Cảnh giác hẹp thực quản gây khó thở

Hẹp thực quản là bệnh lý khá nguy hiểm, gây không ít khó chịu mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ở bệnh nhân bị hẹp thực quản không chỉ biểu hiện các triệu chứng ở đường tiêu hóa, mà còn có các tác động tiêu cực đến đường hô hấp, trong đó có triệu chứng khó thở.

1. Hẹp thực quản là bệnh gì?

Thực quản là một phần của đường tiêu hóa, đoạn nối giữa miệng và dạ dày. Về giải phẫu, chiều dài của thực quản thường khoảng 25cm và được chia làm 3 đoạn: Đoạn cổ, đoạn ngực và đoạn bụng, trong đó đoạn ngực là dài nhất với khoảng 20cm.

Ống thực quản có 3 chỗ hẹp tự nhiên là:

  • Chỗ ngang mức sụn nhẫn, nơi nối tiếp với hầu.
  • Nơi ngang phế quản gốc trái và cung động mạch chủ.
  • Lỗ tâm vị - nơi thực quản đổ vào dạ dày.

Hẹp thực quản là tình trạng khi một đoạn thực quản bị chít hẹp lòng thực quản do tổn thương, dẫn tới lưu thông, vận chuyển thức ăn từ miệng xuống dạ dày bị cản trở. Bệnh nhân bị hẹp thực quản sẽ có triệu chứng khó nuốt dẫn tới ăn uống kém, thậm chí gây suy kiệt. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến đường hô hấp gây khó thở.

2. Các nguyên nhân dẫn đến hẹp thực quản

Hẹp thực quản có thể do nguyên nhân lành tính hoặc ác tính.

Các nguyên nhân lành tính gây hẹp thực quản thường là do bị tổn thương bởi các bệnh lý hoặc do can thiệp vào thực quản, điển hình như:

  • Hẹp thực quản bẩm sinh: Trong quá trình phát triển thai kỳ thực quản bị hẹp, nguyên nhân cụ thể vẫn còn chưa rõ. Thông thường bệnh sẽ xảy ra khi thai được 4 tuần tuổi.
  • Trào ngược dạ dày - thực quản (GERD): Đây là một trong các nguyên nhân thường gặp nhất. Ở những bệnh nhân này, dịch acid từ dạ dày sẽ bị trào ngược lên thực quản làm kích ứng, tổn thương dẫn đến viêm thành thực quản gây chít hẹp lòng thực quản.
  • Nuốt các hóa chất hoặc bị nhiễm tia xạ làm bỏng thực quản.
  • Sử dụng sonde mũi - dạ dày lâu ngày hoặc trong lúc thao tác đặt sonde gây loét niêm mạc thực quản. Bệnh hay gặp ở các bệnh nhân không thể tự ăn uống được như người bị hôn mê hoặc liệt toàn thân.
  • Điều trị giãn tĩnh mạch thực quản khi thực quản có các búi tĩnh mạch bị phình giãn trong một số trường hợp có thể gây sẹo dẫn đến hẹp thực quản.
  • Thủ thuật nội soi dạ dày: Trong lúc thực hiện các thao tác nội soi dạ dày có thể gây ra tổn thương thực quản.
  • Các khối u tại thực quản có bản chất lành tính.
  • Thực quản bị hẹp do bị bị chèn ép bởi các khối u lành tính cạnh bên.

Hẹp thực quản do nguyên nhân ác tính như:

3. Các triệu chứng khi bị hẹp thực quản

Bệnh nhân bị hẹp thực quản có thể gặp các triệu chứng liên quan đến cả đường tiêu hóa và đường hô hấp như:

  • Nuốt đau, nuốt khó, nuốt nghẹn: Đây là triệu chứng gần như khẳng định ở người bị hẹp thực quản. Ban đầu có thể chỉ gặp triệu chứng này khi ăn thức ăn dạng đặc nhưng sau đó cả thức ăn lỏng hay nuốt nước đều có thể gặp. Mức độ của triệu chứng phụ thuộc vào sự chít hẹp của lòng thực quản.
  • Thức ăn bị vướng lại trong miệng hoặc sau xương ức do không xuống được dạ dày gây cảm giác khó chịu, căng tức. Thậm chí gây đau sau xương ức.
  • Nôn: Do thức ăn ứ tại thực quản làm kích thích thực quản giãn rộng và gây các nhu động ngược để tống thức ăn ra ngoài nhằm giảm áp lực trong lòng thực quản.
  • Ợ chua, ợ hơi, nấc cụt: Là một trong những triệu chứng thường gặp.
  • Sụt cân, thiếu nước, thậm chí suy dinh dưỡng do không thể ăn uống được gì.
  • Ho hoặc khó thở.

4. Cảnh giác khó thở ở người bị hẹp thực quản

Thông thường, khi bị khó thở chúng ta thường nghĩ nguyên nhân do các vấn đề tại đường hô hấp, tuy nhiên đây cũng là một trong những triệu chứng hay gặp ở người bị hẹp thực quản. Hẹp thực quản gây khó thở thường bắt nguồn từ nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản, làm gia tăng lượng acid trong thực quản, không chỉ gây tổn thương niêm mạc thực quản mà còn ảnh hưởng đến đường dẫn khí.

Cơ chế dẫn đến khó thở do hẹp thực bao gồm:

  • Thứ nhất, niêm mạc thực quản bị kích thích do một lượng lớn acid trong dịch vị dạ dày bị trào ngược lên thực quản. Do thực quản và khí quản - ống dẫn khí của cơ thể nằm sát cạnh nhau nên khi thực quản bị kích thích sẽ tạo ra một áp lực chèn ép lên khí quản khiến người bệnh bắt đầu cảm thấy khó thở;
  • Thứ hai, hẹp thực quản làm thức ăn bị vướng lại không thể xuống dạ dày. Khi lượng thức ăn đủ lớn sẽ trào ngược lên lại vòm họng. Đây là ngã ba nối thông thực quản và phế quản, khi vòm họng bị tắc do thức ăn trào ngược cũng đồng thời làm tắc đường dẫn khi gây khó thở, tức ngực. Tình trạng này đặc biệt thường xuyên xảy ra khi bệnh nhân nằm hoặc trong lúc ngủ.
  • Thứ ba, acid dạ dày, thức ăn khi bị trào ngược không chỉ gây tắc mà còn làm viêm thực quản. Lớp niêm mạc thực quản bị viêm sẽ kích thích lên các cơ trong lồng ngực gây phản xạ co rút làm chèn ép đường thở dẫn đến khó thở;
  • Cuối cùng, ở bệnh nhân hẹp thực quản có thể xảy ra trường hợp viêm phổi hít do acid dạ dày hoặc thức ăn từ thực quản tràn vào đường hô hấp xuống đến phổi. Khi đó toàn bộ đường dẫn khí và phổi bị viêm, sưng, tăng tiết dịch gây hẹp đường dẫn khí và giảm khả năng thông khí, từ đó làm người bệnh khó thở. Một số trường hợp viêm phổi hít nặng gây khó thở đột ngột hoặc làm tắc thở hoàn toàn, nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

5. Điều trị hẹp thực quản như thế nào?

Tùy theo nguyên nhân và mức độ hẹp của thực quản để lựa chọn hoặc phối hợp các phương pháp điều trị, bao gồm thay đổi chế độ ăn, sinh hoạt, sử dụng thuốc hoặc can thiệp thủ thuật.

Điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt phù hợp:

  • Hạn chế các thực phẩm hay gây trào ngược dạ dày - thực quản như các đồ ăn cay, dầu mỡ, các chất kích thích, thuốc lá, caffein, socola,...
  • Ăn uống khoa học, không để thừa cân.
  • Mặc áo quần thoải mái, đặc biệt là sau khi mới ăn xong để giảm áp lực lên dạ dày.
  • Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, không nên ăn quá nhiều trong một lần.
  • Hạn chế nằm hoặc vận động mạnh trong vòng 3 giờ sau khi ăn

Điều trị bằng thuốc:

  • Thuốc ức chế bơm proton - các thuốc kháng acid dạ dày bằng cách ức chế các kênh vận chuyển H+: Không chỉ làm giảm acid dạ dày mà còn điều trị bệnh GERD và hạn chế khả năng hẹp thực quản trong tương lai.
  • Kháng sinh: Điều trị trong các trường hợp viêm thực quản gây chít hẹp do nguyên nhân nhiễm trùng thực quản.

Can thiệp bằng thủ thuật: Nong thực quản, đặt stent thực quản hoặc phẫu thuật cắt một đoạn thực quản có thể cân nhắc sử dụng trong các trường hợp hẹp thực quản nặng, khi mà các phương pháp khác không thành công.

Tóm lại, hẹp thực quản là bệnh khá nguy hiểm, do nhiều nguyên nhân gây ra và dễ tái phát. Để chủ động phòng tránh bệnh, mọi người cần có lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ăn uống hợp lý và hạn chế các thủ thuật tại thực quản. Khi phát hiện có các triệu chứng bất thường về đường tiêu hóa cần đi khám sớm để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe