Cách nào chữa thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật?

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý thường gặp hiện nay, có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào. Có rất nhiều phương pháp để điều trị bệnh lý này, không chỉ có phẫu thuật lấy nhân nhầy đĩa đệm mà một số phương pháp khác chữa thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật vẫn được áp dụng để cải thiện tình trạng và biến chứng bệnh gây ra.

1. Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh như thế nào?

Đĩa đệm cột sống là cơ quan ở giữa các đốt sống trong cột sống của con người, bên trong đĩa đệm có nhân nhầy và đĩa đệm có vai trò như một phần đệm để làm giảm sự ma sát giữa các đốt sống với nhau, khiến cho việc cử động của các đốt sống thuận lợi hơn, đồng thời nâng đỡ các đốt sống nằm trên.

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý gây ra do một áp lực lớn làm cho bao xơ bên ngoài nhân nhầy bị rách, ảnh hưởng đến đĩa đệm, khiến cho nhân nhầy trồi ra ngoài chèn ép lên các dây thần kinh và tủy sống, gây ra các triệu chứng đau và khó chịu ở người bệnh. Thoát vị đĩa đệm có thể diễn ra ở nhiều đĩa đệm, có thể một hoặc hai bên và thường gặp nhất là trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và cột sống cổ. Triệu chứng lâm sàng của thoát vị đĩa đệm điển hình là vùng thắt lưng hay cổ đau nhức, cứng cơ, đau, yếu cơ và các triệu chứng kèm theo theo đường đi của dây thần kinh bị chèn ép.

Nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm rất đa dạng, có thể là do thoái hóa, chấn thương, tai nạn... Các yếu tố nguy cơ làm cho tình trạng thoát vị đĩa đệm tăng lên có thể là béo phì khiến cho trọng lực dồn vào các đốt sống và đĩa đệm nằm dưới, công việc đòi hỏi phải mang vác quá nặng, người trong gia đình đã từng mắc phải bệnh lý này, hút thuốc lá...

Để điều trị bệnh lý thoát vị đĩa đệm thì có 2 phương pháp chính:

Không phẫu thuật:

  • Điều trị nội khoa với thuốc
  • Vật lý trị liệu
  • Nắn khớp, nẹp
  • Các liệu pháp hỗ trợ khác

Phẫu thuật:

  • Phẫu thuật nội soi: Phương pháp này thường được chỉ định với những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm dẫn đến chèn ép dây thần kinh một cách cấp tính nhưng điều trị nội khoa không có hiệu quả...
  • Mổ hở hay còn gọi là mở ống sống có tên khoa học là Laminectomy. Phẫu thuật này được áp dụng phổ biến để giải áp nhân nhầy đĩa đệm, giảm áp lực lên tủy sống.
  • Vi phẫu
  • Hợp nhất tủy sống
  • Thay đĩa đệm nhân tạo

2. Chữa thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật

Các phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật cụ thể là:

  • Nghỉ ngơi tại giường: Việc nghỉ ngơi sẽ giúp người bệnh giảm được triệu chứng sưng nề và các tổn thương ở tủy sống sẽ lành lại theo thời gian. Bệnh nhân thường được chỉ định nằm nghỉ tại giường trong khoảng 1 – 2 ngày, không vận động cúi gập người, mang vác các vật nặng, không tập thể dụng trong thời gian này. Sau đó người bệnh có thể sinh hoạt nhẹ nhàng từ từ lại, vì nếu nằm 1 chỗ quá lâu sẽ dẫn đến tình trạng cứng khớp.
  • Vật lý trị liệu: Các kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn và hỗ trợ người bệnh thực hiện một số bài tập để cải thiện bệnh như kéo căng cơ, thể dục nhịp điệu...
  • Mát – xa: Mát – xa cơ thể khiến triệu chứng đau được giảm thiểu, tuần hoàn lưu thông. Có rất nhiều phương pháp mát – xa (khoảng 80 kiểu) và mỗi phương pháp sẽ phù hợp với những bệnh nhân nhất định nên cần được sự chỉ định của bác sĩ để biết được phương pháp nào sẽ thích hợp cho bệnh nhân.
  • Nhiệt trị liệu: Có thể áp dụng phương pháp chườm nóng hay chườm lạnh để cải thiện triệu chứng đau ở người bệnh, chườm trong 24 giờ sau khi bệnh nhân bị chấn thương, có thể kết hợp cả 2 phương pháp này trên bệnh nhân.
  • Dùng xung điện: Xung điện kích thích các tế bào thần kinh ở vùng cơ khiến sự co cơ diễn ra, làm giảm đau và tuần hoàn lưu thông ở người bệnh, tăng cường sức cơ để vận động trở lại.
  • Liệu pháp Chiropractic nắn chỉnh khớp: Bác sĩ sẽ dùng bàn tay để nắn chỉnh các xương, khớp bị lệch trở về vị trí giải phẫu ban đầu. Một điểm lưu ý của phương pháp này đó là khi người bệnh bị thoát vị cột sống cổ thì cần lưu ý đến biến chứng đột quỵ khi thực hiện.
  • Điều trị nội khoa: Các loại thuốc thường được sử dụng đó là thuốc giảm đau mức độ nhẹ -> trung bình như Acetaminophen, Ibuprofen, Naproxen sodium, thuốc giãn cơ trong trường hợp người bệnh có triệu chứng co cơ, lưu ý tác dụng phụ của nó là buồn ngủ, mệt mỏi... Nếu người bệnh không đáp ứng với các thuốc giảm đau trên thì có thể dùng nhóm Opioid trong thời gian ngắn, có thể là Codeine hay oxycodone – acetaminophen.
  • Tiêm steroid tại chỗ: Nếu việc nghỉ ngơi và các phương pháp trị liệu không đáp ứng trên bệnh nhân thì có thể tiêm thuốc nhóm Steroid vào quanh vị trí cột sống bị tổn thương, hay còn gọi là tiêm ngoài màng cứng. Để xác định vị trí cần tiêm thì bệnh nhân sẽ được chụp phim X – quang, phim CT cột sống để chẩn đoán xác định. Liệu trình tiêm thuốc là 3 mũi tiêm, mỗi mũi tiêm cách nhau 3 – 7 ngày.

Tóm lại, để điều trị thoát vị đĩa đệm thì có rất nhiều phương pháp, từ không xâm lấn đến xâm lấn, có khi phải kết hợp nhiều phương pháp với nhau. Vì vậy ngay khi có những triệu chứng nghi ngờ thì người bệnh nên đến bệnh viện ngay để các bác sĩ có thể chẩn đoán phát hiện sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe