Cơ thể ra sao khi mất nước hoặc thừa nước?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thừa nước trong cơ thể hay cơ thể mất nước đều là những tình trạng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mỗi người. Đa phần tình trạng cơ thể mất nước nhiều hơn.

1. Cơ thể mất nước

1.1 Cơ thể mất nước là gì?

Mất nước là tình trạng mà lượng nước nạp vào cơ thể ít hơn lượng nước thải ra, làm cho lượng nước trong cơ thể mất cân bằng theo chiều hướng đi xuống. Mất cân bằng nước sẽ phá vỡ sự cân bằng của các nồng độ muối, khoáng chất và lượng đường trong máu, dẫn đến việc cản trở các hoạt động bình thường và gây nhiều thiệt hại cho cơ thể.

1.2 Nguyên nhân khiến cơ thể mất nước

Mất nước thường gặp ở những trường hợp sau:

  • Người không có thói quen uống nước thường xuyên hàng ngày.
  • Người làm những công việc nặng nhọc ngoài trời nắng nóng (như thợ điện, thợ xây, công nhân,...).
  • Vận động viên thể thao thường xuyên tập luyện nhiều.
  • Người lớn tuổi ăn uống kém khiến cơ thể mất nước trầm trọng.
  • Sử dụng các loại thuốc như lợi tiểu, nhuận tràng và các thuốc ức chế men chuyển điều trị huyết áp cao có thể gây đi tiểu thường xuyên hơn hoặc đổ mồ hôi, gây ra hiện tượng mất cân bằng nước.

Ngoài những lý do kể trên, một số bệnh lý cũng dẫn đến tình trạng mất nước như:

  • Sốt, tiêu chảy: Người bệnh thường nôn và đi ngoài phân lỏng, khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng.
  • Suy thận: Bắt đầu từ khoảng 50 tuổi và trở nên nghiêm trọng hơn lúc khoảng 70 tuổi. Thận bắt đầu mất một số khả năng để loại bỏ các độc tố ra khỏi máu, do thận ít có khả năng cô đặc nước tiểu dẫn đến đào thải nước ra khỏi cơ thể nhanh hơn khi già đi.

1.3 Triệu chứng khi cơ thể mất nước

Một số triệu chứng phổ biến khi cơ thể mất nước là:

  • Khát nước, có thể thấy khát rất nhiều.
  • Cảm thấy chóng mặt hay bị choáng váng.
  • Đánh trống ngực.
  • Tiểu ít
  • Khô miệng.
  • Nước tiểu có màu vàng đậm và đặc.
  • Yếu cơ.
  • Da khô.

Tình trạng cơ thể mất nước thường gặp với những vận động viên thể thao
Tình trạng cơ thể mất nước thường gặp với những vận động viên thể thao

1.4 Những nguy hiểm khi cơ thể mất nước

Mất nước là một tình trạng nguy hiểm đối với cơ thể và gây ra những biến chứng sau:

  • Phù não: Sau khi bị mất nước, nếu bù đắp lượng chất lỏng một cách nhanh chóng, làm cho cơ thể cố gắng đưa nhiều nước vào trong các tế bào, có thể gây ra hiện tượng phù và làm vỡ một số tế bào. Nghiêm trọng nhất là khiến các tế bào não bị phù nề.
  • Động kinh: Mất cân bằng nước tức là bị mất cân bằng điện giải sẽ gây rối loạn quá trình dẫn truyền và dẫn đến co thắt cơ bắp không tự chủ, đôi khi mất ý thức.
  • Sốc: Đây là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất và có thể đe dọa tính mạng khi cơ thể mất nước. Tình trạng này xảy ra khi thể tích máu thấp làm tụt huyết áp và giảm lượng oxy trong cơ thể.
  • Suy thận cấp: Đây là biến chứng có khả năng đe dọa đến tính mạng, xảy ra khi thận không còn khả năng loại bỏ các chất lỏng dư thừa và chất thải từ máu.
  • Hôn mê và tử vong: Nếu cơ thể mất nước nghiêm trọng và không được điều trị kịp thời và thích hợp, có thể gây hôn mê và tử vong.

2. Thừa nước trong cơ thể

2.1 Thừa nước trong cơ thể là gì?

Thông thường, chúng ta chỉ quan tâm đến việc uống đủ nước bằng cách nạp thật nhiều nước vào cơ thể, nhất là những vận động viên thể thao, những người thường bị mất nước. Tuy nhiên, đôi khi việc nạp quá nhiều nước cũng dẫn đến tình trạng thừa nước trong cơ thể. Việc thừa nước trong cơ thể cũng rất nguy hiểm không kém so với tình trạng mất nước.

Có hai dạng thừa nước, đó là:

  • Lượng nước nạp vào quá nhiều: Uống nhiều nước hơn lượng mà thận có thể thải ra qua nước tiểu, dẫn đến việc tích tụ quá nhiều nước trong cơ thể.
  • Giữ nước: Khi cơ thể không thể thải ra lượng nước thừa, do một số loại bệnh gây ra, dẫn đến việc thừa nước trong cơ thể.

2.2 Nguyên nhân gây thừa nước trong cơ thể

Một số bệnh lý có thể dẫn đến tình trạng thừa nước như:

  • Bệnh gan.
  • Bệnh thận.
  • Bệnh suy tim xung huyết.
  • Hội chứng hormone lợi tiểu không phù hợp.

2.3 Triệu chứng của việc thừa nước trong cơ thể

Thừa nước trong cơ thể có thể dẫn đến các triệu chứng như:

  • Buồn nôn, nôn

Buồn nôn, nôn là triệu chứng của việc thừa nước trong cơ thể
Buồn nôn, nôn là triệu chứng của việc thừa nước trong cơ thể
  • Có cảm giác no và đầy bụng
  • Đau, nhức đầu

2.4 Thừa nước trong cơ thể gây ra hậu quả gì?

Thừa nước trong cơ thể làm giảm lượng muối trong máu đến mức nguy hiểm gây ra những hệ quả sau:

  • Cảm thấy các cơ yếu dần đi, có thể bị chuột rút hoặc đau nhức.
  • Bị co giật.
  • Bất tỉnh, hôn mê.

3. Các xét nghiệm đánh giá mất cân bằng nước

Các xét nghiệm đánh giá mất cân bằng nước dựa vào biến động về nồng độ Na+ ngoài tế bào để chia ra các dạng rối loạn nước như sau:

  • Mất nước nhược trương: Protid tăng, Na+ giảm, Hb tăng, SLHC tăng.
  • Mất nước đẳng trương: Protid tăng, Na+ bình thường, Hb tăng, SLHC tăng.
  • Mất nước ưu trương: Protid tăng, Na+ tăng, Hb tăng, SLHC tăng.
  • Thừa nước nhược trương: Protid giảm, Na+ giảm, Hb giảm, SLHC giảm.
  • Thừa nước đẳng trương: Protid giảm, Hb giảm, SLHC giảm.
  • Thừa nước ưu trương : Protid giảm, Na+ tăng, Hb giảm, SLHC giảm.

Thiếu nước hay thừa nước trong cơ thể đều gây ra những biến chứng nguy hiểm. Khi gặp phải tình trạng mất cân bằng nước, người bệnh cần sớm thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thạc sĩ. Bác sĩ Mỹ có kinh nghiệm trên 6 năm làm bác sĩ Nội khoa tại các Bệnh viện Trung Ương huế, Bệnh viện Đại học Y dược Huế; Bệnh viện Tâm Trí Đà nẵng; Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện là Bác sĩ Nội Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe