Sự phát triển xương của thai nhi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Anh Tú - Bác sĩ Siêu âm sản – Chẩn đoán trước sinh – Khoa Sản - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Xương của trẻ bắt đầu hình thành ngay sau khi thụ thai và không ngừng phát triển cho đến tuổi trưởng thành. Các mẹ hãy xem quá trình hình thành hệ xương của trẻ từ những mô sụ mềm đầu tiên đến khi chào đời, để thấy được sự cần thiết của việc bổ sung canxi trong thai kỳ.

1. Tam cá nguyệt thứ nhất

1.1. Tháng 1: Phôi phát triển ba lớp

Trong quá trình phát triển phôi thai và bào thai, phần lớn các xương đều bắt đầu dưới dạng sụn linh hoạt, dần được tái định hình và chuyển thành bộ xương cứng cáp hơn. Ngay sau khi thụ thai, phôi phân biệt thành ba lớp tế bào, cụ thể là:

  • Lớp trung bì: Còn gọi là lớp giữa, sẽ phát triển thành xương, cơ tim, thận và cơ quan sinh dục của thai nhi.
  • Lớp nội bì: Đây là lớp bên trong, sẽ trở thành hệ tiêu hóa, gan và phổi của bé.
  • Lớp ngoại bì: Lớp bên ngoài này sẽ phát triển thành hệ thần kinh, tóc, da và mắt của thai nhi.

1.2. Tháng 2: Bắt đầu có tay và chân

Một số thay đổi lớn đang diễn ra bên trong phôi thai nhỏ bé, bao gồm:

  • Xuất hiện vài loại xương

Bé bắt đầu phát triển những phần cơ bản của xương đòn và các bộ phận của xương sống. Đồng thời, ống thần kinh - nền tảng của hệ thần kinh cũng như cột sống và hộp sọ, cũng dần hình thành.

  • Hình thành tay và chân

Đến khoảng tuần thứ 6, phôi thai cũng mọc ra các chồi, đây là nguồn gốc của cánh tay và đôi chân sau này.

  • Phần đuôi biến mất

Bộ phận duy nhất không tiếp tục phát triển thêm chính là cái đuôi tương tự như nòng nọc của phôi thai. Thay vào đó, chúng co lại và cuối cùng sẽ biến mất, chỉ còn lại phần xương cột sống.

1.3. Tháng 3: Mặt, mũi, ngón tay và ngón chân

Trong những tuần cuối cùng của tam cá nguyệt đầu tiên, sự phát triển xương của thai nhi diễn ra khá nhanh chóng, trong đó có xương mũi thai nhi.

Những chồi nhỏ hiện tại đã có hình dạng của tay và chân, cùng với các khớp uốn cong linh hoạt. Bên cạnh đó, ngón tay và ngón chân được xác định rõ vào khoảng tuần thứ 13. Các chi trên có xu hướng phát triển mạnh mẽ và sớm hơn những chi dưới trước vài ngày. Điều này tương tự như sự phát triển kỹ năng của trẻ sau khi ra đời, đầu tiên là cử động phần đầu, sau đó lẫy, lật, tiếp theo là bò và cuối cùng là đi bộ.

2. Tam cá nguyệt thứ hai


Tam cá nguyệt thứ hai
Tam cá nguyệt thứ hai

2.1. Tháng 4: Cung cấp canxi cho bé

Nhau thai sẽ tích cực vận chuyển canxi, phốt pho và magie từ cơ thể mẹ sang cho bé. Đây chính là nguồn cung cấp khoáng chất chính cho sự phát triển xương của thai nhi, giúp xương cứng cáp, chắc khỏe và tăng trưởng dài hơn. Quá trình cung cấp canxi đòi hỏi phải liên tục cho đến ngày sinh.

Thai nhi sẽ hấp thụ khoảng 30 gram khoáng chất quan trọng này từ mẹ trong suốt 9 tháng để tạo ra hơn 300 mảnh xương khớp các loại. Nếu số lượng canxi cần thiết không đủ, canxi từ xương của mẹ sẽ tự động tiết ra, đôi khi dẫn đến cạn kiệt hoặc loãng xương.

Chính vì vậy, mẹ cần đảm bảo bổ sung khoảng 1.000 miligam canxi mỗi ngày, không chỉ vì sự phát triển xương của thai nhi mà còn bảo vệ cho chính bản thân thai phụ.

2.2. Tháng 5 và 6: Bé cử động chân tay

Đây cũng là khoảng thời gian sự phát triển xương của thai nhi hoạt động mạnh mẽ. Ở giai đoạn này, thai nhi có thể ngọ nguậy chân tay và mẹ sẽ bắt đầu cảm thấy những cử động đầu tiên của bé vào khoảng tuần thứ 18 trở đi.

Chiều dài xương đùi thai nhi nói lên điều gì? Thông qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ sẽ đo chiều dài phần xương đùi nối từ mông đến đầu gối của bé. Chỉ số này giúp đánh giá và theo dõi mức độ tăng trưởng của thai nhi có bình thường hay không.

3. Tam cá nguyệt thứ ba

3.1. Tháng 7 và 8: Biến đổi sụn thành xương

Bước vào tam cá nguyệt thứ ba, phần lớn hàm lượng canxi mà mẹ bổ sung từ chế phẩm của sữa sẽ được cung cấp cho bé. Nhờ vào khoảng 250 miligam canxi mỗi ngày, thai nhi có thể tập trung vào việc chuyển đổi sụn thành xương, cũng như phát triển cơ bắp và tích tụ thêm một lớp mỡ bảo vệ khắp cơ thể.

3.2. Tháng 9: Xương thai nhi vẫn còn mềm

Tuần thứ 36 là giai đoạn đỉnh điểm của quá trình bé hấp thu canxi từ mẹ, với hàm lượng lến tới 350 miligam/ngày từ giờ cho đến kết thúc thai kỳ. Tuy nhiên xương của thai nhi vẫn mềm hơn so với một người trưởng thành. Đặc điểm này giúp bé có thể di chuyển vừa vặn qua kênh sinh nhỏ hẹp vào khoảng tuần 40.

Đặc biệt, hộp sọ của thai nhi được tạo thành từ nhiều mảnh xương riêng biệt, có thể dịch chuyển linh hoạt và khiến cho đầu của bé nén lại trong hành trình chuyển dạ. Xương của trẻ sơ sinh sẽ tiếp tục phát triển chắc khỏe hơn sau khi bé chào đời.

4. Sự phát triển xương của trẻ sơ sinh

Khi trẻ sơ sinh phát triển cao hơn và khỏe hơn thì toàn bộ xương trên cơ thể của bé cũng tăng trưởng theo như vậy. Sau khi chào đời, sự phát triển xương của thai nhi không còn thông qua nhau thai, thay vào đó là quá trình hấp thụ canxi ở thành ruột. Đối với xương hộp sọ, thông thường phải mất 2 - 4 tháng để thóp phía trước đóng lại và 18 tháng trở lên để đóng luôn thóp phía sau. Điều này giúp cho hộp sọ của bé mở rộng và bắt kịp với tốc độ phát triển cực kỳ nhanh chóng của não bộ. Thậm chí sau khi các thóp đóng lại, vẫn sẽ còn một số không gian trống dọc theo đường nối giữa xương sọ. Do đó, bộ não và toàn bộ phần đầu sẽ không ngừng phát triển.

Khi trẻ khoảng 2 - 3 tuổi, các khớp xương bắt đầu hợp nhất với nhau và sự phát triển xương của thai nhi sẽ kéo dài liên tục cho đến khi các mảng tăng trưởng hợp nhất trong giai đoạn dậy thì. Ở tất cả giai đoạn trong cuộc sống, việc cung cấp hàm lượng khoáng chất đầy đủ là rất cần thiết để giúp xương tăng trưởng, duy trì đặc tính chắc khỏe với sức mạnh phù hợp.

5. Bổ sung canxi trong thai kỳ


Bổ sung canxi trong thai kỳ bằng sữa, sữa đậu nành
Bổ sung canxi trong thai kỳ bằng sữa, sữa đậu nành

Nhằm đảm bảo quá trình phát triển xương của bé, mẹ nên kiểm tra thành phần có trong những loại vitamin đang dùng có chứa bao nhiêu canxi. Bên cạnh đó cần tăng cường tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng quan trọng này, bao gồm:

  • Sữa, sữa đậu nành;
  • Chế phẩm từ sữa: Phô mai, sữa chua;
  • Cá hồi, cá ngừ đóng hộp;
  • Rau xanh, nấm và đậu tương luộc;
  • Trứng;
  • Ngũ cốc;
  • Nước cam;

Nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng nếu mẹ muốn dùng thêm thực phẩm bổ sung canxi. Mặt khác, một số dữ liệu chỉ ra rằng sự phát triển xương của thai nhi cũng liên quan đến protein và hormone tuyến cận giáp (PTH).

Để hỗ trợ sự phát triển xương của thai nhi được diễn ra suôn sẻ, mẹ cần bổ sung vitamin đều đặn trong suốt thai kỳ cũng như liên tiếp đến khi cho con bú. Trẻ sơ sinh sẽ nhận đủ canxi cần thiết từ sữa mẹ và sữa công thức, nhưng nếu bé không được bú mẹ hoàn toàn thì cần bổ sung thêm chế phẩm vitamin D bên ngoài. Hàm lượng canxi phải thay đổi sao cho phù hợp với từng giai đoạn, từ trẻ nhũ nhi cho đến ăn dặm và kể cả chặng đường tăng trưởng lâu dài trong tương lai sắp tới.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện. Ngoài việc được thăm khám định kỳ, sản phụ cũng sẽ được tư vấn chế độ dinh dưỡng, tập luyện để mẹ có thể tăng cân hợp lý mà thai nhi vẫn hấp thu tốt các chất dinh dưỡng.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tú có kinh nghiệm 6 năm về siêu âm sản phụ khoa, đặc biệt được nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về siêu âm thai - chẩn đoán trước sinh. Bác sĩ Tú đã hoàn thành các khóa học về siêu âm - chẩn đoán trước sinh của hiệp hội Y học bào thai Quốc tế FMF; được đào tạo về tư vấn và thực hiện các kĩ thuật can thiệp chẩn đoán trong y học bào thai và tham gia nhiều hội nghị, hội thảo chuyên sâu về Y học bào thai. Hiện đang là bác sĩ tại Khoa Sản phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Whattoexpect.com;Ncbi.nlm.nih.gov; Embryology.med.unsw.edu.au

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe