Thuốc Agalsidase được sử dụng điều trị cho bệnh nhân mắc chứng Fabry Khi dùng thuốc bạn có thể gặp rắc rối với tác dụng phụ nguy hiểm nếu không được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn. Hãy luôn đảm bảo bạn hiểu về thuốc và đã được bác sĩ kê đơn khi dùng thuốc này.
1. Công dụng của thuốc Agalsidase
Thuốc Agalsidase được dùng để điều trị cho bệnh Fabry. Bệnh Fabry là một hội chứng gây rối loạn chuyển hóa mang tính di truyền. Bệnh này khá phức tạp, nó có khả năng lan rộng nếu không kịp thời phát hiện điều trị. Khi mắc phải triệu chứng này, người bệnh sẽ giảm enzym anpha galactosidase. Biến chứng bệnh có thể ảnh hưởng chức năng thận, mạch máu và tim. Sau khi dùng thuốc Agalsidase, enzym anpha galactosidase được hồi phục và tăng cường độ hoạt động trở lại.
Các nghiên cứu vẫn còn nghi vấn về khả năng chuyển hóa của thuốc Agalsidase. Dựa vào nghiên cứu lâm sàng, nếu chức năng gan suy giảm sẽ không gây ảnh hưởng đến chức năng của thuốc Agalsidase. Đây cũng chỉ là một trong những kết quả tìm ra nên chưa đủ tin cậy để áp dụng điều trị cho bệnh nhân suy gan bằng thuốc Agalsidase.
2. Liều dùng thuốc Agalsidase
2.1 Người trưởng thành
- Người trưởng thành có thể dựa vào trọng lượng xác định liều dùng với 1mg/kg. Cứ cách 2 tuần bệnh nhân sẽ tiêm lại một lần đến khi bác sĩ yêu cầu dừng.
- Liều dùng đầu tiên được tính là 15mg/ giờ. Sau đó bệnh nhân được theo dõi và đưa ra quyết định điều chỉnh liều lượng theo tình hình sức khỏe.
- Với đối tượng trên 30 kg, có thể điều chỉnh tăng liều dùng trong khoảng 3 - 5mg/ giờ. Mỗi lần truyền sẽ diễn ra trong 1,5 giờ.
- Nếu khả năng dung nạp thuốc Agalsidase của bệnh nhân tốt bác sĩ sẽ tiêm tại nhà.
2.2 Trẻ nhỏ
- Trẻ dưới 30 kg cần đảm bảo tốc độ truyền tối đa 0,25 mg/ phút.
- Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và thiếu niên sẽ dùng liều 1mg/ kg và nhắc lại sau 2 tuần.
2.3 Đối tượng khác
- Bệnh nhân suy gan hay suy thận có thể sử dụng liều dùng như người bình thường
- Liều dùng cho người cao tuổi cần đánh giá chi tiết tình hình sức khỏe tại thời điểm truyền thuốc.
3. Cách sử dụng thuốc Agalsidase
Thuốc Agalsidase được sử dụng tiêm hoặc truyền tĩnh mạch. Nếu bệnh nhân dung nạp thuốc tốt không xuất hiện tác dụng phụ sẽ được thực hiện tại nhà. Một số trường hợp có thể tiêm truyền ở phòng khám hay bệnh viện để tiện bác sĩ theo dõi và giám sát khi xuất hiện tác dụng phụ.
4. Tác dụng phụ của thuốc Agalsidase được tìm thấy
4.1 Một số tác dụng phụ xuất hiện phổ biến:
- Đau đầu
- Khó chịu kèm theo cảm giác châm chích
- Nôn
- Run rẩy
- Sốt
- Viêm họng
- Lạnh
- Buồn ngủ
- Choáng váng
- Rối loạn nhịp tim
- Đánh trống ngực
- Tăng huyết áp
- Khó thở
- Khó chịu kèm đau nhức vùng bụng
- Khó chịu ở dạ dày
- Mất vị giác
- Rối loạn tiêu hóa
- Đau mỏi cơ
- Suy nhược
4.2 Tác dụng phụ ít gặp:
- Xung huyết vùng mắt
- Dấu hiệu giống bệnh cúm
- Đau nhức ở nốt tiêm
- Xuất hiện huyết khối vị trí tiêm
- Phù nề
- Tắc nghẽn đường hô hấp trên
4.3 Tác dụng phụ hiếm gặp
- Sốc phản vệ
- Viêm mạch gây vỡ bạch cầu đa nhân trung tính
- Giảm nồng độ oxy trong máu
- Giảm độ bão hòa oxy trong máu
5. Lưu ý khi dùng thuốc
5.1 Lưu ý chung
- Sau khi sử dụng thuốc Agalsidase tiêm tĩnh mạch khoảng 3 tháng bệnh nhân sẽ phát triển kháng thể lgG và r-haGAL.
- Kháng thể được sinh ra có thể phản ứng với thuốc Agalsidase nên cần lưu ý nếu tiếp tục sử dụng.
- Sau khi tiêm thuốc Agalsidase có thể xuất hiện biến chứng nếu người bệnh tổn thương chức năng tim
- Một vài bệnh nhân dị ứng thành phần thuốc sẽ có biểu hiện sốc phản vệ
- Ở bệnh lý về thận nên lưu ý khi dùng thuốc Agalsidase tránh công dụng bị giảm
- Đảm bảo thuốc mới và còn hạn sử dụng
5.2 Lưu ý ở đối tượng mang thai hoặc đang cho con bú
Hiện chưa có kết luận cụ thể nào với thuốc Agalsidase dành cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Những tác động của thuốc Agalsidase có thể gián tiếp qua sữa mẹ ảnh hưởng đến trẻ khi bú phải. Một vài nghi vấn được đưa ra rằng: thuốc Agalsidase sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ. Bạn nên cân nhắc điều này để bảo vệ sự phát triển của trẻ.
5.3 Lưu ý đối tượng thường xuyên lái xe hay vận hành máy móc
Sau khi tiêm thuốc, người bệnh có thể hoa mắt chóng mặt, buồn ngủ.. Lúc này không nên lái xe hoặc vận hành máy móc để tránh nguy cơ tai nạn lao động.
6. Một số tương tác khi dùng cùng thuốc khác
Theo lý thuyết, thuốc Agalsidase không nên dùng với Chloroquine, Amiodarone, Benoquin hay Gentamycin. Những thuốc này có thể khiến Agalsidase giảm công dụng hoặc mất đi công dụng. Nếu truyền thuốc Agalsidase không nên bơm thêm loại thuốc khác vào dịch truyền.
Thuốc Agalsidase được tiêm truyền tĩnh mạch. Hầu hết bệnh nhân sử dụng theo giám sát của bác sĩ nên rất ít khi gặp tình trạng quên liều hoặc quá liều. Tuy nhiên những tác dụng phụ của thuốc rất nguy hiểm cho người bệnh nên bạn không thể chủ quan. Hãy theo dõi sức khỏe và báo cho bác sĩ khi cảm thấy cơ thể mệt mỏi hoặc có một trong những dấu hiệu được nêu ở trên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.