Đau đầu là triệu chứng thường gặp khi huyết áp tăng cao. Triệu chứng đau đầu do tăng huyết áp rất dễ nhầm lẫn với đau đầu do các nguyên nhân khác. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến bạn triệu chứng và cách giảm đau đầu khi huyết áp tăng cao.
1. Tại sao người bệnh thường cảm thấy đau đầu khi huyết áp cao?
Giải thích cho hiện tượng thường xuyên đau đầu khi huyết áp cao là vì huyết áp cao khiến cho áp lực dòng máu lên thành mạch tăng, thành mạch bị dãn dần ra và xuất hiện những tổn thương ở thành mạch. Khi những tổn thương này xuất hiện ngày càng nhiều ở các mạch máu nhỏ, đặc biệt là mạch máu tại não, gây ra hiện tượng đau đầu, đây có thể là dấu hiệu sớm của tình trạng tai biến do tăng huyết áp.
Trong trường hợp nặng, khi áp lực dòng máu đột ngột tăng cao gây nên những cơn đau đầu dữ dội (gặp trong trường hợp cơn tăng huyết áp ác tính) có thể làm cho mạch máu bị vỡ ra và gây ra xuất huyết não. Nếu những tổn thương nhỏ thì hệ thống tiểu cầu và các sợi fibrin sẽ đến để vá vết thương và hình thành các cục máu đông, điều này có thể gây bít tắc các mạch máu. Tình trạng vỡ hay bít tắc các mạch máu não đều làm ngưng trệ việc cung cấp máu cho não bộ, gây ra tình trạng thiếu máu não cục bộ, từ đó dẫn đến xuất hiện những triệu chứng trên lâm sàng đối với người bệnh, nhẹ là hoa mắt chóng mặt, đau đầu, nặng là tai biến mạch máu não biểu hiện như liệt nửa người, méo miệng, nặng có thể hôn mê hoặc thậm chí là tử vong.
2. Đặc điểm của đau đầu khi huyết áp cao là gì?
- Thời gian xuất hiện cơn đau thường là vào buổi sáng, từ 4 - 5h sáng hoặc xuất hiện sớm hơn 2 - 3h sáng, cơn đau xảy ra khu trú ở vùng chẩm và cường độ cơn đau giảm dần trong ngày. Cơn đau đầu làm cho bệnh nhân thức giấc. Trong nhiều trường hợp, khi bệnh nhân tỉnh giấc dậy đã thấy triệu chứng đau đầu.
- Đau đầu thường dai dẳng, kéo dài và thường giảm dần khi người bệnh bắt đầu hoạt động công việc. Trong một số ít trường hợp, tình trạng đau đầu có thể kéo dài cả ngày trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
- Đau đầu thường khu trú nhiều ở vùng chẩm - trán, khiến cho bệnh nhân có cảm giác cứng các cơ ở sau gáy, đau lên đỉnh đầu và có thể lan tới vùng trán. Hầu hết, triệu chứng đau đầu thường ở đều 2 bên.
3. Cách giảm đau đầu khi huyết áp cao cho người bệnh
Khi đối mặt với tình trạng đau đầu do tăng huyết áp, bệnh nhân phải kết hợp nhiều yếu tố, trong đó việc giữ được chỉ số huyết áp ở mức an toàn và phòng ngừa những nguy cơ tổn thương hoặc bít tắc các mạch máu não, giữ cho lưu lượng máu lên não được tốt là quan trọng nhất. Ngoài ra, người bệnh cần giữ được tinh thần thoải mái, lạc quan, tránh căng thẳng và mệt mỏi, đi ngủ được đúng giờ và không nên uống các chất kích thích trước khi đi ngủ.
3.1. Tham khảo một số thảo dược Y Học Cổ Truyền
Người bệnh có thể sử dụng các sản phẩm thảo dược từ Y Học Cổ Truyền có tác dụng giảm huyết áp, an thần, giúp ngủ ngon và giúp phòng ngừa tai biến như: Câu đằng, Huyền sâm, Táo nhân, Hạ khô thảo (nằm trong bài thuốc Giáng áp hợp tễ), vị thuốc Địa long có tác dụng hạ huyết áp, ổn định huyết áp một cách tự nhiên, giúp người bệnh ngủ ngon, dễ chịu.
3.2. Massage tai và cổ
Có 3 điểm ở trên đầu và cổ có thể giúp người bệnh hạ huyết áp:
- Điểm đầu tiên: Ở phía sau dái tai của người bệnh, bạn vẽ một đường thẳng tưởng tượng xuống phía dưới đến trung tâm của xương đòn, nơi mà bạn sẽ tìm thấy điểm thứ hai. Sử dụng ngón tay của cái hoặc dùng lòng bàn tay nhẹ nhàng xoa bóp vùng cổ của bạn, chuyển động lên xuống và lặp lại 10 lần ở cả hai bên cổ của người bệnh.
- Điểm thứ ba có vị trí ở trên khuôn mặt của người bệnh ở trên dái tai khoảng 0.5cm so với tai của người bệnh. Massage vị trí này ở mỗi bên bằng ngón tay cái hoặc ngón tay trỏ trong khoảng thời gian một phút theo chuyển động ngược chiều kim đồng hồ.
Xoa bóp những khu vực này sẽ giúp người bệnh giảm căng thẳng, thư giãn cơ vùng cổ của bạn và giúp khôi phục lưu lượng máu thích hợp đến não của bạn. Cách làm này sẽ giúp người bệnh hạ huyết áp. Tuy nhiên cần lưu ý không làm thao tác này đối với người bệnh có xơ vữa hoặc vôi hóa động mạch cảnh vì có nguy cơ gây đột quỵ.
3.3. Thử bấm huyệt
Trên cơ thể người có một số huyệt giúp làm giảm huyết áp hiệu quả. Người bệnh có thể tìm thấy những điểm này ở vị trí dưới đáy hộp sọ, ở chỗ trũng nằm ở hai bên cột sống. Bấm huyệt đồng thời cả hai bên bằng cách áp dụng một áp lực lên vị trí đó bằng ngón tay cái. Trong một hoặc hai phút, người bệnh sẽ cảm thấy giảm triệu chứng đau đầu.
3.4. Tập thở bằng mũi trái
Thở bằng mũi trái sâu sẽ giúp người bệnh hạ huyết áp bằng cách thư giãn mạch máu và giảm được hormone gây căng thẳng.
Cách thực hiện:
- Người bệnh ngồi ở trên mặt sàn hoặc trên ghế ở tư thế thoải mái, để lưng thẳng.
- Đặt bàn tay trái của người bệnh lên trên bụng.
- Bịt mũi phải bằng ngón tay cái của người bệnh.
- Hít một hơi thật sâu qua lỗ mũi trái của bạn, và nín thở trong vài giây, sau đó thở ra từ từ.
- Cuối cùng là hít thở chậm và sâu chỉ qua lỗ mũi trái trong khoảng thời gian từ 3 - 5 phút.
4. Điều trị đau đầu khi huyết áp cao như thế nào?
Để điều trị đau đầu do tăng huyết áp thì trước tiên người bệnh cần phải được điều trị nguyên nhân gây tăng huyết áp (nếu có vì 90% tăng huyết áp là không có nguyên nhân), đồng thời phải xử trí được tình trạng huyết áp tăng bằng những biện pháp phù hợp. Không nên cho người bệnh dùng các loại thuốc hạ huyết áp mạnh ngay từ đầu mà dùng những liều thuốc hạ huyết áp nhẹ, từ từ như thuốc ức chế men chuyển (Coversyl), thuốc ức chế thụ thể Angiotensin (Losartan) sau đó nếu không đỡ thì mới dùng những thuốc hạ áp mạnh hơn như thuốc chẹn kênh canxi, thuốc lợi tiểu (Lasix, Natrilix),... Và phối hợp với chế độ ăn ít muối, ăn nhạt, hạn chế chất mỡ, đường, các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê,...
Điều trị triệu chứng đau đầu trong trường hợp nhẹ thì người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi thư giãn cũng có thể giảm được triệu chứng đau đầu, nếu biện pháp này không có hiệu quả thì người bệnh có thể sử dụng nhóm thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, Meloxicam, Celecoxib,...
Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý rằng tất cả các thuốc kể trên đều có tác dụng phụ nên khi dùng cần phải có chỉ định và dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa uy tín.
Hy vọng những bài viết trên đây có thể cung cấp thông tin hữu ích cho bạn đọc về triệu chứng đau đầu do tăng huyết áp và cách xử trí tạm thời khi xuất hiện tình trạng này. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi tình trạng đau đầu tăng dần, không thuyên giảm, hoặc khi có ý định sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp để tránh gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.