Gù lưng là tình trạng vùng lưng trên đoạn lồng ngực của cột sống bị cong. Trong những trường hợp đường cong cực hạn, cột sống của trẻ sẽ trông giống như một cái lưng gù. Một số ít trường hợp trẻ bị gù lưng có thể do cha mẹ truyền lại. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ gù lưng là do tư thế xấu hay các rối loạn gây ra hình dạng, kích thước bất thường hoặc mất xương trên các đốt sống, làm cho cha mẹ lo lắng lưng gù phải làm sao.
1. Gù lưng ở trẻ em là gì?
Gù lưng ở trẻ em là tình trạng cột sống thành một đường cong bất thường về phía trước ở phần trên lồng ngực. Trẻ em mắc chứng gù lưng bẩm sinh có ngoại hình tròn trịa trong khi một số trẻ em gù lưng phát triển ở lứa tuổi vị thành niên.
Đường cong từ trước ra sau ở một mức độ nào đó trên cột sống là bình thường và khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cột sống của trẻ cong về phía trước từ 50 độ trở lên, nhất là trông như khối gù khi nhìn nghiêng lúc trẻ đứng hay ngồi, trẻ nên được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa.
Nguyên nhân gây ra chứng gù lưng ở trẻ có thể rất khác nhau. Nếu do chứng gù lưng Scheuermann, tình trạng này sẽ có khuynh hướng di truyền trong gia đình. Các dạng gù lưng ở trẻ em khác có thể do các tình trạng thần kinh cơ như bại não hoặc nứt đốt sống gây ra. Nhiễm trùng cột sống và các khối u có thể làm suy yếu các đốt sống, khiến cột sống bị xẹp về phía trước. Hơn nữa, các phương pháp điều trị khối u cột sống, bao gồm hóa trị, xạ trị và phẫu thuật, cũng có thể dẫn đến chứng gù lưng.
Ngoài ra, các yếu tố làm tăng nguy cơ gây gù lưng ở trẻ bao gồm:
- Tư thế kém, cột sống chùng xuống khi ngồi
- Tiền sử gia đình có vấn đề về cột sống
- Tình trạng thần kinh cơ, như tật nứt đốt sống, bại não, khiếm khuyết về sinh xương và chứng loạn dưỡng cơ
- Điều kiện trao đổi chất, chẳng hạn như bệnh tiểu đường
- Chấn thương dẫn đến gãy cột sống mà không được điều trị hoặc chữa lành kém
- Nhiễm trùng cột sống như viêm tủy xương
- Khối u cột sống, ung thư hoặc lành tính
2. Các triệu chứng gù lưng ở trẻ là gì?
Một số triệu chứng gù lưng có thể nhìn thấy bằng mắt thường trong khi các triệu chứng khác không nhìn thấy được nhưng có thể khiến trẻ bị chứng gù lưng cảm nhận những khó chịu mơ hồ.
Các triệu chứng gù lưng ở trẻ có thể nhìn thấy bao gồm:
- Khối bướu có thể nhìn thấy, thường ở lưng trên
- Lưng trên xuất hiện cao hơn bình thường khi uốn cong về phía trước
- Đầu luôn luôn hoặc hầu như luôn luôn cúi về phía trước
- Hai vai trông tròn quá mức
- Có sự khác biệt về chiều cao hoặc vị trí của vai hoặc bả vai
- Một số trẻ em bị gù lưng nặng có thể cảm thấy đau lưng và cứng lưng, khó thở hay căng cơ ở mặt sau của đùi khi trẻ chạy nhảy.
3. Làm sao để chẩn đoán gù lưng ở trẻ?
Hầu hết các trường hợp trẻ em mắc chứng gù lưng được phát hiện bởi cha mẹ, bác sĩ nhi khoa hoặc trong quá trình kiểm tra thể chất ở trường. Phát hiện sớm và theo dõi là rất quan trọng để điều trị thành công. Nếu trẻ bị gù lưng, dù đã được xác nhận hay nghi ngờ, trẻ nên được khám bởi bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình càng sớm càng tốt. Bác sĩ chỉnh hình sẽ hỏi về tiền sử bệnh tật và gia đình của trẻ, thực hiện khám và đo đường cong cột sống. Tuy nhiên, quan trọng nhất là trẻ cần làm các xét nghiệm chẩn đoán để xác định bản chất và mức độ của gù lưng của trẻ.
Xét nghiệm chẩn đoán đầu tiên cho chứng gù lưng là chụp X-quang để đo và đánh giá mức độ cong vẹo cột sống. Phép đo này sẽ giúp xác định phương pháp điều trị mà trẻ cần để kiểm soát hoặc điều chỉnh cột sống.
Ngoài ra, các công cụ hình ảnh dùng để kiểm tra chẩn đoán khác có thể cần là chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ giúp tạo ra hình ảnh chi tiết hơn có thể giúp xác định hoặc loại trừ các bất thường về tủy sống và dây thần kinh, xạ hình xương dùng thuốc nhuộm để xác định bệnh xương và khối u. Hơn nữa, các xét nghiệm máu đôi khi được sử dụng để tìm kiếm các tình trạng chuyển hóa liên quan nhưng chúng không phải là một phần tiêu chuẩn để chẩn đoán chứng lưng gù ở trẻ. Các xét nghiệm chức năng phổi có thể được sử dụng để kiểm tra chức năng phổi của trẻ nếu nhịp thở bị ảnh hưởng nhưng đây cũng không phải là một phần tiêu chuẩn để chẩn đoán.
4. Cách điều trị gù lưng ở trẻ em
Cách điều trị gù lưng ở trẻ em tùy thuộc vào mức độ phức tạp và mức độ nghiêm trọng, cũng như độ tuổi và giai đoạn phát triển thể chất của trẻ.
Các mục tiêu của điều trị gù lưng ở trẻ em là:
- Để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh khi trẻ em vẫn đang phát triển
- Để ngăn ngừa cột sống biến dạng thêm
- Để điều chỉnh biến dạng cột sống ở thanh thiếu niên và thanh niên đã đạt đến chiều cao đầy đủ
Trong đa số các trẻ mắc chứng gù lưng do tư thế và Scheuermann sẽ không cần điều trị tích cực. Cách điều trị gù lưng ở trẻ em trong các trường hợp này thường là kiểm tra, quan sát và theo dõi, vật lý trị liệu hay có thể mang nẹp.
Theo dõi
Ngay cả khi trẻ được chẩn đoán mắc chứng gù lưng, cột sống trẻ có thể không cong thêm nữa. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong thời kỳ phát triển nhanh chóng. Khi trẻ lớn lên, trẻ cần được theo dõi thông qua việc thăm khám thường xuyên với bác sĩ chỉnh hình. Nguy cơ phát triển khối gù nghiêm trọng sẽ chậm lại và cuối cùng chấm dứt sau tuổi dậy thì.
Vật lý trị liệu
Các nhà vật lý trị liệu cung cấp các chế độ tập luyện và liệu pháp để giải quyết tình trạng mất cân bằng cơ liên quan đến chứng gù lưng ở trẻ em. Các bài tập có thể giúp tăng cường sức mạnh cốt lõi, lưng trên, vai và bả vai của trẻ.
Tái định hình
Nếu trẻ bị chứng gù cột sống mức độ trung bình hoặc nặng và đang ở giai đoạn tăng trưởng sớm, bác sĩ có thể chỉ định dùng đai chống gù lưng trẻ em. Một số yếu tố sẽ xác định loại đai chống gù lưng trẻ em hiệu quả nhất và khoảng thời gian trẻ nên đeo là mức độ nghiêm trọng của đường cong cột sống và giai đoạn phát triển của trẻ. Đai chống gù lưng trẻ em sẽ nẹp giữ cột sống của trẻ ở vị trí thẳng đứng hơn trong khi chúng lớn lên. Điều này có thể điều chỉnh một phần đường cong và ngăn khối gù tăng nặng lên.
Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật hợp nhất cột sống là quy trình phẫu thuật phổ biến nhất để nắn lưng gù trong điều trị các trường hợp trẻ bị gù lưng nặng. Bác sĩ phẫu thuật sẽ ổn định phần cong của cột sống bằng thiết bị đo đạc (thanh kim loại và vít) và đặt các mảnh ghép xương giữa các đốt sống bị tổn thương. Điều này kích thích sự phát triển xương mới để các đốt sống hợp nhất thành xương vững chắc.
Các trường hợp có thể cần phẫu thuật nắn lưng gù khi:
- Đường cong cột sống từ 75 độ trở lên
- Không thể làm chậm hoặc ngăn chặn gù lưng tiến triển bằng cách dùng đai chống gù lưng trẻ em
- Mắc chứng gù lưng bẩm sinh liên quan đến dị dạng xương (có thể cần phẫu thuật khi còn nhỏ) hay là do nhiễm trùng hoặc khối u
5. Các biến chứng gù lưng có thể xảy ra là gì?
Nhiều trẻ em mắc chứng gù lưng không có biến chứng nếu mức độ nhẹ. Đối với những trẻ khác, tình trạng này sẽ tiến triển và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Nếu tiến triển, độ cong của cột sống về phía trước có thể khiến trẻ đau đớn và cản trở chức năng phổi. Trong một số ít trường hợp, lưng gù cũng có thể cản trở việc ăn uống của trẻ, khiến trẻ khó nuốt và có thể gây trào ngược axit dạ dày thực quản.
Khi được điều trị thành công, cột sống được điều chỉnh và trẻ em sẽ tiếp tục có cuộc sống năng động, không bị giới hạn. Nếu trẻ cần phẫu thuật nắn lưng gù, trẻ có thể đi lại trong vài ngày và trở về nhà sau khoảng một tuần. Sau đó, trẻ có thể trở lại trường học sau một tháng và tiếp tục hầu hết các hoạt động thể lực theo tuổi trong vòng ba đến bốn tháng. Toàn bộ quá trình hồi phục hoàn toàn mất khoảng một năm.
Tóm lại, nếu trẻ bị gù lưng, thay vì lo lắng lưng gù phải làm sao, điều quan trọng là cha mẹ cần phải đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ. Bác sĩ chuyên khoa cột sống có thể theo dõi độ cong của cột sống và chỉ định sớm việc đeo đai chống gù lưng trẻ em hay can thiệp nắn lưng gù cho trẻ. Mặc dù tình trạng gù lưng đơn thuần không gây ảnh hưởng gì đến tính mạng của trẻ, nếu đang tiến triển, các hoạt động thể chất và tầm vóc của trẻ chắc chắn sẽ bị hạn chế nặng nề trong tương lai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.