Cách dùng thuốc điều trị bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ là bệnh lý về da liễu thuộc nhóm bệnh ngoài da do ký sinh trùng, côn trùng Dermatozoonotic gây nên. Việc sử dụng thuốc điều trị bệnh ghẻ có tác dụng điều trị bệnh và giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu cho người bệnh.

1. Bệnh ghẻ là bệnh gì?

Bệnh ghẻ ngứa là bệnh lý về da liễu nguyên nhân do một loại ký sinh trùng gọi là cái ghẻ – Scarcoptes scabiei hominis gây ra. Đây là một bệnh ngoài da nguyên nhân do lây nhiễm. Cái ghẻ có hình bầu dục, đường kính khoảng 1/4mm tương tự như con rùa 8 chân qua kính hiển vi.

Cái ghẻ thường hoạt động về đêm, xâm nhập vào lớp sừng của thượng bì, đào hầm (rãnh ghẻ) và đẻ trứng; trứng ghẻ nở thành ấu trùng sau thời gian từ 3 đến 4 ngày, phát triển thành con trưởng thành trong vòng từ 20 đến 24 ngày và tiếp tục gây đợt ngứa mới. Do đó, bệnh ghẻ thường tái phát theo chu kỳ khoảng 3 tuần.

2. Triệu chứng lâm sàng của bệnh ghẻ

Thời gian ủ bệnh trung bình kéo dài từ 10 đến 15 ngày, bệnh toàn phát với các triệu chứng sau:

2.1. Xuất hiện những tổn thư­ơng đặc hiệu ở vị trí đặc biệt:

  • Vị trí đặc biệt bao gồm lòng bàn tay, kẽ ngón tay, ngấn cổ tay, vùng quanh rốn, mông, 2 chân, đặc biệt nam giới hầu nh­ư 100% có tổn thư­ơng ở vị trí quy đầu và thân d­ương vật. Đối với phụ nữ còn bị ghẻ ở vùng ở núm vú. Đối với trẻ em còn bị ở gót chân, lòng bàn chân và ghẻ ít khi có tổn thương ở đầu mặt.
  • Tổn th­ương đặc hiệu của ghẻ là luống ghẻ và mụn n­ước hay còn gọi là mụn trai và đư­ờng hang. Đ­ường hang do cái ghẻ đào ở lớp sừng là đ­ường cong ngoằn ngoèo hình chữ chi, dài từ 2 đến 3 cm, gờ cao hơn mặt da, màu trắng đục hay trắng xám, không khớp với hằn da, ở đầu đ­ường hang có mụn nư­ớc từ 1 đến 2mm đ­ường kính, chính là nơi cư trú của cái ghẻ.

2.2. Tổn thương thứ phát

Những tổn thương này th­ường do ngứa gãi gây nên gồm: Vết xư­ớc gãi, vết trợt, sẩn, vẩy tiết, mụn nư­ớc, mụn mủ, chốc nhọt.., sẹo thâm màu, bạc màu. Những tổn thư­ơng thứ phát và biến chứng nhiễm khuẩn thư­ờng bị che lấp, làm lu mờ tổn thư­ơng đặc hiệu gây ra khó khăn trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

2.3. Ngứa

Ngứa là dấu hiệu thường gặp ở những người bị bệnh ghẻ, ngứa thường xảy ra nhiều nhất là về đêm, lúc đi ngủ do cái ghẻ di chuyển gây ra tình trạng kích thích đầu dây thần kinh cảm giác ở da và một phần do độc tố ghẻ cái tiết ra khi đào hang. Ngứa gãi gây ra tình trạng nhiễm khuẩn....

3. Cách điều trị bệnh ghẻ tại nhà

  • Ngay sau khi xuất hiện những dấu hiệu đặc trưng của bệnh ghẻ ngứa được nêu ở trên bạn nên đi khám bác sĩ sớm, phát hiện và điều trị bệnh ghẻ càng sớm bệnh sẽ chóng khỏi và ít lây lan.
  • Nhiều người thắc mắc cách điều trị bệnh ghẻ tại nhà thì câu trả lời đó là bạn tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc bôi như: Thuốc rầy, thuốc súng, thuốc DDT... rất nguy hiểm.
  • Đồng thời, bạn cũng không nên gãi ghẻ để vì dễ gây ra tình trạng tổn thương cho làn da. Tốt nhất bạn nên đến thăm khám bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt để có phương án kiểm soát bệnh kịp thời.
  • Tắm sạch, lau khô trước khi bôi hay xịt các loại thuốc do bác sĩ điều trị chỉ định tùy theo tình trạng bệnh lý của từng người. Thoa, xịt thuốc toàn thân, từ cổ đến chân, tốt nhất là vào thời điểm buổi tối trước khi đi ngủ. Bạn có thể thoa thuốc khoảng 2 – 3 lần mỗi ngày, liên tục trong thời gian kéo dài từ 10 đến 15 ngày.
  • Quần áo, màn, chiếu, chăn, ga, gối nên được giặt tẩy thật sạch, thường xuyên và phơi nắng cho thật khô, ủi nóng trước khi mặc... để diệt hết cái ghẻ và trứng, đề dự phòng nguy cơ tái nhiễm hoặc lây lan bệnh. Tránh sử dụng chung quần áo và các vật dụng cá nhân.
  • Phải để thuốc điều trị bệnh ghẻ tiếp xúc với da đủ thời gian. Đa số các thuốc được yêu cầu phải để tiếp xúc trên da 24 giờ đối với người lớn, 12 giờ đối với trẻ em và phụ nữ mang thai; sau đó, tắm rửa lại sạch sẽ lại bằng xà phòng.
  • Bệnh ghẻ có thể tái phát từng đợt theo chu kỳ 3 tuần do trứng còn sống sót và phát triển thành cái ghẻ trưởng thành và yêu cầu bắt buộc là điều trị lại theo đúng phương pháp.
  • Phải điều trị hay sử dụng đồng thời thuốc điều trị bệnh ghẻ cho tất cả mọi người cùng bị ngứa đang sinh hoạt, chung sống trong gia đình, lớp học, ký túc xá... hạn chế tối đa tình trạng tái lây nhiễm lẫn nhau.

4. Các thuốc điều trị bệnh ghẻ ngứa

  • Hiện nay, thuốc điều trị bệnh ghẻ ngứa thông dụng nhất là sử dụng permethrin 5% dạng xịt hoặc dạng cream. Ngoài ra còn có các loại khác như dung dịch DEP (diethylphtalat), cream lưu huỳnh 5-10%, hoặc đường dùng toàn thân bằng viên uống ivermectin.
  • Liều dùng thuốc thì còn tùy mức độ và phạm vi tổn thương da cũng như độ tuổi và khả năng đáp ứng thuốc điều trị bệnh ghẻ ngứa của từng người cụ thể. Do đó, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để sử dụng thuốc hợp lý và hiệu quả nhất.
  • Thuốc điều trị bệnh ghẻ ngứa DEP (Diethylphtalat): DEP là thuốc phổ biến được sử dụng để điều trị ghẻ hoặc tổn thương da. Cách sử dụng thuốc là ngay sau khi vệ sinh tay và vùng da bị tổn thương sạch sẽ sau đó lau khô nhẹ nhàng và lấy một lượng thuốc vừa đủ, thoa đều, nhẹ nhàng lên vùng da cần điều trị, với tần suất người lớn ngày từ 1 đến 2 lần.
  • Thuốc điều trị bệnh ghẻ ngứa có chứa thành phần Permethrin với nồng độ 5%: Đây là thuốc khá an toàn khi dùng điều trị bôi ngoài da. Tuy nhiên, thuốc cần được sử dụng đúng cách để đạt được kết quả điều trị tốt và hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Tuy nhiên, để đảm bảo việc sử dụng thuốc đúng cách, nên bôi thuốc theo hướng dẫn sau đây:
    • Vệ sinh sạch sẽ và lau khô tay cùng vùng da cần điều trị trước khi bôi thuốc điều trị bệnh ghẻ ngứa.
    • Lấy một lượng thuốc bôi vừa đủ trên đầu ngón tay.
    • Thoa một lớp mỏng nhẹ lên trên vùng da cần phải điều trị.
    • Không lạm dụng hay thoa thuốc với một lượng quá dày hay quá lớn.
    • Rửa tay sạch sẽ với xà phòng kháng khuẩn sau khi tiếp xúc với thuốc.
  • Thuốc mỡ có chứa thành phần Corticoid: Ngứa có thể được điều trị bằng thuốc mỡ corticosteroid và/hoặc thuốc kháng Histamin uống. Nhiễm trùng thứ phát nên được xem xét đối với những người có thương tổn ướt, vảy tiết vàng và được điều trị bằng kháng sinh toàn thân hoặc tại chỗ có công dụng trong kháng tụ cầu vàng và liên cầu.
  • Lưu huỳnh: được xem là một thuốc điều trị bệnh ghẻ ngứa. Lưu huỳnh dạng mỡ, trước khi sử dụng thuốc nên tắm rửa toàn thân sạch sẽ với xà phòng trước. Sau đó sử dụng thuốc lưu huỳnh dạng mỡ bôi lên. Trước khi đi ngủ bôi thuốc lại lên toàn thân một lần nữa. Sau thời gian 24 giờ bôi thuốc thì cần tắm lại cẩn thận để làm sạch lượng thuốc đã bôi trước đó trước khi bôi lần thuốc mới. Khi sử dụng thuốc cần hạn chế nguy cơ để thuốc dính vào mắt. Nếu không may để thuốc rơi vào mắt cần làm sạch lại nhẹ nhàng với nhiều nước sạch. Nếu vẫn còn các dấu hiệu triệu chứng bất thường ở mắt thì cần đi khám chuyên khoa Mắt.
  • Thuốc Ivermectin: Là thuốc đường uống được chỉ định để điều trị bệnh ghẻ, thuốc này được chỉ định khi các biện pháp điều trị tại chỗ trước đó không đáp ứng hay không thành công hoặc với những người có chống điều trị tại chỗ. Bạn chỉ được chỉ định điều trị với thuốc Ivermectin khi chắc chắn bệnh ghẻ trên lâm sàng hoặc đã được kiểm tra chắc chắn có ký sinh trùng trên da. Thuốc chỉ được sử dụng sau khi đã được bác sĩ da liễu chỉ định và cân nhắc dùng thuốc. Trong quá trình điều trị với thuốc Ivermectin có thể gây ra một số tác dụng phụ, tuy đa số là không nghiêm trọng và không kéo dài.

5. Một số lưu ý trong sử dụng thuốc điều trị bệnh ghẻ

  • Không sử dụng thuốc điều trị bệnh ghẻ ngứa cho người mẫn cảm và dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc.
  • Không dùng thuốc khi vùng da cần điều trị có dấu hiệu bị nhiễm trùng hay bị chảy dịch.
  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với các thuốc điều trị bệnh ghẻ ngứa.
  • Không tự ý băng lại hoặc che phủ vùng da bôi thuốc, trừ khi có chỉ định điều trị từ các bác sĩ chuyên khoa.
  • Tránh để thuốc điều trị bệnh ghẻ ngứa tiếp xúc với vùng da lành hoặc da của người khác.
  • Không thoa thuốc điều trị bệnh ghẻ ngứa nhiều lần hơn hướng dẫn sử dụng trên toa thuốc hoặc chỉ định của bác sĩ.
  • Không sử dụng thuốc lên vùng niêm mạc và các vùng da có vị trí gần mắt.
  • Không thoa thuốc ở diện tích rộng và sử dụng thuốc trong thời gian kéo dài hơn hướng dẫn khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Da liễu.
  • Các tác dụng phụ của các thuốc điều trị bệnh ghẻ ngứa là: gây kích ứng da, đỏ rát kèm theo ngứa da,... Đây chỉ là tác dụng phụ thông thường. Cần ngừng sử dụng thuốc khi có các dấu hiệu nhạy cảm hoặc mẫn cảm, tình trạng bệnh không đỡ mà có xu hướng xấu đi...

Bệnh ghẻ là một trong các bệnh lý về da liễu thường gặp đòi hỏi cần nắm vững tiêu chuẩn chẩn đoán và cần nắm vững ph­ương pháp điều trị và phòng ngừa.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe