Bài viết được viết bởi Kỹ thuật viên tâm lý Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Time City
Trẻ tự kỷ thường cảm thấy khó khăn trong việc nhận biết, hiểu và đối phó với những cảm xúc của người khác cũng như điều chỉnh cảm xúc của bản thân. Vì thế, việc thực hiện các chiến lược để giúp trẻ tự kỷ nâng cao khả năng nhận biết cảm xúc là việc làm cần thiết.
1. Chiến lược giúp trẻ tự kỷ nâng cao khả năng nhận biết cảm xúc của bản thân và người khác
Trẻ có rối loạn phổ tự kỷ thường cảm thấy khó khăn trong việc nhận biết, hiểu và đối phó với những cảm xúc của người khác cũng như điều chỉnh cảm xúc của bản thân. Một đứa trẻ bình thường có thể tích hợp các tín hiệu thị giác, thính giác như tiếng khóc, ánh mắt, ngữ điệu, khẩu hình, sắc mặt, ngôn ngữ cơ thể để phán đoán cảm xúc của người khác. Tuy nhiên, với trẻ tự kỷ cần được chỉ dẫn cụ thể thông qua các ví dụ, tình huống cụ thể để có thể nhận định chính xác. Sau đây là một số chiến lược cha mẹ/người chăm sóc có thể áp dụng giúp trẻ tự kỷ nhận biết cảm xúc của bản thân và người khác:
- Làm một cuốn sổ cảm xúc hoặc bìa cảm xúc bằng cách cắt/ dán các tấm ảnh, biểu tượng cảm xúc vào từng khung hình nhỏ, dưới mỗi biểu tượng hãy ghi tên các trạng thái cảm xúc, bắt đầu từ trạng thái đơn giản (vui/ buồn/ tức giận), sau khi trẻ đã khá hơn, cần đưa thêm các cảm xúc phức tạp hơn (sợ hãi, xấu hổ, ngạc nhiên, lo lắng, băn khoăn....)
- Cùng thảo luận với trẻ về từng trạng thái cảm xúc, các biểu cảm, đặc điểm đặc trưng trên từng khuôn mặt như thế nào giúp ta nhận biết được người đó đang vui/ buồn/ tức giận.
- Củng cố kiến thức bằng cách cùng trẻ quan sát các cử động chi tiết trên khuôn mặt qua gương. Nói về mỗi cảm xúc thì mắt, miệng, cơ thể chuyển động như thế nào?
- Chụp ảnh nhiều người với cùng một trạng thái biểu cảm và chỉ cho trẻ thấy sự giống nhau trong cách mọi người sử dụng cơ mặt. Điều này có thể giúp trẻ nhận thức được cảm xúc một cách khái quát.
- In nhiều ảnh các trạng thái cảm xúc khác nhau để trẻ ghép, hoặc phân loại vào cùng nhóm biểu tượng cảm xúc.
- Khi trẻ tự kỷ đã tiến bộ và nhận biết được các trạng thái cảm xúc cơ bản cần bổ sung vốn từ vựng của trẻ bằng cách sử dụng thêm các từ đồng nghĩa/gần nghĩa với cảm xúc đó. Ví dụ: Các từ gần nghĩa với Vui: Hạnh phúc, phấn khởi, thích thú..
- In ảnh chụp nhiều khuôn mặt, cắt và ghép các bộ phận : mắt/ miệng/ lông mày để tạo thành, biến đổi thành một biểu cảm mới
- Khi làm bánh, có thể trang trí bánh theo hình các khuôn mặt, trang trí các biểu cảm sắc mặt bởi socola
- Chơi đóng vai, đóng kịch với trẻ để dạy trẻ tự kỷ cách bộc lộ cảm xúc, ví dụ: cười khi vui, khóc khi buồn.
2. Làm thế nào để trẻ hiểu cảm xúc của bản thân và người khác?
Việc hiểu được cảm xúc đòi hỏi sự nhận thức và chú ý đến ngữ cảnh của tình huống xảy ra sự việc và sự kết hợp với những hiểu biết có sẵn về một ai đó. Từ những thông tin kể trên, chúng ta có thể hiểu được tại sao một người có thể có tâm trạng nào đó trong một tình huống cụ thể và mỗi người lại có cảm nhận khác nhau về một sự việc nào đó. Chúng ta có thể hướng dẫn trẻ tự kỷ bằng các cách sau:
- Nếu trẻ có phản ứng tiêu cực với người khác hãy dạy trẻ tự kỷ cách bày tỏ cảm xúc rõ ràng với câu khẳng định “Con thấy + cảm xúc + vì lý do” để khiến trẻ nhận thức rõ thái độ cũng như trách nhiệm đối với thái độ của mình. Trong đó phải bao gồm nội dung trẻ cảm thấy như thế nào, trong tình huống nào, lý do gì khiến trẻ có cảm xúc như vậy. Khi trẻ diễn đạt được như vậy trẻ sẽ biết được những cảm xúc đó là vấn đề nằm trong khả năng kiểm soát của trẻ mà không phải lỗi từ người khác
- Cùng với trẻ xác định những sự kiện, những tình huống khiến trẻ có những cảm xúc khác nhau, nhất là vui hoặc buồn bằng cách đưa ra hai tình huống lựa chọn, ví dụ: “Con sẽ vui khi được mua đồ chơi hay khi đồ chơi hỏng”
- Chơi đóng vai với con rối trong các tình huống có khả năng xảy ra với các trạng thái cảm xúc khác nhau (vui, buồn..); diễn tả những cử động cơ thể tương ứng với những cảm xúc đó, ví dụ như khi vui vẻ, hạnh phúc thì vươn cao người, ngẩng đầu, chân tay nhanh nhạy, khi buồn thì ủ rũ nên tập trung vào những cảm xúc trong từng ngữ cảnh để trẻ hiểu được những nguyên nhân dẫn đến cảm xúc đó.
3. Làm thế nào để trẻ tự kỷ đáp lại cảm xúc của người khác và điều khiển cảm xúc của bản thân?
3.1. Đáp lại cảm xúc của người khác
Để ứng xử với cảm xúc của người khác, cần hiểu được cảm xúc đó là gì, tại sao người đó cảm thấy như vậy và đặt vào mối quan hệ của mình và người đó. Đối với trẻ tự kỷ cũng có sự cảm thông với cảm xúc của người khác, tuy nhiên những hiểu biết về các quy tắc xã hội còn hạn chế và thiếu động lực để bày tỏ sự quan tâm, khả năng khái quát hoá cũng hạn chế. Do vậy để đáp lại cảm xúc với người khác trẻ cần được hướng dẫn và luyện tập để có kỹ năng ứng xử. Sau đây là một số cách có thể hướng dẫn cho trẻ:
- Giáo dục một cách cảm thông và đưa ra những cách giải quyết vấn đề cho trẻ, ví dụ: “Mẹ hiểu con đang tức giận vì bạn lấy mất đồ chơi của con, điều đó thật không dễ chịu chút nào. Con nghĩ mình nên làm gì để cảm thấy khá hơn nhỉ?”. Khi được giải thích như vậy sẽ hiệu quả hơn là chỉ đơn thuần dạy trẻ tự kỷ những điều không nên mà không chỉ cho trẻ cách làm đúng đắn.
- Củng trẻ xem những tình huống trên tivi, sách, báo .. khi có nhân vật nào đó đang trong các trạng thái cảm xúc khác nhau, hãy thảo luận với trẻ về tâm trạng, cảm xúc của người đó và đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho họ trong những tình huống về cảm xúc tiêu cực. Đồng thời đối với các trẻ lớn có khả năng nhận thức tốt, có thể liên hệ những ví dụ đó với những trải nghiệm thực tế của trẻ để giúp trẻ có khả năng thấu cảm với người khác.
- Liệt kê các giải pháp, hành động ứng xử để trẻ có thể bộc lộ cảm xúc của bản thân đối với các đối tượng khác nhau (với người thân, với người lạ); ví dụ: Cùng là một tình huống khi một người khóc; với người thân (mẹ): Hỏi mẹ có sao không?- Ôm, vỗ về, hỏi han, nhưng với bạn bè : Hỏi bạn có sao không? Mình giúp được gì cho bạn?
- Xây dựng một câu chuyện xã hội để giáo dục cho trẻ về các giải pháp trong các tình huống cụ thể.
3.2. Điều khiển cảm xúc của bản thân
Hãy hướng dẫn và để trẻ rèn luyện việc tự đánh giá cảm xúc của bản thân thông qua thang đánh giá cảm xúc theo 5 bậc hoặc 10 bậc – điểm càng cao cảm xúc càng tích cực, hoặc lựa chọn bằng biểu tượng cảm xúc.
- Thảo luận về chiến lược để kiểm soát trạng thái tiêu cực, có thể dùng bóng bay để miêu tả hành động hít vào thở ra để hướng dẫn trẻ hít thở cân bằng trạng thái khi rơi vào trạng thái buồn bực, khó chịu
- Minh hoạ bằng những nhân vật hoạt hình mà trẻ yêu thích, với mỗi nhân vật hãy gắn mác tính cách của nhân vật đó. Đồng thời, khi trẻ đang trải qua những cảm xúc như vậy, hãy nói cho trẻ biết trẻ đang giống như nhân vật đó như thế nào.
- Vẽ minh hoạ biểu hiện cơ thể của trẻ trong một trạng thái nào đó, điều này giúp trẻ nhận biết cảm xúc của mình dựa vào dấu hiệu cơ thể
- Hướng dẫn trẻ các hoạt động vận động cơ thể ví dụ như nhảy chân sáo thể hiện niềm vui, dậm chân thể hiện sự tức giận, ngồi yên thể hiện sự bình tĩnh; điều này giúp trẻ liên hệ được những cảm xúc bên trong với cách biểu hiện bên ngoài.
Việc thể hiện cảm xúc cũng như ứng xử cảm xúc với người khác và đặc biệt là điều khiển cảm xúc của bản thân đối với trẻ có chứng rối loạn phổ tự kỷ là việc vô cùng khó khăn, bởi vậy hãy kiên trì và tận dụng mọi cơ hội để hướng dẫn và giúp đỡ trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.