Ngoài việc kiểm tra chiều dài xương đùi, chu vi vòng đầu và đường kính ngang bụng thì các mẹ bầu cũng cần lưu ý đến chiều dài xương mũi thai nhi qua mỗi tuần. Đây là một trong những xét nghiệm rất quan trọng trong thai kỳ để bác sĩ đưa ra chẩn đoán xem thai nhi có khả năng mắc hội chứng Down ngay từ khi trong bụng mẹ hay không.
1. Tìm hiểu về chiều dài xương mũi thai nhi
Chiều dài xương mũi thai nhi chính là thước đo chuẩn đối với tình hình phát triển và sự ổn định của em bé khi còn trong bụng mẹ. Yếu tố này là căn cứ quan trọng để giúp bác sĩ chẩn đoán thai nhi có khả năng mắc hội chứng Down hay không.
Có 2 trường hợp bất thường xương mũi thai nhi khi siêu âm thai 12 tuần có thể phát hiện ra đó là:
- Bất sản xương mũi: Đây là tình trạng thai nhi không có xương mũi.
- Thiểu sản xương mũi (bất sản một phần xương mũi): Tình trạng này phản ánh chiều dài xương mũi ngắn hơn so với chỉ số tiêu chuẩn tại thời điểm phát triển của thai nhi.
Việc không có xương mũi hay xương mũi ngắn đều có liên quan tới hội chứng bệnh Down. Theo nghiên cứu, phần lớn các trường hợp siêu âm không đo được chiều dài xương mũi thai nhi 12 tuần mắc hội chứng Down. Đặc biệt, khả năng mắc bệnh Down sẽ tăng lên nếu 3 tháng tiếp theo của thai kỳ thai nhi vẫn không có xương mũi hoặc xương mũi bị ngắn hơn nhiều so với tiêu chuẩn.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Philippine, chiều dài xương mũi thai nhi vào các tuần thai như sau thì được xem là bình thường:
- Tuần thai thứ 11: 1,96mm;
- Tuần thai thứ 12: 2,37mm;
- Tuần thai thứ 13: 2,90mm;
- Tuần thai thứ 14: 3,44mm;
- Tuần thai thứ 15: 4,05mm.
Khi thai nhi được 20 tuần tuổi thì chiều dài của xương mũi từ 4,50mm trở lên là bình thường, còn nếu dưới 3,50mm ở tuần thai thứ 22 thì nguy cơ em bé mắc hội chứng Down là rất cao.
2. Chiều dài xương mũi thai nhi được đo vào thời điểm nào?
Việc đo chiều dài xương mũi cho thai nhi sẽ được bắt đầu vào tuần thai thứ 12. Sau đó, việc đo sẽ được thực hiện liên tục cho đến khi thai nhi được 28- 32 tuần. Mỗi một mốc đo đều đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của trẻ nên mẹ không được bỏ sót bất kỳ buổi khám thai nào.
Các thời điểm đo chiều dài xương mũi thai nhi như sau:
- Đo chiều dài xương mũi thai nhi 12 tuần: Trong những chỉ số thai nhi 12 tuần được quan tâm nhất có chiều dài xương mũi. Khi bước vào tuần thứ 4 của thai kỳ, mũi của em bé sẽ bắt đầu hình thành như một phần đường thở của bào thai. Tới tuần thứ 12 các thành phần cơ bản của mũi đã hoàn thành nên việc siêu âm kiểm tra chiều dài xương mũi thai nhi là hoàn toàn thực hiện được. Tại thời điểm này, bác sĩ sản khoa sẽ siêu âm xem thai nhi có xương mũi hay không. Trường hợp thai nhi không có xương mũi thì sẽ được xếp vào nhóm nguy cơ cao mắc chứng hội chứng Down. Nếu không may rơi vào trường hợp này thì mẹ bầu cũng không nên lo lắng thái quá bởi giai đoạn này khá sớm để khẳng định chính xác tình trạng thai nhi, mẹ nên theo dõi và kiểm tra lại sau 1- 2 tuần theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Đo chiều dài xương mũi trong các quý sau của thai kỳ: Trong những lần siêu âm thai tiếp theo bác sĩ sẽ tiếp tục thực hiện đo xương mũi của thai nhi. Các nghiên cứu đã chỉ ra, nếu thai nhi không có xương mũi khi siêu âm thai 12 tuần mà đến những lần tiếp theo vẫn không có xương mũi hay xương mũi ngắn thì nguy cơ bị bệnh Down tăng lên rất cao. Trường hợp thai nhi không có xương mũi hay xương mũi ngắn cùng với kết quả xét nghiệm sàng lọc Double test, Triple test hay NIPT có kết quả nguy cơ cao thì sẽ được chỉ định chọc ối nhằm xác định nguy cơ mắc bệnh Down ở thai nhi.
3. Chiều dài xương mũi thai nhi phụ thuộc vào những yếu tố nào?
Tương tự như những bộ phận khác trên cơ thể thai nhi thì chiều dài xương mũi cũng phụ thuộc vào các yếu tố như sau:
- Do gen di truyền: Bố mẹ có mũi dài, cao thì tỷ lệ sinh con xương mũi cũng dài và cao;
- Do chủng tộc: Người Châu Âu, Châu Mỹ,... sẽ có xương mũi dài hơn người châu Á;
- Tuổi thai: Tuổi thai càng cao thì chỉ số xương mũi sẽ càng dài hơn.
Bác sĩ sẽ dựa vào những yếu tố này để so sánh với bảng chiều dài xương mũi theo tiêu chuẩn, từ đó sẽ đưa ra kết luận cuối cùng là xương mũi của em bé bình thường, ngắn hay không có.
4. Biện pháp cải thiện chỉ số phát triển thai nhi
Để phát triển thai nhi đúng chuẩn, mẹ bầu cần:
Có kế hoạch sinh sản hợp lý: Để đảm bảo chiều dài xương mũi thai nhi và các chỉ số khác phát triển bình thường, giảm nguy cơ mắc hội chứng Down, ba mẹ không nên sinh con quá muộn (trên 35 tuổi); nên tầm soát bệnh Down từ tuần thứ 12 của thai kỳ; khám sức khỏe tổng quát trước khi mang thai; tiêm phòng vắc-xin cần thiết cho quá trình mang thai; không tự ý sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai.
Dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai: Mẹ bầu cần sinh hoạt lành mạnh kết hợp chế độ ăn uống khoa học trong thời kỳ mang thai là biện pháp giúp cải thiện chỉ số phát triển thai nhi, đảm bảo chiều dài xương mũi phát triển bình thường. Bổ sung đủ 5 nhóm chất là chất đạm, chất béo, chất bột đường, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Kiêng một số thực phẩm và thức uống không tốt cho quá trình phát triển của thai nhi như thức uống chứa chất kích thích, caffeine.
Chăm sóc và sinh hoạt phù hợp: Mẹ bầu nên nghỉ ngơi hợp lý; không làm việc hay vận động quá sức; tránh sinh sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm; tránh hít phải khói bụi và khói thuốc lá tự động; nên ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm và ngủ trước 23 giờ để giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh; bổ sung đủ 2 lít nước mỗi ngày để tăng hấp thu chất dinh dưỡng; tâm trạng thoải mái, lạc quan và vui vẻ; vận động nhẹ nhàng để nâng cao sức khỏe.
Đo chiều dài xương mũi thai nhi là xét nghiệm quan trọng để đánh giá sự phát triển của em bé. Do đó mẹ cần khám thai đầy đủ và đúng lịch hẹn. Đặc biệt là phải lựa chọn cơ sở y tế uy tín bởi kết quả đo này phụ thuộc rất nhiều vào trình độ cũng như kinh nghiệm của bác sĩ và hệ thống máy siêu âm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.