Khi bị đau nhiều người thường lựa chọn các loại thuốc giảm đau để giúp làm dịu cơn đau. Tuy nhiên, một số loại thuốc giảm đau có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến dạ dày. Vì thế, vấn đề lựa chọn thuốc giảm đau không hại dạ dày được mọi người quan tâm. Dưới đây là một số lưu ý sử dụng thuốc giảm đau không ảnh hưởng đến dạ dày mà mọi người hãy tham khảo.
1. Thuốc giảm đau là gì và những loại thuốc giảm đau thường gặp
Thuốc giảm đau là những loại dược phẩm được sử dụng nhằm mục đích làm giảm bớt những cơn đau do bệnh gây ra. Thuốc giảm đau thường được dùng trong các trường hợp như: Nhức đầu, cảm cúm và cảm lạnh, đau cơ, đau khớp, đau lưng, chấn thương vật lý, sinh đẻ hoặc phẫu thuật....
Có rất nhiều loại thuốc giảm đau khác nhau nhưng thuốc thường được chia thành 2 nhóm là:
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Được sử dụng phổ biến trong việc điều trị các bệnh đau nhẹ đến đau vừa như đau đầu, cảm cúm, sốt, đau nhức răng, đau bụng kinh... Thuốc giảm đau không kê đơn bao gồm thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (Aspirin, Diclofenac, Meloxicam, Piroxicam, Indomethacin...) và thuốc giảm đau Paracetamol.
- Thuốc giảm đau kê đơn: Thuốc hoạt động bằng cách tác động lên não, tuỷ sống và cả ống tiêu hoá, từ đó giúp giảm đau. Thuốc này bao gồm các loại như sau: Morphine, Oxycodone, Codeine, Hydrocodone.
Những loại thuốc giảm đau trên mặc dù có tác dụng giảm đau hiệu quả nhưng nó cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ ở gan, thận, đường tiêu hóa...
2. Uống thuốc giảm đau có hại dạ dày không?
Đây là một trong những thắc mắc và vấn đề được nhiều người bệnh rất quan tâm khi sử dụng thuốc giảm đau.
Đối với vấn đề này, các bác sĩ cho biết rằng, việc sử dụng thuốc giảm đau có thể gây hại cho dạ dày, làm tổn thương, gây viêm loét dạ dày nói riêng và cho cả đường tiêu hóa nói chung.
Giải thích cho lý do tại sao thuốc giảm đau gây hại cho dạ dày, các bác sĩ cho biết thêm: Một số cơ chế gây hại cho dạ dày của các loại thuốc giảm đau có thể kể đến như:
- Ức chế tổng hợp prostaglandin ở niêm mạc dạ dày: Prostaglandin giúp bảo vệ các tế bào ở dạ dày. Việc ức chế tổng hợp prostaglandin có thể sẽ dẫn đến làm giảm tiết chất nhầy và tăng tiết axit, giảm lưu lượng máu đến niêm mạc dạ dày.
- Thay đổi sinh lý hệ tiêu hóa: Một số thuốc giảm đau thuộc nhóm Opioids có thể gây ức chế nhu động dạ dày, làm giảm lực căng của dạ dày và làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày.
Thuốc giảm đau gây tác dụng phụ lên dạ dày với tần suất ít hoặc nhiều khác nhau tùy theo từng loại thuốc. Một số ảnh hưởng trên dạ dày của thuốc giảm đau đường uống thường gặp có thể kể đến như: ợ nóng, buồn nôn, nôn, co thắt dạ dày và kích ứng dạ dày, chảy máu và loét dạ dày, viêm dạ dày....
3. Vậy có thuốc giảm đau không hại dạ dày không?
Như đã nói ở trên, hiện nay có 3 nhóm thuốc giảm đau thường được sử dụng phổ biến như là: Paracetamol, thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) và thuốc giảm đau gây nghiện Opioid.
Trong đó, Paracetamol được xem là loại thuốc giảm đau không hại dạ dày nếu được dùng ở liều thấp. Bởi vì Paracetamol không gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa như thuốc giảm đau kháng viêm không steroid.
Tuy nhiên, Paracetamol lại chỉ có tác dụng giảm đau và hạ sốt mà không có tác dụng kháng viêm. Vì vậy thuốc sẽ không có hiệu quả đối với những trường hợp liên quan đến viêm. Do đó, trong trường hợp này, thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) được sử dụng để giảm đau, hạ sốt và giảm viêm.
Tuy nhiên, NSAIDs lại có khả năng gây ra tác dụng phụ trên đường tiêu hóa và dạ dày như: đau dạ dày, đầy hơi, ợ nóng, buồn nôn, nôn, viêm niêm mạc dạ dày, chảy máu và loét dạ dày... Vì vậy, mọi người cần phải cân nhắc để sử dụng thuốc giảm đau không ảnh hưởng đến dạ dày và mang lại hiệu quả tốt, an toàn.
4. Cách chọn và dùng thuốc giảm đau không hại dạ dày
Để sử dụng thuốc giảm đau không hại dạ dày và đạt được hiệu quả trị bệnh tốt, an toàn thì người bệnh cần lưu ý thêm một số vấn đề sau đây:
- Không được tự ý sử dụng thuốc giảm đau hoặc lạm dụng quá nhiều thuốc giảm đau. Thay vào đó, khi có những dấu hiệu đau bất thường thì hãy thăm khám và thông báo cho bác sĩ được biết về tiền sử dị ứng, tình trạng đường ruột, dạ dày. Để bác sĩ tư vấn, chỉ định và kê đơn thuốc giảm đau an toàn mà không ảnh hưởng đến dạ dày.
- Để không gây ảnh hưởng đến dạ dày khi dùng thuốc giảm đau thì người dùng có thể dùng phối hợp với thuốc bảo vệ dạ dày theo tư vấn, chỉ định, kê đơn của bác sĩ chuyên môn. Một số thuốc bảo vệ dạ dày như là Misoprostol hay thuốc ức chế bơm proton.
- Không nên uống thuốc giảm đau khi đói có thể gây viêm loét dạ dày, thậm chí là xuất huyết và thủng đường tiêu hóa. Bạn nên dùng thuốc sau bữa ăn khoảng 15-30 phút và uống cùng với 1 cốc nước đầy hoặc cùng với sữa sẽ giúp giảm kích ứng dạ dày.
- Nếu sau khi uống thuốc giảm đau mà có những triệu chứng bất thường thì cần tư vấn bác sĩ chuyên môn hoặc trực tiếp đến cơ sở y tế để được kiểm tra và xử trí kịp thời.
Qua bài viết trên hy vọng đã giúp mọi người biết được uống thuốc giảm đau có hại dạ dày không? Từ đó lựa chọn và sử dụng thuốc giảm đau không hại dạ dày đúng cách.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể kéo dài thì cách tốt nhất là nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về dùng để tránh gây ảnh hưởng đến dạ dày và hạn chế các tác dụng phụ của thuốc.