Chăm sóc sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, người bệnh sẽ phải cần một khoảng thời gian để hồi phục. Tuy nhiên, bệnh nhân hoàn toàn có thể mau chóng trở lại các hoạt động thường ngày của mình nếu biết cách chăm sóc sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp phù hợp.

1. Quá trình phục hồi sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, khả năng phục hồi của bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào mức độ và loại phẫu thuật đã thực hiện. Theo đó, thời gian hồi phục sau phẫu thuật mở, truyền thống lâu hơn so với các thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Đồng thời, sau phẫu thuật kết thúc, người bệnh có thể gặp các trường hợp sau đây:

  • Những thay đổi về giọng nói, chẳng hạn như khàn giọng, khó nói to, mệt mỏi khi nói và thay đổi âm sắc của giọng nói. Những thay đổi này là do tổn thương các dây thần kinh thanh quản trong quá trình phẫu thuật. Tình trạng này sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần nhưng hiếm khi vĩnh viễn.
  • Lượng canxi trong máu giảm thấp có thể là do các tuyến cận giáp bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật. Một lần nữa, đây thường chỉ là một vấn đề tạm thời sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp và được điều trị bằng cách dùng thuốc bổ sung canxi trong vài ngày. Các dấu hiệu cho thấy người bệnh có thể bị thiếu canxi là tê và cảm giác ngứa ran ở môi, bàn tay và lòng bàn chân, cảm giác như bò trên da, chuột rút và co thắt cơ, đau đầu, lo lắng và trầm cảm.
  • Vùng cổ có khả năng bị sưng và có thể cảm thấy cứng và tê ngay sau khi phẫu thuật. Điều này là bình thường và sẽ dần tốt hơn khi vết thương lành hẳn. Ngay sau khi có thể quay đầu mà không bị đau hoặc khó khăn (trong vòng khoảng một tuần), người bệnh sẽ có thể tiếp tục lái xe và các hoạt động hàng ngày khác, bao gồm cả chơi các môn thể thao không tiếp xúc. Bác sĩ vật lý trị liệu của bệnh viện có thể sẽ đề nghị thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng trên vùng cổ và vai sau khi phẫu thuật để đảm bảo chức năng vận động trong tương lai.
  • Trong khi cổ bị cứng và đau sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, người bệnh có thể cần ăn thức ăn mềm và dễ nuốt. Nên ăn chậm và uống nhiều nước trong và sau bữa ăn để làm mềm thức ăn và ngăn ngừa tắc nghẽn tại vùng hầu họng.

Chăm sóc sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp sẽ bao gồm cả việc chăm sóc vùng vết mổ. Tùy thuộc vào loại băng đắp lên vết thương, người bệnh có thể được hoặc không được tắm cho đến khi vết thương lành hẳn. Một số người có thể nhận thấy vết bầm tím hoặc sưng nhẹ xung quanh vết sẹo.

Tuy nhiên, nếu nhận thấy bất kỳ vết sưng tấy nào đáng kể, người bệnh nên liên hệ sớm với bác sĩ phẫu thuật ngay lập tức vì đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Vết sẹo có thể chuyển dần sang màu hồng và có cảm giác cứng. Sự chai cứng lại trên vết mổ sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp thường lớn nhất vào khoảng ba tuần sau khi phẫu thuật và sẽ giảm dần trong hai đến ba tháng tiếp theo. Một bí quyết là xoa lượng nhỏ kem dưỡng ẩm không mùi quanh vết thương vì điều này giúp làm mềm da và ngăn ngừa khô khi vết thương lành.

Người bệnh sẽ cần ít nhất một hoặc hai tuần để hồi phục trước khi trở lại làm việc và các hoạt động hàng ngày khác. Tốt nhất là không nên nâng bất kỳ vật nặng nào trong khoảng 2 tuần sau khi hoạt động để tránh bất kỳ căng thẳng nào cho cổ.

Người bệnh cũng sẽ được dặn dò tái khám một vài lần sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp để kiểm tra nồng độ hormone giáp trong máu và đánh giá quá trình chữa lành vết thương. Tại những buổi thăm khám này, bệnh nhân sẽ nhận được lời khuyên về việc làm thế nào để có thể chăm sóc tốt cho vết thương và sớm quay trở lại các hoạt động hàng ngày của mình.

2. Cách tham gia lại vào cuộc sống hàng ngày sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Những người sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp nếu có cắt toàn bộ tuyến giáp và hầu hết những người cắt tuyến giáp một phần sẽ cần dùng thuốc thay thế tuyến giáp (thyroxine) trong suốt phần đời còn lại. Nếu không có sự thay thế hormone tuyến giáp này, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, trầm cảm, khó tập trung, gặp các vấn đề về trí nhớ, tăng cân không rõ nguyên nhân hoặc quá mức, da khô, da thô, ngứa, tóc khô, rụng tóc, cảm thấy lạnh (đặc biệt là ở bàn chân và bàn tay), táo bón, chuột rút cơ, đau khớp, tăng lượng kinh nguyệt, ham muốn tình dục thấp và kinh nguyệt thường xuyên hơn.

Các viên thuốc thay thế hormone giáp thường nhỏ và dễ uống. Bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ hormone giáp trong máu một cách thường xuyên và điều chỉnh liều lượng thyroxine cho đến khi đạt mức độ phù hợp với từng cá nhân.

3. Những điều trị cần thiết sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Bệnh nhân và gia đình có thể muốn biết rằng sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp có gì khác với điều trị các bệnh ung thư khác.

Trong hầu hết các trường hợp, ung thư tuyến giáp có xu hướng phát triển chậm, cho phép hầu hết bệnh nhân có thể được đánh giá và điều trị trước khi các tế bào ác tính di căn ra ngoài tuyến giáp. Phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp có tỷ lệ thành công cao và hầu hết bệnh nhân có thể mong đợi hồi phục hoàn toàn và tiên lượng tốt. Thực tế sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, một số bệnh nhân không cần điều trị gì thêm ngoài việc thay thế hormone tuyến giáp.

Một điểm khác biệt đáng kể giữa phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật và các bệnh ung thư khác là hóa trị không được sử dụng phổ biến để điều trị ung thư tuyến giáp. Thay vào đó, một số bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng iốt phóng xạ sau khi cắt bỏ tuyến giáp để giúp đảm bảo rằng không còn tế bào ung thư còn sót lại trong mô xung quanh.

Bởi vì xạ trị được thực hiện dưới dạng một viên iốt phóng xạ chứ không phải là bức xạ bên ngoài. Bệnh nhân ung thư tuyến giáp gặp bác sĩ nội tiết của họ để được chăm sóc sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp.

Mặc dù trong hầu hết các trường hợp, ung thư tuyến giáp rất có thể điều trị được, nhưng điều quan trọng là người bệnh phải tái khám chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được theo dõi và tiếp tục điều trị. Điều trị ung thư tuyến giáp luôn được cá nhân hóa và các quyết định về việc có cần điều trị bằng iốt phóng xạ hay không nên được thực hiện với sự tư vấn chặt chẽ của bác sĩ nội tiết.

4. Theo dõi tái phát sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp

Một mục tiêu của việc chăm sóc sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp là theo dõi và kiểm tra sự tái phát, có nghĩa là khả năng ung thư đã quay trở lại. Ung thư giáp có nguy cơ tái phát vì các vùng nhỏ của tế bào ung thư có thể vẫn chưa được phát hiện trong cơ thể. Theo thời gian, những tế bào này có thể tăng số lượng cho đến khi chúng xuất hiện trên kết quả xét nghiệm hoặc gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng.

Trong quá trình chăm sóc sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp, bác sĩ quen thuộc với bệnh sử của bệnh nhân có thể cung cấp thông tin một cách cá nhân hóa về nguy cơ tái phát của bạn. Một số trường hợp có thể cần đến xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm hình ảnh như một trong các chỉ định của việc chăm sóc theo dõi thường xuyên. Chỉ định này sẽ tùy thuộc vào một số yếu tố, bao gồm loại và giai đoạn ung thư giáp được chẩn đoán đầu tiên và các loại điều trị được đưa ra.

Tóm lại, quá trình chăm sóc cho những người bệnh sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp không kết thúc khi các can thiệp điều trị tích cực đã kết thúc. Theo đó, người bệnh cần biết cách chăm sóc vết thương, biết sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp nên ăn gì hay sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp kiêng ăn gì và quan trọng là tiếp tục thăm khám định kỳ để kiểm tra xem ung thư có nguy cơ tái phát hay không và theo dõi sức khỏe tổng thể lâu dài của mỗi cá nhân.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư tuyến giáp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe