Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Cứng khớp gối là một tình trạng phổ biến, đặc biệt là ở người lớn tuổi và những người có các hoạt động khớp gối liên tục. Cứng khớp gối có thể do sự linh hoạt kém hoặc mất cân bằng cơ bắp ở chân. Có rất nhiều biện pháp lựa chọn điều trị, người bệnh khi có dấu hiệu bệnh cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
1. Cứng khớp là gì?
Cứng khớp là hiện tiện cơ quanh khớp bị co cứng; cứng khớp gối làm cho không duỗi thẳng được chân, cứng khớp cổ chân làm cho cổ chân không linh hoạt gây khó khăn khi đi lại thậm chí gây đau đớn.
2. Nguyên nhân cứng khớp là gì?
Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến gây cứng khớp gối:
2.1 Chấn thương sụn chêm
Các sụn chêm là hai mảnh sụn hình chữ "C" hoạt động như lớp đệm, giúp giảm ma sát giữa các đầu xương tạo nên khớp. Sụn chêm có thể bị rách do chấn thương vùng gối hay có thể rách thoái hóa ở người lớn tuổi.
Sụn chêm bị rách có thể gây cứng khớp. Trong nhiều trường hợp cá nhân vẫn có thể đi bộ bình thường, mặc dù có thể gặp các triệu chứng như:
- Đau đớn, sưng;
- Cứng khớp gối;
- Mất toàn bộ phạm vi chuyển động;
- Cảm giác như gối bị lỏng.
2.2 Chấn thương dây chằng
Dây chằng là cấu trúc gồm một dải các bó mô liên kết sợi cứng tạo thành từ các sợi collagen nối liền xương với xương. Dây chằng khớp gối chạy qua đầu gối nối đầu xương đùi với đầu xương mác và xương chày. Nhiều trường hợp có thể bị bong gân, rách hoặc đứt dây chằng đầu gối. Các triệu chứng có thể gặp bao gồm:
- Đau khớp gối.
- Đầu gối lỏng lẻo
- Sưng ở đầu gối.
2.3 Viêm khớp
Đau khớp, hay hội chứng cứng khớp gối xảy ra khi quá nhiều mô sẹo hình thành xung quanh khớp gối. Khoảng 6% những người thay khớp gối đều gặp phải bệnh viêm khớp.
Một số triệu chứng khác của viêm khớp bao gồm:
- Đau đầu gối.
- Sưng và ấm quanh đầu gối.
- Đầu gối cong khi đi bộ.
Nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu nghi ngờ rách sụn chêm hoặc tổn thương khác ở đầu gối. Nếu các chấn thương được điều trị kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ chấn thương thêm và hạn chế các di chứng sau này.
XEM THÊM: Cảnh giác cứng khớp khi trở lạnh
3. Điều trị cứng khớp gối
Các lựa chọn điều trị cho cứng khớp gối phụ thuộc một phần vào nguyên nhân. Nếu nguyên nhân là một chấn thương nhỏ, các phương pháp điều trị tại nhà sau đây có thể đủ để giảm đau và hạn chế cứng khớp cho đến khi vết thương lành:
- Nghỉ ngơi, hạn chế vận động đầu gối.
- Sử dụng một túi nước đá chườm vào đầu gối đều đặn.
- Dùng thuốc chống viêm không steroid không kê đơn (OTC)
- Đeo nẹp đầu gối để ổn định đầu gối và giúp ngăn ngừa chấn thương thêm
Đối với các chấn thương nghiêm trọng hơn và cứng khớp gối nặng hoặc kéo dài cần gặp bác sĩ để được tư vấn. Bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân gây cứng khớp gối và đề nghị phương pháp điều trị thích hợp.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây cứng khớp gối, các phương pháp điều trị này có thể bao gồm:
- Dùng thuốc giảm đau theo toa.
- Sử dụng corticosteroid.
- Dùng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, chẳng hạn như thuốc chống thấp khớp điều trị bệnh và phẫu thuật sinh học.
- Vật lý trị liệu để cải thiện chức năng đầu gối và khả năng vận động tổng thể.
4. Biện pháp phòng tránh cứng khớp gối
Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe cơ bắp và xương khớp:
- Các bài tập tăng cường: Tăng sức mạnh cơ bắp quanh đầu gối làm giảm áp lực cho khớp.
- Các bài tập phạm vi chuyển động: Kéo giãn và các bài tập làm tăng phạm vi chuyển động của đầu gối giữ cho khớp di chuyển để giảm độ cứng khớp.
- Các bài tập aerobic: Các bài tập cardio có thể tăng mức năng lượng tiêu hao và giảm bớt trọng lượng dư thừa gây thêm áp lực lên đầu gối.
- Bài tập thăng bằng: Những bài tập này tăng cường cơ bắp quanh đầu gối đồng thời giảm nguy cơ té ngã có thể gây tổn thương thêm cho khớp.
- Những biện pháp sau đây cũng có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm bớt cứng khớp và đau đầu gối:
- Tư thế khi ngủ cũng góp phần giúp hỗ trợ khớp xương của bạn miễn là bạn thấy thoải mái như nằm nghiêng hoặc nằm ngửa. Giấc ngủ sâu giúp cơ thể phục hồi và nạp lại năng lượng sau một ngày dài làm việc.
- Phòng ngủ hay môi trường ngủ đủ ấm áp, tránh bị gió lùa. Nếu trời lạnh, nên dùng máy sưởi hoặc đắp thêm chăn để ngăn lạnh hoặc ẩm ướt, dễ gây cứng khớp.
- Trước khi ra khỏi giường, làm các bài tập vận động đơn giản để khởi động và làm dẻo dai các khớp.
- Tắm nước nóng là cách gây toát mồ hôi, thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm co thắt cơ bắp. Khi vừa mới thức dậy, có thể tắm ngay dưới vòi sen nóng - chỉ đứng dưới vòi nước ấm và thả lỏng thư giãn hoàn toàn. Khi cơ thể đã được làm ấm lên, thực hiện một số động tác uốn cong đầu gối và các khớp một cách nhẹ nhàng.
- Tìm hiểu những cách để đối phó và quản lý stress thật hiệu quả, tạo một tinh thần luôn phấn chấn vui vẻ.
- Uống nước đầy đủ, tốt nhất uống 6-8 ly nước lọc mỗi ngày.
- Ăn lành mạnh: Cắt giảm carbohydrate đơn giản và tinh chế. Hạn chế các loại thực phẩm màu nhân tạo, thực phẩm giàu bột mì trắng và chứa chất ngọt nhân tạo (sirô có nhiều fructose, fructose tinh chế và aspartame).
Cứng khớp gối là dấu hiệu thường gặp ở nhiều người, nhất là người cao tuổi và cảnh báo sụn khớp đang bị thương tổn và thoái hóa khớp đang xảy ra, do vậy, việc chú ý thường xuyên chăm sóc sụn khớp ngay từ sớm là giải pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.