Công dụng thuốc Amiktale

Thuốc Amiktale được dùng bằng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch nhằm điều trị các bệnh nhiễm khuẩn liên quan đến đường hô hấp, da, tiết niệu, phụ khoa,... Để sử dụng thuốc Amiktale hiệu quả và ngăn ngừa nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ bất lợi, bạn nên dùng thuốc theo đúng phác đồ của bác sĩ.

1. Thuốc Amiktale là thuốc gì?

Thuốc Amiktale là thuốc gì? Amiktale là thuốc kháng nấm, trị ký sinh trùng và chống nhiễm khuẩn hiệu quả, được sử dụng cho các trường hợp nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm gay ra. Thuốc Amiktale được sản xuất bởi Korea Prime Pharma Co., Ltd – Hàn Quốc và hiện được lưu hành tại Việt Nam.

Thuốc Amiktale được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm với thành phần chính là Amikacin sulfate hàm lượng 250mg. Ngoài ra, nhà sản xuất còn bổ sung thêm một số tá dược khác nhằm mục đích nâng cao công hiệu của hoạt chất chính.

2. Thuốc Amiktale có tác dụng gì?

2.1 Công dụng của hoạt chất Amikacin sulfate

Amikacin sulfate được biết đến là một loại kháng sinh bán tổng hợp thuộc họ Aminoglycosid, có tác dụng diệt khuẩn nhanh chóng nhờ khả năng gắn vào tiểu đơn vị 30S của ribosom và ngăn chặn quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn. Trong môi trường kỵ khí, hoạt tính của Amikacin bị giảm đáng kể. Khi nồng độ của Amikacin đã xuống dưới nồng độ ức chế tối thiểu, thuốc vẫn còn hoạt tính diệt khuẩn. Điều này cho thấy Amikacin có tác dụng hậu kháng sinh và mang lại hiệu quả khi dùng 1 lần / ngày.

Theo nghiên cứu cho biết, dược chất Amikacin trong thuốc Amiktale có tác dụng chống lại những loại vi khuẩn nhạy cảm sau:

  • Vi khuẩn Gram âm, chẳng hạn như Escherichia coli, Pseudomonas sp., Providencia sp., Proteus sp., Enterobacter sp., Klebsiella sp., Serratia sp., Citrobacter freundii, Acinetobacter sp.,...
  • Vi khuẩn Gram dương, chẳng hạn như tụ cầu sinh / không sinh penicillinase, vi khuẩn kháng methicillin, phế cầu, liên cầu và các enterococci.

Hiện nay, hoạt chất Amikacin thường được áp dụng để đẩy lùi các bệnh nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn đường hô hấp, ổ bụng, nhiễm trùng cơ xương khớp, nhiễm khuẩn huyết, mô mềm, da,... Trong một số trường hợp nhất định, Amikacin còn được sử dụng để điều trị hiệu quả cho các bệnh lý khác theo chỉ định của bác sĩ.

2.2 Chỉ định – Chống chỉ định sử dụng thuốc Amiktale

Thuốc Amiktale được chỉ định sử dụng để điều trị cho các tình trạng nhiễm khuẩn sau:

  • Nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm Gram âm ưa khí và Gram dương (bao gồm cả Pseudomonas sp.).
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp (trên và dưới).
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Nhiễm khuẩn da hoặc mô mềm.
  • Nhiễm khuẩn ổ bụng.
  • Nhiễm khuẩn huyết.
  • Nhiễm trùng phụ khoa.
  • Nhiễm khuẩn xương khớp.

Tuy nhiên, cần tránh tự ý dùng thuốc Amiktale cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa có sự chấp thuận của bác sĩ:

  • Người có tiền sử quá mẫn hoặc dị ứng với hoạt chất Amikacin hay bất kỳ tá dược phụ trợ có trong thuốc.
  • Chống chỉ định thuốc Amiktale cho người mắc bệnh nhược cơ.
  • Chống chỉ định tương đối sử dụng thuốc Amiktale cho phụ nữ mang thai và người mẹ đang nuôi con bú.

3. Liều dùng và hướng dẫn sử dụng thuốc Amiktale hiệu quả

3.1 Hướng dẫn cách dùng thuốc Amiktale

Thuốc Amiktale được dùng theo đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch tuỳ thuộc vào chỉ định của bác sĩ. Amiktale được dùng mỗi 8 giờ hoặc theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Liều lượng sử dụng Amiktale sẽ được xác định dựa trên cân nặng, bệnh lý cũng như khả năng đáp ứng thuốc của người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm như đo nồng độ thuốc trong máu hoặc kiểm tra chức năng thận nhằm xác định được liều thuốc Amiktale tốt nhất đối với tình trạng sức khoẻ của người bệnh.

Trong trường hợp bạn tự điều trị bằng Amiktale tại nhà, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và cách pha chế từ bác sĩ. Ngoài ra, trước khi tiêm thuốc cần kiểm tra bằng mắt xem liệu dung dịch thuốc có đổi màu hay chứa hạt lạ hay không. Nếu xảy ra một trong 2 vấn đề trên, bạn tuyệt đối không được sử dụng thuốc.

Kháng sinh Amikacin sẽ hoạt động hiệu quả nhất khi nồng độ thuốc ở trong cơ thể được duy trì ở mức ổn định. Do đó, bạn nên dùng thuốc vào các khoảng thời gian hợp lý, tốt nhất nên vào cùng thời điểm mỗi ngày để tránh quên liều. Ngoài ra, bạn cũng cần tiếp tục sử dụng thuốc Amiktale cho đến khi kết thúc hoàn toàn đợt điều trị. Trong trường hợp bệnh trở nặng hoặc không thuyên giảm, bạn cần báo cho bác sĩ ngay để có hướng xử lý.

3.2 Liều dùng thuốc Amiktale theo khuyến cáo

Dưới đây là liều điều trị các bệnh nhiễm khuẩn bằng thuốc Amiktale theo khuyến nghị chung của bác sĩ:

  • Liều tiêm bắp: Trẻ nhỏ, trẻ em và người lớn có chức năng thận bình thường dùng liều 15mg / kg thể trọng / ngày, chia làm nhiều lần, mỗi lần cách nhau khoảng 8 – 12 giờ. Tổng liều Amikacin hàng ngày cho người lớn cần tránh vượt quá 1,5g.
  • Liều tiêm tĩnh mạch: Sử dụng tương tự như liều tiêm bắp, tuy nhiên dung dịch cần được tiêm chậm trong vòng 2 – 3 phút. Trong trường hợp truyền tĩnh mạch, dung dịch Amiktale nên được truyền trong khoảng 30 – 60 phút đối với người lớn và từ 1 – 2 giờ đối với trẻ em.

Thuốc Amiktale có thể tiêm tuỷ sống với liều 0,5mg / kg thể trọng / 48 giờ / lần, sử dụng từ 3 – 4 lần sau khi bệnh nhân đã hết nhiễm khuẩn. Đối với những người có chức năng thận bị suy giảm hoặc đang chạy thận nhân tạo cần điều chỉnh liều phù hợp dựa trên đánh giá nồng độ huyết thanh cũng như chức năng thận. Liều dùng Amiktale dành cho đối tượng bệnh nhân này là khoảng từ 5 – 7,5mg / kg thể trọng / ngày.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần áp dụng chính xác liều thuốc Amiktale. Tránh tự ý điều chỉnh liều hoặc thời gian dùng thuốc Amiktale theo ý muốn cá nhân.

4. Thuốc Amiktale gây ra các tác dụng phụ gì khi sử dụng?

Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ ngoại ý nào sau đây khi dùng thuốc Amiktale, bạn cần ngưng điều trị và báo ngay cho bác sĩ, cụ thể:

  • Xuất hiện các triệu chứng của dị ứng như nghẹn cổ họng, thở hụt hơi, sưng môi, phát ban, sưng lưỡi, sưng mặt hoặc ngất xỉu.
  • Bí tiểu hoặc khó đi tiểu.
  • Thính giác bị suy giảm hoặc có cảm giác ù tai.
  • Ngứa da, tê cứng, co giật hoặc co giật cơ.
  • Chuột rút ở bụng hoặc tiêu chảy nghiêm trọng.
  • Dễ mất thăng bằng hoặc choáng váng.

Ngoài ra, một số tác dụng phụ ít nguy hiểm hơn có thể xảy ra khi bạn sử dụng Amiktale, chẳng hạn như:

  • Chán ăn.
  • Tăng khát nước.
  • Phát ban.
  • Nôn ói.
  • Buồn nôn.

Không phải tất cả bệnh nhân khi dùng Amiktale đều có nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ trên. Vẫn tồn tại một số phản ứng bất lợi khác chưa được đề cập đến. Nếu bạn còn bất kỳ băn khoăn nào về tác dụng phụ khi điều trị bằng Amiktale, hãy trao đổi kỹ hơn với người phụ trách y khoa.

5. Lưu ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Amiktale

Trước khi bắt đầu điều trị bằng Amiktale, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có tiền sử dị ứng với Gentamicin (Garamycin), Amikacin, Netilmicin (Netromycin), Neomycin, Tobramycin (Nebcin), Kanamycin (Kantrex) hay bất kỳ loại thuốc nào khác.
  • Báo cho bác sĩ về các loại thuốc bạn đang sử dụng, nhất là thuốc Cisplatin (Platinol), thuốc lợi tiểu, kháng sinh, thuốc Amphotericin và các loại vitamin.
  • Báo cho bác sĩ biết nếu bạn đã hoặc đang mắc các tình trạng như chóng mặt, ù tai, mất thính giác, vấn đề về cơ bắp, thần kinh, bệnh thận, Parkinson hoặc bệnh nhược cơ nặng.
  • Báo cho bác sĩ nếu bạn đang dự định mang thai, đang trong thai kỳ hoặc nuôi con bú. Amikacin có thể gây hại cho bào thai. Do đó bạn cần dừng dùng thuốc Amiktale và báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu phát hiện có thai khi đang điều trị bằng thuốc này.

Trong trường hợp trót tiêm quá liều thuốc Amiktale và gặp phải các dấu hiệu ngộ độc thận, thần kinh, điếc, khó thở hoặc liệt cơ; người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay để được điều trị. Bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện phương pháp chạy thận nhân tạo nhằm loại bỏ Amikacin ra khỏi máu.

Ngoài ra, người dùng thuốc Amiktale cũng cần lưu ý một số loại thuốc khác có thể xảy ra tương tác khi phối hợp chung với nhau, chẳng hạn như:

  • Ataluren.
  • Amifampridine.
  • Cisatracurium.
  • Colistimethate Sodium.
  • Atracurium.
  • Alcuronium.
  • Decamethonium.
  • Fazadinium.
  • Cidofovir.
  • Ethacrynic Acid.
  • Doxacurium.
  • Mivacurium.

Theo chuyên gia cho biết, tình trạng tương tác giữa các thuốc có thể làm gia tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ hoặc gây thay đổi khả năng hoạt động của các thuốc. Tốt nhất, bạn cần tránh tự ý phối hợp dùng chung Amiktale với các thuốc khác khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe