Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Chấn thương có thể gặp bất kỳ lúc nào, đặc biệt là khi tập thể thao. Đa số trường hợp chấn thương tách vai chỉ cần điều trị bảo tồn là sẽ bình phục hoàn toàn. Một chấn thương tách vai nhỏ sẽ hồi phục sau vài tuần. Nếu chấn thương tách vai nặng hơn sẽ cần nhiều thời gian để bình phục hơn, từ vài tuần đến hàng tháng.
1. Chấn thương tách vai là gì?
Chấn thương tách vai là chấn thương liên quan tới các dây chằng nối giữa xương đòn và xương bả vai. Trong trường hợp chấn thương tách vai nhẹ, các dây chằng có thể chỉ bị kéo giãn, còn trong trường hợp chấn thương tách vai nặng, các dây chằng có thể bị đứt.
Sơ lược giải phẫu vùng vai: vùng vai và toàn bộ phần trên cơ thể được kết nối với phần còn lại của cấu trúc xương bởi một khớp là khớp ức đòn. Bên cạnh kết nối khá chắc chắn này, toàn bộ cấu trúc vùng vai, bao gồm xương bả vai, xương đòn và xương cánh tay, được hỗ trợ bởi các mô mềm. Mặc dù cấu trúc này cho phép cánh tay tự do di chuyển, nhưng bản thân nó cũng làm cho vai rất dễ bị tổn thương mô mềm.
Khớp vai có khung xương cấu tạo bởi xương đòn, xương bả vai, và chỏm xương cánh tay. Các xương này khớp với nhau tạo thành khớp cùng - đòn và khớp ổ chảo - cánh tay. Các khớp này được giữ bằng các dây chằng và bao khớp. Và bọc lấy khung xương này là cơ tam giác và bốn gân cơ xoay. Giữa mỏm cùng xương bả vai và gân cơ chóp xoay có một túi hoạt dịch giúp gân cơ không bị xương cọ xát khi vận động.
Hệ dây của khớp vai chỉ có dây chằng quạ - cánh tay (coracohumeral ligament) đi từ mỏm quạ đến bao khớp. Sợi của những cơ đi qua và nằm sát trực tiếp với bao khớp cũng đan vào bao khớp. Các cơ này bao gồm cơ trên gai, dưới gai, dưới vai và tròn bé. Các dây chằng ổ chảo - cánh tay (glenohumeral ligaments) chỉ là những nơi dày lên của bao khớp tạo thành. Khớp vai chỉ vận động một cách linh hoạt, uyển chuyển khi khung xương vững chắc, các khớp trơn tru và các gân cơ khỏe mạnh.
Trong đa số trường hợp, chấn thương tách vai không cần phải phẫu thuật, thay vào đó các phương pháp điều trị bảo tồn (ví dụ như nghỉ ngơi, chườm đá, dùng thuốc giảm đau) thường đã là đủ để làm giảm cơn đau. Và phần lớn bệnh nhân bị chấn thương tách vai sẽ hồi phục hoàn toàn chức năng của vai sau vài tuần.
2. Triệu chứng của chấn thương tách vai là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng của chấn thương tách vai bao gồm:
- Đau vai
- Yếu vai, yếu cánh tay
- Vai sưng hoặc bầm tím
- Vai bị hạn chế vận động
- Xuất hiện khối sưng, nổi gồ lên ở vai
Hãy đi thăm khám bác sĩ nếu như bị đau dai dẳng hoặc đau phía gần cuối của xương đòn.
3. Nguyên nhân gây ra chấn thương tách vai là gì?
Nguyên nhân phổ biến nhất của chấn thương tách vai là một cú va đập mạnh vào vai hoặc ngã chạm đất bằng vai. Chấn thương có thể gây kéo giãn hoặc làm rách dây chằng liên kết giữa xương đòn và xương bả vai.
4. Yếu tố nguy cơ của chấn thương tách vai là gì?
Tham gia vào các môn thể thao va chạm (ví dụ như bóng đá, khúc côn cầu,...) hoặc các môn thể thao dễ bị ngã (ví dụ như trượt ván, thể dục dụng cụ, bóng chuyền,...) sẽ đối mặt với nguy cơ cao hơn bị chấn thương tách vai.
5. Biến chứng của chấn thương tách vai là gì?
Phần lớn bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau điều trị bảo tồn đối với chấn thương tách vai. Tuy nhiên đau vai sau chấn thương vẫn có thể tiếp diễn nếu:
- Chấn thương tách vai nghiêm trọng khiến xương đòn dịch chuyển nhiều so với vị trí giải phẫu bình thường hoặc gãy xương đòn.
- Tiến triển viêm khớp ở vai sau chấn thương.
- Tổn thương các cấu trúc xung quanh vai (ví dụ như nhóm cơ chụp xoay - rotator cuff, bao gồm các cơ: cơ dưới vai, cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ tròn bé, có chức năng giúp giữ vững khớp ổ chảo - cánh tay).
6. Chẩn đoán chấn thương tách vai như thế nào?
Chấn thương tách vai có thể được phát hiện thông qua khám lâm sàng. Chụp Xquang có thể được thực hiện để xác định chẩn đoán và xác định mức độ nặng của chấn thương. Tuy nhiên với những trường hợp chấn thương mức độ nhẹ thì nếu chụp Xquang quá sớm có thể thấy kết quả chụp vẫn bình thường.
7. Điều trị chấn thương tách vai như thế nào?
Đa số trường hợp chấn thương tách vai chỉ cần điều trị bảo tồn là sẽ bình phục hoàn toàn. Một chấn thương tách vai nhỏ sẽ hồi phục sau vài tuần. Nếu chấn thương tách vai nặng hơn sẽ cần nhiều thời gian để bình phục hơn, từ vài tuần đến hàng tháng. Bệnh nhân bị chấn thương tách vai có thể nhận thấy bên vai chấn thương luôn nổi gồ lên một khối, nhưng nó không gây bất kì cản trở nào đối với khả năng vận động của vai.
Điều trị chấn thương tách vai bằng thuốc
Các thuốc giảm đau (loại không cần kê đơn) chứa thành phần như acetaminophen (Tylenol, và các thuốc khác), ibuprofen (Advil, Motrin IB, và các thuốc khác) và naproxen sodium (Aleve) có thể giúp làm giảm triệu chứng đau vai.
Điều trị chấn thương tách vai bằng các liệu pháp
- Nghỉ ngơi: tránh các hoạt động làm nặng thêm tình trạng đau vai, đặc biệt là cử động bắt chéo cánh tay bên bị chấn thương ra phía trước cơ thể. Bệnh nhân có thể dùng các phương tiện, dụng cụ để cố định, bất động cánh tay bên bị chấn thương, nhằm giải phóng áp lực khỏi vùng vai bị chấn thương và tạo điều kiện cho việc hồi phục thuận lợi hơn.
- Chườm đá: đá lạnh có thể giúp làm giảm sưng và giảm triệu chứng đau do chấn thương. Hãy chườm đá trong khoảng thời gian từ 15 tới 20 phút mỗi lần.
- Liệu pháp vật lý trị liệu: các bài tập giãn cơ và làm mạnh cơ có thể giúp hồi phục sức cơ, hồi phục khả năng vận động của vùng vai bị chấn thương.
Phẫu thuật và các phương pháp điều trị chấn thương tách vai khác
Nếu triệu chứng đau tồn tại dai dẳng, hoặc bị chấn thương tách vai mức độ nặng, hoặc chấn thương gây gãy xương đòn, phẫu thuật có thể được cân nhắc là phương án điều trị. Quá trình phẫu thuật có thể giúp nối lại những dây chằng đã bị đứt, rách, đưa các xương bị tổn thương về lại vị trí giải phẫu bình thường và cố định chúng, nhằm đảm bảo khả năng vận động sau này sẽ được phục hồi.
Trong quá trình công tác, bác sĩ đã thực hiện thành công nhiều phẫu thuật kỹ thuật cao và luôn là bác sĩ đi đầu trong việc triển khai các kỹ thuật mới trong lĩnh vực Chấn Thương Chỉnh Hình tại Hải Phòng như: phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo khớp gối bằng kỹ thuật All inside , phẫu thuật nội soi khớp vai khâu rách chóp xoay, phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng ...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org