Thuốc Amapirid 4mg là thuốc điều trị tiểu đường, thuộc nhóm Sulfonylureas. Thuốc có hoạt chất chính là Glimepiride. Vậy công dụng của thuốc Amapirid là gì? Tham khảo bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích.
1. Công dụng thuốc Amapirid
Thuốc Amapirid 4mg có công dụng hiệu quả trong điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 không phụ thuộc insulin ở người lớn. Thuốc được ứng dụng khi nồng độ đường huyết không thể kiểm soát được bằng chế độ ăn kiêng, tập thể dục và giảm cân đơn thuần. Ngoài ra, nhờ thành phần Glimepirid mà thuốc Amapirid 4mg có thể dùng phối hợp với metformin hoặc với glitazon hoặc với insulin.
Mặt khác, thuốc không được chỉ định kê đơn trong các trường hợp:
- Tiểu đường phụ thuộc insulin
- Bệnh nhân suy thận, suy gan nặng
- Nhiễm ceton acid do đái tháo đường
- Mẫn cảm với thành phần thuốc, với các sulfonylurea khác
- Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai
- Chị em đang cho con bú
- Tiền hôn mê hay hôn mê do tiểu đường.
2. Liều dùng và cách dùng của thuốc Amapirid 4mg
2.1. Liều dùng
Dưới đây là là liều dùng khuyến cáo cho mỗi trường hợp người bệnh:
Khởi đầu 1mg x 1 lần/ngày. Liều dùng thay đổi tùy triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân.
Liều thường dùng ở các bệnh nhân đường huyết được kiểm soát tốt: 1-4mg x 1 lần/ngày. Liều hàng ngày trên 6mg chỉ có hiệu quả ở một số bệnh nhân
Tủy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng, cụ thể:
- Do độ nhạy đối với insulin cải thiện khi bệnh được kiểm soát, nhu cầu đối với glimepirid có thể được giảm khi điều trị trong một thời gian. Để tránh bị hạ đường huyết, cần phải chú ý giảm liều hoặc ngưng thuốc đúng lúc.
- Cân nặng, sinh hoạt của bệnh nhân thay đổi.
- Các yếu tố có thể gây tăng độ nhạy đối với việc hạ hay tăng đường huyết.
- Thuốc cũng có thể dùng chung với thuốc trị đái tháo đường dạng uống không hướng tế bào bêta khác.
2.2. Cách dùng
Thuốc Amapirid 4mg được dùng bằng đường uống. Người bệnh sẽ được hướng dẫn uống thuốc 1 lần trong ngày, vào trước hoặc ngay trong bữa ăn sáng có nhiều thức ăn hoặc trước bữa ăn chính đầu tiên trong ngày.
2.3. Xử lý trường hợp quá liều
Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp phải tình trạng quá liều. Một số dấu hiệu của tình trạng này như: nhức đầu, người mệt lả, run rẩy, vã mồ hôi, da lạnh, lo lắng, nhịp tim nhanh, huyết áp giảm, hồi hộp, bứt rứt, tức ngực, loạn nhịp tim, đói cồn cào, buồn nôn, nôn, buồn ngủ, giảm tập trung, giảm linh hoạt,... Các triệu chứng này có thể xuất hiện tới 1 ngày kể từ thời điểm uống thuốc.
Khi bị quá liều, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện để có biện pháp xử lý kịp thời:
Nếu trường hợp quá liều nhẹ, người bệnh được chỉ định uống glucose hoặc đường 20 – 30 g hòa vào một cốc nước và theo dõi glucose huyết. Cứ sau 15 phút lại cho uống một lần cho đến khi glucose huyết trở về giới hạn bình thường.
Nếu trường hợp quá liều nặng, bệnh nhân bị hôn mê hoặc không uống được, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm tĩnh mạch 50 ml dung dịch glucose 50%. Sau đó phải truyền tĩnh mạch chậm dung dịch glucose 10 – 20% để nâng dần glucose huyết lên đến giới hạn bình thường. Cần theo dõi liên tục glucose huyết đến 24 – 48 giờ vì rất dễ xuất hiện hạ glucose huyết tái phát. Nếu quá nặng, có thể tiêm dưới da hoặc bắp thịt 1 mg glucagon. Nếu uống quá nhiều glimepirid, cần rửa dạ dày và cho uống than hoạt.
Để thuốc phát huy hiệu quả điều trị bệnh, người bệnh cần tuân thủ các chỉ định về liều dùng và cách dùng thuốc từ bác sĩ, tránh trường hợp quá liều hoặc quên liều.
3. Tác dụng phụ thuốc Amapirid
Do nhiều nguyên nhân, người bệnh đái tháo đường có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như: nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, rối loạn cảm giác, tăng men gan, giảm chức năng gan, thiếu máu tán huyết, giảm hồng cầu, giảm bạch cầu...
Trên đây không phải là tất cả các tác dụng phụ mà người bệnh uống thuốc Amapirid gặp phải. Do đó nếu gặp phải tác dụng phụ nào nghi ngờ do sử dụng thuốc, người bệnh cần ngưng thuốc và thông báo đến bác sĩ.
4. Tương tác thuốc Amapirid
Tương tác thuốc có thể làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị hoặc gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Dưới đây là một số thuốc có thể gây tương tác với thuốc Amapirid mà bạn cần tránh:
- Insulin, thuốc tiểu đường uống, chloramphenicol, dẫn xuất coumarin, IMAO, miconazol, phenylbutazol, -blocker
- Acetazolamide, thuốc lợi tiểu, barbiturate, phenytoin, glucagons
- Thuốc kháng histamin H2, clonidine, reserpin, rượu
- Glimepiride
5. Thận trọng khi dùng thuốc Amapirid 4mg
- Trước khi kê đơn, bác sĩ sẽ giải thích kỹ lưỡng cho người bệnh về cách sử dụng thuốc hợp lý như tuân thủ liều lượng, thực hiện chế độ ăn khoa học, tập luyện đều đặn.
- Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho người bệnh cách xử trí tai biến tụt Glucose huyết do có thành phần Glimepirid, nhất là bệnh nhân bị dinh dưỡng kém, suy thượng thận, suy gan, suy tuyến yên là đối tượng dễ bị tụt Glucose huyết.
- Người bệnh đang ổn định với chế độ điều trị bằng Glimepirid có thể trở nên không kiểm soát được khi bị stress, chấn thương, phẫu thuật, nhiễm trùng, sốt cao. Khi đó, nên dùng Insulin phối hợp với Glimepirid hoặc dùng đơn độc Insulin thay cho Glimepirid.
- Người bệnh có thể được khuyến cáo không vận hành máy móc hoặc lái xe khi điều trị khởi đầu do thuốc có thể gây nên tác dụng là rối loạn thị giác tạm thời do sự thay đổi về mức Glucose huyết.
- Bệnh nhân không được uống rượu trong suốt quá trình điều trị bằng glimepiride bởi chúng có thể làm giảm hiệu quả sử dụng thuốc.
- Thường xuyên kiểm tra đường huyết và đường niệu, nhất là trong tuần đầu bạn bắt đầu uống thuốc.
- Người bệnh tuyệt đối không được bỏ bữa, nhịn đói sau khi đã uống thuốc
- Trường hợp quên liều không được uống bù với liều cao hơn, nó sẽ gây nên tình trạng quá liều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh.
- Nếu người bệnh cần thực hiện phẫu thuật hoặc bị nhiễm trùng, sốt cao, khó ăn, chán ăn hoặc sử dụng kết hợp với các thuốc khác như thuốc kháng viêm, -blocker, thuốc ngừa thai... đều cần thông báo đến bác sĩ.
- Luôn bảo quản thuốc ở điều kiện nhiệt độ bình thường, tránh ánh sáng trực tiếp từ mặt trời, tránh nơi ẩm ướt. Như vậy chất lượng cũng như hiệu quả của thuốc Amapirid sẽ được đảm bảo.
Bài viết trên đã giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc về công dụng của thuốc Amapirid 4mg. Hy vọng sẽ giúp độc giả sử dụng thuốc an toàn, phát huy hiệu quả tối đa của thuốc. Trong trường hợp. sử dụng thuốc dài ngày, bệnh tình không được thuyên giảm, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ để được tư vấn kỹ lưỡng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.