Cảnh giác viêm khớp dạng thấp tái phát

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý xương khớp tự miễn thường gặp với biểu hiện sưng đau khớp đối xứng. Nếu không phát hiện, điều trị phù hợp để viêm khớp dạng thấp tái phát các đợt cấp nhiều lần có thể dẫn đến tình trạng biến dạng hoặc phá hủy khớp, từ đó gây giảm khả năng vận động, thậm chí tàn phế.

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một dạng bệnh lý tự miễn, xảy ra tại khớp có tính chất mạn tính. Tổn thương ban đầu của bệnh lý này xuất phát tại lớp màng hoạt dịch của khớp. Bệnh viêm khớp dạng thấp phổ biến hơn ở phụ nữ, ít gặp ở đàn ông, độ tuổi dễ mắc bệnh là giai đoạn trung niên. Người mắc bệnh sẽ có các triệu chứng, biểu hiện trên lâm sàng phù hợp kèm với kết quả cận lâm sàng đặc hiệu.

Cơ chế bệnh sinh của viêm khớp dạng thấp liên quan đến hiện tượng tự miễn, nghĩa là hệ thống miễn dịch của cơ thể thay vì thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thì lại quay sang tấn công vào lớp màng hoạt dịch của khớp. Hậu quả dẫn đến phản ứng viêm, làm dày bao hoạt dịch, cuối cùng là phá hủy cấu trúc sụn và xương trong khớp. Kèm theo đó là sự tổn thương các cấu trúc khác, các gân và dây chằng giữ khớp căng ra và yếu đi. Kết quả cuối cùng là khớp biến dạng, mất đi hình dạng và cấu trúc ban đầu.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến viêm khớp dạng thấp, mặc dù tồn tại nhiều ý kiến cho rằng bệnh tự miễn này liên quan đến yếu tố di truyền. Tuy gen, thực tế yếu tố di truyền (hay gen) không trực tiếp gây tổn thương khớp, thay vào đó một số trường hợp có gen bất thường sẽ khiến cơ địa người bệnh dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như môi trường, các loại virus hay vi khuẩn... từ đó tăng nguy cơ gây bệnh viêm khớp dạng thấp.

Xem ngay: Viêm khớp vảy nến: Điều trị sớm, tránh tàn phế

2. Các giai đoạn của viêm khớp dạng thấp

Khi viêm khớp dạng thấp tiến triển, cơ thể người bệnh sẽ có nhiều sự thay đổi. Một số hình ảnh viêm khớp dạng thấp có thể ghi nhận bằng mắt và người bệnh cảm nhận được, trong khi một số biến đổi thầm lặng không gây ra bất kỳ biểu hiện nào. Mỗi giai đoạn khác nhau sẽ biểu hiện hình ảnh viêm khớp dạng thấp khác nhau, vì vậy mục tiêu điều trị ở từng giai đoạn cũng sẽ khác nhau.

2.1 Giai đoạn 1

Người bệnh viêm khớp dạng thấp giai đoạn đầu có thể đã có cảm giác đau, sưng đỏ hoặc cứng các khớp bị tổn thương. Bên cạnh đó, phản ứng viêm diễn ra bên trong khớp khiến các mô có thể sưng to hơn. Giai đoạn này có thể không có tổn thương xương nhưng chắc chắn lớp màng hoạt dịch khớp đã bị tổn thương.

2.2. Giai đoạn 2

Giai đoạn này lớp màng hoạt dịch đã bị viêm nặng hơn, người bệnh có thể có hình ảnh tổn thương sụn khớp. Cấu trúc sụn bao bọc phần cuối của các xương trong khoang khớp, do đó khi sụn bị tổn thương thì người bệnh sẽ đau khớp nhiều hơn, đồng thời kèm theo tình trạng hạn chế vận động.

2.3. Giai đoạn 3

Khi bệnh lý viêm khớp dạng thấp ở người lớn đã tiến triển đến giai đoạn 3, đồng nghĩa bệnh đã ở trong tình trạng nghiêm trọng. Các tổn thương giai đoạn này không chỉ lan đến sụn mà ảnh hưởng đến cả cấu trúc xương. Đặc biệt khi phần sụn nối giữa các xương bị bào mòn thì khi xương cọ xát với nhau sẽ khiến người bệnh đau và sưng nhiều hơn. Một số trường hợp ở giai đoạn này đã bắt đầu bị yếu cơ hay mất hẳn khả năng vận động do xương bị tổn thương và biến dạng.

2.4. Giai đoạn 4

Viêm khớp dạng thấp giai đoạn muộn khi các khớp đã mất hoàn toàn chức năng thì người bệnh sẽ bị đau dữ dội, kèm sưng, cứng khớp và mất hoàn toàn khả năng vận động. Kèm theo đó là việc các khớp bị hỏng sẽ làm tăng nguy cơ gây ra chứng dính khớp.

3. Cảnh giác viêm khớp dạng thấp tái phát và các biến chứng

Biểu hiện và hình ảnh viêm khớp dạng thấp có thể khiến một số người bệnh nhầm tưởng sang một bệnh cơ xương khớp khác như viêm khớp phản ứng, viêm khớp vảy nến, loãng xương, lupus ban đỏ... Một trong số đó là chẩn đoán nhầm giữa viêm khớp dạng thấp tái phát đợt cấp tính với bệnh gút (thống phong), đặc biệt ở đối tượng nam giới tuổi trung niên. Biện pháp phân biệt 2 bệnh lý này là thực hiện các xét nghiệm huyết thanh đặc hiệu như yếu tố dạng thấp hay anti CCP là đặc trưng chỉ có trong bệnh viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp dạng thấp tái phát nhiều lần mà không có biện pháp can thiệp phù hợp có thể dẫn đến một số biến chứng sau:

  • Loãng xương: Bản chất viêm khớp dạng thấp và một số loại thuốc điều trị bệnh có thể làm tăng nguy cơ loãng xương, gia tăng tình trạng suy yếu xương, từ đó các xương trở nên giòn và dễ gãy hơn;
  • Các hạt thấp dưới da có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động khi xuất hiện ở những khu vực xung quanh khớp chịu áp lực lớn (chẳng hạn như khuỷu tay). Không chỉ vậy, hạt thấp dưới da có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, bao gồm cả phổi;
  • Khô mắt, khô miệng: Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao mắc hội chứng Sjogren, một dạng rối loạn làm giảm độ ẩm trong mắt và miệng;
  • Nhiễm trùng: Viêm khớp dạng thấp và nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị có thể làm suy giảm chức năng hệ thống miễn dịch, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng;
  • Thay đổi thành phần cơ thể: Tỷ lệ mô mỡ so với mô cơ thường cao hơn ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, ngay cả khi người đó có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường;
  • Hội chứng ống cổ tay: Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng lên cổ tay có thể gây chèn ép dây thần kinh và dẫn đến hội chứng ống cổ tay;
  • Bệnh tim mạch: Viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ xơ cứng và tắc nghẽn các động mạch nuôi tim, bên cạnh tình trạng viêm màng ngoài tim;
  • Biến chứng phổi: Người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao bị viêm và hình thành sẹo trong nhu mô phổi, tiến triển lâu dài có thể gây khó thở;
  • Ung thư hạch: Nguy cơ ung thư hạch ở người bị viêm khớp dạng thấp là tương đối cao. Ung thư hạch là loại ung thư máu phát triển trong hệ thống bạch huyết.

Biểu hiện và hình ảnh viêm khớp dạng thấp có thể khiến một số người bệnh nhầm tưởng sang một bệnh cơ xương khớp khác như viêm khớp phản ứng, viêm khớp vảy nến, loãng xương, lupus ban đỏ... Một trong số đó là chẩn đoán nhầm giữa viêm khớp dạng thấp tái phát đợt cấp tính với bệnh gút. Việc chẩn đoán nhầm có thể dẫn đến việc điều trị sai, ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền bạc. Do đó, người bệnh nên tái khám sức khỏe theo chỉ dẫn của bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe