Chấn thương dây chằng háng là một tổn thương phổ biến do các bệnh lý mãn tính gây ra hoặc có thể do chấn thương, tai nạn, thể thao. Giãn dây chằng háng là tình trạng các dây chằng xung quanh khớp háng bị kéo giãn quá mức dẫn tới tổn thương kèm theo những đợt đau nhức khó chịu. Nếu không được điều trị, can thiệp sớm có thể dẫn tới tổn thương nặng nề và bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật.
1. Dây chằng háng nằm ở đâu?
Hiểu cơ bản về cấu trúc và chức năng của dây chằng háng thì có 2 loại là loại nằm trong ổ khớp (dây chằng tròn hoặc còn gọi là dây chằng chỏm đùi) và loại nằm ngoài ổ khớp (gồm 3 dây chằng chính: dây chằng ngồi đùi, dây chằng chậu đùi và dây chằng mu đùi).
Ngoài ra còn có dây chằng vòng bao quanh mặt sau cổ khớp háng. Các dây chằng ngoài bao khớp tạo nên khả năng thực hiện các động tác như duỗi háng, xoay ngoài khớp háng, dạng hông, duỗi hông, xoay trong, duỗi hoặc khép háng. Trong khi đó dây chằng trong bao khớp thường ít quan trọng trong việc nối chỏm đùi vào ổ cối mà có vai trò bảo vệ động mạch chỏm đùi.
2. Nguyên nhân gây chấn thương dây chằng háng khi chơi thể thao
Đau dây chằng khớp háng có thể do các nguyên nhân sau:
- Viêm dây chằng là tình trạng dây chằng bị sưng viêm và tổn thương do các tác động vật lý, có thể gây đau dây chằng và toàn bộ khớp háng. Nguyên nhân viêm dây chằng có thể do viêm khớp háng, thoái hoá khớp háng, nhiễm trùng hoặc do chấn thương khi lao động, sinh hoạt
- Bong gân thường xuất hiện nếu khớp háng bị va chạm mạnh, bong gân hông có thể xảy ra. Bong gân là tình trạng dây chằng bị kéo giãn hoặc rách, khiến ổ khớp không ổn định và gây đau đớn cục bộ.
- Viêm màng hoạt dịch: Màng hoạt dịch là đệm bôi trơn giữa xương và các dây chằng nên khi bị viêm có thể khiến xương và dây chằng bị ảnh hưởng và đau nhức
3. Xử trí các chấn thương dây chằng háng như thế nào?
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân mà có cách xử trí các chấn thương dây chằng háng khác nhau:
3.1. Bong gân
- Ở mức độ nhẹ dây chằng không bị tổn thương quá nghiêm trọng có thể chỉ cần nằm nghỉ trong vài tuần và sử dụng thuốc giảm đau để theo dõi
- Ở mức độ trung bình khi dây chằng rách một phần đáng kể cần điều trị trong khoảng 2 tháng, ngoài nghỉ ngơi, giảm đau còn cần các thuốc chống viêm như NSAID, corticosteroid theo đơn của bác sĩ
- Ở mức độ nặng gây rách hoàn toàn dây chằng có thể cần đến phẫu thuật để nối dây chằng hoặc thay thế bằng một dây chằng khác.
- Vật lý trị liệu đề phục hồi khả năng vận động là rất quan trọng trong cả 3 mức độ chấn thương dây chằng
3.2. Viêm dây chằng
- Có thể giảm đau bằng các biện pháp tại nhà như nghỉ ngơi, liệu pháp nhiệt, các bài tập vật lý trị liệu
- Dùng thuốc giảm đau nếu cơn đau không thuyên giảm nhưng phải tuân theo đơn của bác sĩ
- Có thể phải tiêm steroid nếu cơn đau quá nặng nề
- Can thiệp ngoại khoa được nghĩ đến khi các biện pháp trên không đem lại hiệu quả giảm đau hoặc tình trạng khớp hàng ngày càng trầm trọng
3.3. Viêm màng hoạt dịch
- Có thể gây sưng viêm khớp nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời
- Bước đầu có thể điều trị bảo tồn bằng giảm đau, chống viêm, nghỉ ngơi và tập vật lý trị liệu
- Khi điều trị bảo tồn thất bại, cân nhắc đến vấn đề phẫu thuật tuỳ thuộc vào lâm sàng người bệnh
4. Phòng ngừa và tránh tái phát các chấn thương dây chằng háng sau chơi thể thao:
Để chủ động phòng ngừa và ngăn sự tái phát của các chấn thương dây chằng háng, người chơi thể thao cần chú ý các biện pháp sau:
- Hạn chế các hoạt động nặng gây áp lực lớn lên háng
- Thường xuyên tập luyện để cải thiện xương khớp và dây chằng, cơ bắp xung quanh
- Bổ sung dưỡng chất thiết yếu cho xương để cải thiện tình trạng loãng xương hoặc yếu xương dễ gây đau dây chằng háng khi có va chạm mạnh
- Người béo phì có nguy cơ gặp phải các vấn đề về xương khớp cao hơn người bình thường nên cần duy trì và kiểm soát cân nặng chặt chẽ
- Cần thực hiện đúng các tư thế như ngồi, đứng, nâng vật nặng,... Vì các tư thế sai lệch có thể dẫn tới các tổn thương dây chằng háng không mong muốn.
Chấn thương dây chằng háng là một tổn thương phổ biến do các bệnh lý mãn tính gây ra hoặc có thể do chấn thương, tai nạn, thể thao. Nếu không được điều trị, can thiệp sớm có thể dẫn tới tổn thương nặng nề và bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật. Do đó, khi bị chấn thương dây chằng háng, người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.