Được giải đáp bởi BSCK I Trần Thị Thu Hương - Trưởng đơn nguyên Phục hồi chức năng tại khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chào bác sĩ,
Năm nay, em 27 tuổi, bị đứt bán dây chằng chéo trước gối phải. Em đi khám thì bác sĩ bảo bị đứt 3 phần không cần thiết phẫu thuật. Vậy bác sĩ cho em hỏi chế độ tập luyện cho người đứt bán dây chằng chéo trước gối? En nên tập như thế nào để mau chóng hồi phục? Em cảm ơn bác sĩ.
Võ Quốc Toàn (1995)
Trả lời
Chào bạn,
Với câu hỏi “Chế độ tập luyện cho người đứt bán dây chằng chéo trước gối?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Sau khi đứt bán phần dây chằng chéo gối, khớp gối sẽ yếu hơn so với trước, vì vậy cần tập luyện gân cơ vùng kế cận khớp gối để hỗ trợ giúp khớp gối mạnh hơn. Bạn cần tăng cường bài tập mạnh cơ đùi và cẳng chân như tập đề khám duỗi gối, tập nâng tạ ở bàn chân (thường bắt đầu với tại 0,5 kg sau đó tăng dần đến 1 kg).
Bạn có thể tập:
Tập đạp xe với sức cản.
Tập gấp duỗi gối chủ động để tạo mềm dẻo cho khớp gối.
Tập Wash với lưng tựa vào tường.
Bạn cũng có thể đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng để được tư vấn cụ thể.
Nếu bạn còn thắc mắc về đứt bán dây chằng chéo trước gối, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Quá trình thực hiện các bài tập đứt bán phần dây chằng chéo trước, cùng với chế độ chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý giúp hầu hết các bệnh nhân có thể phục hồi chấn thương hiệu quả sau một thời gian. Tham khảo bài viết bên dưới để có thêm thông tin.
1. Tổng quan về đứt bán phần dây chằng chéo trước
1.1 Đứt bán phần dây chằng chéo trước là gì?
Đứt bán phần dây chằng chéo trước là một trong những chấn thương phổ biến nhất ở khớp gối và chiếm phần lớn các trường hợp đứt dây chằng chéo trước. Khi xảy ra, tình trạng này làm một phần của dây chằng chéo trước bị rách, các mô lành còn lại vẫn giữ vai trò kết nối giữa các xương trong khớp gối.
Dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau tạo thành một hình chữ X tại khớp đầu gối, có chức năng tạo nên sự ổn định và kiểm soát các chuyển động trong khớp. Khi phần dây chằng chéo trước bị đứt, người bệnh thường cảm thấy đầu gối không còn vững và lỏng lẻo, đồng thời khả năng di chuyển của khớp bị hạn chế. Ngoài ra, chấn thương này còn gây đau đớn, sưng ở đầu gối và làm giảm khả năng nâng đỡ cơ thể.
Hầu hết bệnh nhân có thể phục hồi bằng các phương pháp bảo tồn bao gồm chăm sóc, nghỉ ngơi và thực hiện các bài tập đứt bán phần dây chằng chéo trước. Trong một số trường hợp, phương pháp phẫu thuật có thể được chỉ định để điều trị các tổn thương nghiêm trọng hơn.
1.2 Dấu hiệu chấn thương
Khi gặp chấn thương đứt bán phần dây chằng chéo trước, bệnh nhân thường trải qua các dấu hiệu sau:
- Đau nhức và sưng tại vùng đầu gối.
- Xuất hiện vết tấy đỏ và bầm tím ở khu vực chấn thương.
- Hạn chế một số chức năng như khả năng đi lại, đứng và nâng đỡ cơ thể.
- Làm suy giảm hoặc mất đi tính ổn định ở đầu gối.
1.3 Nguyên nhân gây chấn thương
Phần lớn các trường hợp chấn thương đứt bán dây chằng chéo trước xảy ra không phải do quá trình va chạm trực tiếp. Chỉ có một số ít xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với người hoặc vật khi tham gia các hoạt động thể thao. Dưới đây là một số nguyên nhân cụ thể:
- Giảm đột ngột tốc độ di chuyển kèm theo các động tác cắt, lách qua người hoặc thay đổi hướng di chuyển.
- Lỗi tiếp đất, khi phần lớn trọng lượng cơ thể đặt lên một bên chân khi tiếp đất.
- Mất kiểm soát cơ thể khi tham gia hoạt động thể thao.
- Đầu gối bị tác động bởi một lực mạnh
Do đó, tình trạng này thường xảy ra nhiều ở các vận động viên hoặc những người thường xuyên tham gia các môn thể thao, đặc biệt là bóng rổ, bóng đá, và các môn tương tự.
2. Chế độ tập luyện cho người đứt bán dây chằng chéo trước gối?
Sau khi phần dây chằng chéo của khớp gối bị đứt, khớp gối thường trở nên yếu hơn so với trước đó. Vì vậy, người bệnh cần tập luyện các cơ xung quanh khớp gối để hỗ trợ và tăng cường sức mạnh cho khớp gối.
Người bệnh cần tập trung vào việc phát triển sức mạnh cho cơ đùi và cẳng chân, ví dụ như thực hiện các bài tập như nâng tạ ở bàn chân, và hãy bắt đầu với trọng lượng nhẹ như 0.5kg và tăng dần lên 1kg.
Dưới đây là một số bài tập người bệnh có thể thực hiện:
- Tập đạp xe với sức cản, đây là một cách tốt để tăng cường cơ đùi và cẳng chân.
- Tập gấp duỗi gối chủ động để tạo ra sự linh hoạt và mềm dẻo cho khớp gối.
- Tập Squat với lưng tựa vào tường, đây là một bài tập khá hiệu quả để tăng cường sức mạnh cho khớp gối và cơ xung quanh.
3. 5 bài tập đứt bán phần dây chằng chéo trước
Để đạt hiệu quả trong quá trình phục hồi chấn thương, người bệnh có thể thực hiện những bài tập đơn giản dưới đây để tăng cường sức mạnh và linh hoạt cho dây chằng chéo trước. Các bài tập này đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi chấn thương một cách hiệu quả.
3.1 Duỗi gối
- Đặt một chiếc chăn cuộn dưới vùng đùi và bắp chân của chân bị đứt bán phần dây chằng chéo để nâng chân khỏi mặt giường.
- Dùng tay ấn nhẹ nhàng đẩy đầu gối xuống, làm cho phần đầu gối được duỗi thẳng.
- Giữ trong vài giây trước khi thả lỏng.
- Lặp lại bài tập này nhiều lần.
3.2 Tập cơ tứ đầu
- Duỗi thẳng cả hai chân và đặt một chiếc chăn cuộn dưới gót chân. Căng cơ tứ đầu sao cho gối vững và từ từ nhấc chân lên khỏi mặt giường khoảng 20-30 cm.
- Lặp lại bài tập này khoảng 8-10 lần mỗi ngày cho đến khi có thể duỗi thẳng hoàn toàn chân bị chấn thương. Bài tập này có tác dụng hạn chế yếu và teo cơ đầu gối.
3.3 Căng gối
Bệnh nhân có thể thực hiện bài tập này khi nằm trên giường:
- Đặt hai chân dựa vào tường để tạo thành một góc 90 độ với lưng.
- Co bàn chân có gối bị chấn thương cho đến khi cảm thấy khớp gối căng lên.
- Giữ tư thế này trong khoảng 30 giây trước khi đưa bàn chân về vị trí ban đầu.
- Lặp lại động tác này 2-4 lần.
- Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể thực hiện tư thế này khi ngồi và gập gối thành góc 90 độ.
3.4 Tập cơ sau đùi
- Bắt đầu từ tuần thứ 5 trở đi, bệnh nhân có thể bắt đầu thực hiện bài tập cơ sau đùi.
- Nằm trên giường và duỗi thẳng chân.
- Ấn gót chân xuống mặt giường và nhẹ nhàng gồng phần cơ phía sau đùi.
- Giữ tư thế này trong 10 giây rồi thả lỏng.
- Thực hiện từ 8 đến 12 lần mỗi ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất.
3.5 Nhón 2 chân
Trong giai đoạn ban đầu sau khi chấn thương, người bệnh thường được hướng dẫn bởi chuyên viên trị liệu để tập đi lại với sự hỗ trợ của nạng. Khi đã có thể đi lại dễ dàng hơn, người bệnh nên thực hiện bài tập sau để tăng cường linh hoạt.
- Đứng thẳng, một tay vịn vào ghế và nhón hai chân lên để nâng phần thân trên.
- Giữ tư thế này trong khoảng 6 - 10 giây trước khi trở về tư thế ban đầu và lặp lại 8-10 lần
Quá trình phục hồi sau đứt bán phần dây chằng chéo trước có thể diễn ra nhanh chóng nếu bệnh nhân được điều trị và chăm sóc đúng cách. Trong quá trình điều trị, bệnh việc tập luyện để khôi phục chức năng đóng một vai trò quan trọng. Do đó, người bệnh nên chăm chỉ thực hiện các bài tập đứt bán phần dây chằng chéo trước được hướng dẫn bởi chuyên gia để có một quá trình phục hồi hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.