 4, cách ăn uống và hoạt động thể lực.
Các cơn hạ đường huyết nặng hơn kèm co giật, hôn mê hoặc tổn thương thần kinh phải được điều trị bằng glucagon (dùng đường tiêm dưới da hoặc tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch) hay sử dụng dung dịch glucose ưu trương. Nếu uống quá liều lớn có nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng, cần phải giải độc ngay (bằng cách rửa dạ dày, gây nôn, dùng than hoạt tính).
Hạ đường huyết có thể tái diễn sau khi có vẻ như bệnh nhân đã hồi phục lâm sàng nên cần dùng carbohydrate kéo dài và theo dõi tiếp. Chỉ số đường huyết của bệnh nhân nên được giám sát chặt chẽ ít nhất trong 24 giờ. Trong những trường hợp nặng sẽ phải tiếp tục theo dõi đường huyết trong vài ngày nữa.
3. Lưu ý khi dùng thuốc Amiritboston
Bác sĩ sẽ cần phải điều chỉnh liều trong các trường hợp sau:
- Các chỉ số xét nghiệm cho thấy độ nhạy đối với insulin được cải thiện khi bệnh được kiểm soát, nhu cầu sử dụng của bệnh nhân đối với glimepiride có thể giảm sau khi điều trị một thời gian. Ðể tránh trường hợp bị hạ đường huyết, cần phải chú ý giảm liều uống hoặc ngưng sử dụng thuốc đúng lúc.
- Trọng lượng của bệnh nhân thay đổi.
- Sinh hoạt của bệnh nhân có xáo trộn.
- Các yếu tố tác động có thể gây tăng độ nhạy của việc hạ hay tăng đường huyết.
- Hiện không có quy định chính xác về liều lượng giữa Glimepiride và các thuốc đái tháo đường dạng uống khác. Khi chuyển đổi từ một loại thuốc đái tháo đường dùng đường uống khác sang Glimepiride, vẫn phải khởi đầu bằng 1mg rồi tăng dần như trên, bất kể bệnh nhân đã dùng với liều tối đa của loại thuốc đái tháo đường khác. Nhưng cần phải chú ý đến hiệu lực và thời gian tác dụng của thuốc đái tháo đường trước đó với bệnh nhân. Có thể sẽ phải cho bệnh nhân ngưng dùng Amiritboston trong một thời gian để tránh tác dụng cộng gộp của hai thuốc đưa đến hạ đường huyết.
- Khi hiệu quả đem lại cho bệnh nhân của Glimepiride giảm có thể phải dùng kết hợp với insulin. Glimepiride cũng có thể dùng chung với các thuốc điều trị đái tháo đường dạng uống loại không hướng tế bào bêta khác.
- Việc mất kiểm soát đường huyết có thể xảy ra ở bệnh nhân đã ổn định với chế độ điều trị thuốc đái tháo đường nhưng lại có những yếu tố gây stress như sốt, nhiễm trùng, chấn thương hoặc phẫu thuật.
- Phản ứng dị ứng: Đã có báo cáo về phản ứng dị ứng xảy ra khi điều trị với Amiritboston bao gồm quá mẫn, hội chứng Stevens-Johnson, phù mạch. Nếu nghi ngờ có phản ứng dị ứng, nhanh chóng ngừng dùng Amiritboston.
- Thiếu máu tan máu: Đã có báo cáo về thiếu máu tan máu ở cả bệnh nhân thiếu hụt hay không thiếu hụt glucose 6-phosphat dehydrogenase (G6DP).
- Tăng nguy cơ tim mạch với mọi sulfonylurê: Đã có báo cáo về tăng nguy cơ tim mạch khi dùng thuốc hạ glucose huyết đường uống so với chế độ ăn kiêng đơn thuần hay chế độ ăn kiêng kết hợp với insulin.
- Việc hạ hoặc tăng đường huyết, suy giảm thị lực có thể làm giảm khả năng tập trung và phản ứng của cơ thể. Do đó, nên thận trọng khi cần lái xe hay vận hành máy móc.
- Không nên dùng Amiritboston cho bệnh nhân có các vấn đề về di truyền hiếm gặp thiếu hụt enzym lactase toàn phần, không dung nạp galactose hay kém hấp thu glucose-galactose.
4. Tác dụng phụ của thuốc Amiritboston
Một số tác dụng phụ của thuốc Amiritboston bao gồm: hạ đường huyết, toát mồ hôi, lo lắng, hồi hộp, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng, loạn nhịp tim, đau thắt ngực, rối loạn thị giác tạm thời do thay đổi mức độ đường huyết, giảm tiểu cầu nhẹ hay nặng.
Thông thường các tác dụng không mong muốn này sẽ biến mất khi ngừng thuốc.
5. Tương tác thuốc Amiritboston
- Thuốc tiểu đường dùng đường uống, Insulin, chloramphenicol, dẫn xuất coumarin, miconazol, IMAO, phenylbutazon, blocker làm tăng tác dụng hạ đường huyết của Amiritboston.
- Acetazolamide, barbiturate, phenytoin, thuốc lợi tiểu, glucagon làm giảm tác dụng của Amiritboston.
- Thuốc kháng histamin H2, reserpin, clonidine, rượu: làm thay đổi tác dụng của Amiritboston.
- Amiritboston làm thay đổi tác dụng của thuốc chống đông máu coumarin
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.