Chăm sóc bệnh nhân sau mổ tim

Mổ tim là loại phẫu thuật lớn do đó chăm sóc bệnh nhân sau mổ tim cần được chú trọng. Bệnh nhân sau mổ tim kiêng gì và sau khi mổ van tim nên ăn gì là câu hỏi thường gặp. Biết được cách chăm sóc đúng cách bệnh nhân sau mổ tim sẽ giúp quá trình hồi phục nhanh hơn.

1. Chế độ ăn sau mổ tim

Bệnh nhân sau cuộc mổ tim thường tiêu tốn nhiều sức lực. Liệu sau khi mổ van tim nên ăn gì để hồi phục nhanh chóng là thắc mắc của nhiều bệnh nhân cũng như người nhà. Chăm sóc bệnh nhân sau mổ tim cần lưu ý chế độ ăn như sau:

  • Chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng rất quan trọng cho sự hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật. Bệnh nhân nên ăn thịt nạc, thịt bò, cá, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, dầu oliu, dầu đậu nành và dầu lạc
  • Không uống rượu bia, hút thuốc lá, thuốc lào và chất kích thích.
  • Tránh ăn mỡ động vật, bơ, dầu dừa và dầu cọ, các thức ăn nhanh vì chứa nhiều chất béo bão hòa, gây hại cho tim.
  • Giảm lượng muối trong khẩu phần, không quá 2g muối mỗi ngày. Tránh dùng các thực phẩm nhiều muối như thịt xông khói, cá hồi hun khói, dưa cải chua, khoai tây chiên đóng gói...
  • Ngoài ra, nếu dùng thuốc chống đông, bệnh nhân phải tuân thủ chế độ ăn kiêng chặt chẽ, tránh ăn nhiều rau màu xanh sẫm vì sẽ tương tác với thuốc chống đông máu.

Chăm sóc bệnh nhân sau mổ tim cần phải chú ý thực hiện chế độ ăn lành mạnh, giàu dinh dưỡng
Chăm sóc bệnh nhân sau mổ tim cần phải chú ý thực hiện chế độ ăn lành mạnh, giàu dinh dưỡng

2. Những việc không nên làm sau mổ tim

Bệnh nhân nên biết sau mổ tim kiêng gì để tránh tác động xấu đến sức khoẻ. Chăm sóc bệnh nhân sau mổ tim cần quan tâm cả về sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần của người bệnh.

Trong thói quen sinh hoạt và làm việc

  • Mọi vận động trong tuần đầu tiên của bệnh nhân sau mổ tim đều cần đến sự hỗ trợ của người thân để tránh vận động quá sức, kế cả những việc sinh hoạt hằng ngày. Điều quan trọng là phải chia nhỏ và từng bước thực hiện các hoạt động để hạn chế mệt mỏi. Nếu người bệnh cảm thấy mệt, khó thở, đau ngực thì phải ngừng lại và nghỉ ngơi ngay.
  • Nếu làm việc văn phòng, người bệnh có thể trở lại làm việc sau 6 tuần. Nếu công việc nặng nhọc hơn thì cần thời gian hồi phục lâu hơn. Một số người có thể sẽ không thể trở lại làm các công việc trước đây nếu như công việc đó quá nặng nhọc.
  • Nếu mổ tim hở, trong khi xương ức đang lành thì người bệnh tránh nâng vật nặng hơn 4,5kg hay tránh các hoạt động kéo, đẩy bằng tay.
  • Người bệnh được phép tắm bằng vòi sen nhưng nếu tắm bồn chỉ được khuyến khích sau 4 đến 6 tuần hay cho đến khi vết thương lành hẳn. Tắm rửa nhẹ nhàng, không chà xát vết mổ với xà phòng. Không được dùng sữa tắm hay kem thoa cho đến khi vết mổ lành hẳn.
  • Tránh lái xe hơi 4 đến 6 tuần sau mổ vì phản ứng vẫn còn chậm do còn mệt mỏi, yếu hoặc do thuốc và cũng tránh nguy cơ va chạm gây chấn thương xương ức. Khi lái xe, người bệnh nên nghỉ mỗi 1- 2 giờ để chân duỗi thẳng, giúp cải thiện tuần hoàn ở chân và tránh sưng phù chân.
  • Không được bắt chéo chân khi ngồi hay nằm vì sẽ tạo nên sức ép lên các tĩnh mạch dưới gối và làm trì trệ sự lưu thông của máu. Nếu bàn chân hay chân bị sưng phù, khi ngồi nên kê chân cao hay gác chân lên ghế.
  • Tránh căng cơ như rặn khi đại tiện, kéo hoặc đẩy vật nặng, hay giơ tay cao khỏi đầu vì đây là những việc khiến trái tim đang hồi phục phải làm việc nhiều hơn.
  • Không nên cố gắng đi cầu thang hoặc dùng tay vịn vào lan can rồi gắng sức nâng người lên.
  • Trong vài tuần đầu tiên nên có thời gian nghỉ ngơi 2 lần vào sáng và trưa, sau khi hồi phục thì nghỉ ngơi ít nhất 1 lần mỗi ngày.
  • Nên mang vớ có độ đàn hồi vào ban ngày và tháo ra vào ban đêm để giúp máu lưu thông và giảm sưng phù chân. Thời gian mang với ít nhất là 2 tuần sau khi xuất viện hoặc nhiều hơn nếu chân vẫn còn sưng.
  • Chú ý những chỗ sưng hay u lên vùng vết mổ ở ngực. Nếu chảy dịch bất thường hoặc không biến mất sau vài tháng thì nên báo bác sĩ.
  • Trong tuần đầu sau khi xuất viện nên đo thân nhiệt mỗi sáng. Nếu thân nhiệt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 1 ngày hoặc lạnh run thì báo cho bác sĩ.
  • Trong 2 tuần đầu, cần kiểm tra cân nặng mỗi buổi sáng. Nếu đột ngột tăng cân thì báo bác sĩ ngay.

Chăm sóc bệnh nhân sau mổ tim cần quan tâm cả về sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần của người bệnh.
Chăm sóc bệnh nhân sau mổ tim cần quan tâm cả về sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần của người bệnh.

Tập thể dục

Hoạt động thể lực đều đặn rất có lợi cho tim, giúp kiểm soát tốt hơn các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu và béo phì.

Nếu trong thời gian nằm viện nên tập vận động nhẹ nhàng như đi bộ trong phòng hay ngoài hành lang. Bệnh nhân không được gắng sức đề đi bộ nếu cảm thấy mệt và đau nhiều. Sau đó tập luyện thể lực từ từ tăng dần qua mỗi ngày. Vài tuần sau phẫu thuật, đa số người bệnh có thể đi bộ 3 đến 4 km mỗi ngày.

Quan hệ tình dục

Quan hệ tình dục cần tốn nhiều năng lượng, do đó thường cần khoảng thời gian từ 1 – 3 tuần sau khi xuất viện để cơ thể phục hồi. Sau phẫu thuật van tim, có 2 yếu tố ảnh hưởng lớn tới đời sống tình dục là sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần (rối loạn kiểm soát cảm xúc, lo âu, trầm cảm). Do đó, bệnh nhân chỉ nên bắt các sinh hoạt tình dục khi đã sẵn sàng. Tuy nhiên, người bệnh cần tránh gắng sức quá nhiều cũng như tránh các tác động mạnh lên ngực. Thông thường sau khi mổ tim 8 tuần thì xương ức đã liền, bệnh nhân có thể quan hệ tình dục trở lại.

Tâm lý thoải mái

Bệnh nhân nên có tâm lý thoải mái, vui vẻ và lạc quan. Tránh những việc gây suy nghĩ nhiều, tác động tiêu cực đến tâm lý, tránh căng thẳng. Người thân nên trò chuyện nhiều hơn, tạo không khí vui vẻ để giúp bệnh nhân kiểm soát tốt cảm xúc.

Thuốc

  • Sau mổ tim ví dụ như mổ thay van tim, bệnh nhân cần dùng thuốc chống đông đều đặn để dự phòng huyết khối do van tim nhân tạo. Các thuốc chống đông máu như acenocoumarol hay Warfain...cần được theo dõi đều đặn bằng xét nghiệm thời gian prothrombin và chỉ số chuẩn hoá INR. Bệnh nhân cần uống thuốc đều đặn đúng liều đúng giờ và tránh ăn rau màu xanh sẫm, cải broccoli( bông cải Đà Lạt) vì sẽ tương tác với thuốc gây giảm hiệu quả. Cần thận trọng dùng kháng sinh, kháng viêm.
  • Nếu bệnh nhân can thiệp mạch vành qua da hay phẫu thuật bắc cầu động mạch vành sẽ có chỉ định dùng thuốc kháng kết tập tiểu cầu. Những thuốc này có nguy cơ gây xuất huyết dạ dày, do đó người bệnh nên kiêng ăn thức ăn chua, cay, nóng, nhiều dầu mỡ có hại cho dạ dày.
  • Bệnh nhân cần tuân theo lời dặn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý tăng hoặc giảm liều hay uống thêm thuốc mà chưa được sự đồng ý của bác sĩ. Đi khám ngay nếu có triệu chứng chảy máu bất thường như đi tiêu phân đen hoặc đỏ, ói ra máu hay dịch đen, chảy máu mũi khó cầm, vết bầm lan rộng hoặc choáng váng, chóng mặt, đau đầu dữ dội, hôn mê.
  • Sau cùng, bệnh nhân cần tái khám đều đặn để bác sĩ kiểm tra chế độ dùng thuốc, liều thuốc, tác dụng phụ của thuốc và có những điều chỉnh cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe