Sử dụng âm nhạc trị liệu để phát triển ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ - Phần 1

Bài viết của Chuyên viên âm nhạc trị liệu- Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Âm nhạc trị liệu từ lâu đã được sử dụng để giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ phát triển ngôn ngữ, tăng khả năng giao tiếp và tương tác với mọi người xung quanh. Âm nhạc trị liệu cho trẻ tự kỷ là những hoạt động dạy học về âm nhạc như múa, hát, nhảy, chơi nhạc cụ, trò chơi dân gian, nghe nhạc..

Theo sách Phòng tránh và can thiệp sớm Rối nhiễu tâm lý trẻ em ( Lê Khanh- NXB Phụ nữ), nhiều trẻ rối loạn phổ tự kỷ ít bập bẹ trong năm đầu tiên, thậm chí nhiều trẻ gần như câm nín cho đến 5 tuổi. Theo thống kê, có khoảng 1/2 trẻ tự kỷ sẽ bị câm nín suốt đời. Nếu trẻ tự kỷ phát triển lời nói, thường lời nói cũng sẽ có bất thường, nhiều trẻ nói vô nghĩa, nói vẹt. Trẻ có thể nhại lại lời nói của người khác một cách chính xác, nhưng thường ít hoặc chẳng hiểu được ý nghĩa của chúng.

Theo đó, để khắc phục tình trạng nói nhại lời, chúng ta có thể sử dụng âm nhạc trị liệu thư giãn để phát triển lời nói, tăng khả năng tương tác và tạo động lực để trẻ chủ động lời nói theo tình trạng, mức độ phát triển của từng trẻ như sau:

  • Hát cho trẻ nghe các bài hát thiếu nhi với các chủ đề gần gũi, quen thuộc.
  • Bắt chước âm mà trẻ bật ra để ê a theo giai điệu của bài hát.

Thực tế, âm nhạc trị liệu cho trẻ tự kỷ đem lại rất nhiều lợi ích, bởi sau khi nghe giai điệu của bài hát nhiều lần, trẻ có thể ghi nhớ giai điệu của bài hát, theo đó hãy hướng dẫn trẻ sử dụng những âm mà trẻ đã có để ê a theo giai điệu của bài hát. Thực tế cho thấy, rất nhiều trẻ không biết nói nhưng có thể thuộc, ê a hát theo giai điệu và biểu diễn bài hát của mình với mọi người. Đây là khoảnh khắc trẻ có thể kết nối và tương tác với người khác một cách hạnh phúc và tự nhiên nhất. Vì thế, hãy trao cho trẻ tự kỷ cơ hội được thể hiện và chia sẻ cảm xúc của chính mình thông qua Âm nhạc trị liệu thư giãn.

XEM THÊM: Giáo dục âm nhạc và trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ

Với những trẻ mới nói được 1 vài từ đơn, hãy sử dụng từ mà trẻ có để khuyến khích trẻ bật âm nhiều hơn bằng cách dùng 1 từ và hát giai điệu của cả bài hát. (Ví dụ: Trẻ nói được từ “Ba” hãy dùng từ “Ba” ê a theo giai điệu của bài hát ). Vì tiếng việt có dấu nên khi sử dụng 1 từ ê a theo giai điệu trầm bổng của bài hát, trẻ vô tình sẽ học được cách phát âm các dấu khác một cách tự nhiên.

Ví dụ:

Sử dụng âm nhạc trị liệu để phát triển ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ - Phần 1

Hát 1 từ: Kích thích khả năng tương tác của trẻ bằng cách chọn 1 từ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài, hát và bỏ trống những chỗ có từ đó, chờ đợi và gợi ý để trẻ hát điền vào chỗ trống.

Sử dụng âm nhạc trị liệu để phát triển ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ - Phần 1

Hát và dừng lại ở gần cuối mỗi câu để chờ trẻ điền 1-2 từ để hoàn thiện câu hát. Ở bước này chúng ta chấp nhận bất cứ phản hồi nào của trẻ với mục đích tương tác và có ý điền vào chỗ trống của câu hát như: bật âm, tương tác mắt, chuyển động cơ thể hoặc với những trẻ có thể nói thì chờ trẻ điền từ còn thiếu trước khi bắt đầu câu tiếp theo. Nên kiên nhẫn chờ đợi 1 vài giây để trẻ phản ứng và hãy tỏ ý khen ngợi, tạo động lực cho trẻ bằng cách giữ không khí bài hát luôn vui vẻ, chia sẻ nụ cười và nối tiếp câu hát tiếp theo ngay sau khi trẻ bật âm.

Sử dụng âm nhạc trị liệu để phát triển ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ - Phần 1

Dạy ngôn ngữ hiểu và ngôn ngữ diễn đạt cần diễn ra đồng thời, song song cùng lúc nên việc dạy hát để trẻ có thể phát ra âm thanh, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với hoàn cảnh rất có tác dụng giúp trẻ có thể hiểu được lời nói của người khác. Những bài hát thiếu nhi với những ca từ đơn giản, mộc mạc, nội dung ngắn gọn giúp trẻ dễ dàng hiểu và bắt chước theo một cách tự nhiên nhất.

  • Bật nhạc để trẻ nghe vô thức: Hãy chọn những bản nhạc thiếu nhi ngắn, quen thuộc, từ ngữ đơn giản, dễ nhớ, lặp đi lặp lại, nhịp độ vừa phải.
  • Hát kết hợp gõ tay theo tiết tấu nghe thấy nhiều nhất, được lặp lại liên tục trong bài.
  • Cố gắng tham gia cùng hoạt động trẻ đang làm trong khi nghe
  • Sử dụng đồ chơi, vật dụng gõ lại đoạn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần xuống sàn để tạo sự chú ý
  • Sử dụng đồ vật đó gõ nhẹ theo nhịp lên người trẻ
  • Nếu trẻ chấp nhận, có thể trực tiếp sử dụng tay gõ tiết tấu vào bộ phận trên cơ thể của trẻ mà trẻ cảm thấy an toàn
  • Ngồi đối diện, hát kết hợp gõ tiết tấu vào tay trẻ
  • Tắt nhạc tự động, hát và dừng chờ ở câu cuối bài để chờ trẻ đưa tay ra để chạm vào tay bạn (tỏ ý tiếp tục)
  • Hướng dẫn trẻ tự vỗ tay theo nhịp điệu của bài hát
  • Dạy trẻ hát kết hợp gõ tay vào các bộ phận trên cơ thể khi được gọi tên. Vd (Đùi, chân, vai, lưng...)
  • Hướng dẫn trẻ vận động theo bài hát với các hiệu lệnh: Đứng lên, ngồi xuống, xoay tròn, giơ tay lên cao, hạ tay xuống thấp...
  • Với những trẻ có lời nói nhưng hay nhại từ, có thể hướng dẫn trẻ cách hát đối bằng cách bỏ trống 1 câu, 1 đoạn và hát luân phiên, tạo lượt với trẻ như 2 người đang trò chuyện, đối đáp với nhau.

VD:

Sử dụng âm nhạc trị liệu để phát triển ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ - Phần 1

Khi ngôn ngữ hiểu của trẻ tốt hơn, để tránh tình trạng dập khuôn, có thể sử dụng cách kể chuyện- đóng vai theo các nhân vật trong bài hát: Xây dựng tình huống câu chuyện và gợi ý để trẻ có thể tham gia con đóng vai làm vật nuôi thân thuộc, yêu thích của trẻ.
VD: Nếu bạn mèo muốn thể hiện tình cảm với bà, bạn ấy sẽ hát bài hát “Cháu yêu bà” như thế nào nhỉ?
Sau đó sử dụng những câu hỏi gợi mở, kích thích khả năng tư duy và hướng dẫn trẻ sử dụng tiếng kêu của con vật đó để hát bài hát.

Sử dụng âm nhạc trị liệu để phát triển ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ - Phần 1

Với những trẻ có thể hiểu lời và biết sử dụng động tác vận động cơ thể để phụ họa cho bài hát, có thể thay đổi lời bài hát ở những đoạn thể hiện hành động, cảm xúc để trẻ chủ động nhận diện và sáng tạo những động tác phù hợp thay thế.

Sử dụng âm nhạc trị liệu để phát triển ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ - Phần 1

Ở đâu ngôn ngữ bất đồng thì ở đó Âm nhạc vang lên thay thế. Bởi âm nhạc là sợi dây để giao lưu văn hóa, chia sẻ và thể hiện cảm xúc của tất cả mọi người. Thực tế lợi ích của việc sử dụng âm nhạc trị liệu thư giãn đã được khẳng định bởi rất nhiều chương trình có uy tín ở nhiều Quốc gia trên thế giới. Âm nhạc trị liệu thư giãn không chỉ có tác dụng cải thiện ngôn ngữ mà đây còn là cách dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ cách tương tác xã hội, khả năng tập trung chú ý, phát triển giao tiếp, vận động tinh, vận động thô, nhận thức... đặc biệt, nó là liệu pháp trị liệu giúp trẻ giải tỏa căng thẳng và phát triển tài năng với những bạn có năng khiếu Âm nhạc.

Đơn nguyên Tâm lý giáo dục – Tự kỷ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là đơn vị tiên phong áp dụng các phương pháp khoa học và nghệ thuật đánh giá và trị liệu trẻ tự kỷ, mang lại hiệu quả cao.

Các lĩnh vực can thiệp giáo dục trẻ tự kỷ tại Vinmec:

  1. Tâm thần nhi
  2. Tâm lý lâm sàng - tâm lý giáo dục
  3. Giáo dục đặc biệt
  4. Ngôn ngữ trị liệu
  5. Thiền – yoga trị liệu
  6. Âm nhạc trị liệu
  7. Mỹ thuật trị liệu

Các Bác sĩ, chuyên viên trị liệu và giáo viên tại Trung tâm được đào tạo tại ở các trường uy tín: Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện quản lý giáo dục... đồng thời thường xuyên học tập nâng cao tay nghề thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn trong và ngoài nước với các chuyên gia hàng đầu từ Mỹ, Úc, Ấn Độ, Ý.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe