Điều trị trượt đốt sống thắt lưng là một quá trình quan trọng nhằm giảm đau và cải thiện chức năng vận động cho người bệnh. Các phương pháp điều trị bao gồm từ thay đổi lối sống, vật lý trị liệu, cho đến các phương pháp điều trị bằng thuốc. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, phẫu thuật trượt đốt sống lưng có thể được bác sĩ chỉ định để cố định và điều chỉnh lại vị trí của các đốt sống.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Trượt đốt sống thắt lưng là gì?
Trượt đốt sống thắt lưng là một bệnh lý phổ biến của cột sống, trong đó một đốt sống bị trượt ra trước hoặc ra sau so với đốt sống nằm bên dưới. Tình trạng này gây ra cơn đau vùng thắt lưng, có thể lan xuống một hoặc cả hai chân, khiến người bệnh gặp khó khăn khi di chuyển và đứng.
Trượt đốt sống lưng được chia thành 5 mức độ, xác định qua tỷ lệ trượt đốt sông được tính trên hình ảnh X-quang như sau:
- Độ 1: Đốt sống trượt 0-25%.
- Độ 2: Đốt sống trượt 26-50%.
- Độ 3: Đốt sống trượt 51-75%.
- Độ 4: Đốt sống trượt 76-100%.
- Độ 5: Đốt sống trượt hoàn toàn, đốt trên tách rời hoàn toàn khỏi đốt sống dưới.
Các nguyên nhân chính gây ra trượt đốt sống thắt lưng bao gồm thoái hóa cột sống, chấn thương, khuyết eo đốt sống và loạn sản xương.

2. Triệu chứng
Các triệu chứng phổ biến của trượt đốt sống lưng bao gồm:
- Giai đoạn đầu: Người bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, chỉ có cảm giác đau nhẹ thoáng qua ở vùng thắt lưng.
- Giai đoạn đau thắt lưng: Xuất hiện cơn đau lưng nhiều hơn, đặc biệt khi vận động như đi lại, đứng lâu hoặc cúi ngửa cột sống. Đau có thể lan xuống mông, đùi, cẳng chân, đôi khi đến bàn chân và kèm theo cảm giác tê. Cơn đau tăng khi hắt hơi, ho và giảm khi nghỉ ngơi. Người bệnh gặp khó khăn khi thay đổi tư thế, như từ ngồi sang đứng và có thể cảm nhận trượt đốt sống lưng khi cúi hoặc ngửa người.
- Giai đoạn nặng: Người bệnh có những thay đổi rõ rệt trong dáng đi và tư thế, với tình trạng co cứng cơ thắt lưng, căng cơ mặt trong đùi, lưng cong về phía trước khi di chuyển, thậm chí là vẹo cột sống sang một bên.

3. Trượt đốt sống lưng có nguy hiểm không?
Nếu tình trạng này không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ cao mắc phải hội chứng chùm đuôi ngựa. Đây là một biến chứng khi các rễ thần kinh của chùm đuôi ngựa bị chèn ép, gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và cảm giác của hai chân, cũng như chức năng của bàng quang và trực tràng.
Khi hội chứng này tiến triển nặng, có thể dẫn đến tình trạng mất kiểm soát tiểu tiện, đại tiện và thậm chí là tê liệt vĩnh viễn ở hai chân. Thường thì người bệnh phải nhập viện cấp cứu khi biến chứng này xảy ra.
4. Phẫu thuật trượt đốt sống lưng
Tùy theo mức độ trượt đốt sống thắt lưng và mức độ đau của người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Có hai phương pháp điều trị trượt đốt sống thắt lưng chính bao gồm:
- Điều trị bảo tồn: Phương pháp này bao gồm sử dụng thuốc giảm đau, phục hồi chức năng và dụng cụ hỗ trợ. Các phương pháp như châm cứu và thay đổi các thói quen xấu, tư thế không đúng trong sinh hoạt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển.
- Điều trị phẫu thuật: Phẫu thuật trượt đốt sống lưng được áp dụng khi tình trạng trượt đốt sống đã ở mức nặng, gây mất vững cho cột sống hoặc khi điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả.
Phẫu thuật trượt đốt sống lưng được áp dụng cho các trường hợp nghiêm trọng, khi tình trạng bệnh đe dọa đến khả năng vận động của người bệnh. Phương pháp này có thể bao gồm thay thế đốt sống hoặc điều chỉnh lại vị trí để khôi phục sự cân bằng và ổn định của cột sống. Với phương pháp phẫu thuật trượt đốt sống lưng người bệnh có thể khôi phục khả năng vận động bình thường và cải thiện chất lượng cuộc sống.

5. Các biện pháp phòng ngừa
Bên cạnh các phương pháp điều trị trượt đốt sống thắt lưng, việc phòng ngừa bệnh cũng được nhiều người quan tâm. Để giảm nguy cơ trượt đốt sống, mọi người có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Tập thể dục thường xuyên: Tăng cường sức mạnh và độ linh hoạt cho cơ lưng và cơ bụng sẽ hỗ trợ cột sống tốt hơn.
- Kiểm soát cân nặng: Tránh thừa cân, béo phì vì tình trạng này gây thêm áp lực lên lưng.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết để xương luôn chắc khỏe.

Tóm lại, khi có các triệu chứng nghi ngờ trượt đốt sống thắt lưng, người bệnh nên đến cơ sở y tế để khám và chẩn đoán chính xác. Việc trao đổi với bác sĩ giúp xác định phương pháp điều trị trượt đốt sống thắt lưng phù hợp. Trường hợp trượt đốt sống nhẹ không gây nguy hiểm ngay, nhưng cần điều trị sớm để tránh bệnh tiến triển nặng hơn và gây biến chứng trong tương lai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.