Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hồ Ngọc Minh - Giám đốc Điều hành Lab Phòng Motion Lab Vinmec Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao miền Bắc Vinmec kiêm Bác sĩ Ngoại khoa Nội soi khớp và Y học thể thao Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Chọc dịch khớp gối và tiêm khớp gối là các biện pháp ngày càng được sử dụng nhiều trong điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, trong đó thoái hóa khớp là một bệnh lý phổ biến. Tuy nhiên, đây là các thủ thuật có tính xâm lấn và tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nếu áp dụng không đúng chỉ định. Liệu lợi ích mà chọc dịch/tiêm khớp gối mang lại có vượt quá những nguy cơ tiềm ẩn đằng sau? Khi nào bệnh nhân có chỉ định chọc dịch/tiêm khớp gối và khi nào sẽ bị chống chỉ định?
Tiêm khớp gối và chọc dịch khớp gối đều có các bước tiến hành thủ thuật cơ bản giống nhau. Chọc dịch khớp gối có thể giúp bệnh nhân giảm sưng đau khi có tràn dịch nhiều, giúp bác sĩ lấy dịch khớp làm xét nghiệm và tạo không gian để tiêm một lượng thuốc vào khớp. Tiêm khớp gối nhằm mục đích đưa các thuốc vào trong khớp để điều trị bệnh. Thuốc tiêm khớp hay được sử dụng để tiêm khớp gối nhất là corticoid, ngoài ra còn có axit hyaluronic, infliximab (một loại thuốc miễn dịch) và huyết tương giàu tiểu cầu.
1. Chỉ định chọc dịch khớp gối/tiêm khớp gối
Chỉ định chọc dịch khớp gối để chẩn đoán trong các trường hợp:
- Viêm ở một khớp
- Nghi ngờ viêm khớp nhiễm khuẩn
- Tràn dịch khớp gối
- Gãy xương nội khớp
- Bệnh khớp tinh thể (VD., gút)
Chỉ định hút dịch khớp gối để điều trị trong các trường hợp:
- Giảm đau trong tràn dịch/máu khớp gối
- Tiêm thuốc (VD., corticoid, kháng sinh hoặc thuốc tê)
- Dẫn lưu dịch viêm nhiễm khuẩn khớp gối
Các thuốc được lựa chọn tiêm khớp gối trong các trường hợp:
- Corticoid: nhằm giảm đau và sưng ở bệnh nhân thoái hóa khớp (bao gồm thoái hóa khớp có kén Baker), viêm khớp tự miễn thiếu niên, viêm khớp vảy nến, gút một khớp cấp tính, giả gút và viêm khớp dạng thấp.
- Infliximab: điều trị viêm khớp/viêm màng hoạt dịch tại khớp gối kháng trị ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, bệnh Behçet và viêm cột sốt dính khớp không đáp ứng với điều trị thuốc đường toàn thân.
- Axit hyaluronic: thoái hóa khớp (hiệu quả kéo dài tới 5-6 tháng nhờ vào việc kích thích quá trình sửa chữa và có tác dụng giảm đau), và viêm khớp dạng thấp (tác dụng điều hòa các phản ứng viêm).
- Huyết tương giàu tiểu cầu: cải thiện chức năng và chất lượng sống cho bệnh nhân tổn thương thoái hóa sụn khớp gối tại 6 tháng sau tiêm do tăng tổng hợp collagen.
2. Chống chỉ định
Chọc hút dịch khớp gối/tiêm khớp gối có các chống chỉ định chung như sau:
- Nhiễm trùng huyết
- Các ổ viêm khớp hoặc cạnh khớp (VD., viêm mô tế bào cạnh khớp, viêm xương tủy)
- Tổn thương da tại vị trí tiêm
- Tổn thương xương/sụn tại vị trí tiêm
- Khớp giả, hủy khớp nặng nề
- Rối loạn đông máu không kiểm soát được
Ngoài ra, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu còn bị chống chỉ định tuyệt đối khi:
- Giảm tiểu cầu nặng
- Huyết động không ổn định hoặc nhiễm khuẩn huyết
- Viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm mô tế bào hoặc viêm xương tủy gần kề
- Rối loạn chức năng tiểu cầu
Và các chống chỉ định tương đối của tiêm huyết tương giàu tiểu cầu bao gồm:
- Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (VD., aspirin) thường xuyên trong vòng 48 giờ trước thủ thuật
- Đã tiêm corticoid khớp gối trong vòng 1 tháng trước hoặc sử dụng corticoid đường toàn thân trong vòng 2 tuần trước đó.
- Sốt gần đây
- Ung thư, đặc biệt là máu và xương
- Thiếu máu với nồng độ huyết sắc tố <10 g/dL
- Tiểu cầu giảm <105/μL
3. Hiệu quả điều trị chọc dịch khớp gối/tiêm khớp gối
Tiêm corticoid có tác dụng giảm đau và viêm tức thì nhưng chỉ có hiệu quả ngắn hạn kéo dài lên đến 2 tuần. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy tác dụng của tiêm corticoid nội khớp cho bệnh nhân thoái hóa khớp sẽ giảm dần theo thời gian và không còn tác dụng đáng kể sau 6 tháng.
Tiêm axit hyaluronic nội khớp được chứng minh mang lại lợi ích thực sự ở mức độ trung bình cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Axit hyaluronic có thể giảm sưng đau nhưng không phải tác dụng tức thì. Hiệu quả tối đa thường xuất hiện sau 5 tuần và kéo dài từ 3 đến 6 tháng.
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu cho bệnh nhân thoái hóa khớp có triệu chứng có hiệu quả cải thiện đáng kể kéo dài tới 12 tháng. So sánh với tiêm axit hyaluronic, tại thời điểm 3-12 tháng sau tiêm, huyết tương giàu tiểu cầu cho kết quả tốt hơn đáng kể.
4. Biến chứng
Các biến chứng của tiêm khớp gối được chia thành 2 nhóm chính là nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn.
4.1 Nhóm nhiễm khuẩn
Viêm khớp nhiễm khuẩn do thủ thuật là biến chứng đáng sợ nhất trong tất cả các biến chứng liên quan đến nhiễm khuẩn của tiêm khớp gối. Biến chứng này xảy ra ở 1/2000 – 15000 trường hợp tiêm khớp gối. Khi nghi ngờ viêm khớp nhiễm khuẩn, đầu tiên cần phân biệt với một đợt phản ứng cấp sau tiêm, thường chỉ kéo dài vài giờ thay vì cả ngày. Do đó, nếu một phản ứng cấp tồn tại trên 48 giờ hoặc xuất hiện muộn hơn 48 giờ sau tiêm, cần nghĩ đến viêm khớp nhiễm khuẩn. Khi đó, cần tiến hành chọc hút dịch khớp gối ngay và lặp lại nhiều lần đồng thời cho bệnh nhân dùng kháng sinh. Nếu chọc dịch nhiều lần nhưng thể tích dịch không giảm đáng kể sau 48-72 giờ đầu, nội soi hoặc mở khớp gối cần được cân nhắc.
4.2 Nhóm không nhiễm khuẩn
- Tuy hay gặp ở các thủ thuật tiêm khớp khác nhưng rách gân cơ, teo hoặc hoại tử thần kinh lại ít gặp khi tiêm khớp gối. Hai biến chứng này có thể do tiêm corticoid. Các biến chứng khác như teo da, bạch biến, canxi hóa quanh bao khớp có thể xảy ra nhưng rất hiếm gặp.
- Một biến chứng khác thuộc nhóm này là tác dụng phụ của corticoid, bao gồm loãng xương, rối loạn kinh nguyệt, mảng bầm tím trên da, hoặc làm nặng thêm đục thủy tinh thể. Đây đều là các biến chứng do việc hấp thu corticoid vào hệ thống toàn thân. Một vài biến chứng khác liên quan đã được báo cáo gồm ức chế trục nội tiết hạ đồi-tuyến yên và tăng đường máu, tuy nhiên sẽ tự hết. Một Hoại tử xương là biến chứng rất hiếm gặp (0,1 – 3% số trường hợp) nhưng biểu hiện lâm sàng lại nặng nề. Trong các biến chứng kể trên, rối loạn kiểm soát đường máu là cần chú ý nhất trên lâm sàng, đặc biệt ở những bệnh nhân đái tháo đường.
- Tăng hủy sụn khớp: một nghiên cứu năm 2017 trên 199 bệnh nhân thoái hóa khớp có viêm màng hoạt dịch cho thấy những bệnh nhân được tiêm nội khớp triamcinolone (một loại corticoid) 3 tháng/lần bị tổn thương sụn nhiều hơn những bệnh nhân được tiêm nước muối sinh lý.
Hút dịch khớp gối hay tiêm khớp gối là những biện pháp điều trị được chứng minh là có hiệu quả, đặc biệt trên nhóm bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên, vì đây là thủ thuật xâm lấn và tiềm ẩn nguy cơ, bác sĩ và bệnh nhân cần trao đổi về các lợi ích mang lại và nguy cơ có thể xảy ra trước khi tiến hành thủ thuật. Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về việc thủ thuật này có phù hợp với mình hay không, và lựa chọn những cơ sở y tế đảm bảo chuyên môn để tiến hành thủ thuật.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.
Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:
- Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
- Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
- Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay ;
- Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
- Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
- Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
- Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.
Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.