Cong vẹo cột sống ở trẻ là tình trạng cột sống của trẻ bị cong vẹo bất thường về một phía, thân đốt sống cũng bị vẹo. Vẹo cột sống dẫn đến các biến dạng về mặt giải phẫu, ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tuần hoàn, quá trình vận động và phát triển vóc dáng của trẻ. Do đó, càng điều trị sớm và kịp thời thì khả năng phục hồi chức năng cho trẻ càng cao.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Cong vẹo cột sống là gì?
Cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống cong vẹo so với trục cơ thể, có thể hướng lên trên trục cơ thể, thân đốt sống bị vẹo theo trục mặt phẳng ngang. Cong vẹo cột sống có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc đi kèm với các dị dạng xương khác như gù ngực hay ưỡn thắt lưng.
Cong vẹo cột sống ở trẻ có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng như:
- Khả năng vận động: Do cột sống bị cong vẹo, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc cúi lưng, nghiêng người. Khi đi lại, trẻ có thể bị lệch người và mất cân bằng.
- Hô hấp: Trẻ bị cong vẹo cột sống nặng có thể gặp khó khăn khi thở.
- Tâm lý: Cả trẻ em và người lớn mắc chứng vẹo cột sống thường có tâm lý tự ti do vóc dáng lệch, mất cân đối, ảnh hưởng đến khả năng vận động, tập luyện thể thao và thậm chí là cơ hội việc làm. Đặc biệt, đối với người trưởng thành, việc tìm kiếm công việc có thể trở nên khó khăn hơn.
2. Nguyên nhân cong vẹo cột sống ở trẻ
Nguyên nhân bẩm sinh: Dị tật nửa thân đốt sống bẩm sinh, xẹp đốt sống và cứng đa khớp bẩm sinh.
Nguyên nhân sau sinh:
- Biến dạng xương sống: do chấn thương.
- Bệnh cơ, bao gồm nhược cơ, thoái hóa cơ tủy, loạn dưỡng cơ Duchenne.
- Hệ thần kinh: u xơ thần kinh, bại, liệt não, tủy sống, viêm đa rễ thần kinh,...
Nguyên nhân khác:
- Ngồi sai tư thế dẫn đến vẹo cột sống.
- Chiều dài hai chân không bằng nhau (bẩm sinh). Khi di chuyển, việc đi lại 2 chân không đều có thể làm vẹo cột sống.
3. Dấu hiệu trẻ bị cong vẹo cột sống
- Một bên mỏm vai nhô cao hơn.
- Hai bên xương bả vai không cân đối.
- Thân bị nghiêng sang một bên khi đứng.
- Cột sống cong vẹo.
- Xuất hiện 1 khối gồ lên ở lưng (rõ nhất khi cúi người).
- Cột sống ưỡn ra trước hoặc gù ra phía sau.
- Khung chậu lệch một bên.
- Khớp háng một bên cao hơn.
- Ngấn mông một bên cao hơn.
- Khi nằm gập gối, khớp gối không cân đối.
- Một chân có thể ngắn hơn.
- Có thể bị liệt một số cơ, chi, hoặc dị tật khác.
Chụp X-quang cột sống thẳng và nghiêng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng để đánh giá độ cong vẹo cột sống, tuổi xương và phát hiện các dị tật bẩm sinh ở vùng cột sống, từ đó bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho trẻ.
4. Bài tập phục hồi chức năng cho trẻ bị vẹo cột sống
Nguyên tắc điều trị:
- Can thiệp sớm: Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ bằng các phương pháp điều trị phù hợp.
- Theo dõi định kỳ: Tái khám và chụp X-quang thường xuyên giúp bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân.
Kỹ thuật can thiệp:
- Mức độ nhẹ (góc Cobb dưới 20 độ): Tập các bài tập về cột sống và tái khám định kỳ 6 tháng/lần.
- Mức độ trung bình (góc Cobb từ 20 đến 45 độ): Nẹp cột sống, tập các bài tập về cột sống và tái khám định kỳ 6 tháng/lần.
- Mức độ nặng (góc Cobb trên 45 độ, bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu nhanh): Trẻ cần được thực hiện phẫu thuật chỉnh hình cột sống.
Việc đánh giá góc Cobb và lựa chọn kỹ thuật can thiệp phù hợp cho tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa thần kinh-cột sống hoặc phục hồi chức năng. Bên cạnh việc điều trị chuyên môn, các bài tập vận động trị liệu cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng cho trẻ ở mọi lứa tuổi và có mức độ bệnh khác nhau.
4.1 Bài tập kéo dãn cơ bên lõm của đường cong thắt lưng
Mục đích: Kéo giãn các nhóm cơ phía lõm ở vị trí đường cong thắt lưng.
Tư thế: Để trẻ nằm úp.
Cách thực hiện:
- Bám tay bên vai thấp hơn vào thành giường. Người hỗ trợ dùng một tay nâng hai chân của trẻ lên, tay còn lại đỡ phần eo. Nhẹ nhàng quay phần hông của trẻ sang phía đối diện với bên lõm của cột sống thắt lưng. Thực hiện liên tục 10 lần mỗi bên.
- Bám tay bên vai thấp hơn vào thành giường, dùng lực để nâng người lên, đồng thời tay còn lại kéo người về phía chân. Giữ nguyên tư thế trong vòng vài giây. Thực hiện liên tục động tác 10 lần.
4.2 Bài tập tăng sự vận động cột sống lưng
Mục đích: Tăng tầm vận động gập cột sống lưng và kéo giãn nhóm cơ duỗi lưng.
Tư thế:
- Tư thế ngồi, duỗi hai chân thẳng về phía trước, áp sát vào nhau.
- Duỗi hai tay về phía trước.
Cách thực hiện:
- Cúi người gập lưng, đưa hai tay vươn về phía trước cho đến khi tay chạm các ngón chân.
- Giữ nguyên tư thế trong vài giây.
- Lặp lại động tác 10 lần.
4.3 Bài tập điều chỉnh cong vẹo cột sống
4.3.1 Bài tập 1
Mục đích: Giúp kéo dãn các cơ bên lõm của đường cong cột sống, tăng cường độ mềm dẻo cho cột sống.
Tư thế: Cho trẻ ngồi trên ghế.
Cách thực hiện:
- Giơ cao tay bên vai bị thấp hơn, tay còn lại bám vào mép ghế. Giữ nguyên tư thế này trong vài giây. Thực hiện động tác này liên tục 10 lần.
- Đặt đồ vật ở vị trí đối diện với phần lõm của đường cong cột sống. Khuyến khích trẻ xoay người để lấy đồ vật.
4.3.2 Bài tập 2
Mục đích: Bài tập này giúp tăng cường độ mềm dẻo của cột sống.
Tư thế: Bò, dùng cả 2 tay và 2 chân.
Cách thực hiện:
- Đưa tay bên lõm của đường cong về phía trước, đồng thời bước chân bên đối diện lên theo sau.
- Lặp lại động tác 10 lần cho mỗi bên.
4.3.3 Bài tập 3
Mục đích: Tăng cường sự mềm dẻo của cột sống và kéo giãn cơ ở bên lõm đường cong.
Tư thế: Đứng thẳng người.
Cách thực hiện:
- Dùng tay bên vai thấp bám vào xà ngang, sau đó dùng lực kéo người lên, đồng thời hạ vai bên đối diện xuống.
- Giữ nguyên tư thế trong vài giây.
- Lặp lại động tác 10 lần.
4.4 Bài tập thở sâu
Mục đích: Cải thiện dung tích phổi cho trẻ, giãn nở lồng ngực.
Tư thế: Nửa nằm - nửa ngồi, lưng dựa vào tường, hai chân duỗi thẳng và đặt hai tay dưới cơ hoành.
Cách thực hiện:
- Nhẹ nhàng hướng dẫn trẻ hít vào sâu và thở ra.
- Thực hiện động tác hít thở liên tục 10 lần.
Ngoài những bài tập trên, cha mẹ cũng có thể cho trẻ đi tập bơi và tăng cường việc tập thể dục, thể thao ở trẻ.
5. Cách điều trị cong vẹo cột sống ở trẻ
5.1 Điều trị nội khoa
- Với trường hợp độ cong cột sống nhỏ hơn 20 độ hoặc trẻ đang ở độ tuổi trưởng thành, bác sĩ thường khuyến nghị theo dõi định kỳ để kiểm soát tình trạng và đảm bảo cột sống không cong vẹo thêm. Cụ thể, trẻ cần kiểm tra sức khỏe mỗi 6-12 tháng kết hợp chụp X-quang cho đến khi có thể kiểm soát được tình trạng cong vẹo.
- Ngoài ra, một biện pháp cũng thường được áp dụng khác là dùng nẹp. Nẹp giúp nắn chỉnh đường cong cột sống và ngăn chặn tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ phát triển thêm.
- Áo nẹp cột sống được sử dụng để điều trị cho tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ với mức độ trung bình. Đối tượng sử dụng là bé trai dưới 18 tuổi và bé gái dưới 17 tuổi.
- Với trường hợp vẹo cột sống nặng, việc sử dụng áo nẹp cũng có thể được cân nhắc.
- Cần khám định kỳ 6 tháng/lần và chụp X-quang để theo dõi tình trạng.
- Người trưởng thành từ 22 đến 25 tuổi bị cong vẹo cột sống không nên sử dụng áo nẹp cột sống để điều trị.
5.2 Điều trị ngoại khoa bằng phương pháp phẫu thuật chỉnh hình
Mục đích: Điều chỉnh sự cong vẹo của cột sống ở những trường hợp nghiêm trọng.
Đối tượng:
- Bé trai trên 18 tuổi và bé gái trên 17 tuổi.
- Cong vẹo cột sống ở mức độ nặng.
- Phương pháp mặc áo nẹp cột sống không mang lại hiệu quả đối với trẻ.
Theo dõi sau phẫu thuật:
- Khám định kỳ 6 tháng/lần.
- Chụp X-quang để kiểm tra tình trạng cột sống của trẻ.
Cong vẹo cột sống ở trẻ là một tình trạng khá phổ biến. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm soát được tình trạng này nếu như phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.