Cảnh giác biến chứng sau thay khớp háng ở người có bệnh mãn tính

Thay khớp háng nhân tạo là phương pháp đem lại hiệu quả cao trong việc điều trị các tổn thương khớp háng khi mà các điều trị bảo tồn trước đó không cải thiện tình trạng bệnh. Đối với những bệnh nhân có bệnh mãn tính kèm theo, việc cảnh giác các biến chứng sau khi thay khớp háng hết sức quan trọng, trong đó đau sau thay khớp háng là một triệu chứng cần được lưu ý.

1. Thay khớp háng nhân tạo là gì?

Thay khớp háng là kỹ thuật sử dụng khớp háng nhân tạo (chỏm xương đùi giả, hoặc khớp nhân tạo toàn phần) để thay thế cho phần xương và sụn bị tổn thương. Chỉ định thay khớp háng nhân tạo thường được đặt ra ở những bệnh nhân tổn thương khớp háng nhưng không đáp ứng với điều trị nội khoa hay điều trị bảo tồn, gây ra tình trạng đau kéo dài, hạn chế vận động, làm ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày. Thay khớp háng đem lại nhiều lợi ích trong việc cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, việc theo dõi sau khi thay khớp háng là hết sức cần thiết bởi các biến chứng có thể xảy ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh mãn tính kèm theo.

2. Các biến chứng của thay khớp háng nhân tạo

Các biến chứng có thể gặp sau khi thay khớp háng nhân tạo có thể kể đến như:

2.1. Nhiễm trùng

Đây là biến chứng có thể gặp sau bất kỳ một phẫu thuật nào, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh kèm mãn tính, suy giảm miễn dịch. Nhiễm trùng có thể xuất hiện ngay tại bề mặt vết mổ hoặc nhiễm trùng sâu bên dưới ổ khớp nhân tạo. Đôi khi nhiễm trùng khớp háng nhân tạo là hậu quả của nhiễm trùng huyết với tiêu điểm nhiễm trùng nguyên phát từ các hệ tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu,... Với tình trạng nhiễm trùng khớp nhẹ, bệnh nhân có thể được điều trị với kháng sinh. Tuy nhiên, nếu nhiễm trùng diễn tiến nặng lên, có thể cân nhắc chỉ đị tháo bỏ khớp háng nhân tạo.

2.2. Tắc mạch

Tắc mạch là một biến chứng thường gặp sau khi thay khớp háng. Cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch chi dưới có thể di chuyển theo tuần hoàn đi khắp cơ thể, đặc biệt nguy hiểm nếu cục máu đông đến phổi, tim, não sẽ gây nên tình trạng tắc mạch, nhồi máu, gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, nhất là ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tim mạch. Việc dùng thuốc chống đông thường được chỉ định nhằm ngăn chặn hình thành cục máu đông. Vận động sớm, đeo vớ y khoa cũng là những biện pháp hữu hiệu làm giảm lưu lượng máu ứ trệ tại tĩnh mạch, giảm nguy cơ tắc mạch.

2.3. Tổn thương thần kinh

Khớp háng bị viêm dính, biến dạng sau phẫu thuật thay khớp háng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tổn thương thần kinh. Đối với những bệnh nhân mắc chứng loạn sản xương, béo phì thì càng làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh sau khi thay khớp háng.


Tắc mạch là một biến chứng thường gặp sau khi thay khớp háng
Tắc mạch là một biến chứng thường gặp sau khi thay khớp háng

2.4. Thay đổi chiều dài chi

Phẫu thuật thay khớp háng có thể gây nên các tổn thương ở hõm khớp, chỏm xương đùi hay các gân cơ vùng khớp háng, dẫn đến chiều dài 2 chân không cân xứng. Việc tính toán, đo lường cẩn thận trước phẫu thuật đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng ngừa biến chứng này sau khi thay khớp háng. Phẫu thuật kéo dài gân cơ và luyện tập tăng sức cơ là hai trong số những giải pháp được đặt ra để xử trí biến chứng này.

2.5. Gãy xương

Bệnh nhân có tiền sử mắc một số bệnh lý mãn tính như: loãng xương, viêm xương khớp,... là những yếu tố nguy cơ gia tăng biến chứng gãy xương sau thay khớp háng. Tùy thuộc vào đặc điểm, tính chất, vị trí, kích thước ổ gãy để lựa chọn phương pháp bảo tồn hay phẫu thuật kết hợp xương.

2.6. Trật khớp

Trật khớp háng nhân tạo là một trong những biến chứng của thay khớp háng. Nắn khớp hoặc kết hợp xương có thể được chỉ định để giúp điều chỉnh khớp về đúng vị trí.

2.7. Lỏng khớp

Biến chứng lỏng khớp thường xuất hiện muộn sau khi thay khớp háng. Theo thời gian, khớp háng nhân tạo có thể bị bào mòn hoặc bị lỏng lẻo. Nếu tình trạng này gây ra nhiều triệu chứng phiền toái thì có thể phải tính đến chỉ định phẫu thuật thay lại khớp.

2.8. Bệnh viêm phản ứng

Hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động để chống lại các vật thể lạ, do đó chúng gây ra tình trạng viêm phản ứng quanh khớp háng nhân tạo. Liệu pháp corticoid là liệu pháp điều trị đầu tiên, nếu không đáp ứng thì có thể phải thay lại khớp háng nhân tạo khác.


Đau sau thay khớp háng là triệu chứng khá phổ biến xảy ra sau khi thay khớp háng
Đau sau thay khớp háng là triệu chứng khá phổ biến xảy ra sau khi thay khớp háng

3. Đau sau thay khớp háng

Đau khớp háng là triệu chứng khá phổ biến xảy ra sau khi thay khớp háng, tuy nhiên, cần loại trừ các biểu hiện đau bất thường ở bệnh nhân thay khớp háng nhân tạo.

3.1. Triệu chứng đau “bình thường” sau khi thay khớp háng

  • Đau tại khớp háng: Bệnh nhân thay khớp háng bán phần thường xuất hiện tình trạng đau tại khớp háng với đặc điểm đau khu trú tại chỗ, cường độ đau nhẹ, đau tăng lên khi vận động mạnh và giảm khi nghỉ ngơi.
  • Đau tại đùi: Triệu chứng đau dọc đùi xảy ra với khoảng 18% bệnh nhân thay khớp háng nhân tạo với phần chuôi cố định tại thân xương, đau âm ỉ, tăng nhẹ khi vận động, không giảm đau khi nghỉ ngơi. Triệu chứng này sẽ giảm dần theo thời gian và thường cải thiện trong vòng 3-6 tháng sau khi thay khớp háng.

3.2. Cảnh giác với các biểu hiện đau khác thường

Đau sau thay khớp háng là một triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo. Tuy nhiên khi cơn đau có những tính chất, đặc điểm bất thường, bệnh nhân cần được thăm khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các biến chứng sau thay khớp háng. Có thể chia các đặc điểm, tính chất đau gợi ý tình trạng bất thường làm hai nhóm:

Thứ nhất, cơn đau kịch phát, cấp tính: Bệnh nhân đột ngột xuất hiện triệu chứng đau dữ dội tại khớp háng nhân tạo, có thể liên quan đến chấn thương hoặc không. Các nguyên nhân dẫn đến đau cấp tính bao gồm:

  • Đau do gãy xương: Cơn đau cấp tính sau chấn thương với đặc điểm đau chói làm giới hạn vận động khớp háng có thể gợi ý tình trạng gãy xương, thường gãy tại vị trí tiếp giáp của chuôi khớp với đầu xa. Chụp X Quang có thể phát hiện ổ gãy và định hình nguyên nhân đau khớp háng.
  • Đau do sai khớp: Thường liên quan đến chấn thương, khớp háng nhân tạo không thể thực hiện các động tác xoay trong, khép, chiều dài chân bên thay khớp háng ngắn hơn bình thường. Cũng tương tự đau do gãy xương, X Quang được xem là xét nghiệm cơ bản giúp phát hiện sai khớp háng nhân tạo.
  • Đau do nhiễm trùng: Vi khuẩn từ đường tiêu hóa, tiết niệu, hô hấp,... có thể đi vào máu gây nên tình trạng nhiễm trùng huyết. Từ đó theo dòng máu đi đến khớp háng nhân tạo và dẫn đến nhiễm trùng khớp háng. Bên cạnh triệu chứng đau âm ỉ, nhức nhối tại khớp háng nhân tạo, đau nhiều về đêm, nghỉ ngơi không đỡ đau, bệnh nhân có thể có các biểu hiện viêm nhiễm toàn thân hoặc tại các cơ quan nhiễm khuẩn ban đầu.

Thứ hai, cơn đau mạn tính, dai dẳng với những đặc điểm, tính chất sau đây cũng gợi ý tình trạng bất thường sau khi thay khớp háng:

  • Đau do tiêu xương: Cơn đau do tiêu xương thường ở mức độ nhẹ, tăng lên khi vận động, và tăng dần theo thời gian.
  • Đau do lỏng khớp: Sau thay khớp háng nhân tạo, bệnh nhân thường đau âm ỉ khớp háng và sẽ giảm dần. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau xuất hiện trở lại, đau tăng dần tại vùng nếp bẹn hoặc dọc xương đùi thì đó có thể là biểu hiện của lỏng khớp sau khi thay khớp háng.
  • Đau do viêm cơ thắt lưng chậu: Bệnh nhân có triệu chứng đau âm ỉ, cảm giác nhức nhối sâu trong nếp bẹn, đau khi thay đổi tư thế.
  • Đau do canxi hóa lạc chỗ: Đau thường nhẹ, tăng lên khi thực hiện dạng, khép, gấp duỗi khớp háng. Khối canxi hóa lạc chỗ có thể được phát hiện trên X Quang.
  • Đau do tổn thương thần kinh hông to: Thường đau kèm tê bì mặt ngoài cẳng chân, lan xuống bàn chân, khó gấp mu bàn chân. Biến chứng tổn thương thần kinh hông to thường gây tự thoái lui sau 3-6 tháng, nếu không cải thiện thì phải cân nhắc phẫu thuật xử trí thương tổn.

Tùy vào từng biến chứng sau thay khớp háng ở người bệnh mãn tính mà sẽ có các hướng xử trí khác nhau. Nếu ở mức độ nhẹ, khu trú và đáp ứng với các biện pháp nắn chỉnh, bệnh nhân chỉ cần theo sự hướng dẫn bài tập vật lý trị liệu. Đối với các tổn thương lớn, mức độ nặng nề hơn, đôi khi cần phẫu thuật lại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe