Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Thanh Tâm - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Động mạch và tĩnh mạch đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển máu trong cơ thể. Các động mạch bơm máu được nạp đầy oxy từ tim đến các cơ quan trong cơ thể, còn các tĩnh mạch vận chuyển máu không có nhiều oxy từ các cơ quan trở lại tim. Có nhiều vấn đề và bệnh lý có thể xảy ra với động mạch và tĩnh mạch làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển máu trong cơ thể con người.
1. Vai trò của động mạch và tĩnh mạch trong cơ thể
Động mạch và tĩnh mạch cùng nhau thực hiện một công việc quan trọng, chúng là một phần của hệ thống vận chuyển máu. Các động mạch mang máu được nạp đầy oxy từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Các tĩnh mạch vận chuyển máu không có nhiều oxy trở lại tim của bạn. Máu ít oxy được bơm từ tim phải vào động mạch phổi, động mạch phổi gửi máu này đến phổi để nạp đầy oxy cho chúng. Sau đó tĩnh mạch phổi đưa máu giàu oxy về tim trái và quá trình này bắt đầu lại.
Đôi khi động mạch hoặc tĩnh mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn và máu không thể đi qua chúng một cách dễ dàng. Bất kỳ sự chậm lại nào trong việc lưu lượng máu sẽ khiến các cơ quan của bạn không nhận được oxy và chất dinh dưỡng cần thiết để thực hiện công việc của mình. Nếu máu di chuyển quá chậm qua các mạch máu, nó có thể đọng lại và hình thành cục máu đông.
2. Các vấn đề về động mạch và tĩnh mạch
2.1. Bệnh động mạch vành
Bạn bị bệnh động mạch vành khi có chất béo dính vào trong thành động mạch hay còn được gọi là mảng bám tích tụ trong thành động mạch vành – động mạch cung cấp máu cho tim. Mảng bám làm hẹp lòng động mạch, làm chậm lưu lượng máu đến tim gây ra triệu chứng thiếu máu cơ tim.
Khi một mảnh mảng bám vỡ ra và đọng lại trong động mạch, nó có thể chặn dòng máu hoàn toàn và gây ra cơn đau tim- nhồi máu cơ tim.
2.2. Bệnh động mạch ngoại biên (PAD)
Các động mạch ngoại vi đưa máu đến cánh tay và chân của bạn. Trong bệnh động mạch ngoại biên, các mảng bám tích tụ trong thành những động mạch này. Cũng giống như trong bệnh mạch vành, mảng bám làm hẹp động mạch ngoại biên và làm cản trở tưới máu các chi.
Nếu chân không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng, bạn sẽ cảm thấy đau hoặc mỏi chân khi bạn đi bộ hoặc leo cầu thang. Bệnh động mạch ngoại biên có thể làm tăng nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ.
2.3. Bệnh động mạch cảnh
Các động mạch cảnh chạy dọc theo hai bên cổ của bạn. Chúng cung cấp máu cho não, mặt và cổ. Nếu bạn bị bệnh động mạch cảnh, mảng bám tích tụ và thu hẹp các động mạch này, do đó máu đi qua ít hơn và sẽ gây giảm tưới máu cho não.
Một mảng bám có thể vỡ ra và hình thành cục máu đông. Nếu nó bị mắc kẹt trong mạch máu đến não và chặn dòng chảy của máu, nó có thể gây ra đột quỵ.
2.4. Bệnh mạch máu não
Bộ não của bạn cần được cung cấp máu giàu oxy liên tục để hoạt động. Không có nó, các tế bào não sẽ chết trong vài phút. Các bệnh mạch máu não hạn chế nguồn cung cấp máu cho não, bao gồm:
- Đột quỵ
- Mạch máu bị hẹp
- Chứng phình động mạch
- Các cụm mạch máu bất thường được gọi là dị dạng mạch máu não.
2.5. Suy tĩnh mạch
Nếu bạn nhìn thấy các tĩnh mạch dày, xoắn, màu xanh hoặc màu tím ở chân, bạn có thể bị suy giãn tĩnh mạch. Bình thường các van bên trong tĩnh mạch giữ cho máu chảy một chiều về tim và ngăn máu chảy ngược lại. Khi tĩnh mạch yếu, các van có thể bị hư hỏng và cho phép máu chảy ngược trở lại.
Khi máu tụ lại, tĩnh mạch phồng lên và sẽ gây ra các triệu chứng của bệnh lý suy dãn tĩnh mạch. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ bị suy tĩnh mạch mạn tính nếu có cục máu đông làm hỏng van tĩnh mạch ở chân và bạn cũng sẽ có các triệu chứng của bệnh lý suy tĩnh mạch. Trong các trường hợp này bạn hãy đến gặp bác sĩ nếu cảm thấy đau nhức, căng tức, vọp bẻ hoặc không hài lòng về vẻ ngoài của mình do tình trạng này gây ra.
2.6. Tĩnh mạch mạng nhện (Spider Veins)
Tĩnh mạch mạng nhện giống như giãn tĩnh mạch, nhưng chúng mỏng hơn. Tình trạng này được đặt tên như vậy vì mô hình của nó trông giống như mạng nhện. Bạn có thể gặp phải tình trạng này khi máu quay trở lại trong tĩnh mạch bị cản trở.
Tĩnh mạch mạng nhện có thể hình thành trên chân hoặc mặt của bạn và thường có màu đỏ hoặc xanh. Bạn có nhiều khả năng bị nổi tĩnh mạch hình mạng nhện sau khi bị thương hoặc phơi nắng nhiều. Sự thay đổi hormone trong thời kỳ mãn kinh hoặc mang thai cũng có thể khiến chúng hình thành.
2.7. Các cục máu đông
Khi bạn bị đứt tay, mạch máu bị tổn thương gây chảy máu, các tế bào máu được gọi là tiểu cầu sẽ bịt lỗ trong mạch máu bị tổn thương bằng một cục máu đông để cầm máu. Nhưng đôi khi, mảng bám có thể làm tổn thương bên trong mạch máu và khiến hình thành cục máu đông ở đó. Các cục máu đông này có thể gây hại và có thể làm chậm lưu lượng máu qua động mạch và tĩnh mạch. Nếu một cục máu đông hình thành trong tim hoặc não, bạn có thể bị đau tim hoặc đột quỵ.
2.8. Viêm tắc tĩnh mạch
Viêm tắc tĩnh mạch xảy ra khi tình trạng sưng tấy và kích ứng làm hình thành cục máu đông ở một trong các tĩnh mạch. Bạn có thể bị đông máu sau chấn thương, phẫu thuật hoặc do bạn đã nằm bất động trên giường trong một thời gian dài. Cục máu đông có thể hình thành trong các tĩnh mạch gần bề mặt da hoặc sâu hơn bên dưới. Thuốc chống đông máu có thể ngăn cục máu đông lớn hơn hình thành chặn dòng máu.
2.9. Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT)
Huyết khối tĩnh mạch sâu là cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu, thường là ở chân. Bạn có thể bị huyết khối tĩnh mạch sâu nếu bạn đã nằm trên giường trong một thời gian dài sau khi bị ốm hoặc phẫu thuật, hoặc bạn ngồi lâu trên máy bay hoặc ô tô.
Nằm hoặc ngồi trong nhiều giờ làm chậm lưu lượng máu. Máu di chuyển chậm có thể tụ lại với nhau và tạo thành cục máu đông. Biến chứng nguy hiểm của tình trạng này là cục máu đông có thể vỡ ra thành các mảnh nhỏ và di chuyển đến phổi gây Thuyên tắc phổi.
2.10. Thuyên tắc phổi (PE)
Cục máu đông ở chân có thể vỡ ra và di chuyển đến phổi của bạn. Khi điều đó xảy ra, nó được gọi là thuyên tắc phổi. Theo đó, cục máu đông có thể chặn dòng chảy của máu trong phổi người bệnh.
Nếu không có máu, chúng không thể hoạt động tốt như bình thường và không thể nạp đủ oxy để cung cấp cho phần cơ thể còn lại. Thuyên tắc phổi có thể gây đau ngực, khó thở và choáng. Nó sẽ nguy hiểm đến tính mạng nếu bạn không được điều trị ngay lập tức.
2.11. Túi phình
Túi phình xuất hiện khi thành động mạch yếu đi và phình ra như một quả bóng. Phình mạch có thể hình thành trong nhiều mạch máu khác nhau, bao gồm mạch máu trong não, ngực và bụng.
Nếu động mạch căng quá mức, nó có thể bị vỡ. Điều này có thể dẫn đến chảy máu bên trong cơ thể, tình trạng này rất nguy hiểm. Chấn thương hoặc bệnh động mạch có thể gây ra chứng phình động mạch.
3. Khi nào cần gặp bác sĩ khi có vấn đề về tĩnh mạch và động mạch
Bạn cần nhận trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Khó thở đột ngột
- Đau ngực
- Chóng mặt, ngất xỉu
- Tim đập nhanh
- Đau đầu đột ngột, dữ dội
- Buồn nôn, nôn mửa
- Nhìn mờ đột ngột hoặc nhìn đôi
- Đau đột ngột ở trên hoặc sau mắt của bạn
- Khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt
- Đột ngột yếu hoặc tê ở mặt hoặc cơ thể của bạn
- Khó nói hoặc khó hiểu lời nói của người khác
- Co giật
- Lú lẫn.
4. Bảo vệ động mạch và tĩnh mạch như thế nào?
Để tránh cục máu đông và các vấn đề về mạch máu khác, hãy chăm sóc động mạch và tĩnh mạch của bạn bằng các việc làm cụ thể sau:
- Ăn thực phẩm ít chất béo bão hòa.
- Tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần.
- Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc, vì nó có thể làm hỏng động mạch
- Để ngăn ngừa cục máu đông, bạn cần tránh ngồi lâu.
- Nếu bạn đang đi một chuyến bay dài hoặc đi ô tô, hãy đứng dậy và đi bộ giữa chuyến đi để giữ cho máu của bạn lưu thông tốt nhất.
Bảo vệ động mạch và tĩnh mạch cũng chính là bảo vệ sức khỏe của chúng ta. Vì thế, hãy đảm bảo chúng để luôn có sức khỏe tốt và tránh được nguy cơ mắc các bệnh lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com