Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Lê Hồng Minh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chụp cắt lớp vi tính bụng - Tiểu khung thường quy là phương pháp thăm khám kiểm tra các tạng bên trong ổ bụng và các vùng tiểu khung. Phương pháp này được thực hiện trên hệ thống máy đa dãy đầu thu. Bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện thăm khám một cách hệ thống từ vòm hoành đến khớp mu của người bệnh.
1. Chỉ định và chống chỉ định với phương pháp
Chụp cắt lớp vi tính bụng - Tiểu khung thường quy được chỉ định và chống chỉ định trong những trường hợp sau đây:
1.1. Chỉ định
- Gan: Các bệnh cảnh chấn thương gan hoặc u gan, viêm gan, áp xe gan.
- Tụy: Viêm tụy cấp tính, viêm tụy mãn tính, u tụy.
- Lách: Chấn thương vùng lách, các khối u trong lách.
- Mật - Túi mật: Sỏi đường mật, u đường mật, sỏi túi mật, u túi mật.
- Ống tiêu hóa: Các bệnh lý u, viêm ống tiêu hóa, chấn thương, xuất huyết đường tiêu hóa.
- Nghi ngờ xuất hiện những ổ áp xe trong ổ bụng hoặc tiểu khung, các khối u mạc treo.
- Nghi ngờ bệnh lý về hoại tử mạc nối, viêm bờm mỡ mạc treo...
1.2. Chống chỉ định
Phương pháp không có chống chỉ định tuyệt đối mà chỉ có chống chỉ định tương đối với những trường hợp sau đây:
- Có tiền sử dị ứng với thuốc cản quang (loại thuốc sử dụng trong chụp cắt lớp để thể hiện rõ hình ảnh khu vực cần chẩn đoán).
- Nếu không thể sử dụng phương pháp chẩn đoán hình ảnh nào khác ngoài chụp cắt lớp thì người bệnh sẽ được điều trị giải mẫn cảm trong thời gian 3 ngày.
- Trong trường hợp cấp cứu thì vẫn thực hiện phương pháp nhưng có chuẩn bị sẵn hộp thuốc chống sốc dự phòng.
- Những bệnh nhân đang mai thai tuần đầu tiên thì cần cân nhắc trước khi thực hiện.
2. Chuẩn bị trước khi thực hiện phương pháp chụp cắt lớp vi tính bụng - tiểu khung thường quy
2.1. Người thực hiện
- Bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh.
- Nhân viên điện quang có tay nghề và kinh nghiệm, thông thạo các thao tác trong quá trình chụp.
- Nhân viên điều dưỡng.
2.2. Phương tiện chụp
- Máy chụp cắt lớp vi tính.
- Máy bơm điện chuyên dụng.
- Hệ thống lưu trữ, xuất hình ảnh.
2.3. Vật dụng y tế sử dụng khi chụp
- Bơm kim tiêm loại 10ml và 20ml, kim tiêm loại 18-20G
- Bơm kim tiêm sử dụng cho loại máy bơm điện chuyên dụng kể trên.
- Thuốc đối quang iod tan trong nước.
- Dung dịch sát khuẩn da và vùng niêm mạc
- Nước muối sinh lý hoặc nước cất.
- Găng tay bảo hộ, khẩu trang, mũ vô trùng.
- Bông gạc phẫu thuật vô trùng.
- Kẹp phẫu thuật, khay quả đậu.
- Dụng cụ và thuốc cấp cứu trong trường hợp bệnh nhân bị sốc thuốc đối quang.
2.4. Người thực hiện chụp
- Bệnh nhân phải có giấy chỉ định chụp cắt lớp vi tính vùng bụng – tiểu khung.
- Trước khi thực hiện, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chuyên khoa giải thích về phương pháp, những vấn đề có thể xảy ra trong quá trình thực hiện.
- Tháo bỏ những vật dụng kim loại trên người như khuyên tai, kẹp tóc, dây chuyền...
- Trước khi chụp nên nhịn ăn nếu có sử dụng thuốc đối quang, có thể uống nước hoa quả hoặc uống sữa, nhưng lượng uống vào cơ thể không được vượt quá 100ml.
- Nếu bệnh nhân có những biểu hiện kích thích hoặc sợ hãi thì cần trấn an hoặc cho sử dụng thuốc an thần.
3. Các bước tiến hành chụp cắt lớp vi tính vùng bụng - tiểu khung thường quy.
3.1. Một số kỹ thuật trong phương pháp
- Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa, hai tay giơ cao lên đầu để tránh ảnh hưởng đến hình ảnh.
- Nhịn thở khi chụp để tránh bị nhiễu ảnh.
- Thuốc đối quang tan trong nước, liều lượng sử dụng 1,5-2 ml với mỗi 1kg cân nặng.
- Kỹ thuật tiêm thuốc đối quang: Nhanh, vận tốc tiêm tối thiểu khoảng 3ml/s, nên sử dụng máy bơm để kiểm soát tốt liều lượng. Tốc độ tiêm thuốc đối quang hợp lý khoảng 4-5ml/s.
- Thực hiện chụp cắt lớp vi tính trước và sau khi tiêm thuốc đối quang, các lớp cắt ngang trên toàn bộ vùng bụng và tiểu khung bắt đầu từ vòm hoành đến khớp mu. Mỗi lớp cắt có bề dày khoảng 5 đến 8mm, đối với các tổn thương nhỏ thì nên tập trung bằng những lớp cắt có chiều dày 3mm.
- Tùy thuộc theo độ lớn của cá thể bác sĩ tiến hành thay đổi trường nhìn cho thích hợp.
- Để đánh giá được toàn bộ mô mềm, xương, mỡ, khí thì cần phải thay đổi độ rộng của cửa sổ trong quá trình thao tác.
3.2. Tiến trình thực hiện
Chụp cắt lớp trước khi tiêm thuốc đối quang
- Bước đầu định vị những vị trí tổn thương để thực hiện chụp cắt lớp sau khi tiêm thuốc đối quang.
- Do tỷ trọng của vùng nghi ngờ tổn thương để đánh giá những yếu tố sau: thương tổn có mỡ hay không, có chảy máu hoặc vôi hóa không, đánh giá mức độ ngấm thuốc của tổn thương sau khi chụp cắt lớp có tiêm thuốc đối quang.
- Đo tỷ trọng các cấu trúc dịch bên trong ổ bụng để đánh giá xem đây là dịch đơn thuần hay bị nhiễm trùng chảy máu.
- Đánh giá tính trạng thoát thuốc đối quang của bệnh nhân sau khi tiêm.
Chụp cắt lớp sau khi tiêm thuốc đối quang
- Tình từ thời điểm tiêm thuốc, sau 25-35s sẽ chụp thì động mạch, mục đích:
- Phát hiện dấu hiệu của bệnh cảnh dị dạng thông động - tĩnh mạch: tình trạng hiện phình tĩnh mạch dẫn lưu sớm.
- Phát hiện tình trạng rối loạn tưới máu trong nhu mô của tạng đặc.
- Đánh giá mức độ giàu mạch của các tổn thương u.
- Phát hiện các ổ dị dạng mạch thành ống tiêu hóa.
- Chảy máu thể hoạt động do chấn thương tạng gây nên thoát thuốc ra bên ngoài lòng mạch.
- Sau 60-70s kể từ thời điểm tiêm thuốc, chụp thì tĩnh mạch:
- Đánh giá thuốc được thải nhanh hay chậm ở những tổn thương u.
- Thể hiện rõ ràng các tổn thương như đường vỡ trong các tạng, tổn thương dạng các ổ đụng dập.
- Chụp muộn: Tùy vào từng trường hợp cụ thể của mỗi bệnh nhân mà sẽ được thực hiện chụp ở những thời gian khác nhau.
4. Tai biến và xử trí
- Tai biến liên quan đến thuốc đối quang: Xử lý theo đúng hướng dẫn mà Bộ Y tế đã ban hành.
- Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân không hợp tác sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh và phải thực hiện lại.
Sau khi thực hiện chụp cắt lớp vi tính bụng - tiểu khung thường quy bác sĩ sẽ kiểm tra xem kỹ thuật có thực hiện đúng với các thì động mạch và tĩnh mạch hay không. Kiểm tra lượng thuốc đối quang sử dụng có phù hợp và đánh giá chất lượng hình ảnh.