Chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp vai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Nguyễn Quỳnh Giang - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Khớp vai là khớp quan trọng trong quá trình vận động. Khả năng chuyển động của khớp vai lớn hơn các khớp khác. Chụp cộng hưởng từ (MRI) được coi là phương pháp chẩn đoán tốt ưu nhất về các bệnh lý liên quan đến xương khớp, trong đó có khớp vai.

1. Chụp cộng hưởng từ để làm gì?

Chụp cộng hưởng từ MRI (Magnetic Resonance Imaging) là một trong những phát minh có tính cách mạng trong lĩnh vực kỹ thuật y học. Thay vì sử dụng tia X- quang, với nguyên lý từ trường, MRI cho hình ảnh rõ ràng hơn, cho phép khả năng tái tạo hình ảnh trong không gian ba chiều. Từ đó, giúp việc chẩn đoán được chính xác hơn, đóng vai trò quyết định điều trị trong hàng loạt các bệnh lý. Chụp cộng hưởng từ có dải ứng dụng rộng khắp và an toàn, không gây nhiễm xạ cho bệnh nhân.

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ MRI có độ tương phản cao, chi tiết giải phẫu tốt cho phép phát hiện chính xác các tổn thương hình thái, cấu trúc các bộ phận trong cơ thể.

Khả năng tái tạo hình ảnh 3D, không có tác dụng phụ nên ngày càng được chỉ định rộng rãi cho nhiều ứng dụng chuyên khoa khác nhau. Trong đó có ứng dụng quan trọng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý cơ Xương khớp.


Chụp cộng hưởng từ MRI (Magnetic Resonance Imaging) là một trong những phát minh có tính cách mạng trong lĩnh vực kỹ thuật y học
Chụp cộng hưởng từ MRI (Magnetic Resonance Imaging) là một trong những phát minh có tính cách mạng trong lĩnh vực kỹ thuật y học

2. Chụp cộng hưởng từ khớp vai

Khớp vai là khớp quan trọng trong vận động. Khả năng chuyển động của khớp vai lớn hơn các khớp khác. Tuy nhiên, khớp vai không vững chắc so với các khớp khác do bề mặt của ổ chảo nhỏ và nông so với chỏm xương cánh tay. Khớp vai liên quan nhiều cấu trúc xương và phần mềm quanh khớp. Các thay đổi giải phẫu hay bệnh lý các cấu trúc này ảnh hưởng vận động khớp.

Chụp MRI khớp vai là phương pháp tạo ảnh tốt nhất về cơ xương khớp để đánh giá toàn diện các cấu trúc của khớp bao gồm: viêm khớp vai, tổn thương xương, sụn, bao hoạt dịch, dây chằng, gân cơ cũng như tổ chức phần mềm quanh khớp mà các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác không thực hiện được.

2.1. Chỉ định chụp cộng hưởng từ khớp vai

● Các bất thường, tổn thương về chóp xoay, gân, dây chằng và sụn, trật khớp và gãy xương.

● Chụp sau chấn thương do hoạt động mạnh, chơi thể thao: Tổn thương dây chằng, rách dây chằng, rách gân, ...

● Phát hiện gãy xương khi không thấy được trên hình ảnh X-Quang hay trên cắt lớp vi tính và các chẩn đoán hình ảnh khác.

● Các tình trạng viêm nhiễm, thoái hóa như: Viêm tủy xương, thoái hóa khớp

● Khi có cảm giác chỏm xương cánh tay không được liên kết trong ổ khớp

● Bệnh lý bao hoạt dịch, cơ vùng vai, u và viêm khớp vai.

● Theo dõi các biến chứng, tiến triển sau khi can thiệp, phẫu thuật khớp.

● Rối loạn tủy xương, thần kinh, mạch máu.

2.2 Chống chỉ định chụp cộng hưởng từ khớp vai

● Bệnh nhân có thiết bị hỗ trợ tim mạch như: máy tạo nhịp tim, máy khử rung, van tim giả...


Chống chỉ định chụp cộng hưởng từ khớp vai với bệnh nahan có thiết bị hỗ trợ tim mạch như máy tạo nhịp tim
Chống chỉ định chụp cộng hưởng từ khớp vai với bệnh nahan có thiết bị hỗ trợ tim mạch như máy tạo nhịp tim

● Có mảnh kim loại hay vật liệu cấy ghép bằng kim loại trong cơ thể như mảnh đạn, các kẹp mạch máu, máy trợ thính, thiết bị bơm thuốc tự động dưới da...

● Người có hội chứng sợ lồng kín.

● Người béo phì, trọng lượng cơ thể quá lớn không vừa với lồng chụp của máy cộng hưởng từ hoặc coil nhận tín hiệu.

3. Công dụng của chụp MRI khớp vai

So với các khớp khác thì khớp vai có khả năng chuyển động lớn hơn nhưng lại không vững chắc bằng do bề mặt của ổ chảo nhỏ và nông hơn chỏm xương cánh tay. Rất nhiều cấu trúc xương và phần mềm quanh khớp liên quan đến khớp vai. Những thay đổi về giải phẫu hoặc bệnh lý liên quan đến cấu trúc này sẽ ảnh hưởng đến vận động của khớp.

MRI khớp vai có thể phát hiện các tổn thương xương trong chấn thương như gãy không di lệch, dập phù tủy xương, những trường hợp chấn thương đã chụp X - Quang hoặc chụp cắt lớp điện tử nhưng không phát hiện được. Không những thế, chụp cộng hưởng từ xương khớp còn giúp đánh giá các tổn thương khớp vai phần mềm, gân cơ, dây chằng,... kèm theo trong chấn thương xương.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đưa vào sử dụng máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla công nghệ Silent. Máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla với công nghệ Silent của hãng GE Healthcare (Hoa Kỳ).

● Công nghệ Silent đặc biệt có lợi cho các trường hợp người bệnh là trẻ em, người già, người bệnh sức khỏe yếu và người bệnh đang phẫu thuật

● Hạn chế gây ra tiếng ồn, tạo sự thoải mái và giảm căng thẳng cho khách hàng trong quá trình chụp, giúp cho việc thu hình đạt chất lượng tốt hơn và rút ngắn thời gian chụp.

● Công nghệ chụp cộng hưởng từ là công nghệ được áp dụng trong phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến, an toàn bậc nhất hiện nay bởi sự chính xác, không xâm lấn và không dùng tia X.

Bác sĩ Giang đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt trong lĩnh vực cắt lớp vi tính đa dãy, cộng hưởng từ. Hiện tại, bác sĩ đang làm việc tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe